Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Sự tích cái đuôi Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa


Sự tích cái đuôi định hướng nên được bổ sung vào kho tàng văn học dân gian để hậu thế tham khảo. Trong kho tàng văn học dân gian VN có khá nhiều câu chuyện về “Sự tích…”. Đó là sự tích của con vật này, cây cỏ nọ, di chỉ kia v.v… Vừa qua tôi nghe lóm được một sự tích thời hiện đại, xin kể ra để góp vui với đời. Vì là nghe lóm và là chuyện về sự tích nên không dám bảo đảm chính xác ‘chăm phần chăm’, chỉ khẳng định là viết lại trung thực những điều nghe được, không thêm bớt.
Image result for cái đuôi
Câu chuyện về cái đuôi “Định hướng XHCN” kèm thêm vào Nền kinh tế thị trường. Không biết những người viết sử và làm lý luận của ĐCSVN đã có ai bỏ công tìm hiểu cái đuôi ấy ở đâu ra, người nào đề xuất, hội nghị nào, văn bản nào lần đầu tiên thảo luận và quyết định. Và quan trọng hơn là nêu định nghĩa, giải thích khái niệm đó. Chỉ biết rằng cụm từ “Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” được dùng chính thức trong các văn kiện của Đảng từ năm 1990. Vừa qua tôi có dịp may nghe được câu chuyện sau đây giữa 2 người, tạm gọi là Xu và Hào. (tôi có quen biết cả 2 ông, ai muốn xác minh tôi xin cung cấp thêm thông tin).

Xu – Này, bác Hào có biết cái đuôi định hướng XHCN ghép vào nền kinh tế thị trường ở đâu ra không nhỉ?

Hào – Làm sao mà mình biết được, chú có biết thử nói nghe chơi.

Xu – Em được ông Nguyễn Thế Diên kể cho nghe, khẳng định rằng nó được xuất phát lần đầu tiên tại cuộc họp chi bộ của ông ấy. Bác có biết ông Diên không nhỉ.

Hào – Trên đời này mình biết khoảng 10 ông tên Diên, trong đó có Ngụy Diên, Hoàng Tân Diên, Mai Diên, có thể có ông họ Nguyễn Thế, nhưng không biết ông Diên cậu nói là ông nào.

Xu – Ông này, trước là giáo viên cấp 3, rồi giảng viên đại học, sau chuyển sang làm ở Ban Tuyên giáo, nay đã nghỉ hưu, nghe đâu là ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức.

Hào – Thế thì mình không biết. Ông ấy nói như thế nào chú kể cho mình nghe với.

Xu – Ông Diên kể cho em nghe câu chuyện xẩy ra cách đây đã khá lâu, vào khoảng trước năm 1990. Một lần chi bộ họp, thảo luận về Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đó là việc cần thiết, nhưng còn ngại là toàn Đảng, toàn dân đã nghe quen nền kinh tế XHCN, cho kinh tế thị trường là của tư bản, cần phải chống. Thế mà nay lại nói tới nó thì nhân dân, đảng viên thắc mắc, biết giải thích thế nào. Đã có một số ý kiến phát biểu, cuối cùng một đảng viên cho rằng chỉ cần thêm một cái đuôi “Theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là xong, là giải đáp được thắc mắc. Nhiều người dự họp khen ý kiến vừa nêu là sáng suốt.

Ông Đào Duy Tùng (1924- 1998), ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban tyuên giáo trung ương, sinh hoạt cùng chi bộ với ông Diên. Ông Tùng vắng mặt trong cuộc họp vừa nói. Sau đó ông Tùng hỏi bí thư chi bộ xem trong cuộc họp có ý kiến gì đáng để ý không. Bí thư chi bộ trình bày ý kiến về cái đuôi định hướng. Ông Tùng khen hay. Và rồi từ đó không biết bằng con đường nào mà cái đuôi ấy trở thành nội dung trong các văn bản chính thức.

Hào – Thế ông Diên có nhớ tên của người đảng viên đưa ra ý kiến trên hay không?

Xu – Em có hỏi nhưng ông ấy không nhớ rõ tên của người đảng viên bình thường đó.

Bình luận: Thông thường, trong nghiên cứu khoa học, một khái niệm mới, được người nghiên cứu phát hiện bắt nguồn từ bản chất và sự tồn tại của nó, gồm có nội hàm và ngoại diên. Sau đó người ta đặt tên và đưa ra định nghĩa. Nếu chuyện kể trên là đúng thì cái tên “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” được đặt ra không theo cách vừa trình bày, vì khi đặt tên thì nó chưa tồn tại.

Ở đây tên được đặt theo ý muốn chủ quan để khắc phục một thắc mắc có thể xẩy ra. Như thế thì trong việc này có ý đồ lừa dối người nghe và tự lừa dối mình. Thế mới biết tại sao trong thời gian dài người ta lúng túng trong việc giải thích cái đuôi định hướng cho đồng bào trong nước và cố tình cắt bỏ nó, giấu biệt nó khi đi xin các nước ngoài công nhận nền kinh tế thị trường.

Xem ra sự tích cái đuôi định hướng nên được bổ sung vào kho tàng văn học dân gian để hậu thế tham khảo.

Nguyễn Đình Cống
FB Nguyễn Đình Cống



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: