BÙI VĂN NAM SƠN, Thứ năm, 29 Tháng 12 2016
Đây là kết quả của cuộc hội thảo khoa học về triết gia Trần Đức Thảo trong hai ngày 22 và 23.06.2012 tại Trường Sư phạm cao cấp, phố Ulm, Paris(École normale supérieure, Rue d’Ulm/ENS), ngôi trường lừng danh của nước Pháp và cũng là nơi đào tạo Trần Đức Thảo vào đầu những năm 40 thế kỷ trước, do chính nhà trường tổ chức, phối hợp với Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của nước Pháp (CNRS) và Kho lưu trữ Husserl. (Xem Chương trình hội thảo được thông báo bằng tiếng Pháp ở Phụ lục cuối sách).
Jocelyn Benoist, giáo sư triết học Đại học Paris I và Michel Espagne, giám đốc nghiên cứu thuộc CNRS vừa làm nhiệm vụ điều phối cuộc hội thảo, vừa tập hợp, chọn lọc và bổ sung các tham luận cho tập kỷ yếu “Hành trình của Trần Đức Thảo” này. Với nhan đề “L’itinéraire de Tran Duc Thao. Phénoménologie et transferts culturels” (NXB Armand Colin/Recherches, Paris, 2013), tập kỷ yếu này gồm có hai phần: phần I là các tham luận chọn lọc và phần II in lại toàn văn nguyên bản tiếng Pháp tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Trần Đức Thảo: “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” (xuất bản lần thứ nhất tại NXB Minh Tân, Paris, 1951), cung cấp cho người đọc tư liệu gốc về hành trình tư tưởng của Trần Đức Thảo trong những năm học tập và hoạt động triết học của ông tại Pháp trước khi rời Pháp về Việt nam vào năm 1951. Mọi công trình về sau của ông, kể cả những bản thảo vào cuối đời, thực chất chỉ triển khai những ý tưởng và đề án cốt lõi trong tác phẩm này. Không xét đến những hạn chế khó tránh khỏi về nguồn tư liệu tham khảo và tính cập nhật do hoàn cảnh khách quan, người đọc ngày nay có thể chia sẻ “cảm tưởng” của Thierry Marchaisse (Niệm ca về cái chết của Trần Đức Thảo) như thể “thời gian dừng lại” và dường như “tất cả có lẽ được viết trước khi ông về Việt Nam”, nói lên sự liên tục và nhất quán trong dự phóng nền tảng của Trần Đức Thảo.
Lời dẫn nhập hàm súc nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Trần Đức Thảo như là một hiện tượng “chuyển giao văn hóa” độc đáo: từ triết học Đức (hiện tượng học Husserl) sang Pháp, rồi từ Pháp sang Việt nam và ngược lại: “Ta có ở đây một sự chuyển giao văn hóa tay ba như là sự chuyển đổi từ một không gian tư tưởng này sang một không gian tư tưởng khác và những ngữ nghĩa bao hàm được đưa thêm vào đó lại làm xuất hiện một chân trời tư tưởng thứ ba”. Trở lại với tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của tác phẩm “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” (ở phần II), Lời dẫn nhập cho thấy “diện mạo Husserl như chúng ta thấy hôm nay phụ thuộc rất lớn vào tác động của việc Thảo nỗ lực truyền đạt, tổng hợp”, nhất là khi ông là người đầu tiên khai thác các bản thảo thuộc Nhóm C (bấy giờ chưa công bố) của Husserl cho giới nghiên cứu Pháp. Công trình nói trên của Trần Đức Thảo “không chỉ đơn thuần là một sự trình bày tư tưởng của Husserl mà là một sự diễn giải chắc chắn và triệt để, ắt sẽ định hướng sâu sắc cho những con đường theo hướng chủ nghĩa chú giải, ít nhất là ở khu vực tiếng Pháp, nơi ta biết rằng khoa hiện tượng học, và đặc biệt là sự tham khảo Husserl, chắc chắn vẫn tiếp tục rất sôi động (…). Cuốn sách thật kỳ lạ; nó tháo dỡ (déconstruit) đối tượng của nó ra ngay trong khi giới thiệu, và, trong chừng mực nào đó, cuốn sách đã trở thành cuốn giáo trình mà lại không thuộc về cái mà nó phê phán. Khoa hiện tượng học ở Pháp chắc chắn đã chịu ảnh hưởng lâu dài bởi quyển sách này, trong chừng mực kế thừa từ Thảo cái ý tưởng về khoa hiện tượng học bị đặt vào một tình thế khủng hoảng ngay trước khi nó kịp bắt đầu. Hiện tượng học Pháp chắc chắn vẫn chưa hết ưu tư về sự kiện này, vẫn chưa hết băn khoăn về những giới hạn và câu hỏi về bản thân khả thể của hiện tượng học, vốn làm nên đặc điểm của việc người Pháp tiếp nhận lại truyền thống Đức ngữ này. Trong một sự chuyển đổi và đột biến như vậy thì chắc chắn Thảo, từ chiều sâu của những khác biệt đa dạng của ông và những vấn đề nảy sinh ra với ông, vượt khỏi phạm vi triết học đơn thuần, đã đóng góp một vai trò xuất sắc”.
Những “ưu tư” và “băn khoăn” về hành trình của Trần Đức Thảo nói riêng cũng như của hiện tượng học nói chung sẽ là nội dung của các tham luận được chọn in trong phần kỷ yếu. Phần I này có thể chia làm bốn cụm đề tài:
1. Các tham luận liên quan đến tiểu sử của Trần Đức Thảo, các cột mốc về cuộc đời và tác phẩm của ông trong suốt ba chặng đường: ở Pháp, ở Việt nam và trở lại Pháp cho đến khi qua đời tại Paris ngày 24.04.1993 (Daniel Hémery, Philippe Papin, Trịnh Văn Thảo, Hoai Hương Aubert-Nguyen, Thierry Marchaisse).
2. Đóng góp đặc biệt của Trần Đức Thảo trong việc thiết lập cơ sở ban đầu của kho lưu trữ Husserl tại Paris (Jean-Francois Courtine). Sau nỗ lực giải cứu kho bản thảo đồ sộ của Husserl khỏi tay chế độc quốc xã của linh mục Van Breda để bí mật chuyển sang Louvain (Bỉ), Trần Đức Thảo và Merleau-Ponty được tín nhiệm “tiến hành lựa chọn các bản thảo chưa in thành sách. Loạt bản thảo được chép lại này (3000 rồi sau đó là 2100 trang) được để tại Paris, đầu tiên là tại Trường Sư phạm cho tới tháng 12 năm 1946 và một số quan trọng khác (thuộc Nhóm C được Trần Đức Thảo trích dẫn dài và lần đầu tiên trong tác phẩm của mình) cho tới tận cuối năm 1948”. Sau bao thăng trầm và dàn xếp vất vả, “một trung tâm Husserl đặt tại thư viện Đại học Sorbonne đã mở cửa vào tháng 5 năm 1958” (tức mãi bảy năm sau khi Trần Đức Thảo chia tay Paris!).
3. Đóng góp độc đáo của Trần Đức Thảo trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân Pháp cả về lý luận lẫn thực tiễn, trong quan hệ phong phú với phong trào người Việt chống thực dân tại Pháp, với tạp chí Les Temps Modernes (“Thời Đại mới”) nổi tiếng và nhóm chủ trương tạp chí (“Chống chủ nghĩa thực dân và ly khai: Trần Đức Thảo và Tạp chí “Thời đại mới”/“Les Temps modernes” của Jérôme Melançon), đặc biệt với tư tưởng chống thực dân từ Jean-Paul Sartre đến Frantz Fanon (Sự tiến triển của tư tưởng Trần Đức Thảo, nhìn vào từ Sartre đến Fanon của Perrine Simon-Nahum). Theo tác giả này, lần đầu tiên người ta “thấy triết học ở cội nguồn của các phân tích về vấn đề thuộc địa xuất hiện trong các môi trường trí thức”. Nói khác đi, Trần Đức Thảo đi tiên phong trong “phân tích hiện tượng học-chính trị”, “không đơn thuần mô tả các sự kiện cho bằng đặt chúng trong tương quan với triết học”. Ông “mô tả tình hình thuộc địa, từng bước một lấy hiện tượng học làm tấm gương phản chiếu, rồi sử dụng cái khung mác-xít và nhờ đó có một âm điệu đặc biệt”. “Chính sự gặp gỡ với chủ nghĩa Marx đã đặt triết học này vào con đường của hành động và thế giới hiện thực, và điều này lại nhờ có cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân”. Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng: mô tả hiện tượng học - lý thuyết về Praxis - cuộc đấu tranh giải thực ở Việt Nam và Đông dương là “bộ ba” sẽ khuôn định nên cuộc dấn thân bi tráng của Trần Đức Thảo. Trong khung cảnh ấy, “diễn ngôn chống chủ nghĩa thực dân” của Trần Đức Thảo là tiếng nói tiên phong và chủ đạo, “tới mức đưa ra những quy tắc mới cho tư tưởng chống chủ nghĩa thực dân” trong giới trí thức Pháp lúc bấy giờ: “Con đường triết học Trần Đức Thảo dẫn các nhà trí thức khác nhau đi theo có thể được tóm thành ba giai đoạn: trước tiên là gặp gỡ với vấn đề đặt ra do sự phủ nhận tính cách phổ quát của tâm thần con người [“Trần Đức Thảo đặt đối nghịch chân trời của người bị đô hộ và thực dân, hai chân trời không thể hòa làm một cũng không thể gặp nhau”], kế đó, sự cần thiết phải xích lại với chủ nghĩa Marx dưới ánh sáng của một chủ thể tính được khách thể hóa và, cuối cùng, vấn đề từ nay phải chấp nhận bạo lực. Dẫu không phải tất cả đều trải qua theo cùng một nhịp, song ba giai đoạn trên làm thành những cột mốc của một hành trình đưa phần lớn họ từ tinh thần của cuộc Giải phóng tới sự dấn thân vào chủ nghĩa Marx”. Điều này sẽ được minh chứng qua ảnh hưởng ngày càng lớn của Trần Đức Thảo lên tư tưởng chống thực dân của Jean-Paul Sartre (năm 1946, trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản[1], Sartre còn cho rằng mọi dự phóng cá nhân đều mang tính phổ quát, có thể truyền thông được, và, giống như Marx, tin vào một nhân loại “hòa giải”) và nhất là lên Frantz Fanon (1925-1961), bác sĩ tâm thần học và nhà tư tưởng, nhà chiến sĩ chống thực dân nổi tiếng gốc Bắc Phi đến Pháp từ 1947, qua những nghiên cứu thực nghiệm, xác nhận và triệt để hóa các luận điểm của Trần Đức Thảo.
4. Đặc biệt phong phú là cụm đề tài về triết học, gồm nhiều bài viết khác nhau liên quan đến sự chuyển hóa tư tưởng của Trần Đức Thảo từ hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng trong bối cảnh đương thời với nhiều hệ quả và vấn đề cần được tiếp tục phân tích và bàn luận.
Mở đầu cho cụm bài này, Jocelyn Benoist (“Cuộc “tự nhiên hóa” lần đầu tiên đối với hiện tượng học?”) muốn đọc Trần Đức Thảo như “một toàn bộ, trong tính thống nhất”, “xét mối liên hệ giữa các nghiên cứu đầu tiên của ông với các nghiên cứu sau này trong quyển Các nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức”. Đặt dự phóng của Thảo trong viễn tượng như vậy, theo Benoist, sẽ nhận ra “một hình thức nào đó của công cuộc “tự nhiên hóa” đối với hiện tượng học”. “Tự nhiên hóa” (naturalisation) là “xét lại”, “tái cấu tạo” và “vượt ra khỏi” dự phóng cơ bản của hiện tượng học khi Husserl muốn khắc phục “thái độ tự nhiên” nhằm có thể thâm nhập vào lĩnh vực “hiện tượng thuần túy của ý thức”. Như thế, “tự nhiên hóa” là nỗ lực đặt hiện tượng học trở lại trong vận động hiện thực của giới tự nhiên, tiến tới xây dựng một “thuyết duy nhiên kiểu mới” (“un naturalisme d’ un genre nouveau”) (từ của Trần Đức Thảo). Vậy, “thuyết duy nhiên kiểu mới” này là gì? Theo Benoist, “không có gì bí ẩn để nhận dạng thuyết duy nhiên này cả: đó là thuyết duy nhiên dựa vào lập trường duy vật biện chứng trong các nghiên cứu của F. Engels (Phép biện chứng của Tự nhiên, Chống Dühring)”. Theo tác giả, Trần Đức Thảo nhìn thấy trong một thuyết duy nhiên như vậy “cơ hội viết lại và đặt lại viễn tượng duy vật chủ nghĩa cho động lực của hiện tượng học”. Tuy nhiên, “sự trở về lại với thực tại không phải là trở về lại với tồn tại vật tính tĩnh tại bị tách rời khỏi sự vận động của đời sống hiện thực mà là trở về lại với chính sự vận động ấy”. Nói cách khác, “thuyết duy nhiên kiểu mới” của Trần Đức Thảo không phải là thuyết duy vật cơ giới, “không phủ định tính chủ thể cấu tạo” của Husserl, trái lại, đồng nhất tính chủ thể này với “bản thân giới tự nhiên trong tiến trình trở thành-chủ thể của nó” (cách nói của Trần Đức Thảo trong tác phẩm chính đã nêu và được Benoist nhấn mạnh).“Tự nhiên trở thành chủ thể” có nghĩa là tính vật chất không còn được hiểu một cách trừu tượng như là đối lập và bất tương thích với tư duy (như trong thuyết duy vật cơ giới “quy giản luận”), mà là “hình thức nguyên thủy luôn có mặt trong sự vận động nâng cao nó lên thành sự sống và ý thức”. Vì thế, thay vì, như nơi Husserl, xuất phát từ kinh nghiệm “sống trải” với “tính ý hướng” vốn chỉ là “một phương diện trừu tượng” của cuộc sống hiện thực, Trần Đức Thảo “đề xuất một sự viết lại các phạm trù cơ bản của hiện tượng học bằng ngôn ngữ của hoạt động-hành vi (pragmatico-comportementaux). “Hành vi” không phải là “đối vật” hay “đối tượng”, trái lại, “là tiến trình trở thành-chủ thể của bản thân giới tự nhiên, và đồng thời với sự trở thành-chủ thể ấy, cấu tạo nên ý nghĩa“hiện thực” của chủ thể”. Hay nói rõ hơn theo Trần Đức Thảo, đó là “sự vận động hiện thực, nhờ đó giới tự nhiên trở thành con người bằng cách tự cấu tạo nên chính mình như là tinh thần” (Xem phần II, tiểu đoạn 287 và tiếp). Trong tinh thần ấy, cách tiếp cận của Trần Đức Thảo “không bác bỏ mà nói lên sự thật hay chân tướng của thuyết duy tâm siêu nghiệm”.
Như thế, Benoist đã đi ngay vào dự phóng trung tâm của toàn bộ triết học Trần Đức Thảo. Theo chúng tôi, nếu Hegel đã xuất phát từ luận điểm biện chứng độc sáng về việc “bản thể trở thành chủ thể”, khắc phục “tính bản thể” cứng nhắc của siêu hình học cổ truyền từ Spinoza đến Schelling để triển khai một “Hiện tượng học Tinh thần”[2], thì cũng có thể nói, Trần Đức Thảo đã tiếp thu luận điểm cơ bản ấy và dành trọn đời để theo đuổi nhất quán và kiên trì đề án xây dựng một “Hiện tượng học (về/của) Vật chất” với nghĩa trọn vẹn của từ này. “Vật chất”, ở đây, tất nhiên, được Trần Đức Thảo hiểu theo nghĩa “hậu quy giản” của Husserl, đã vượt bỏ “thái độ tự nhiên” ngây thơ như yêu cầu đầu tiên của hiện tượng học.
Công cuộc lớn lao và đầy tham vọng ấy đã mang lại những thành tựu nào, gặp những khó khăn và mâu thuẫn gì, và đặt chúng ta trước những thử thách mới ra sao, sẽ được các tham luận còn lại đề cập và trao đổi.
Trong khi Benoist nhận thấy toàn bộ công việc phân tích sinh triển về tính ý hướng theo kiểu Husserl từ nay được Trần Đức Thảo triển khai trên mảnh đất của tập tính học (éthologie), tức trên cơ sở nghiên cứu các chức năng cảm giác-vận động, được trình bày như là xuất xứ và cơ sở của cấu trúc ý hướng tính, “là cái gì rất hiện đại: nó không phải không gợi nên sự liên hệ tới một số nghiên cứu mới hiện nay về tính ý hướng, chẳng hạn như các nghiên cứu gợi ra những ý tưởng mới mẻ của Alva Noë”[3], thì Masoud Pourahmadali Tochahi có cái nhìn khá dè dặt và hoài nghi. Trong “Nguồn gốc của sự ý thể hóa và vấn đề chuyển tiếp từ động tác chỉ trỏ sang sự biểu nghĩa nơi Trần Đức Thảo”, sau khi phân tích những thành quả và những khó khăn của việc hình thành ý thức, đã nêu “những câu hỏi không chỉ Thảo mà toàn bộ triết học duy vật về ngôn ngữ phải trả lời”:
“… đó là, thứ nhất, làm thế nào cái “cái này” (le “ceci”) mà một chủ thể hay toàn bộ các chủ thể sống trong một cộng đồng nào đó đã nghiệm trải trong các mối quan hệ tương tác cụ thể của cuộc sống vật chất lại tự thoát khỏi các mối quan hệ ấy để rồi trở thành đối tượng ý thể (objet idéal) cho tất cả mọi chủ thể không nhất thiết đã nghiệm trải đối tượng ấy - về mặt này, có thể lấy ví dụ hiển nhiên của sự phiên dịch với tư cách là khả năng có thể tưởng tượng ra một đối tượng ở bên ngoài phạm vi một cộng đồng ngôn ngữ. Câu hỏi thứ hai mà mọi triết học duy vật phải trả lời là như sau: làm thế nào những đối tượng hư cấu và không hiện hữu (inexistant) lại có thể xuất hiện trong ngôn ngữ và được tích hợp vào trong “ý thức tập thể” trong khi chúng không có cái tương đương ở trong “thực tại vật chất”? Khoa hiện tượng học giải quyết câu hỏi này bằng cách viện đến những thực thể mang tính bản chất phổ biến (entités eidétiques) vốn luôn “có sẵn” ở trong đối tượng, nhưng chỉ được “mang lại” ở trong và cho ý thức có tính ý hướng với tư cách ý thức tuyệt đối và như thế, tạo ra “nghĩa” cho đối tượng ý hướng tính (sens noématiques) mà bản thân những nghĩa ấy không phải là vật chất. Dĩ nhiên nếu chỉ bắt đầu bằng thực tại vật chất hiểu theo nghĩa đen và bắt toàn bộ ý thức phải phục tùng tính “hơn hẳn” (supériorité) của thực tại vật chất thì ta không thể dễ dàng giải quyết vấn đề của sự chuyển đổi này. Ngay cả sự mô tả hình thức một cách tỉ mỉ về sự chuyển đổi từ cái “cái “cái này” hiện tiền” (ceci présent) sang cái “cái “cái này” vắng mặt” (ceci absent) như là tiền-hình thức (préforme) của nguồn gốc của ý thức cũng không bao giờ lý giải được cách thức mà các lớp phức tạp hơn nhiều của ý thức có thể thêm vào. Có lẽ chính vì điều này mà Husserl đã tránh phân tích hệ vấn đề của ngôn ngữ trong bối cảnh của thế giới cuộc sống và ông chỉ đề cập nó trong bối cảnh của việc phân tích về ý thức. Rốt cuộc chính niềm tin vững chắc của Thảo vào một hữu thể học về cử chỉ chỉ trỏ phụ thuộc vào lao động với tư cách hình thức nguyên thủy của hoạt động con người đã ngăn cản ông phát triển một nghiên cứu thực sự về nguồn gốc ngõ hầu có thể lý giải sự ra đời của ý thức và ngôn ngữ với tư cách là cái nôi của ý nghĩa”.
Đi xa hơn, tác giả tỏ ra e ngại rằng “sự thay đổi triệt để này về phạm vi nghiên cứu và việc ông (TĐT) chuyển dịch từ ý thức về những trải nghiệm bên trong [kiểu hiện tượng học] sang những hành vi biểu hiện ra bên ngoài (…) không thể được hiểu như là một sự thay đổi đơn giản về phương pháp, hay như bản thân Thảo vẫn nói, một sự thay đổi về “chân trời”, mà đúng hơn là một sự thay đổi bộ môn nghiên cứu (changement de discipline). Sự thay đổi có thể đặt toàn bộ dự phóng của Thảo vào tình thế một sự từ bỏ triệt để việc làm triết học (aphilosophisation radicale), điều dường như không hề gây cho ông sự e ngại nào. Nói khác đi, việc Thảo dựa vào những nghiên cứu về hành vi, viện cớ là một sự phân tích về hiện thực, rồi ông chỉ dừng lại ở đó mà không rút ra những hệ quả hữu ích ngõ hầu giải quyết những vấn đề do hiện tượng học đặt ra, có nguy cơ khiến ông đi ra ngoài lĩnh vực của triết học và đặt ông vào một cái “tuyệt đối” mà ông vừa mới vất vả thoát ra bằng mọi nỗ lực công thức hóa như ông đã thực hiện trong các nghiên cứu của mình”.
Alexandre Feron, trong “Từ hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Làm thế nào để “thanh toán lương tâm triết học trước đây”? cho ta một cái nhìn tổng quan khá sáng sủa và lý thú về hành trình “vượt bỏ hiện tượng học” của Trần Đức Thảo, một hành trình, theo tác giả, là “nói dễ hơn làm” bởi nó quanh co, phức tạp, nhiều kịch tính trong mối quan hệ chằng chịt với Husserl, Hegel và Marx. Qua việc phác họa “chân dung một triết gia đang làm việc, nghĩa là không bao giờ ngừng nghỉ trong việc đặt lại vấn đề và đấu tranh chống lại những quan niệm của chính mình”, tác giả đồng ý với nhận xét của Althusser rằng, “chính trong tinh thần ấy, Trần Đức Thảo chưa bao giờ thôi không còn là người theo Husserl!”.
Tác giả bài viết “muốn tái dựng lại cuộc hành trình của Trần Đức Thảo bằng cách xem xét những phương thức khác nhau được ông quan niệm về việc “vượt bỏ” hiện tượng học theo hướng chủ nghĩa duy vật biện chứng - chúng cũng chính là những phương cách khác nhau để hiểu mối quan hệ giữa hiện tượng học và chủ nghĩa Marx”. Để “tái dựng” hành trình này, tác giả “chọn cách trở lại với ba thời điểm. Trước hết là quan tâm đến thời kỳ từ 1945 đến 1950, trong đó Trần Đức Thảo hình như muốn tổng hợp hai trào lưu tư tưởng để tạo nên một kiểu “chủ nghĩa Marx hiện tượng học” nào đó. Sau đó là [thời kỳ của] quyển Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng - tác phẩm trong đó Trần Đức Thảo quan niệm việc vượt bỏ hiện tượng học như là phương tiện để “thực hiện” (Aufhebung) nó [theo nghĩa của từ Aufhebung trong Hegel: phủ định, bảo lưu, nâng cao]. Sau cùng, ta sẽ thấy ông [tự] phê phán chính quan niệm này như thế nào để suy nghĩ về sự cần thiết phải “đi ra khỏi” (Ausgang/sortie) hiện tượng học - việc “đi ra khỏi” này không còn được xem như một thời kỳ, mà như là một ngõ cụt không lối thoát”. Bạn đọc cần một bản “tổng thuật” gọn ghẽ, sáng sủa, vừa phân tích vừa tổng hợp về hành trình tư tưởng của Trần Đức Thảo - tất nhiên, theo cách nhìn của tác giả - có thể tham khảo bài viết này với sự chăm chú và phê phán cần thiết. Alexandre Feron kết luận bài viết:
“Trần Đức Thảo, trong một cách nào đó, tìm thấy lại Husserl. Thật thế, Husserl đã không ngừng bắt đầu lại hiện tượng học, và, khi đã già yếu và hầu như sắp lâm chung, đã tuyên bố rằng rút cục, mình đã bắt đầu hiểu hiện tượng học. Chúng tôi đã mở đầu bài viết này bằng cách đề nghị một công thức để nói lên đặc điểm của quỹ đạo triết học của Trần Đức Thảo: đó là, “vượt bỏ hiện tượng học”. Bây giờ, chúng tôi có thể kết thúc bài viết với đề nghị về một lời tuyên bố “đối lại chan chát”: “Rút cục, tôi bắt đầu hiểu được chủ nghĩa duy vật biện chứng!”.
Bài Từ hiện tại sống động đến vận động hiện thực. Chủ nghĩa Marx và sự chuyển giao văn hóa ở Trần Đức Thảo của Michel Espagne cũng là một nỗ lực “tổng thuật” khá công phu và lý thú, trước khi tác giả đi đến kết luận: “Hiện tượng học, trong chừng mực nào đó, được dùng làm công cụ trong sự trao đổi giữa Paris và nước ông. Đảm bảo một sự môi giới Pháp-Đức, sự môi giới giữa hiện tượng học và chủ nghĩa Marx cũng như giữa Pháp và Việt Nam, Trần Đức Thảo, với mối quan tâm của ông đối với tri giác về đối tượng, sự sinh triển vật chất của ý thức, những sự song hành giữa các giai đoạn phát triển kinh tế và phát triển ý thức nói lên nhiều hơn là một sự diễn giải về Husserl. Ông là hiện thân của sự chồng lợp với tham vọng mạnh mẽ có tính định hướng nghiên cứu (heuristique) giữa các không gian văn hóa (…)”. Tác giả nói tới một “mô hình Trần Đức Thảo”, biểu lộ cái “chân trời Việt Nam” trong những cuộc tranh luận ở Paris, theo nghĩa vừa kế thừa sinh hoạt trí tuệ của người Pháp ở những năm 1940 và 1950, vừa gắn liền với những khó khăn mà vị triết gia của chúng ta gặp phải khi “hòa mình” vào trong mọi phương diện của một hoàn cảnh chính trị, xã hội đặc thù trên quê hương mình.
Cụm ba bài còn lại có chất lượng triết học rất cao (“Husserl giữa Trần Đức Thảo và Derrida. Một thời kỳ của hiện tượng học ở Pháp” của Daniel Giovannangeli; “Hiện tượng học và phép biện chứng. Phê bình của Derrida đối với Trần Đức Thảo” của Raoul Moati; và “Jean Cavaillès, Maurice Merleau Ponty, Trần Đức Thảo: ba nhà triết học “ra trường” trong những năm 1940” của Claude Imbert) bổ sung nhiều thông tin và tư liệu quý về diễn biến và các cách tiếp cận khác nhau đối với hiện tượng học ở Pháp vào nửa đầu thế kỷ 20 của những người đồng thời với Trần Đức Thảo, tuy có chênh lệch ít nhiều về tuổi tác nhưng có thể xem là cùng thuộc một thế hệ. Tất cả đều đã hân hoan chào đón làn gió thanh tân từ hiện tượng học như là “triết học về cái cụ thể”, hứa hẹn trở về với “bản thân sự vật” vốn là khát khao cố hữu của tư duy triết học. Mỗi người hăm hở tự tìm cho mình một lối vào trong tinh thần mới của một lề lối triết học “không có tiền giả định”. Và cũng chính tính cách không có tiền giả định ấy cho phép cả một thế hệ (Cavaillès, Lévinas, Sartre, Merleau-Ponty, Trần Đức Thảo, Ricoeur, Derrida, Lyotard…) không chỉ tìm “đường vào” mà cả “đường ra”, thông qua sự phát hiện những mâu thuẫn, nghịch lý chưa được bản thân “tôn sư” Husserl nhận diện hay giải quyết. Nếu Trần Đức Thảo nhận ra mâu thuẫn “nội tại” giữa phương pháp hiện tượng học và những kết quả “hiện thực” của nó, đồng thời muốn triệt để hóa những “mầm mống hiện thực” phát hiện được trong Husserl khi linh cảm thấy rằng “sự quá độ từ cái khả giác sang cái khả niệm [tức từ vật chất sang ý thức] chỉ có thể được mô tả chính xác bằng sự phân tích những hình thức kỹ thuật và kinh tế của nền sản xuất”, thì Derrida, trong tác phẩm đầu tay và cũng là luận án tốt nghiệp[4], không tán thành “sự chẩn đoán rơi trở lại vào thái độ tự nhiên tiền-quy giản” ấy. Derrida nhận ra sự nghịch lý nằm ngay trong khái niệm của Husserl về sự sinh triển (genèse) (cả tính thời gian lẫn ý nghĩa được sản sinh ra từ những hành vi trước đó của chủ thể siêu nghiệm, nhưng bản thân tính chủ thể lại phải được cấu tạo bởi một hành vi sinh triển. Như thế, theo nghĩa hiện tượng học, khái niệm sinh triển vừa có tính thời gian, vừa phi thời gian, vừa là lịch sử, vừa là triết học). Khó có thể giải quyết quan hệ “biện chứng” này trong thực hành hiện tượng học, Derrida, mấy năm sau, từng bước phát triển quan niệm nổi tiếng của mình về sự “giải-kiến tạo” (déconstruction). Claude Imbert, trong bài trao đổi tại Viện Triết học, Hà nội, ngày 20.3.2015, được bổ sung vào tập kỷ yếu này, trong viễn tượng của sự chuyển giao văn hóa, đi sâu vào ba cách tiếp cận khác nhau đối với hiện tượng học của Cavaillès (thầy dạy và người hướng dẫn luận án của Trần Đức Thảo), Merleau Ponty và Trần Đức Thảo. “Cả ba nhà triết học này đều chia sẻ cảm nghĩ chung là tất yếu phải đổi mới triết học; họ đặt cược vào lối tư duy cụ thể như Husserl đã hứa hẹn, và đồng thời khát khao muốn có lại một thuyết duy thực nào đó. Nhưng, sau khi đọc tỉ mỉ và thận trọng các văn bản của Husserl, cả ba nhà triết học này đều thất vọng. Mỗi người có sự chẩn đoán riêng, tùy theo mối quan tâm riêng biệt của mình và đã đề xuất một con đường thoát ra khỏi đó, gọi chung là con đường biện chứng. Cùng lúc, họ đã du nhập những bằng chứng mới mẻ về bản chất của hoạt động triết học và những yêu cầu cho hoạt động này: một lập trường mà ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn và thừa nhận”.
Giới thiệu ba cách tiếp cận khác nhau nói trên cũng là dịp để tác giả đi đến nhận định mà thiết nghĩ cũng có thể xem là nhận định chung, toát lên tinh thần của cả cuộc hội thảo: “Nhiệm vụ của chủ nghĩa hiện đại là phải xem xét tính đa dạng của những ngôn ngữ giàu thông tin và ý nghĩa nhất. Ngôn ngữ triết học bác bỏ bất kỳ một sự tổng hợp mang tính đỉnh cao nào, và bằng chứng của sự sản sinh những ngôn ngữ trung gian riêng biệt với tiết điệu và lịch sử đặc thù của chúng chính là sự thừa nhận rằng ta chỉ có một kết luận tạm thời mà thôi. Chúng ta nên chấp nhận Khai minh (Enlightenment) là một công cuộc sản sinh phi tập trung hóa, hàm ý rằng mọi sự chuyển giao và dịch thuật chắc hẳn là có ích, song không sự dịch thuật hay chuyển giao đơn thuần nào có thể là hoàn chỉnh một cách tối hậu cả”.
Khuôn khổ một cuộc hội thảo, dù phong phú đến mấy, cũng khó có thể đề cập mọi vấn đề. Người đọc còn chờ đợi những tham luận đi sâu hơn nữa vào hệ vấn đề được Trần Đức Thảo mệnh danh là “Phép biện chứng của vận động hiện thực” như nhan đề phần 2 của “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, cũng như những tìm tòi còn ở dạng phác thảo trong các di cảo cuối đời. Và, last but not least, là suy tưởng lại về quan hệ của Trần Đức Thảo với hiện tượng học và triết học nói chung.
*
* *
Bản dịch này được tập thể dịch giả (Bùi Văn Nam Sơn, Đinh Hồng Phúc, Phạm Anh Tuấn và Phạm Văn Quang) thực hiện theo gợi ý của Trường Sư phạm cao cấp phố Ulm và đề nghị của NXB Đại học Sư phạm, Hà nội. Chúng tôi chân thành cám ơn TS Nguyễn Bá Cường, Giám đốc và cô Đoàn Thanh Trang, NXB Đại học Sư phạm, Hà nội đã tận tình khuyến khích và giúp đỡ, cám ơn ông Quốc Chính Ứng đã dày công biên tập bản thảo với tất cả sự chăm chú, tận tâm và chuyên nghiệp. Chúng tôi đặc biệt cám ơn nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ và nhà nghiên cứu Nguyễn Nghị đã dành thời gian giúp xem lại một số bài dịch với nhiều góp ý quý báu. Là một tập sách có chất lượng chuyên môn cao và khó, chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót ngoài ý muốn, kính mong các bậc cao minh và quý bạn đọc rộng lòng chỉ giáo. Hy vọng tập sách này sẽ góp phần vào việc tìm hiểu vị triết gia hiếm hoi và đáng quý của chúng ta và cũng là nén tâm hương tưởng nhớ nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (1917-2016).
[1] Jean Paul Sartre: “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, Đinh Hồng Phúc dịch, NXB Tri thức 2015.
[2] Xem: Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Lời Tựa: “… Tất cả vấn đề là ở chỗ phải lĩnh hội cái đúng thật không chỉ như là bản thể mà cả như là chủ thể…”, Bản tiếng Việt BVNS, tr. 30 và tiếp.
[3] Xem: Alva Noë, Action in Perception/Hành động trong Tri giác. Cambridge (Mass), The MIT Press, 2004 (Jocelyn Benoist, Bài đã dẫn).
[4] Jacques Derrida: “Le Problème de la genèse dans la philosophie de Husserl/Vấn đề về sự sinh triển trong triết học Husserl (1954)
- Đừng thoát ly hoàn cảnh lịch sử khi tiếp cận tư tưởng và nhân cách Giáo sư Trần Đức Thảo
- Trần Đức Thảo và những đóng góp về triết học
- Trao đổi về "Chủ nghĩa duy vật nhân văn"
- Triết gia Trần Đức Thảo - Niềm tự hào lớn của chúng ta[*]
- Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc
- Trần Đức Thảo và sự suy niệm về Cái hiện tại sống động
- Con người và dân tộc trong triết học Trần Đức Thảo
- Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic của cái hiện tại sống động (Kỳ 7) ([1])
- Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic của cái hiện tại sống động (Kỳ 6) ([1])
- Việt Nam và Đông Á
- Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic sống động của thời hiện tại (Kỳ 2)
- Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic sống động của thời hiện tại(Kỳ 1)
- Học Thuyết Saussure
- Tư duy triết học Trần Đức Thảo và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh
- Ts Cù Huy Chữ - Người giữ gìn di sản triết học của Gs Trần Đức Thảo
- Báo cáo của GS. Trần Đức Thảo về chuyến đi trao đổi Khoa học với các Viện Hàn Lâm: Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Hungari và Liên Xô, từ ngày 8/3 đến 15/7/1982
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/hanh-trinh-cua-tran-duc-thao-hien-tuong-hoc-va-chuyen-giao-van-hoa
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét