- Phật giáo có câu rất hay là “Vô sư trí vi tôn” nghĩa là trí tuệ có được do tự học, tự trải nghiệm, tự ngộ mới là quý nhất. Tự ngộ được và tự sửa mình là cái gốc của tiến bộ. Việt Nam đã có nhiều bài học cay đắng vì “ý thức hệ”, những thứ ngoại lai, hổ lốn và rất hiếm khi thể hiện cái “Vô sư trí vi tôn” đó, thì việc cần phải làm là đi tìm lại cái bản ngã của chính mình.
Đất nước ta, bắt đầu bước sang năm mới 2017 với nhiều thời cơ và thách thức đan xen trên con đường hội nhập và phát triển với yêu cầu ngày càng cao để hướng tới mục đích “dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, trong đó xây dựng xã hội dân chủ là yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu đó đến sớm hay muộn, đòi hỏi nhiều trí tuệ, sự trăn trở và công sức của toàn dân, đặc biệt là bộ máy quản lý điều hành đất nước.
Trong lịch sử phát triển nhân loại, nhiều dân tộc đã kiên trì phấn đấu xây dựng một nền dân chủ phù hợp, đạt được mục tiêu giàu mạnh văn minh đã cho thấy không có dân chủ cho không đâu (gratuite, cái gọi là “free lunch – democracy”), lại càng không có những thành tựu, mục tiêu đáng mong muốn nào tự nó trên trời rơi xuống. Trở ngại lớn của con đường xây dựng xã hội dân chủ là sự trì trệ nhận thức, tính bảo thủ của con người hay một cộng đồng. Nơi có tư duy nhận thức tiến bộ quá trình dân chủ đến thuận lợi, còn những nơi tư duy bảo thủ thống lĩnh, bộ máy nhà nước không tận dụng được cơ hội, chỉ nghi ngờ hoặc khoanh tay chờ đợi, như hình ảnh văn học dân gian Việt Nam đã tổng kết “cây sung” của đất nước hầu như chẳng còn quả nào đâu để mỗi chúng ta có thể dầm dề “há miệng chờ” nó rụng vào cổ họng.
Năm mới, theo truyền thống “tống cựu nghênh tân”, mọi người thường ôn lại những diễn biến, trăn trở về những điều bất an bởi thiên nhiên và cuộc sống cá nhân và cộng đồng trong năm cũ, suy nghĩ đề xuất mong mỏi, ước nguyện thuận lợi tốt lành hơn cho năm mới ắt hẳn là văn hóa tốt đẹp thúc đẩy sự phát triển xã hội mà tác giả gửi gắm trong bài viết này.
Những trăn trở
Một năm qua 2016, với nhiều biến động toàn cầu là thách thức cho năm mới 2017 và tiếp theo là chính trị xã hội. Chiến sự ở Trung Đông và nạn di cư vào Châu Âu, Brexit, sự bất ngờ bầu cử ở Mỹ, liên tục thử vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Trung Quốc lấn chiếm mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông,… báo hiệu những bất ổn trật tự thế giới đòi hỏi phải suy nghĩ, tìm kiếm những tư duy, giải pháp mới của cộng đồng quốc tế để đảm bảo cho sự phát triển, nhưng hiện tại chưa thấy được sự đồng thuận mà còn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bất đồng lớn sẽ ảnh hưởng đến chính sách của nhiều quốc gia.
Năm 2016, nhiệt độ trái đất cao bất thường, hạn hán, bão lụt báo hiệu sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai và tác hại của nó ngày càng khốc liệt, nguy cơ lớn tới đời sống dân nghèo, kìm hãm phát triển kinh tế… nhưng cũng chưa có được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam thành tích nổi bật năm 2016 là kỷ lục khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đón 10 triệu khách du lịch. Tuy nhiên, nỗi lo trăn trở về các bất cập, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phân tích đánh giá về 9 tồn tại và 7 nhóm nhiệm vụ cấp bách.
Các chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ đang tiến hành: tái cơ cấu kinh tế, chống tham nhũng, xử lý trách nhiệm các cá nhân, chủ trương “chống tự diễn biến”, tăng năng suất lao động vv… qua một số năm triển khai với tinh thần “quyết liệt” nhưng vẫn chưa thể hiện thuyết phục rõ ràng, minh bạch cả về mặt lý luận cũng như hành động thực tế.
Đổi mới “tự diễn biến”
Nghị quyết chính thức Đại hội VI một diễn biến bất thường hay một hiện tượng “tự diễn biến” tích cực của Đảng đã chuyển hướng chiến lược trong 4 ngày thay cho Nghị quyết đã soạn thảo hàng năm trời, đưa đất nước ta vào lộ trình Đổi mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, người dân luôn ghi nhớ và biết ơn những Người đã vượt lên chính mình, góp phần đắc lực vào công cuộc Đổi mới đất nước, tiêu biểu như các ông Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), Chín Cần (Long An) vv… Đổi mới là quá trình tích cực làm cho kinh tế xã hội vượt qua được những khó khăn trở ngại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các bài phát biểu khi tham dự hội nghị tổng kết cuối năm 2016 của các ngành nông nghiệp, Viện Hàn lâm khoa hoc, có ý kiến chỉ đạo rất chính xác, hợp lòng dân, đại ý: “Nếu thấy thể chế cản trở cho sự phát triển thì phải thay đổi vì thể chế cũng do con người làm ra” vv… Điều quan trọng là cái gì Thủ tướng có thể làm được thì phải quyết tâm làm. Đây là một diễn biến điều mà mọi người đang mong đợi ở Thủ tướng trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, khi bàn về “thể chế và con người”, vận dụng vào thực tế không ít người băn khoăn vì Đảng đang phát động đợt học Nghị quyết trung ương 4, trong đó nhấn mạnh đến nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Tự diễn biến là gì? Nó bao gồm cả diễn biến tích cực và tiêu cực hoặc đứng yên tại chỗ? Nếu không làm rõ khái niệm này thì làm sao đánh giá được diễn biến tiêu cực hay tích cực, liệu diễn biến như Đại hội VI (1986) có điều kiện xuất hiện? Theo nội dung “chống tự diễn biến” hiện nay những người muốn Đổi mới lần thứ hai, muốn hiến kế cho Nhà nước kể cả các vị lão thành cách mạng, trí thức có tên tuổi cũng sẽ dễ bị những người bảo thủ có thẩm quyền “chụp mũ” do ý thức hệ!
Hãy đọc và suy ngẫm bài báo: “Tầm nhìn Trần Xuân Bách” của tác giả Hà Huy Tùng nói về ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật nhưng được nhiều người cho rằng quan điểm của ông Bách là chính xác, đến nay vẫn mang nguyên tính thời sự. Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên có lời bình rất đáng suy ngẫm : ” Còn mình, mình kính trọng trí tuệ, tầm nhìn và sự can đảm của ông. Kính trọng cả cốt cách của ông, chấp nhận kỷ luật, trả giá đắt để bảo vệ nhận thức và tư duy của mình về quy luật tất yếu của sự phát triển, một khi ông cho là đúng. Không vì cái ghế quyền lực mà “giá áo túi cơm”, quỳ lạy bả vinh hoa một cách hèn mạt.”
Lịch sử luôn tôn trọng sự thật, nhiều nhận thức, ý kiến bị “chụp mũ” là sai lầm về tư tưởng nhưng dưới lăng kính thực tế của cuộc sống sẽ đến lúc phải trả lại chân giá trị thực của nó. Ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật vì muốn đổi mới cả kinh tế và chính trị, thực hiện dân chủ, đa nguyên. Công cuộc đổi mới trong ba mươi năm qua thực chất là đã từ bỏ những quan điểm được coi là nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê nin về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, quản lý nền kinh tế theo kế hoạch tập trung, không chấp nhận kinh tế thị trường được coi là tự phát vô tổ chức).
Đảng viên có quyền được thảo luận về nội hàm của Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua vẫn nhấn mạnh “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa” thì thực chất là gì?. Bởi vì nếu củng cố chế độ toàn trị, bóp nghẹt dân chủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước, thì không thể phát huy được sức mạnh đoàn kết của dân tộc để vượt qua thách thức, chống mưu đồ và hành động bành trướng xâm phạm độc lâp, chủ quyền quốc gia.
Lạm bàn về chủ nghĩa xã hội
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu :”Đổi mới chỉ là giai đoạn còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thể kỷ này không biết có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (Thanh niên online ngày 26/10/2013). Tạm gác, chưa bàn về “cái tầm” định hướng nhưng đây là phát biểu rất thật lòng của Tổng bí thư.
Ngẫm suy, tôi nhớ lại, có lần mình đã viết bài phân tích đến khái niệm “chủ nghĩa xã hội” xuất hiện đầu tiên ở Tây Âu vào năm 1827 (không phải của Mác) để phê phán trường phái Xanh Ximông. Đến năm 1832 chính Xanh Ximông dùng lại khái niệm CNXH nhưng bỏ đi sắc thái phê phán, và các biểu cảm xấu. Từ năm 1837 từ “CNXH” phổ biến sang Đức trong phái Hêghen trẻ. Lúc bấy giờ Mác ở trong phái Hêghen trẻ, tiếp nhận từ “CNXH” để chỉ cái xã hội mới, sau khi chủ nghĩa tư bản bị loại bỏ, bị vượt qua và dùng từ “CNXH” trong các bản thảo của Mác năm 1844. Nhưng từ năm 1848 trở đi, từ Tuyên ngôn Đảng cộng sản thì Mác không dùng từ “CNXH” nữa mà dùng từ “chủ nghĩa cộng đồng”. Xã hội mới, chế độ mới, thay thế cho xã hội tư bản.
Các nhà nghiên cứu cũng vạch ra một chỗ mù mờ, không rõ ràng trong tác phẩm “Chống Duyrinh” của Anghen về khái niệm CNXH. Bernstein người bạn gần gũi với Mác ở Luân Đôn cũng chỉ gọi CNXH với cái nghĩa là cuộc vận động tự lập trong đó có phần thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh có ý thức của giai cấp công nhân, nó không gắn liền hữu cơ với chủ nghĩa cộng đồng, là mục đích còn rất xa vời, trừu tượng!
Bản thân Lê Nin tiếp nhận từ “CNXH” nhưng trong việc thực hành cách mạng, Lê Nin vừa coi CNXH là bước thấp của chủ nghĩa cộng sản nhưng nhiều khi lại vừa coi đó là một hình thái kinh tế xã hội và một phương thức sản xuất riêng biệt, được xuyên tạc thành lý luận hóa. Lê Nin quan niệm xây dựng CNXH phải đa dạng luôn thay đổi vì phải mò mẫm, và vòng vèo dích dắc. Lê Nin vận dụng thành quả của cả loài người, kể cả của chủ nghĩa tư bản.
Cuối đời Lê Nin có nhận định quan trọng là chúng ta phải thay đổi cơ bản quan niệm về CNXH nhưng lại không chỉ ra được quan niệm CNXH phải thay đổi là cái gì, thay đổi như thế nào, khi nào?. Và kết cục, mô hình và chính quyền nhà nước XHCN Xô Viết do chính ông thiết kế và đặt nền móng cũng xụp đổ (năm 1991) sau 72 năm tồn tại. Vì vậy, mọi học thuyết tự nhiên cũng như về xã hội cần hoàn thiện theo thời gian tương ứng với sự hiểu biết và kết quả khám phá ngày càng nâng cao của nhân loại.
Muốn hiểu đánh giá khách quan về Mác cần phải xem xét lý luận và thực tế cuộc sống thời Mác và thực tiễn hoạt động của con người. Thực tiễn là hoạt động của con người, còn thực tế bao hàm nghĩa rộng hơn về cuộc sống xã hội, cuộc sống có môi trường thiên nhiên và vũ trụ. Hayek cũng là một nhà lý luận và tư tưởng, năm 1974 ông được tôn sùng là chủ tướng của tư tưởng của trào lưu lý luận kinh tế, chính trị xã hội tân tự do, được tặng giải thưởng Nôben. Cuối đời Hayek bị nặng tai và điếc tai trái còn Mác bị điếc tai phải nên người ta nói nửa đùa, nửa thật là Mác chỉ nghe được những gì từ phía tả còn Hayek thì chỉ nghe được những gì từ phía hữu vv…
Khi xã hội mất dân chủ trầm trọng và toàn diện, thì mọi thiết chế trong xã hội đó, hầu hết chỉ là hình thức, một loại hình thức chủ yếu để hợp lý hóa và che đậy sự mất dân chủ mà thôi. “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” – Mệnh đề cực kỳ quan trọng này trong hệ thống học thuyết của Mác có thể giúp ta soi sáng nhận thức của mình. Mọi vấn đề đang đặt ra trên bề măt xã hội hiện nay của chúng ta chính là sự thể hiện tức thời cái ý thức xã hội đang được tạo ra bởi cách thức “tồn tại xã hội” của chúng ta bấy lâu.
Ước nguyện của Dân
Đầu xuân Đinh Dậu, ai cũng có ao ước, đó là thành tâm của mọi người dân lương thiện. Họ ước cho họ, chứ không cho ai và càng không buộc ai làm cho họ được. Những điều họ mong ước chủ yếu là chưa xảy ra, là chưa có hoặc không có thật, nhưng không có lợi và cũng không có hại cho ai.
Nếu chỉ chạy theo giải quyết phần ngọn, đó là ý thức xã hội thì thật ra nhiều người tự nhận mình là học trò của Mác nhưng chẳng hiểu gì về Mác cả. Và đương nhiên, không thể nào giải quyết được hết hàng tỷ thức dạng khác nhau của 92 triệu con người Việt Nam đang hàng ngày “tồn tại méo mó” như bây giờ được. Lời giải cho các vấn đề xã hội không thể đi tìm trong đầu óc, suy nghĩ hay hành vi riêng biệt của từng con người, mà phải đi tìm nó trong bản chất các mối quan hệ kinh tế, chính trị của xã hội đó vv…
Mong muốn của người dân, hãy rũ bỏ tất cả các giáo điều vô bổ, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, lấy dân làm gốc thì sẽ tìm được lối ra.
Chỉ riêng chuyện đất đai, nhiều người đã nói mãi, nói rất đúng về khái niệm mơ hồ sở hữu toàn dân chỉ là kẽ hở cho nhóm lợi ích, là nguyên nhân chủ yếu khiếu kiện gây bất ổn xã hội bấy lâu nay nhưng rồi đa số đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vẫn phải bấm nút theo hướng đã được “chỉ tay”! Trong phạm trù sở hữu được nêu ra, nên chăng ta cứ nôm na hóa vấn đề như câu cửa miệng, dân giã thường đặt ra để cân nhắc, đắn đo, suy xét : “Ai nắm đằng chuôi “. Và, thế là rõ ngay cái thế : Ai sẽ “đứt tay” khi cái “chuôi” ngọ nguậy?!
Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực thể chế đó là cần đưa chính sách phát triển khu vực giao dịch phục vụ thị trường thành một trong những tiêu chí để đánh giá Chính phủ có kiến tạo hay không. Trong bối cảnh bộ máy công quyền của VN quá cồng kềnh, kém hiệu quả lại ngốn khoản ngân sách khổng lồ và cần gấp rút tinh giản thì định hướng chuyển lực lượng lao động sang xây dựng khu vực giao dịch phục vụ thị trường nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế là một lối thoát mang tính chiến lược.
Một trong những việc cấp bách, thiết thực nhất và không tốn kém “nói đi đôi với làm” có thể làm ngay để lấy lòng tin trong nhân dân cũng như trong quan hệ quốc tế, nhân dịp ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc là mạnh dạn thả tự do cho những người đã bị bắt do đấu tranh ôn hòa phát biểu chính kiến khác với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lời kết
Đón năm mới, xen lẫn nhưng âu lo, trăn trở về con đường phát triển của đất nước còn rất nhiều chông gai, thử thách kể cả về lý luận và thực tiễn, xin có mấy vần thơ để kết luận cho bài viết này:
ĐÓN XUÂN ĐINH DẬU
Vận nước nhiều năm nay vẫn vậy?
Thế thời, thế đấy! có sao đâu ?
Tam xuân* hợp lại thành sức mạnh
Tứ cõi** lòng tin đã “đổi màu”?
Cầu cho năm mới cùng tiến tới
Chính, đảng, thần, dân mới đủ nhiều
Đinh DẬU mong sao GÀ khoẻ gáy
Tài đức KÊ đơn được thỉnh cầu
Cung chúc người mình mau hết khổ
Buôn bán làm ăn khắp năm châu
Tứ trụ, Tam quyền chăm nghiệp Nước
Dân tín ! lo chi việc đổi mầu ?
Ghi chú: Tam xuân* (mặt trời, trái đất và vũ trụ)
Tứ cõi ** (bốn phương)
Tô Văn Trường
(Blog Kỳ Duyên)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét