Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Đi tìm Triết lý tối ưu để hài hòa lợi ích Quốc gia - Dân tộc



Trong mấy dòng email viết kèm vào bài dưới đây, tác giả Đinh Hoàng Thắng đã nhấn mạnh vào ý (mà đầu đề bài viết đó đã nêu): "Năm Đinh Dậu 2017 nhiều khả năng sẽ là năm tái xác định rõ hơn những đường nét lớn của thế kỷ 21, tuy nhiên cuộc tranh luận về các học thuyết mới và thực tiễn đa chiều của các học thuyết ấy chưa dễ đi đến thống nhất...". Và theo ý tác giả thì giới nghiên cứu chính trị nên chăng cần điểm qua một số điều chỉnh của các đối tác quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, để tìm ra câu trả lời". 

Đọc kỹ toàn bài Chủ blog tôi nhận thấy một ý mà hình như tác giả rất muốn tìm ra câu trả lời thích đáng, đó là hãy truy tìm cho được một Triết lý tối ưu để đem lại sự hài hòa cho những lợi ích cốt lõi cho Quốc gia - Dân tộc vào lúc này.   

Nhận thấy bài viết có nêu nhiều ý kiến và bình luận rất đáng suy nghĩ về mối quan hệ Triết lý - Quốc gia - Dân tộc trong tình hình các mố quan hệ quốc tế rất nhiều biến động như ngày nay, chủ Blog tôi xin đăng tải toàn văn bài viết như một nguồn tham khảo.

Vệ Nhi g-th

-------

Đinh Dậu 2017: Triết lý—Quốc gia—Dân tộc
Triết lý—Quốc gia—Dân tộc có thể xem như ba đỉnh của tam giác, đồng cấu với tam giác Nhận thức—Tổ chức—Quan hệ. Một đất nước tầm trung như Việt Nam, cần vượt thoát ảnh hưởng của lợi ích nhóm nhiều khi khoác áo ý thức hệ, hãy lấy cảm hứng chủ đạo từ triết lý của thời đại, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tổ chức ươm mầm, vun đắp có chọn lọc các giá trị để cố kết toàn xã hội. Hãy tự trọng khi xây dựng quan hệ với thế giới bên ngoài, hãy tự cường trong việc hàn gắn mọi rạn nứt trong lòng quốc nội. Bởi vì nếu bên trong, “bầu bí” còn chưa thương nhau thì mọi cố gắng hội nhập sẽ gặp nhiều trở lực, thậm chí bị vô hiệu hóa. Nội trị và ngoại giao từ nay—xin được nhắc lại—là chiến lược tích hợp rất cần có sự đồng thuận của toàn dân tộc lẫn sự đồng điệu với thời đại.
ĐINH HOÀNG THẮNG
Triết lý—Quốc gia—Dân tộc là các phạm trù nền tảng trong cả quan hệ quốc tế ở hầu hết mọi thời đại. Xu thế chống toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng với sự lên ngôi của làn sóng dân túy đã và đang làm sôi sục cả Á lẫn Âu trong năm cũ. Sang năm mới, các nhà quan sát từ khắp nơi trên hành tinh đang tập trung đánh giá, liệu Đinh Dậu này sẽ là năm mở đường để dẫn đến những chuyển hóa mang tính bước ngoặt trên thế giới hay chưa[1]? Vào lúc bàn cờ quốc tế, bàn cờ khu vực dường như đang được sắp xếp lại, vẫn bởi một số cường quốc chủ chốt thì các nước vừa và nhỏ có thể làm gì? Có ý kiến luận bàn, giờ đây, nhẫn để chờ thời là cái dũng của người quân tử, nhưng nếu nhẫn để mà cầu an hay thỏa hiệp vô nguyên tắc thì sớm hay muộn, chắc chắn sẽ chuốc lấy tai vạ khôn lường[2]
Triết lý nào thay đổi?
Đinh Dậu nhiều khả năng sẽ là năm tái xác định rõ hơn những đường nét lớn của thế kỷ 21, tuy nhiên cuộc tranh luận về các học thuyết mới và thực tiễn đa chiều của các học thuyết ấy chưa dễ đi đến thống nhất. Hãy điểm qua một số điều chỉnh của các đối tác quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, để tìm câu trả lời. Trước hết, “chủ nghĩa hay học thuyết Trump” (Trumpism) là một triết lý lạ lẫm, xuất hiện từ sau mùa bầu cử ở Mỹ và chưa hề tồn tại trong bất cứ cuốn Từ điển nào xuất bản trước đấy. Bản thân tiền tố “Trump” như một danh từ riêng cũng mang các nội hàm đối nghịch: i) Đó là một từ cổ, với nghĩa ban đầu là âm thanh phát ra từ tiếng kèn trompet (the last trump hay the trump of doom là tiếng kèn báo ngày tận thế); ii) Nhưng trong các trò sát phạt đỏ đen, Trump là quân “át chủ bài” của cuộc chơi, còn ngoài đời thì đấy là người thành công vượt sự đón đợi[3]. Khi nâng hệ thống quan điểm của tân Tổng thống thành chủ thuyết hay triết lý (chủ nghĩa Trump), giới tinh hoa nào đó ở Mỹ đã mặc định thừa nhận hệ thống quan điểm ấy vượt qua được hai công đoạn đầu trong khoa học tư duy (giai đoạn khảo cứu và giai đoạn tiếp cận logic), với tham vọng không che dấu là nó sẽ xuất hiện như một trường phái tư tưởng cho kỷ nguyên tới đây của nền chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Nhưng sau tháng đầu tiên tại nhiệm của tân Tổng thống, dân Mỹ có vẻ như không mấy hào hứng trước học thuyết Trump. Tân Tổng thống muốn đảo ngược một số quyết sách lớn của chính quyền Obama trước đây, từ rút khỏi Hiệp định TTP đến bãi bỏ chế độ bảo hiểm “phù hợp với túi tiền”. Ông không ngần ngại thực thi những cách tiếp cận “phi truyền thống” trong nhiều khía cạnh đối nội và đối ngoại. Ông triệu tập họp báo bất thường và chỉ trích gay gắt truyền thông… Ngày 19/2, người dẫn chương trình trên Đài MSNBC (kênh tin tức cáp của Hoa Kỳ cung cấp tin tức chính trị phát rộng khắp tại Mỹ và thế giới) đã phải đáp trả lại kịch liệt: “Chỉ có một tổng thống “giả” mới tuyên bố Tu chính án thứ Nhất của nước Mỹ (Tu chính án bảo vệ quyền tự do ngôn luận của báo chí) là kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Tình huống “nóng” do sắc lệnh nhập cư, cũng như kết quả thăm dò dư luận từ cả ba trung tâm (đều là của Mỹ) cho thấy, tỷ lệ dân chúng ủng hộ Trump trong cách điều hành công việc xuống chỉ còn 39%, mức thấp nhất so với các tổng thống trong năm nhiệm kỳ trước đó. Với sự “mất điểm” như thế cùng với thái độ “gây thù chuốc oán” với “đệ tứ quyền”, tân Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều nan đề. Cuộc đụng đầu về pháp lý chắc còn tiếp diễn (các sắc lệnh của Tổng thống tiếp tục bị trì hoãn). Những đợt sóng ngầm bùng phát trong Nhà Trắng chưa hẳn sớm chấm dứt (Cố vấn An ninh quốc gia Flynn phải từ nhiệm). Tất cả… liệu đã đủ để Trump “ngấm” thế nào là giới hạn quyền lực của một tổng thống trong toàn bộ hệ thống chính trị Hoa Kỳ? Trump, qua nhiều năm liền bươn chải trong thương trường có thể đã biết cách lẫn tránh sự kiểm soát, nhưng trên chính trường, lần đầu tiên ông sẽ “ngộ ra” sự hạn chế của hành pháp trong thiết chế tam quyền phân lập. Đại nhật báo Le Monde (Pháp) ngày 14/2 xác nhận: Sau những tuần đầu của nhiệm kỳ, Donald Trump đã nhượng bộ về ngoại giao và đã chịu rót thêm nước vào ruợu của mình! Trump ủng hộ 100% Nhật Bản, tái khẳng định nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, không xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, không phê phán chính sách lấn đất của Israel[4]… Ông Trump sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại hay ông sẽ “trấn lột” chính nước Mỹ để trở thành mối đe dọa đối với thế giới như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vừa cảnh báo? Hy vọng nền dân chủ Mỹ đủ trưởng thành để nhận rõ phải trái (Kissinger năm 1972 mật đàm với Bắc Kinh theo sự ủy quyền của Tổng thống khác với Flynn trước khi nhậm chức đã vi phạm nguyên tắc tiếp xúc khi “cầm đèn chạy trước ô tô” trong điện đàm với đại sứ Nga). Đấy là chưa nói tới tình huống nghiêm trọng hơn khi dư luận đang đòi điều tra lại xem có ai nữa đứng đằng sau cuộc điện đàm với Nga của Flynn hay không? Thế giới mong đợi nền dân chủ Mỹ đủ mạnh để kiểm soát con tàu Donald Trump cùng với tân nội các không chệch khỏi đường ray. 

BOX-1: Giờ đây, nhẫn để chờ thời là cái dũng của người quân tử, nhưng nếu nhẫn để cầu an hay thỏa hiệp vô nguyên tắc thì chắc chắn sớm hay muộn, sẽ chuốc lấy tai vạ khôn lường…
Các nước lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga dường như đang chuẩn bị cho những canh bạc mới. Đây là hai cường quốc được cho là đang đòi xét lại trật tự hiện hành. Tuy nhiên, cả hai đều không thừa nhận mình thuộc về các quốc gia đòi xét lại nguyên trạng (revisionist state), dù trên thực tế họ đều hành động như vậy. Nga chiếm bản đảo Crưm của Ukraina, Trung Quốc đang liên tục có nhiều hoạt động phá vỡ nguyên trạng tại Hoa Đông và Biển Đông. Nếu xẩy ra phân chia lại thế giới theo xu hướng này, chúng ta sẽ chứng kiến sự tái lập một thế giới đa cực, trong đó sự thống trị của Nga và Trung Quốc sẽ nổi lên. Nếu như sự hỗn loạn hoặc tư duy “đèn nhà ai nhà nấy rạng” vượt trội, sẽ đánh dấu sự biến đổi lớn của hệ thống quan hệ quốc tế tương lai. Thế giới có thể sẽ đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Theo Robert Kagan[5],Nga và Trung Quốc đều không mấy hài lòng với cấu hình phân bổ quyền lực hiện nay và cả hai đều muốn sớm khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ cả ở phía Tây (đối với Nga) lẫn phía Đông – Nam (đối với Trung Quốc). Hai nước này đều muốn xóa bàn cờ từ đầu để chia lại thiên hạ. Luân Đôn sau Brexit cũng đang ve vãn Bắc Kinh để hình thành trục thứ ba. Mộng bá chủ của Trung Quốc, vì vậy ngày càng quyết liệt. Biển Đông với vị trí địa – chính trị và quân sự quan trọng, giai đoạn tới đây sẽ là nơi tranh chấp để các bên có thể trắc nghiệm một trật tự mới. Điều nan giải là Việt Nam làm thế nào để tránh trở thành trọng điểm của cuộc tranh chấp ấy. Do bờ biển dài hơn ba ngàn cây số, lại ở vị trí là cửa ngõ vào ra Thái Bình Dương, là con đường tiến xuống phía nam của Trung Quốc, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều bất trắc. Trong “nguy” có “cơ” và ngược lại, nếu không tận dụng được “cơ” thì sẽ hứng đủ cái “nguy” từ cuộc tranh hùng mới! Giữ được độc lập, chủ quyền hay không sẽ là một thách đố lớn trong giai đoạn tới đây[6]
Trong thời điểm chuyển giao chính quyền ở Mỹ, Bắc Kinh toan tính gì? Cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo Mỹ—Trung diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mỹ trên vùng trời gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Có cơ sở để phỏng đoán rằng ông Trump có thể đã nêu vấn đề này với ông Tập. Cũng không phải vô tình khi ông Trump công nhận chính sách “một Trung Quốc” chỉ vài giờ trước khi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington. Ngay từ đầu tuần ấy, Trung Quốc đã cử lực lượng cảnh sát biển đến các vùng nước quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Hoa Đông, sau khi Bộ trưởng Mỹ Mattis khẳng định các cam kết đồng minh Mỹ – Nhật áp dụng với cả quần đảo này. Hiện vẫn còn nhiều lĩnh vực bất đồng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Triều Tiên, chưa được đề cập đến trong các tuyên bố công khai về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Tính đến nay, thực tế cho thấy là nếu chính sách về Trung Quốc mới bắt đầu “có da có thịt”, thì đối sách liên quan đến Biển Đông của chính quyền Trump vẫn chưa được định hình rõ nét, về căn bản vẫn tạm đi theo hướng mà cựu tổng thống Obama đã vạch ra[7]. Mới đây, một đơn vị hải chiến của Mỹ, gồm chiến đấu cơ và hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson bắt đầu tuần tra tại Biển Đông từ ngày 18/2/2017. Hải quân Mỹ thông báo tin này vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh cáo Washington không nên thách đố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Cũng như việc Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp thiết bị lặn của Mỹ tại vùng biển quốc tế dịp cuối năm ngoái… tất cả chỉ là một phản ứng trong chiến lược bao quát hơn nhiều mà Trung Quốc theo đuổi trong thời gian tới nhằm thôn tính toàn bộ Biển Đông. Như vậy, riêng đối với vấn đề Biển Đông, triết lý “chơi rắn” của Trung Quốc cho đến nay chưa thấy có sự biến chuyển nào. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng xong hàng loạt đường băng và củng cố các cơ sở hạ tầng phục vụ cho các máy bay quân sự tại ba hòn đảo nhân tạo là Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập, nơi cách đây vài năm chưa từng là đảo. Trung Quốc đã hoàn thành xong việc lắp đặt các hệ thống vũ khí trên cả 7 đảo mà nước này đã cưỡng chiếm và bồi đắp ở Trường Sa. Sau phán quyết của Tòa Thường trực Trọng tài (PCA), Trung Quốc dùng phép thử “mồi nhử” về kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi vẫn giữ nguyên áp lực lên một số nước chưa chịu khuất phục.
Lợi ích quốc gia trên hết

Trung tâm nghiên cứu an ninh và địa – chính trị trên thế giới (Stratfor) cảnh báo, cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đang âm thầm dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc và có lẽ không một quốc gia nào cảm nhận điều bất lợi ấy đối với mình rõ như Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu này cho rằng Việt Nam cố gắng mềm mỏng hơn trong những lời chỉ trích Trung Quốc và tiếp tục các bước đi hàn gắn với Bắc Kinh. Thay vì đối đầu trực diện, Hà Nội đã bắt đầu theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải một cách tế nhị và liên minh với các đối tác mạnh hơn, để ngỏ các khả năng kháng cự cũng như sẵn sàng phòng thủ. Tổ chức này phân biệt rõ, không giống như các quốc gia khác, Việt Nam không thể chống lại, hay chấp nhận sức mạnh gia tăng của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc. Stratfor dẫn việc Philippines và Malaysia “hồ hởi gia nhập các cơ chế xử lý tranh chấp cũng như các khối thương mại do Trung Quốc dẫn đầu”, hay việc “Nhật Bản và Singapore mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Washington ở khu vực”. Trong khi ấy, Việt Nam phải luôn luôn khôn khéo cân bằng giữa quan hệ với Trung Quốc và với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực phải thay đổi để thích nghi với các thực tế địa – chính trị mới, Hà Nội ngày càng khó khăn hơn trong việc thực thi chiến lược đó.
BOX-2: Cuộc chiến mà Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam từ ngày 17/2/1979 không phải là ngoại lệ của sự giả dối chính trị, bởi chính nó được khoác chiêu bài “phản kích tự vệ” trong khi người Việt không hề xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Không khuyến khích thói dối trá, song không nên ngăn chặn người dân biết nhận diện sự giả dối, biết cảnh giác đề phòng những kẻ vốn có truyền thống lịch sử lâu đời về giả dối.
Theo giới quan sát, ở Đông Nam Á, tới đây, Nhật sẽ có vai trò giống như là Mỹ đã từng đóng. Các nước khu vực, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, hầu hết đều không muốn nhờ cậy Trung Quốc về an ninh. Nếu có nước nào bị bắt buộc phải làm thế là vì, họ không có sự lựa chọn khác. Và khi Nhật Bản tiến lên một bước trong vị thế lãnh đạo khu vực, các nước Á châu ủng hộ ngay. Đấy là nhận xét của GS. Pongsudhirak, một trong những tác giả của bản báo cáo từ Quỹ châu Á (Asia Foundation) về “Quan điểm đối với vai trò của Mỹ ở khu vực”[8]Thái Lan và Philippines có dấu hiệu “giãn dần” quan hệ đồng minh với Mỹ, vì họ thất vọng và buộc phải tìm đến Trung Quốc. Trên cương vị hiện nay, ông Trump sẽ phải dựa vào các báo cáo, tư vấn của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục Tình báo Trung ương để làm mới chính sách đối ngoại. Hiện nay, cả ba cơ quan này đều ủng hộ chính sách “tái cân bằng”, nhưng không hài lòng với cách tiếp cận quá mềm mỏng của Obama, chưa tạo được sức nặng răn đe đối với Trung Quốc. Có thể Mỹ sẽ thể hiện quan điểm và hành động quân sự tại khu vực một cách trực diện hơn so với thời Tổng thống Obama thông qua sự hiện diện và tăng cường quan hệ với các đồng minh chiến lược, để duy trì lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Để ứng phó với các biến động có thể ập đến bất ngờ, nếu Việt Nam vẫn giữ tư duy cũ và cách làm cũ, các chủ trương hiện nay về ngoại giao và an ninh sẽ gặp khó khăn trong hoàn cảnh mới. Chính sách “giữ cân bằng mang tính cơ học” từ trước đến nay sẽ phải trả giá nếu giữa Trung Quốc và Mỹ xuất hiện tình huống đổi chác hay những cuộc đi đêm như đã từng xẩy ra trong lịch sử. Chính sách “ba không” sẽ bế tắc nếu có hữu sự ở Biển Đông hay trên các tuyến biên giới, cả phía Bắc lẫn phía Tây Nam (xem Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tại Hà Nội từ 20-21/12/2016). Trong cục diện phức tạp và hiểm nguy như hiện nay, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc giờ đây chỉ có thể gắn với hội nhập quốc tế một cách toàn diện và triệt để (xem Nghị quyết 22 của Bộ Chính Trị ngày 10/4/2013). Để tránh tình thế “tứ bề thọ địch”, không chỉ do các nước lớn chèn ép mà bị ngay chính các nước nhỏ, từng có quan hệ đặc biệt, qua mặt, thì đất nước phải chủ động hội nhập sâu rộng với “bên thứ ba” như là một tập hợp lực lượng mới ở cả khu vực lẫn toàn cầu. Các kết nối về ngoại giao và an ninh giữa Việt Nam với Nhật Bản – Ấn Độ – Ốtxtrâylia là cơ hội hiếm hoi mà chúng ta đã và cần phải tham gia sâu rộng hơn nữa, thực chất hơn nữa. Chuyến thăm cấp nhà nước của Nhật Hoàng tới đây, các mối liên hệ toàn diện, đặc biệt là sự hợp tác về an ninh, giữa Việt Nam với Nhật Bản – Ấn Độ – Ốtxtrâylia là những cột mốc đối ngoại vượt trên các ý nghĩa biểu tượng.

Một chuyên gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam từng phát biểu, sau 30 năm Đổi mới và 10 năm tham gia WTO, chưa bao giờ chúng ta lại khát khao một cuộc Đổi mới lần thứ hai, thực chất là một cuộc Cách mạng về thể chế như hiện nay để đưa đất nước đi lên trong những năm tới[9]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy cũng hoàn toàn có lý khi đưa ra lời kêu gọi đã đến lúc phải “kiểm toán” chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ “hậu Thành Đô” (1990-2016), trên cơ sở thành công hay thất bại[10]. Qua mấy thập kỷ, Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cả về kinh tế, chính trị và đối ngoại, vì vướng phải cái vòng “kim cô” ý thức hệ. Muốn khắc phục những hệ lụy to lớn và lâu dài đó, Việt Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nếu coi lợi ích quốc gia là tối thượng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ không phải “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Ba tiêu chí cơ bản, như ba giá trị cốt lõi của chính sách đối ngoại giai đoạn mới sẽ là những định hướng cho tương lai. Tuy nhiên, từ những định hướng ấy để triển khai thành các chủ trương cụ thể: độc lập trưởng thành (mature independence), tái cân bằng tích cực(active rebalance) và chủ động hội nhập (proactive integration), thiết nghĩ phải có những bước đột phá về tư duy chiến lược và hoạt động thực tiễn, cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Muốn có giải pháp hiệu quả cho những tình huống mới, nhiều khi còn bất định và bất toàn, không thể dựa vào các phương pháp cũ, tư duy cũ, dẫu đó là những phương pháp và tư duy đã dẫn đến những thành công nhất định.    
Dân tộc phải trưởng thành
Cả Á lẫn Âu đang sục sôi trước thay đổi. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Nền kinh tế châu Âu tiếp tục đi xuống, với “đường đứt gãy” từ nước Ý đe dọa tạo ra cơn địa chấn khắp “lục địa già”. Niềm tin vào các thể chế đều có nguy cơ lụi tàn ở cả Á lẫn Âu và quan hệ giao thương giữa các nước có nguy cơ bị xói mòn, khi các nhà xuất khẩu rời bỏ các thị trường truyền thống. Sự lan rộng của chủ quyền quốc gia có thể là một hướng đi tích cực, nếu điều đó dẫn đến xu hướng mà kinh tế gia Larry Summers từ Đại học Harvard gọi là “chủ nghĩa dân tộc có trách nhiệm”. Các chính phủ khu vực đồng tiền chung Euro sẽ cần phục vụ công dân của họ hơn là các ý tưởng trừu tượng về châu Âu và trưởng thành với các nguyên tắc của hòm phiếu và thị trường. Không thể giải quyết những vấn đề mới bằng cách bám vào các phương pháp lỗi thời. Đó là chân lý trong kỷ nguyên tư duy đột phá. Tuy nhiên, từ thời “mưa Âu, gió Mỹ” này, mỗi khi nhớ về thế đứng chông chênh của cách mạng Việt Nam thuở còn trong trứng nước, chúng ta không thể không nhắc lại một tinh thần đầy minh triết, khi Nghị quyết của ĐCS Đông Dương lúc bấy giờ (2/1951) đã xác tín: ngoại giao của ta phải có tính dân tộc và dân chủ.
Ngày nay, muốn tôn vinh các giá trị dân tộc không thể thiếu môi trường dân chủ. Muốn mạnh bên trong không thể thiếu “đối tác chiến lược” với bên ngoài. Tương quan giữa hai hằng số P, tức xây dựng hệ thống “đối tác chiến lược” (Strategic Partnership)  với D, tức là tiến trình thúc đẩy “dân chủ hóa” trong nước (Democratisation) chưa bao giờ tương sinh tương khắc như thời điểm hiện nay. Ngoại giao và nội trị giờ đây là hai mặt của một đồng tiền, là các thành tố tích hợp trong một chiến lược phát triển tổng thể, theo mô thứcP&DOWN[11]. Bài học quốc gia khởi nghiệp của Israel (start-up nation) là gì nếu không phải là hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ có thể ươm tạo và nở rộ trong một môi trường dân chủ và tự do, theo Eryadi K. Masli, giảng viên tại Đại học Swinburne (Áo). Trước đây, thế giới không mấy chú ý đến thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng hiện tượng Flappy Bird[12] đang dần thay đổi quan điểm này. Con người Việt Nam thông minh, nếu có thể chế và môi trường pháp lý phù hợp thì dòng vốn của các quỹ đầu tư có thể giúp Việt Nam sớm trở thành điểm đến cho các công ty khởi nghiệp. Các nhà startup được ươm tạo, các khu công nghệ cao đã vài chục tuổi, quyết không thể là những cộng đồng sinh ra để “bú mớm”. Tất cả chỉ có thể lớn lên trên nền của môi trường tự do và sáng tạo trong lòng một quốc gia—dân tộc trưởng thành.
BOX-3: Quốc gia phải tự do, nghĩa là không bị trói buộc vào bất cứ lợi ích nhóm độc tôn hay ý thức hệ lỗi thời nào cả. Dân tộc phải trưởng thành, thể hiện ở khả năng hòa hợp và hòa giải thực sự. Có như thế mới hy vọng tiệm cận được các triết lý về phát triển, có thể tự trọng khi xây dựng quan hệ với thế giới bên ngoài, mới tự cường trong việc hàn gắn mọi vết nứt trong lòng quốc nội.
Một biểu hiện mới về sự trưởng thành của dân tộc là truyền thông “lề phải” năm nay dành được quyền công khai kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 trên một số trang báo. Tuy nhiên, chủ trương đối với việc tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc vẫn bất nhẫn, vẫn lặp đi lặp lại những sai lầm cũ. Sự xuất hiện một thương binh ngồi xe lăn từng chiến đấu trong cuộc chiến năm 1979 tại buổi lễ tưởng niệm hôm 17/2 dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội khiến cả cộng mạng đồng hết sức xúc động. Đúng là sòng phẳng với lịch sử không phải là nuôi dưỡng hận thù[13]Muốn có hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh[14]. Một giảng viên đại học Nhật Bản từng 15 lần bỏ tiền túi đi lại giữa Tokyo—Hà Nội—Lạng Sơn để phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng sống còn sót lại từ cuộc chiến năm 1979. Sỡ dĩ anh đi liên tục trong vội vàng, vì theo anh, các nhân chứng sống ấy ngày càng ít đi. Anh lo với thời gian và cung cách ở Việt Nam hiện nay, mọi chuyện dễ rơi vào quên lãng. “Quên sự đóng góp của người dân, sau này động viên họ sẽ rất khó”[15].  Người viết bài này còn nhớ rõ nét mặt đau khổ của Tổng Biên tập“Tuần Việt Nam” trong một lần đặt bài để tưởng niệm cuộc chiến 17/2, nhưng ông nói có lệnh trên là không được nhắc lại việc “Trung Quốc trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược”. Vượt qua cái cái lệnh ngang xương như vậy, “Tuần Việt Nam” năm ấy vẫn dũng cảm đăng bài để nhớ về về cuộc chiến mà một số người đang muốn xóa đi khỏi ký ức của dân tộc[16]. Nhà xã hội học nổi tiếng, Giáo sư Zygmunt Baumaneorges có lần nói rằng, giả dối là nguyên tắc, sự thật là ngoại lệ[17]. Cuộc chiến mà Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam từ ngày 17/2/1979 không phải là ngoại lệ của giả dối chính trị bởi chính nó được khoác chiêu bài “phản kích tự vệ” trong khi người Việt không hề xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Không khuyến khích thói dối trá, song không nên ngăn chặn để người dân biết nhận diện được sự giả dối, biết cảnh giác đề phòng những kẻ vốn có truyền thống lịch sử lâu đời về sự giả dối.


Trên con đường trở nên dân tộc trưởng thành, nhiều nước trong khu vực từng ngưỡng mộ Singapore như một quốc gia có quyết tâm vươn lên với ý chí tự chủ và tự cường. Hai chính sách căn bản của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từ giai đoạn lập quốc được cho là nền tảng đem lại chính sách đối ngoại độc lập. Thứ nhất,  không chọn tiếng Hoa mà chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến. Thứ hai, thiết lập ngay từ đầu quan hệ ngoại giao với nước Mỹ (năm 1965), nhưng mãi gần ba thập kỷ sau, mới thiết lập bang giao với Trung Quốc (năm 1990). Singapore là một quốc đảo, 75% dân số là người gốc Hoa khi tách khỏi Malaysia. Nếu chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội thì cũng là một sự hợp lý lúc bấy giờ. Nhưng ông Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh, nên vị thế của cộng đồng người Hoa đối với Singapore không còn là nhân tố độc tôn nữa. Điều đó cho thấy quốc gia này kiên quyết lựa chọn hướng đi độc lập với Trung Quốc. Và bang giao với Mỹ là một trong những mối quan hệ quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất của Singapore từ thời lập quốc đến nay. Một quốc gia, không kể lớn hay nhỏ, như Singapore hay Israel, được thế giới kính nể, coi là một dân tộc đã trưởng thành, nhờ những chủ trương thông minh trong những thời khắc quyết định của lịch sử.
*
Vẫn biết mọi lý thuyết dù hay mấy cũng chỉ là màu xám, vấn đề là cây đời[18]… Nhưng trên mỗi chặng đường phát triển, không thể không đi tìm kiếm hình hài của một triết lý tối ưu (dù vẫn có khía cạnh bất toàn) như cách thức để ứng phó linh hoạt trong thời buổi cả quốc tế lẫn quốc nội đều diễn ra những thay đổi đến chóng mặt. Triết lý—Quốc gia—Dân tộc đều có thể xem như ba đỉnh của tam giác, đồng cấu với tam giác Nhận thức—Tổ chức—Quan hệ. Một đất nước tầm trung như Việt Nam, cần vượt thoát càng sớm càng tốt khỏi ảnh hưởng các lợi ích nhóm nhiều lúc đội lốt ý thức hệ, lấy cảm hứng chủ yếu từ triết lý của thời đại, đặt lợi ích quốc gia—dân tộc lên trên mọi lợi ích đảng phái, tổ chức ươm mầm, vun đắp có chọn lọc các giá trị để cố kết toàn xã hội. Quốc gia phải tự do, nghĩa là không bị trói buộc vào bất cứ lợi ích nhóm độc tôn hay ý thức hệ lỗi thời nào cả. Dân tộc phải trưởng thành, thể hiện ở khả năng hòa hợp và hòa giải thực sự. Có như thế mới hy vọng tiệm cận được các triết lý về phát triển, có thể tự trọng khi xây dựng quan hệ với thế giới bên ngoài, mới tự cường trong việc hàn gắn mọi vết nứt trong lòng quốc nội. Bởi vì, nếu bên trong, “bầu bí” còn chưa thương nhau thì mọi cố gắng hội nhập sẽ gặp nhiều trở lực, có khi bị vô hiệu hóa hay bỏ nhỡ thời cơ. Nội trị và ngoại giao từ nay—xin được nhắc lại—là chiến lược tích hợp rất cần có sự đồng thuận của toàn dân tộc lẫn sự đồng điệu với các xu thế tiến bộ của thời đại./.



[1] Bản mới bổ sung gần đây nhất (Revised Edition) được tác giả gửi tới vinhnv43.blogspot.com; xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc. Trước đây, bản cũ từng được đăng tải tại “Văn Nghệ” (Cơ quan Ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) http://baovannghe.com.vn/dinh-dau-2017-triet-ly-quoc-gia-dan-toc-16103.html?vip=bvn, Tạp chí “Văn hóa Nghệ An” (Cơ quan của Sở Văn hóa và Thông tin Nghệ An)https://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/dinh-dau-2017-triet-ly-quoc-gia-dan-toc, Tạp chí “Thông tin và Phát triển” (Cơ quan của Bộ Khoa học & Công nghệ) và Tập san“Lý luận & Phát triển” (Diễn đàn của Viện các vấn đề Phát triển / VIDS).
[6] Trong Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 từ 22—26/8/2016 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh thừa nhận các điều kiện quốc tế của Việt Nam là khá nghiệt ngã: “Ở bên ngoài, môi trường chiến lược của nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển”. Mời xem tại: http://baovannghe.com.vn/tu-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-29-suy-nghi-ve-van-nuoc-hom-nay-851.html?vip=bvn
[11] P&DOWN là tổ hợp thống nhất năm biện pháp trong một mô thức tương sinh—tương khắc nhằm đạt tới “giải pháp cả gói” (package deal), bao gồm: 1) Bồi đắp hệ thống đối tác (Partnership) với các cường quốc bên ngoài, 2) Thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa bên trong (Democratisation) để “tái cấu trúc” kinh tế và xã hội, 3)Tổ chức kết hợp cuộc chiến pháp lý (COC) với cuộc chiến truyền thông nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền, 4) Tìm cách tiếp cận minh triết để “định chế hóa” mọi nỗ lực (Wisdom) và 5) Tận dụng tối đa mạng lưới tự do hóa thương mại khu vực lẫn toàn cầu (Networking) để ra với thế giới. Mời tham khảo: https://anhbasam.wordpress.com/2015/10/16/5472-thach-thuc-moi-o-ien-dong-qua-ky-hoi-thao/ hoặc: http://gabsdinhhuong.blogspot.com/ hoặc xem tại:http://vinhnv43.blogspot.com/2015/10/mot-cach-tiep-can-moi-ve-bien-ong-trong.html
[14] https://vi.wikipedia.org/wiki/Si_vis_pacem,_para_bellum “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” là     một câu tục ngữ tiếng Latinh, có thể được viết vào khoảng chừng năm 390.
[18] “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goethe).



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: