ĐÀO THỊ DIẾN
(Trích một phần nhỏ của sách để giới thiệu với bạn đọc)
LỜI DẪN
Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã trải qua 3 lần cải cách[1] và 3 lần đổi mới[2]. Gần đây nhất, vào tháng 8-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, nhằm mục tiêu “giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”[3].
Nếu nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông là tạo ra những công dân tốt cho xã hội, cho đất nước, thì nhiệm vụ chính của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho nền sản xuất để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ, giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng tổ quốc, nhất là trong quá trình phục hồi và chấn hưng nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, đã có một thời gian dài, giáo dục Việt Nam “bị tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phát triển của giáo dục chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế”[4]. Thậm chí, “giáo dục Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém: hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, chưa tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân”[5].
Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, khi thời đại cách mạng khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển với xu hướng toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, thì giáo dục đại học cần phải có vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục của một quốc gia. Điều đó giải thích vì sao vấn đề đổi mới hệ thống giáo dục luôn được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, hội thảo về giáo dục, đào tạo, trên diễn đàn quốc hội… Một số nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội đã bày tỏ mong muốn một cuộc “cải cách thực sự và toàn diện về giáo dục” trong những năm tới.
Trước vấn đề cải cách giáo dục đang trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội, xuất phát từ mục đích cung cấp tài liệu gốc, góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu hoạch định đường lối giáo dục mới của Đảng và Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và biên soạn cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)”.
Nội dung cuốn sách rất phong phú, bao gồm cả hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa và những hồ sơ lưu trữ có liên quan đến nền giáo dục các cấp (đại học, phổ thông và các trường dạy nghề) ở Việt Nam từ 1858 đến 1945. Những tài liệu này hiện nay còn đang được lưu lại tương đối hệ thống tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” cho thấy, trong suốt thời kì thống trị Đông Dương, chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành hai cuộc cải cách giáo dục, trong đó mỗi cuộc cải cách được gắn liền với tên tuổi của một viên Toàn quyền, đó là Paul Beau[6] và Albert Sarraut[7].
Quá trình hình thành và phát triển của nền giáo dục ở Việt Nam thời kì từ 1858 đến 1945 có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gắn với một cuộc cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa.
1. Giai đoạn trước 1906
Có thể coi giai đoạn này là giai đoạn “thử nghiệm” về giáo dục, mang tính chất địa phương của chính quyền thuộc địa bởi những văn bản được ban hành chỉ áp dụng ở Nam Kì nơi mà người Pháp bắt đầu quá trình xâm lược Đông Dương sớm nhất và là nơi mà họ xem như “thuộc địa” của mình[8].
Nửa cuối thế kỉ XIX là thời điểm xuất hiện những ngôi trường Pháp - Việt đầu tiên ở Nam Kì, trong số đó trước hết phải kể đến hệ thống trường thông ngôn, nơi mà người Pháp đào tạo ra một đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa. Những trường này được thành lập theo Lệnh số 60 ngày 16-7-1864 của Chuẩn Đô đốc - Thống đốc Nam Kì De La Grandière, ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ và biến ba tỉnh này thành thuộc địa của Pháp. Tại các trường này, mỗi lớp học đều do một thông ngôn phụ trách. Sau 2 tháng, Thanh tra công việc nội chính bản xứ tiến hành thanh tra các trường tiểu học nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề cử những giáo viên xứng đáng nhận phần thưởng theo quy định. Các trường theo mô hình này đã được mở tại các làng lân cận, do những người xin phép mở trường chứng minh được họ có đủ kiến thức và năng lực điều hành.
Trong giai đoạn này, chính quyền thuộc địa đã ban hành một số văn bản về giáo dục trong đó có hai văn bản quan trọng là Quyết định ngày 17-11-1874 của Chuẩn đô đốc - quyền Thống đốc Nam Kì đặt quy chế cho ngành học chính tại Nam Kì, chia nền giáo dục làm hai bậc là tiểu học và trung học[9] và Nghị định số 55 ngày 17-3-1879 của Thống đốc Nam Kì về tổ chức Sở Học chính Nam Kì, chia hệ thống giáo dục làm ba cấp I, II, III[10]. Cả hai văn bản này đều quy định, tại các trường thuộc địa, chương trình giáo dục công tại Nam Kì hoàn toàn miễn phí và mang tính tự nguyện. Trường tư chỉ được mở khi chính quyền cho phép và bất cứ người nào xin giấy phép mở trường tư đều phải đáp ứng đủ các điều kiện về đạo đức cũng như về năng lực theo quy định và phải chịu sự giám sát của chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản trong việc mở các trường công và tư là chương trình giảng dạy thì đều không thấy quy định trong cả hai văn bản nói trên. Có thể vì coi Nam Kì là thuộc địa nên người Pháp đã áp dụng tại Nam Kì những quy chuẩn về giáo dục của nước Pháp.
Ở Bắc Kì, từ năm 1886, ngay khi chính quyền thuộc địa tiến hành “bình định” xứ này thì nền giáo dục ở đây đã có một số thay đổi đáng chú ý, kể từ khi Paul Bert giữ chức Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì. Vốn là một nhà giáo dục nổi tiếng của Pháp nên ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội, cùng với lời tuyên bố: “Người Pháp đến đây là để nâng cao đời sống nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế và còn nâng cao đời sống tinh thần bằng giáo dục”[11], Paul Bert đã tự tay đôn đốc việc xây dựng trường sở và ra những chỉ thị cụ thể để chỉ đạo công tác giáo dục.
Văn bản quan trọng nhất của Paul Bert về lĩnh vực giáo dục chính là Quyết định ngày 12-3-1885 về tổ chức chương trình giáo dục bậc tiểu học với chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại các trường tiểu học thuộc Chính quyền Bảo hộ. Mặc dù cũng nhằm mục đích đào tạo ra một đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa như các văn bản khác đã được chính quyền thuộc địa ban hành ở Nam Kì, song Quyết định ngày 12-3-1885 của Paul Bert có tính thực dụng hơn. Vì không tán thành việc bắt người Việt bỏ hẳn chữ Hán để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ như các Đô đốc đã làm ở Nam Kì nên Paul Bert vẫn cho học sinh học chữ Hán. Điều này thể hiện trong quy định về chương trình giảng dạy của các trường tiểu học: “Việc giảng dạy ngôn ngữ bản xứ là chữ Quốc ngữ và chữ Hán được thực hiện bên cạnh các buổi học tiếng Pháp”. Ngoài ra, Quyết định ngày 12-3-1885 của Paul Bert còn quy định rõ chức trách của những người trực tiếp thực thi văn bản; khung nhân sự ở các trường tiểu học; trách nhiệm của Hiệu trưởng; việc thanh kiểm tra các trường học; lương, hình thức thăng trật, thứ bậc nhân sự và các hình thức kỉ luật đối với các giáo sư người Pháp biệt phái làm trong ngành học chính cũng như đối với các giáo sư và giáo viên tiểu học người bản xứ…
Quyết định ngày 12-3-1885 chứng tỏ Paul Bert đã dày công chuẩn bị một nền móng vững chắc cho “sự nghiệp giáo dục” của mình nhưng tiếc thay, sau cái chết đột ngột của Paul Bert vào cuối năm 1886, tình hình giáo dục ở Bắc Kì ít có sự thay đổi, phần vì không có ai tiếp tục sự nghiệp của Paul Bert, phần vì Chính quyền thuộc địa còn phải lo tiến hành các cuộc hành quân “bình định” Bắc Kì. Tuy nhiên, Quyết định ngày 12-3-1885 vẫn có hiệu lực trong một thời gian dài sau đó và vẫn mang lại những kết quả đáng khích lệ về giáo dục. 5 năm sau ngày Paul Bert mất, không kể một trường tiểu học dành cho người bản xứ với 230 học sinh và 6 giáo viên người Việt đã tồn tại ở Hà Nội từ trước khi Paul Bert tới, Hà Nội đã có thêm 7 trường Pháp - Việt được thành lập[12].
2. Giai đoạn 1906 - 1916
Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau cho thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất theo mô hình giáo dục của Pháp (1906 - 1916). Cuộc cải cách này được thể hiện ở việc ban hành và thực thi các nghị định của chính quyền thuộc địa.
Bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục của Toàn quyền Paul Beau là việc ban hành Nghị định thứ nhất vào ngày 8-3-1906[13] về thành lập Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement indigène) với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cải tổ nền giáo dục cũ, cải cách các kì thi Hương ở Bắc và Trung Kì.
Nghị định này được hoàn thiện bởi 4 nghị định ban hành cùng ngày 16-5-1906 về cải cách nền học chính bản xứ tại Đông Dương[14] trong đó có Nghị định mở cuộc thi biên soạn sách giáo khoa cho các trường học bản xứ tại Đông Dương và thành lập tại mỗi xứ ở Đông Dương một Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ với nhiệm vụ:
“- Nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến thiết lập hoặc cải tổ nền giáo dục bản xứ tại Đông Dương;
- Hợp tác với các nhà xuất bản [trong việc xuất bản sách giáo khoa] sau khi được chính quyền cho phép;
- Nghiên cứu cách thức tuyển dụng và đào tạo giáo viên bản xứ;
- Nghiên cứu, thu thập, bảo quản, và nếu cần, cho tái bản những tác phẩm cổ đại, cận đại về văn học, triết học, lịch sử”.
Theo tinh thần của Nghị định ngày 16-5-1906, mỗi xứ sẽ có một Hội đồng với các tiêu chí hoàn thiện về giáo dục riêng đặt ra cho xứ mình.
Ở Bắc Kì có Nghị định số 1551bis ngày 16-11-1906 của Thống sứ Bắc Kì quy định hệ giáo dục bản xứ tại Bắc Kì gồm 3 bậc: ấu học (dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi), tiểu học (dành cho những người đã có bằng ấu học với độ tuổi tối đa là 27) và trung học[15], trong đó chương trình giáo dục công ở bậc ấu học do các xã đảm nhiệm còn bậc tiểu học và trung học do Nhà nước phụ trách. Nghị định số 1551bis ngày 16-11-1906 có những điều khoản quy định rõ về chương trình giảng dạy cụ thể cho các bậc học nói trên.
Ở bậc tiểu học, chương trình mang tính bắt buộc đối với các trường công được mở tại các huyện, phủ của mỗi tỉnh, gồm hai phần: dạy chữ Hán và dạy chữ Quốc ngữ (các lớp tiếng Pháp được khuyến khích tổ chức dưới mọi hình thức song không mang tính bắt buộc). Tại các trường công của mỗi tỉnh, giáo dục trung học là chương trình bắt buộc, gồm ba phần: dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.
Ở Trung Kì, Toàn quyền Đông Dương đã kí cho ban hành cùng ngày 30-10-1906 ba Nghị định về tổ chức Sở Học chính, gồm Nghị định quy định thành phần đội ngũ giáo viên Pháp và bản xứ thuộc Sở Học chính Trung Kì; Nghị định về việc đưa chương trình giáo dục Pháp vào giảng dạy tại các trường học ở Trung Kì và Nghị định quy định về các kì thi diễn ra tại Trung Kì[16].
Theo Nghị định thứ hai, các trường Pháp - Việt dành cho dân bản xứ được thành lập tại mỗi tỉnh lị ở Trung Kì, toàn bộ kinh phí do chính quyền Bảo hộ chu cấp với chương trình giảng dạy gồm các môn giáo dục đạo đức; tập đọc; tập viết; số học; khái niệm về hình học thực hành và đo đạc; kế toán; tiếng Pháp; chữ Quốc ngữ; khái niệm về lịch sử; địa lí Đông Dương; khái niệm về khoa học vật lí và khoa học tự nhiên; ứng dụng khoa học trong nông nghiệp; vệ sinh; mĩ nghệ; chữ Hán…
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ là “nghiên cứu những điều kiện để thành lập và hoạt động của một trường đại học gồm các môn giảng dạy ở bậc đại học dành cho người bản xứ và người châu Á”[17]. Theo đề nghị của Hội đồng này, ngày 16-5-1906, Toàn quyền Beau đã kí Nghị định số 1514a về việc thành lập Đại học Đông Dương với nhiệm vụ “thông qua tiếng Pháp để phổ biến kiến thức khoa học và phương pháp của người Âu tại Viễn Đông”[18].
Về cơ cấu tổ chức, Đại học Đông Dương gồm có 5 trường thành viên đều gọi chung là trường cao đẳng: Trường Luật và Pháp chính (Ecole supérieure de Droit et d’Administration); Trường Khoa học thực hành (Ecole supérieure des Sciences appliquées); Trường Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine); Trường Xây dựng dân dụng (Ecole supérieure du Génie Civil); Trường Văn khoa (Ecole supérieure des Lettres). Những trường này có trụ sở tại Hà Nội hoặc Sài Gòn. Một số trường có phạm vi hoạt động tại cả hai thành phố.
Về mặt quản lí, Đại học Đông Dương đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền, do một Hội đồng quản trị điều hành với thành phần bao gồm: Giám đốc Nha Học chính Đông Dương làm Chủ tịch, Giám đốc các trung tâm khoa học tại Đông Dương, hiệu trưởng các trường chuyên ngành được sáp nhập vào Đại học Đông Dương và một số giảng viên là đại diện của nhiều đơn vị, trường học. Hàng năm, đội ngũ giảng viên này do Toàn quyền bổ dụng. Chi phí cho hoạt động của các lớp và của trường do ngân sách chính quyền liên bang và ngân sách địa phương chi trả.
Nghị định số 1514a trên đây là một văn bản pháp lí quan trọng, đánh dấu sự ra đời chính thức của Đại học Đông Dương với tư cách là một trung tâm giáo dục đại học theo mô hình hiện đại nhất lúc đó, có kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học. Tính chất đa ngành và liên ngành cùng cơ chế liên thông trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường thành viên bước đầu đã được xác định.
Như vậy, theo tinh thần của cuộc cải cách giáo dục năm 1906 do Toàn quyền Paul Beau khởi xướng, giáo dục bậc tiểu học trước đây vốn phó mặc cho thôn xã hay tư nhân, nay trở thành của nhà nước với chương trình học sửa đổi, thêm vào những nội dung của khoa học phương tây và những tri thức thực hành thông dụng nhất...
Với cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, việc giảng dạy hoàn toàn bằng chữ Hán đã bị xóa bỏ, thay vào đó là phương pháp giảng dạy mới: ở cấp một, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp hai chỉ còn lại chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc nhưng ở cấp ba thì chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đều bắt buộc như nhau. Tuy vậy, cuộc cải cách này hầu như chỉ được thực hiện ở các xứ Bảo hộ là Bắc Kì và Trung Kì.
3. Giai đoạn 1917-1945
Bước khởi động đầu tiên cho chương trình cải cách giáo dục mà Albert Sarraut tiến hành ở Đông Dương trong giai đoạn này là ban hành Nghị định số 904 ngày 6-4-1917 quy định những loại giáo trình được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Đông Dương[19]. Theo Nghị định này, tất cả các ấn phẩm như sách, bản đồ… (trong đó bao gồm cả các ấn phẩm định kì dành cho giáo viên) dùng trong các trường công ở Đông Dương bắt buộc phải có tên trong danh sách được Toàn quyền phê chuẩn. Cũng theo Nghị định số 904 ngày 6-4-1917, việc đăng kí các ấn phẩm sử dụng tại khối trường công lập đều phải được ghi trong đơn đề nghị do chính tác giả hoặc nhà xuất bản hay một thành viên của ngành Học chính gửi tới Chánh Sở Học chính cấp kì, đồng thời phải nêu rõ lợi ích của việc sử dụng những ấn phẩm đó.
Các tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách muốn đăng kí tên ấn phẩm vào danh sách được Toàn quyền phê chuẩn phải nộp 2 bản lưu chiểu: một tại Ban Chỉ đạo các công việc chính trị và Thanh tra - Cố vấn Học chính của Phủ Toàn quyền và một tại Văn phòng và Sở Học chính cấp kì, nơi có nhu cầu sử dụng ấn phẩm. Danh sách ấn phẩm được chọn do Toàn quyền quyết định và được đăng trên Công báo. Điều này đảm bảo tính thống nhất trong việc chỉ đạo và sử dụng những ấn phẩm nói chung và sách giáo khoa phục vụ chương trình giảng dạy nói riêng cho học sinh trong hệ thống các trường công dưới sự quản lí của Chính quyền thuộc địa, không phân biệt các xứ thuộc chế độ Bảo hộ hay chế độ thuộc địa như trong hai giai đoạn trước.
Chương trình cải cách giáo dục lần thứ hai chính thức được bắt đầu ngày 21-12-1917 bằng Nghị định ban hành bộ “Học chính tổng quy” (Règlement général de l’Instruction publique) của Toàn quyền Albert Sarraut với 7 chương, 558 điều[20], chia nền giáo dục công tại Đông Dương làm 2 hệ thống (giáo dục phổ thông và dạy nghề), trong đó giáo dục công tại các trường Pháp - Việt được chia thành 3 cấp:
+ Đệ nhất cấp tức hệ tiểu học (enseignement primaire), bao gồm các trường tiểu học toàn cấp (école primaire de plein exercice) và các trường sơ đẳng tiểu học (école primaire élémentaire).
+ Đệ nhị cấp tức hệ trung học (enseignement secondaire) gồm cao đẳng tiểu học, học trong 4 năm để thi lấy bằng cao đẳng tiểu học (bằng Thành chung hay Diplôme) và trung học, học trong 2 năm để thi lấy bằng Tú tài (Diplôme de bachelier).
Toàn bộ các trường tiểu học và trung học đều nằm trong hệ thống các trường Pháp - Việt, chương trình giảng dạy được quy định cụ thể trong bộ “Học chính tổng quy”. Việc miễn phí đối với các trường tiểu học công được quy định tại cuộc cải cách giáo dục năm 1906 vẫn được giữ nguyên.
Bên cạnh các trường tiểu học và trung học nằm trong hệ thống các trường Pháp - Việt còn có một số trường thuộc hệ thống trường Pháp, chủ yếu dành cho con em người Pháp sống tại thuộc địa và một số ít con em thuộc các gia đình thượng lưu người bản xứ.
Theo quy định của bộ “Học chính tổng quy”, các trường dạy nghề có tính chất chuyên nghiệp đã được thành lập từ giai đoạn trước nhằm đào tạo một đội ngũ công chức người bản xứ bậc thấp, đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng và khai thác thuộc địa của người Pháp như Trường Hậu bổ Hà Nội (Ecole d’Administration de Hanoï) thành lập năm 1897, Trường Dạy nghề Hà Nội (Ecole professionelle de Hanoï) do Phòng Thương mại Hà Nội lập ra vào năm 1898, Trường Công chính (Ecole des Travaux Publics) thành lập năm 1902 và Trường Y khoa Hà Nội (Ecole de Médecine de Hanoï) năm 1902... đều nằm trong hệ thống các trường dạy nghề hai cấp thuộc giáo dục phổ thông (đệ nhất cấp và đệ nhị cấp). Kinh phí hoạt động của các trường này do ngân sách địa phương hoặc ngân sách hàng tỉnh, thành phố hoặc hàng xã cấp, đặt dưới sự giám sát về phương diện hành chính của các chủ tỉnh. Thống đốc Nam Kì, các Khâm sứ và Thống sứ quyết định việc thành lập trường đệ nhất cấp và quy định chi tiết cách thức tổ chức của các trường cũng như việc tuyển giáo viên cho các trường, theo đề nghị của Thanh tra giáo dục nghề có thẩm quyền.
- Đệ tam cấp (hệ cao đẳng) gồm các trường cao đẳng đã được thành lập từ trước và các trường chuẩn bị được thành lập tại Đông Dương. Theo quy định của bộ “Học chính tổng quy”, Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng được thành lập với nhiệm vụ tập trung và giải quyết công việc hành chính của tất cả các trường thuộc Đại học Đông Dương, chuẩn bị việc thành lập, tổ chức chế độ làm việc và soạn thảo chương trình của các trường cao đẳng lần lượt được mở cho sinh viên người Pháp và người bản xứ tại Đông Dương. Bộ “Học chính tổng quy” cũng có một số quy định cụ thể: Trường Hậu bổ (Ecole d’Administration) ở Huế và Trường Sĩ hoạn (Ecole des Mandarins) ở Hà Nội là những trường chuyên đào tạo quan lại sẽ chấm dứt hoạt động ngay sau khi những học sinh nhập học trước ngày 01-11-1917 kết thúc khoá học; các trường này cũng sẽ không được tuyển mới kể từ ngày trên. Các lớp luật (Cours de Droit) thành lập theo Nghị định ngày 29-3-1910 cũng bị bãi bỏ; hai trường vẫn hoạt động bình thường là Trường Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 29-12-1913) và Trường Thú y Đông Dương (Ecole Supérieure Vétérinaire de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 15-9-1917; Trường Công chính (Ecole des Travaux publics) được tổ chức lại theo Nghị định ngày 15-4-1913 thì được đặt dưới quyền giám sát trực tiếp của Ban chỉ đạo bậc cao đẳng…
Sau 10 năm thực hiện, chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học Pháp - Việt được quy định trong bộ “Học chính tổng quy” đã có một vài sửa đổi. Những sửa đổi này được nêu trong hai Nghị định ngày 7-7-1927[21] và ngày 12-8-1935[22] của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1938, tại Nghị định ngày 18-1-1938 của Toàn quyền Đông Dương[23], bậc giáo dục sơ học và trung học Đông Dương đã được tổ chức lại. Theo đó, chương trình học tại các trường được gọi là chương trình tiểu học bản xứ và tiểu học Pháp - Việt được đổi tên là sơ học yếu lược Đông Dương và bổ túc tiểu học Đông Dương. Chương trình mới có hiệu lực từ đầu năm học 1938 - 1939, được đính kèm theo bảng phân bổ chương trình hàng tuần có trong nội dung của Nghị định.
Ở bậc đại học, từ những quy định sơ lược trong bộ “Học chính tổng quy”, Đại học Đông Dương đã được hoàn thiện thêm về mặt cơ cấu, tổ chức và đội ngũ giáo viên, kể cả giáo viên người Pháp và người bản xứ. Điều đó được thể hiện trong Nghị định các ngày 25-8-1918, 13-12-1923, 17-10-1924, 8-5-1926, 02-7-1926, 19-10-1927, 26-4-1928, 04-11-1928, 31-7-1929 và 30-11-1930 của Toàn quyền Albert Sarraut, trong đó quan trọng nhất là Nghị định đầu tiên ngày 25-8-1918 ban hành Quy chế chung về giáo dục bậc đại học ở Đông Dương (Règlement général de l’Enseignement supérieur)[24]. Một số trường thành viên của Đại học Đông Dương đã được thành lập như Trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de Pédagogie) thành lập theo Nghị định ngày 15-10-1917 và được tổ chức lại theo Nghị định ngày 24-7-1932, Trường Khoa học thực hành (Ecole des Sciences appliquées) được thành lập theo Nghị định ngày 30-10-1922, Trường Cao đẳng Văn khoa với các giờ dạy và hội thảo dành cho công chúng (Ecole supérieure des Lettres - cours et conférences publics) được thành lập theo Nghị định ngày 26-7-1923, Trường Mĩ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine) được thành lập theo Nghị định ngày 17-10-1924 (năm 1938 được tổ chức lại thành Trường Mĩ thuật và Mĩ nghệ thực hành (Ecole des Beaux-Arts et des Arts appliqués)…
Rõ ràng là, mặc dù còn có những hạn chế nhất định song cuộc cải cách giáo dục của Albert Sarraut năm 1917 đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Nhờ có cuộc cải cách này, toàn bộ nền giáo dục ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể. Trong xu thế chung của giáo dục Đông Dương lúc đó, sự phát triển của Đại học Đông Dương thực sự có một ý nghĩa to lớn, đặt cơ sở vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo của toàn bộ hệ thống giáo dục bậc đại học ở Việt Nam.
Nội dung cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” đã chứng tỏ, sau hai cuộc cải cách, nền giáo dục ba cấp ở Việt Nam đã căn bản hình thành. Hệ thống trường học, cấp học, lớp học được tổ chức một cách bài bản với hình thức dạy học tập trung. Học sinh học theo lớp có cùng độ tuổi, cùng đặc điểm tâm sinh lí, cùng một chương trình thống nhất. Chương trình đó được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện, không chỉ có khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ.
Những tài liệu trong cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” còn cho thấy một điều đặc biệt, đó là chương trình học của học sinh tiểu học. Ngoài môn đạo đức phải học ngay từ lớp đồng ấu (7 tuổi), học sinh còn được học môn lịch sử ngay từ lớp dự bị (8 tuổi). Từ việc làm quen với môn lịch sử lần đầu tiên qua các truyện ngắn, giai thoại, tiểu sử trích từ lịch sử địa phương, các sự kiện lịch sử hoặc địa danh lịch sử trong vùng ở lớp dự bị đến việc ôn tập có phát triển những khái niệm đã học ở các lớp sơ đẳng, trung đẳng, học sinh còn được học về các xứ thuộc nước Nam (Nam Kì, Trung Kì, Bắc Kì) và các thời kì lịch sử cùng các nhân vật lịch sử như các vua triều Nguyễn; giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh; cuộc nổi dậy của quân Tây Sơn, vua Gia Long và các hậu duệ … Điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã được trang bị những kiến thức cơ sở về lịch sử đất nước, về lòng tự hào dân tộc…
Vì thế, mặc dù lên các lớp trên thuộc cấp trung học và sau này là đại học, được đào tạo trong các trường học của Pháp, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, học lịch sử nước Pháp nhiều hơn lịch sử nước Nam nhưng tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam lại có một nền tảng giáo dục truyền thống rất vững chắc. Từ đó, có thể rút ra kết luận: mặc dù những nỗ lực của người Pháp về giáo dục chủ yếu nhằm mục đích phục vụ công cuộc cai trị, tức là vì “Mẫu quốc” hơn là để “khai hóa văn minh” cho Việt Nam nhưng lại đem lại điều mà chính quyền thực dân không mong đợi. Đó là thông qua chính sách giáo dục của Pháp, người Việt đã tiếp thu những kiến thức mới của văn minh phương Tây một cách có chọn lọc và làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Với những thông tin xác thực, giàu tính khoa học, hi vọng cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ góp phần tích cực vào công cuộc cải cách giáo dục của Đảng và Nhà nước; giúp các nhà quản lí về giáo dục trong việc “đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy” nhằm mục tiêu xây dựng một nền “giáo dục phổ thông từng bước đạt chuẩn mực và đi vào kỉ cương, nền nếp; giáo dục đại học hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động”[25] trong thời đại hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế với xu thế toàn cầu hóa.
LỜI DẪN
Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã trải qua 3 lần cải cách[1] và 3 lần đổi mới[2]. Gần đây nhất, vào tháng 8-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, nhằm mục tiêu “giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”[3].
Nếu nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông là tạo ra những công dân tốt cho xã hội, cho đất nước, thì nhiệm vụ chính của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho nền sản xuất để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ, giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng tổ quốc, nhất là trong quá trình phục hồi và chấn hưng nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, đã có một thời gian dài, giáo dục Việt Nam “bị tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phát triển của giáo dục chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế”[4]. Thậm chí, “giáo dục Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém: hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, chưa tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân”[5].
Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, khi thời đại cách mạng khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển với xu hướng toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, thì giáo dục đại học cần phải có vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục của một quốc gia. Điều đó giải thích vì sao vấn đề đổi mới hệ thống giáo dục luôn được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, hội thảo về giáo dục, đào tạo, trên diễn đàn quốc hội… Một số nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội đã bày tỏ mong muốn một cuộc “cải cách thực sự và toàn diện về giáo dục” trong những năm tới.
Trước vấn đề cải cách giáo dục đang trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội, xuất phát từ mục đích cung cấp tài liệu gốc, góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu hoạch định đường lối giáo dục mới của Đảng và Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và biên soạn cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)”.
Nội dung cuốn sách rất phong phú, bao gồm cả hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa và những hồ sơ lưu trữ có liên quan đến nền giáo dục các cấp (đại học, phổ thông và các trường dạy nghề) ở Việt Nam từ 1858 đến 1945. Những tài liệu này hiện nay còn đang được lưu lại tương đối hệ thống tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” cho thấy, trong suốt thời kì thống trị Đông Dương, chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành hai cuộc cải cách giáo dục, trong đó mỗi cuộc cải cách được gắn liền với tên tuổi của một viên Toàn quyền, đó là Paul Beau[6] và Albert Sarraut[7].
Quá trình hình thành và phát triển của nền giáo dục ở Việt Nam thời kì từ 1858 đến 1945 có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gắn với một cuộc cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa.
1. Giai đoạn trước 1906
Có thể coi giai đoạn này là giai đoạn “thử nghiệm” về giáo dục, mang tính chất địa phương của chính quyền thuộc địa bởi những văn bản được ban hành chỉ áp dụng ở Nam Kì nơi mà người Pháp bắt đầu quá trình xâm lược Đông Dương sớm nhất và là nơi mà họ xem như “thuộc địa” của mình[8].
Nửa cuối thế kỉ XIX là thời điểm xuất hiện những ngôi trường Pháp - Việt đầu tiên ở Nam Kì, trong số đó trước hết phải kể đến hệ thống trường thông ngôn, nơi mà người Pháp đào tạo ra một đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa. Những trường này được thành lập theo Lệnh số 60 ngày 16-7-1864 của Chuẩn Đô đốc - Thống đốc Nam Kì De La Grandière, ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ và biến ba tỉnh này thành thuộc địa của Pháp. Tại các trường này, mỗi lớp học đều do một thông ngôn phụ trách. Sau 2 tháng, Thanh tra công việc nội chính bản xứ tiến hành thanh tra các trường tiểu học nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề cử những giáo viên xứng đáng nhận phần thưởng theo quy định. Các trường theo mô hình này đã được mở tại các làng lân cận, do những người xin phép mở trường chứng minh được họ có đủ kiến thức và năng lực điều hành.
Trong giai đoạn này, chính quyền thuộc địa đã ban hành một số văn bản về giáo dục trong đó có hai văn bản quan trọng là Quyết định ngày 17-11-1874 của Chuẩn đô đốc - quyền Thống đốc Nam Kì đặt quy chế cho ngành học chính tại Nam Kì, chia nền giáo dục làm hai bậc là tiểu học và trung học[9] và Nghị định số 55 ngày 17-3-1879 của Thống đốc Nam Kì về tổ chức Sở Học chính Nam Kì, chia hệ thống giáo dục làm ba cấp I, II, III[10]. Cả hai văn bản này đều quy định, tại các trường thuộc địa, chương trình giáo dục công tại Nam Kì hoàn toàn miễn phí và mang tính tự nguyện. Trường tư chỉ được mở khi chính quyền cho phép và bất cứ người nào xin giấy phép mở trường tư đều phải đáp ứng đủ các điều kiện về đạo đức cũng như về năng lực theo quy định và phải chịu sự giám sát của chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản trong việc mở các trường công và tư là chương trình giảng dạy thì đều không thấy quy định trong cả hai văn bản nói trên. Có thể vì coi Nam Kì là thuộc địa nên người Pháp đã áp dụng tại Nam Kì những quy chuẩn về giáo dục của nước Pháp.
Ở Bắc Kì, từ năm 1886, ngay khi chính quyền thuộc địa tiến hành “bình định” xứ này thì nền giáo dục ở đây đã có một số thay đổi đáng chú ý, kể từ khi Paul Bert giữ chức Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì. Vốn là một nhà giáo dục nổi tiếng của Pháp nên ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội, cùng với lời tuyên bố: “Người Pháp đến đây là để nâng cao đời sống nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế và còn nâng cao đời sống tinh thần bằng giáo dục”[11], Paul Bert đã tự tay đôn đốc việc xây dựng trường sở và ra những chỉ thị cụ thể để chỉ đạo công tác giáo dục.
Văn bản quan trọng nhất của Paul Bert về lĩnh vực giáo dục chính là Quyết định ngày 12-3-1885 về tổ chức chương trình giáo dục bậc tiểu học với chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại các trường tiểu học thuộc Chính quyền Bảo hộ. Mặc dù cũng nhằm mục đích đào tạo ra một đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa như các văn bản khác đã được chính quyền thuộc địa ban hành ở Nam Kì, song Quyết định ngày 12-3-1885 của Paul Bert có tính thực dụng hơn. Vì không tán thành việc bắt người Việt bỏ hẳn chữ Hán để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ như các Đô đốc đã làm ở Nam Kì nên Paul Bert vẫn cho học sinh học chữ Hán. Điều này thể hiện trong quy định về chương trình giảng dạy của các trường tiểu học: “Việc giảng dạy ngôn ngữ bản xứ là chữ Quốc ngữ và chữ Hán được thực hiện bên cạnh các buổi học tiếng Pháp”. Ngoài ra, Quyết định ngày 12-3-1885 của Paul Bert còn quy định rõ chức trách của những người trực tiếp thực thi văn bản; khung nhân sự ở các trường tiểu học; trách nhiệm của Hiệu trưởng; việc thanh kiểm tra các trường học; lương, hình thức thăng trật, thứ bậc nhân sự và các hình thức kỉ luật đối với các giáo sư người Pháp biệt phái làm trong ngành học chính cũng như đối với các giáo sư và giáo viên tiểu học người bản xứ…
Quyết định ngày 12-3-1885 chứng tỏ Paul Bert đã dày công chuẩn bị một nền móng vững chắc cho “sự nghiệp giáo dục” của mình nhưng tiếc thay, sau cái chết đột ngột của Paul Bert vào cuối năm 1886, tình hình giáo dục ở Bắc Kì ít có sự thay đổi, phần vì không có ai tiếp tục sự nghiệp của Paul Bert, phần vì Chính quyền thuộc địa còn phải lo tiến hành các cuộc hành quân “bình định” Bắc Kì. Tuy nhiên, Quyết định ngày 12-3-1885 vẫn có hiệu lực trong một thời gian dài sau đó và vẫn mang lại những kết quả đáng khích lệ về giáo dục. 5 năm sau ngày Paul Bert mất, không kể một trường tiểu học dành cho người bản xứ với 230 học sinh và 6 giáo viên người Việt đã tồn tại ở Hà Nội từ trước khi Paul Bert tới, Hà Nội đã có thêm 7 trường Pháp - Việt được thành lập[12].
2. Giai đoạn 1906 - 1916
Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau cho thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất theo mô hình giáo dục của Pháp (1906 - 1916). Cuộc cải cách này được thể hiện ở việc ban hành và thực thi các nghị định của chính quyền thuộc địa.
Bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục của Toàn quyền Paul Beau là việc ban hành Nghị định thứ nhất vào ngày 8-3-1906[13] về thành lập Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement indigène) với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cải tổ nền giáo dục cũ, cải cách các kì thi Hương ở Bắc và Trung Kì.
Nghị định này được hoàn thiện bởi 4 nghị định ban hành cùng ngày 16-5-1906 về cải cách nền học chính bản xứ tại Đông Dương[14] trong đó có Nghị định mở cuộc thi biên soạn sách giáo khoa cho các trường học bản xứ tại Đông Dương và thành lập tại mỗi xứ ở Đông Dương một Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ với nhiệm vụ:
“- Nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến thiết lập hoặc cải tổ nền giáo dục bản xứ tại Đông Dương;
- Hợp tác với các nhà xuất bản [trong việc xuất bản sách giáo khoa] sau khi được chính quyền cho phép;
- Nghiên cứu cách thức tuyển dụng và đào tạo giáo viên bản xứ;
- Nghiên cứu, thu thập, bảo quản, và nếu cần, cho tái bản những tác phẩm cổ đại, cận đại về văn học, triết học, lịch sử”.
Theo tinh thần của Nghị định ngày 16-5-1906, mỗi xứ sẽ có một Hội đồng với các tiêu chí hoàn thiện về giáo dục riêng đặt ra cho xứ mình.
Ở Bắc Kì có Nghị định số 1551bis ngày 16-11-1906 của Thống sứ Bắc Kì quy định hệ giáo dục bản xứ tại Bắc Kì gồm 3 bậc: ấu học (dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi), tiểu học (dành cho những người đã có bằng ấu học với độ tuổi tối đa là 27) và trung học[15], trong đó chương trình giáo dục công ở bậc ấu học do các xã đảm nhiệm còn bậc tiểu học và trung học do Nhà nước phụ trách. Nghị định số 1551bis ngày 16-11-1906 có những điều khoản quy định rõ về chương trình giảng dạy cụ thể cho các bậc học nói trên.
Ở bậc tiểu học, chương trình mang tính bắt buộc đối với các trường công được mở tại các huyện, phủ của mỗi tỉnh, gồm hai phần: dạy chữ Hán và dạy chữ Quốc ngữ (các lớp tiếng Pháp được khuyến khích tổ chức dưới mọi hình thức song không mang tính bắt buộc). Tại các trường công của mỗi tỉnh, giáo dục trung học là chương trình bắt buộc, gồm ba phần: dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.
Ở Trung Kì, Toàn quyền Đông Dương đã kí cho ban hành cùng ngày 30-10-1906 ba Nghị định về tổ chức Sở Học chính, gồm Nghị định quy định thành phần đội ngũ giáo viên Pháp và bản xứ thuộc Sở Học chính Trung Kì; Nghị định về việc đưa chương trình giáo dục Pháp vào giảng dạy tại các trường học ở Trung Kì và Nghị định quy định về các kì thi diễn ra tại Trung Kì[16].
Theo Nghị định thứ hai, các trường Pháp - Việt dành cho dân bản xứ được thành lập tại mỗi tỉnh lị ở Trung Kì, toàn bộ kinh phí do chính quyền Bảo hộ chu cấp với chương trình giảng dạy gồm các môn giáo dục đạo đức; tập đọc; tập viết; số học; khái niệm về hình học thực hành và đo đạc; kế toán; tiếng Pháp; chữ Quốc ngữ; khái niệm về lịch sử; địa lí Đông Dương; khái niệm về khoa học vật lí và khoa học tự nhiên; ứng dụng khoa học trong nông nghiệp; vệ sinh; mĩ nghệ; chữ Hán…
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ là “nghiên cứu những điều kiện để thành lập và hoạt động của một trường đại học gồm các môn giảng dạy ở bậc đại học dành cho người bản xứ và người châu Á”[17]. Theo đề nghị của Hội đồng này, ngày 16-5-1906, Toàn quyền Beau đã kí Nghị định số 1514a về việc thành lập Đại học Đông Dương với nhiệm vụ “thông qua tiếng Pháp để phổ biến kiến thức khoa học và phương pháp của người Âu tại Viễn Đông”[18].
Về cơ cấu tổ chức, Đại học Đông Dương gồm có 5 trường thành viên đều gọi chung là trường cao đẳng: Trường Luật và Pháp chính (Ecole supérieure de Droit et d’Administration); Trường Khoa học thực hành (Ecole supérieure des Sciences appliquées); Trường Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine); Trường Xây dựng dân dụng (Ecole supérieure du Génie Civil); Trường Văn khoa (Ecole supérieure des Lettres). Những trường này có trụ sở tại Hà Nội hoặc Sài Gòn. Một số trường có phạm vi hoạt động tại cả hai thành phố.
Về mặt quản lí, Đại học Đông Dương đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền, do một Hội đồng quản trị điều hành với thành phần bao gồm: Giám đốc Nha Học chính Đông Dương làm Chủ tịch, Giám đốc các trung tâm khoa học tại Đông Dương, hiệu trưởng các trường chuyên ngành được sáp nhập vào Đại học Đông Dương và một số giảng viên là đại diện của nhiều đơn vị, trường học. Hàng năm, đội ngũ giảng viên này do Toàn quyền bổ dụng. Chi phí cho hoạt động của các lớp và của trường do ngân sách chính quyền liên bang và ngân sách địa phương chi trả.
Nghị định số 1514a trên đây là một văn bản pháp lí quan trọng, đánh dấu sự ra đời chính thức của Đại học Đông Dương với tư cách là một trung tâm giáo dục đại học theo mô hình hiện đại nhất lúc đó, có kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học. Tính chất đa ngành và liên ngành cùng cơ chế liên thông trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường thành viên bước đầu đã được xác định.
Như vậy, theo tinh thần của cuộc cải cách giáo dục năm 1906 do Toàn quyền Paul Beau khởi xướng, giáo dục bậc tiểu học trước đây vốn phó mặc cho thôn xã hay tư nhân, nay trở thành của nhà nước với chương trình học sửa đổi, thêm vào những nội dung của khoa học phương tây và những tri thức thực hành thông dụng nhất...
Với cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, việc giảng dạy hoàn toàn bằng chữ Hán đã bị xóa bỏ, thay vào đó là phương pháp giảng dạy mới: ở cấp một, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp hai chỉ còn lại chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc nhưng ở cấp ba thì chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp đều bắt buộc như nhau. Tuy vậy, cuộc cải cách này hầu như chỉ được thực hiện ở các xứ Bảo hộ là Bắc Kì và Trung Kì.
3. Giai đoạn 1917-1945
Bước khởi động đầu tiên cho chương trình cải cách giáo dục mà Albert Sarraut tiến hành ở Đông Dương trong giai đoạn này là ban hành Nghị định số 904 ngày 6-4-1917 quy định những loại giáo trình được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Đông Dương[19]. Theo Nghị định này, tất cả các ấn phẩm như sách, bản đồ… (trong đó bao gồm cả các ấn phẩm định kì dành cho giáo viên) dùng trong các trường công ở Đông Dương bắt buộc phải có tên trong danh sách được Toàn quyền phê chuẩn. Cũng theo Nghị định số 904 ngày 6-4-1917, việc đăng kí các ấn phẩm sử dụng tại khối trường công lập đều phải được ghi trong đơn đề nghị do chính tác giả hoặc nhà xuất bản hay một thành viên của ngành Học chính gửi tới Chánh Sở Học chính cấp kì, đồng thời phải nêu rõ lợi ích của việc sử dụng những ấn phẩm đó.
Các tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách muốn đăng kí tên ấn phẩm vào danh sách được Toàn quyền phê chuẩn phải nộp 2 bản lưu chiểu: một tại Ban Chỉ đạo các công việc chính trị và Thanh tra - Cố vấn Học chính của Phủ Toàn quyền và một tại Văn phòng và Sở Học chính cấp kì, nơi có nhu cầu sử dụng ấn phẩm. Danh sách ấn phẩm được chọn do Toàn quyền quyết định và được đăng trên Công báo. Điều này đảm bảo tính thống nhất trong việc chỉ đạo và sử dụng những ấn phẩm nói chung và sách giáo khoa phục vụ chương trình giảng dạy nói riêng cho học sinh trong hệ thống các trường công dưới sự quản lí của Chính quyền thuộc địa, không phân biệt các xứ thuộc chế độ Bảo hộ hay chế độ thuộc địa như trong hai giai đoạn trước.
Chương trình cải cách giáo dục lần thứ hai chính thức được bắt đầu ngày 21-12-1917 bằng Nghị định ban hành bộ “Học chính tổng quy” (Règlement général de l’Instruction publique) của Toàn quyền Albert Sarraut với 7 chương, 558 điều[20], chia nền giáo dục công tại Đông Dương làm 2 hệ thống (giáo dục phổ thông và dạy nghề), trong đó giáo dục công tại các trường Pháp - Việt được chia thành 3 cấp:
+ Đệ nhất cấp tức hệ tiểu học (enseignement primaire), bao gồm các trường tiểu học toàn cấp (école primaire de plein exercice) và các trường sơ đẳng tiểu học (école primaire élémentaire).
+ Đệ nhị cấp tức hệ trung học (enseignement secondaire) gồm cao đẳng tiểu học, học trong 4 năm để thi lấy bằng cao đẳng tiểu học (bằng Thành chung hay Diplôme) và trung học, học trong 2 năm để thi lấy bằng Tú tài (Diplôme de bachelier).
Toàn bộ các trường tiểu học và trung học đều nằm trong hệ thống các trường Pháp - Việt, chương trình giảng dạy được quy định cụ thể trong bộ “Học chính tổng quy”. Việc miễn phí đối với các trường tiểu học công được quy định tại cuộc cải cách giáo dục năm 1906 vẫn được giữ nguyên.
Bên cạnh các trường tiểu học và trung học nằm trong hệ thống các trường Pháp - Việt còn có một số trường thuộc hệ thống trường Pháp, chủ yếu dành cho con em người Pháp sống tại thuộc địa và một số ít con em thuộc các gia đình thượng lưu người bản xứ.
Theo quy định của bộ “Học chính tổng quy”, các trường dạy nghề có tính chất chuyên nghiệp đã được thành lập từ giai đoạn trước nhằm đào tạo một đội ngũ công chức người bản xứ bậc thấp, đáp ứng nhu cầu của công cuộc xây dựng và khai thác thuộc địa của người Pháp như Trường Hậu bổ Hà Nội (Ecole d’Administration de Hanoï) thành lập năm 1897, Trường Dạy nghề Hà Nội (Ecole professionelle de Hanoï) do Phòng Thương mại Hà Nội lập ra vào năm 1898, Trường Công chính (Ecole des Travaux Publics) thành lập năm 1902 và Trường Y khoa Hà Nội (Ecole de Médecine de Hanoï) năm 1902... đều nằm trong hệ thống các trường dạy nghề hai cấp thuộc giáo dục phổ thông (đệ nhất cấp và đệ nhị cấp). Kinh phí hoạt động của các trường này do ngân sách địa phương hoặc ngân sách hàng tỉnh, thành phố hoặc hàng xã cấp, đặt dưới sự giám sát về phương diện hành chính của các chủ tỉnh. Thống đốc Nam Kì, các Khâm sứ và Thống sứ quyết định việc thành lập trường đệ nhất cấp và quy định chi tiết cách thức tổ chức của các trường cũng như việc tuyển giáo viên cho các trường, theo đề nghị của Thanh tra giáo dục nghề có thẩm quyền.
- Đệ tam cấp (hệ cao đẳng) gồm các trường cao đẳng đã được thành lập từ trước và các trường chuẩn bị được thành lập tại Đông Dương. Theo quy định của bộ “Học chính tổng quy”, Ban chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng được thành lập với nhiệm vụ tập trung và giải quyết công việc hành chính của tất cả các trường thuộc Đại học Đông Dương, chuẩn bị việc thành lập, tổ chức chế độ làm việc và soạn thảo chương trình của các trường cao đẳng lần lượt được mở cho sinh viên người Pháp và người bản xứ tại Đông Dương. Bộ “Học chính tổng quy” cũng có một số quy định cụ thể: Trường Hậu bổ (Ecole d’Administration) ở Huế và Trường Sĩ hoạn (Ecole des Mandarins) ở Hà Nội là những trường chuyên đào tạo quan lại sẽ chấm dứt hoạt động ngay sau khi những học sinh nhập học trước ngày 01-11-1917 kết thúc khoá học; các trường này cũng sẽ không được tuyển mới kể từ ngày trên. Các lớp luật (Cours de Droit) thành lập theo Nghị định ngày 29-3-1910 cũng bị bãi bỏ; hai trường vẫn hoạt động bình thường là Trường Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 29-12-1913) và Trường Thú y Đông Dương (Ecole Supérieure Vétérinaire de l’Indochine) thành lập theo Nghị định ngày 15-9-1917; Trường Công chính (Ecole des Travaux publics) được tổ chức lại theo Nghị định ngày 15-4-1913 thì được đặt dưới quyền giám sát trực tiếp của Ban chỉ đạo bậc cao đẳng…
Sau 10 năm thực hiện, chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học Pháp - Việt được quy định trong bộ “Học chính tổng quy” đã có một vài sửa đổi. Những sửa đổi này được nêu trong hai Nghị định ngày 7-7-1927[21] và ngày 12-8-1935[22] của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1938, tại Nghị định ngày 18-1-1938 của Toàn quyền Đông Dương[23], bậc giáo dục sơ học và trung học Đông Dương đã được tổ chức lại. Theo đó, chương trình học tại các trường được gọi là chương trình tiểu học bản xứ và tiểu học Pháp - Việt được đổi tên là sơ học yếu lược Đông Dương và bổ túc tiểu học Đông Dương. Chương trình mới có hiệu lực từ đầu năm học 1938 - 1939, được đính kèm theo bảng phân bổ chương trình hàng tuần có trong nội dung của Nghị định.
Ở bậc đại học, từ những quy định sơ lược trong bộ “Học chính tổng quy”, Đại học Đông Dương đã được hoàn thiện thêm về mặt cơ cấu, tổ chức và đội ngũ giáo viên, kể cả giáo viên người Pháp và người bản xứ. Điều đó được thể hiện trong Nghị định các ngày 25-8-1918, 13-12-1923, 17-10-1924, 8-5-1926, 02-7-1926, 19-10-1927, 26-4-1928, 04-11-1928, 31-7-1929 và 30-11-1930 của Toàn quyền Albert Sarraut, trong đó quan trọng nhất là Nghị định đầu tiên ngày 25-8-1918 ban hành Quy chế chung về giáo dục bậc đại học ở Đông Dương (Règlement général de l’Enseignement supérieur)[24]. Một số trường thành viên của Đại học Đông Dương đã được thành lập như Trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de Pédagogie) thành lập theo Nghị định ngày 15-10-1917 và được tổ chức lại theo Nghị định ngày 24-7-1932, Trường Khoa học thực hành (Ecole des Sciences appliquées) được thành lập theo Nghị định ngày 30-10-1922, Trường Cao đẳng Văn khoa với các giờ dạy và hội thảo dành cho công chúng (Ecole supérieure des Lettres - cours et conférences publics) được thành lập theo Nghị định ngày 26-7-1923, Trường Mĩ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts de l’Indochine) được thành lập theo Nghị định ngày 17-10-1924 (năm 1938 được tổ chức lại thành Trường Mĩ thuật và Mĩ nghệ thực hành (Ecole des Beaux-Arts et des Arts appliqués)…
Rõ ràng là, mặc dù còn có những hạn chế nhất định song cuộc cải cách giáo dục của Albert Sarraut năm 1917 đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Nhờ có cuộc cải cách này, toàn bộ nền giáo dục ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể. Trong xu thế chung của giáo dục Đông Dương lúc đó, sự phát triển của Đại học Đông Dương thực sự có một ý nghĩa to lớn, đặt cơ sở vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo của toàn bộ hệ thống giáo dục bậc đại học ở Việt Nam.
Nội dung cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” đã chứng tỏ, sau hai cuộc cải cách, nền giáo dục ba cấp ở Việt Nam đã căn bản hình thành. Hệ thống trường học, cấp học, lớp học được tổ chức một cách bài bản với hình thức dạy học tập trung. Học sinh học theo lớp có cùng độ tuổi, cùng đặc điểm tâm sinh lí, cùng một chương trình thống nhất. Chương trình đó được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện, không chỉ có khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ.
Những tài liệu trong cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” còn cho thấy một điều đặc biệt, đó là chương trình học của học sinh tiểu học. Ngoài môn đạo đức phải học ngay từ lớp đồng ấu (7 tuổi), học sinh còn được học môn lịch sử ngay từ lớp dự bị (8 tuổi). Từ việc làm quen với môn lịch sử lần đầu tiên qua các truyện ngắn, giai thoại, tiểu sử trích từ lịch sử địa phương, các sự kiện lịch sử hoặc địa danh lịch sử trong vùng ở lớp dự bị đến việc ôn tập có phát triển những khái niệm đã học ở các lớp sơ đẳng, trung đẳng, học sinh còn được học về các xứ thuộc nước Nam (Nam Kì, Trung Kì, Bắc Kì) và các thời kì lịch sử cùng các nhân vật lịch sử như các vua triều Nguyễn; giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh; cuộc nổi dậy của quân Tây Sơn, vua Gia Long và các hậu duệ … Điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã được trang bị những kiến thức cơ sở về lịch sử đất nước, về lòng tự hào dân tộc…
Vì thế, mặc dù lên các lớp trên thuộc cấp trung học và sau này là đại học, được đào tạo trong các trường học của Pháp, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, học lịch sử nước Pháp nhiều hơn lịch sử nước Nam nhưng tầng lớp trí thức tân học ở Việt Nam lại có một nền tảng giáo dục truyền thống rất vững chắc. Từ đó, có thể rút ra kết luận: mặc dù những nỗ lực của người Pháp về giáo dục chủ yếu nhằm mục đích phục vụ công cuộc cai trị, tức là vì “Mẫu quốc” hơn là để “khai hóa văn minh” cho Việt Nam nhưng lại đem lại điều mà chính quyền thực dân không mong đợi. Đó là thông qua chính sách giáo dục của Pháp, người Việt đã tiếp thu những kiến thức mới của văn minh phương Tây một cách có chọn lọc và làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Với những thông tin xác thực, giàu tính khoa học, hi vọng cuốn “Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945)” của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ góp phần tích cực vào công cuộc cải cách giáo dục của Đảng và Nhà nước; giúp các nhà quản lí về giáo dục trong việc “đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy” nhằm mục tiêu xây dựng một nền “giáo dục phổ thông từng bước đạt chuẩn mực và đi vào kỉ cương, nền nếp; giáo dục đại học hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động”[25] trong thời đại hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế với xu thế toàn cầu hóa.
TS. Đào Thị Diến
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét