250 quả Tomahawk vây quanh Triều Tiên:
Thiên Nam
Đất Việt - Giới phân tích đang lo ngại việc biên đội tàu sân bay Mỹ CVN-70 USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên có thể kích hoạt nguy cơ xung đột.
Biên đội tàu sân bay Mỹ mang 250 quả Tomahawk áp sát Triều Tiên
Vừa qua, người đứng đầu các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã huỷ bỏ kế hoạch thăm viếng cảng ở Australia của nhóm tàu sân bay CVN-70 USS Carl Vinson và chuyển hướng nhóm tấn công của nó về vùng biển bán đảo Triều Tiên khi Mỹ cân nhắc một loạt các lựa chọn hạn chế “để đối phó với sự gia tăng các hành động nguy hiểm của Triều Tiên”.
Trong một thông báo vào buổi chiều ngày 8/4, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch cũ và tái bố trí hàng không mẫu hạm CVN-70 USS Carl Vinson. Việc hải quân Mỹ thông báo trước các kế hoạch hoạt động là rất hiếm và thường được thực hiện để gửi tới ai đó một thông điệp rõ ràng.
Theo đó, Đô đốc Harry Harris Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã chỉ đạo biên đội tàu sân bay Carl Vinson Strike khởi hành ngược lên phía bắc và gửi các báo cáo về trạm chỉ huy ở Tây Thái Bình Dương, sau khi rời Singapore ngày 8 tháng 4.
Thông báo này không đề cập cụ thể đến Triều Tiên, nhưng hai quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ Sunday Times rằng kế hoạch này nhằm gửi một thông điệp đến Triều Tiên và các nước đồng minh đang ngày càng lo lắng là Nhật Bản và Hàn Quốc rằng, Mỹ đã sẵn sàng đến bảo vệ họ.
Từ khi cầm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phóng tới nửa tá tên lửa kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã có thể tấn công nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do đó, các vụ phóng tên lửa này được xem như một hành động khiêu khích và là một bài kiểm tra đối với chính quyền mới của ông Trump.
Mối đe dọa ngày càng tăng này đã thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense), bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và lo ngại của dân chúng Hàn Quốc. Và tiếp theo là việc điều biên đội tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên.
Biên đội tàu sân bay Carl Vinson bao gồm tàu sân bay lớp Nimitz, USS Carl Vinson (CVN 70), phi đội bay CVW-2 (Carrier Air Wing 2), các tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke DDG-108 USS Wayne E. Meyer và DDG-112 USS Michael Murphy, cùng với tuần dương hạm lớp Ticonderoga CG-57 USS Lake Champlain.
USS Carl Vinson mang theo một đội máy bay chiến đấu khổng lồ đến Hàn Quốc. Phi đội CVW-2 của tàu sân bay siêu trọng này mang tới hơn 80 máy bay, bao gồm tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là 2 tàu khu trục Mỹ có thể mang tới 128 quả tên lửa hành trình Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga còn có tới 122 quả tên lửa Tomahawk. Ngoài ra, rất có thể một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng của Mỹ có thể mang vài chục tên lửa cũng đang lặng lẽ bám theo biên đội tàu sân bay này.
Triều Tiên chắc chắn là rất bất an khi ít nhất là 250 quả tên lửa hành trình đang chĩa vào mình, sau khi cả thế giới đang sốc trước vụ tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Saayrat của Syria. Trong bối cảnh đó, không ai dám chắc Bình Nhưỡng sẽ đưa ra hành động đáp trả như thế nào.
Liệu Mỹ hành xử với Triều Tiên như với Syria?
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nhiều lần tuyên bố Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trên thế giới và Hoa Kỳ sẽ tập trung ngăn chặn việc Bình Nhưỡng có thể phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, các cuộc thử nghiệm cho thấy Triều Tiên đang tiến gần tới mục tiêu sản xuất một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm phóng vươn tới Hoa Kỳ và họ đang nỗ lực sản xuất nhiên liệu tên lửa thể rắn, cho phép khởi động tấn công trong thời gian rất ngắn.
Sau vụ Mỹ tấn công Syria vừa qua, chính quyền Kim Jong-un đã kịch liệt lên án hành động của Washington và tuyên bố rằng, sự kiện Syria đã cho thấy quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân của nước này là quyết định đúng đắn, để bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lăng.
Mỹ coi đây là một tình huống không thể chấp nhận. Chính quyền của Trump đã dự kiến khả năng tiến hành các cuộc tấn công, nhưng Trung Quốc đang thúc đẩy Mỹ tham gia vào quá trình ngoại giao trực tiếp với chính phủ Kim Jong-un để cố gắng ngăn chặn nguy cơ xung đột quân sự.
Báo giới Mỹ cho biết, một số quan chức của Hải quân Hoa Kỳ trong những tuần gần đây cho biết, Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã tăng cường kế hoạch cho các cuộc tấn công quân sự ở vào Bắc bán đảo Triều Tiên như là một lựa chọn tiềm năng.
Các chuyên gia cho rằng, sau cuộc tấn công tại Syria, việc di chuyển một biên đội tàu sân bay ra vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên là một hành động thông minh, cho phép Mỹ có khả năng răn đe và thêm nhiều lựa chọn cho phương án răn đe quân sự.
Michael O'Hanlon, một nhà phân tích tiếng tăm của Brookings Institution cho biết, điều động tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên là một ý tưởng hay nhưng ông Kim có thể chờ đợi cho đến khi biên đội CVN-70 rời đi để tiếp tục các vụ phóng tên lửa của mình.
Do đó, Washington cần đưa ra các dấu hiệu rõ ràng là Hoa Kỳ dự định làm những gì nếu Bình Nhưỡng có ý định phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa, đặc biệt là trong bối cảnh vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria vẫn còn đang “nóng”.
Một cuộc tấn công giới hạn bằng tên lửa hành trình trước khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hoặc bắn hạ tên lửa sau khi được phóng lên, trong khi nó vẫn đang trong giai đoạn tăng tốc là một lựa chọn tiềm năng, có ảnh hưởng lớn đến quyết định của ông Kim, mà không gây ra xung đột lớn hơn.
Tuy nhiên, rủi ro của một cuộc tấn công quy mô giới hạn như vậy là không hề nhỏ. Ngay cả khi Hoa Kỳ có thể loại bỏ được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhưng không hủy diệt được sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng, thủ đô của Hàn Quốc đã nằm trong phạm vi tấn công của pháo binh tầm xa Triều Tiên.
Hơn nữa, một số quan chức quốc phòng, kể cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã từng lo ngại rằng, một cuộc tấn công trừng phạt “không dứt điểm” của Hoa Kỳ có thể gây ra một cuộc xâm lăng Hàn Quốc, do lực lượng của Triều Tiên có hơn một triệu quân.
Điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột toàn khu vực sẽ đẩy Washington và các đồng minh của mình sa vào chiến trường Triều Tiên, mà đây là điều mà chính giới Mỹ và cả dư luận Mỹ đều không muốn xảy ra.
Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng lo sợ mình sẽ chịu chung số phận như Syria, Triều Tiên sẽ tấn công phủ đầu nhóm tàu sân bay Mỹ để loại trừ nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hành trình, khơi mào cho cuộc chiến tranh quy mô lớn, mà điều này là viễn cảnh rất tồi tệ, bởi Mỹ đang không quyết được về một cuộc chiến tranh toàn diện với Triều Tiên.
Do đó, hành động điều cụm tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên của Mỹ chỉ là động thái phô trương thanh thế, một cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, căng thẳng giữa các bên có thể còn kéo dài.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét