Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chuyện chiếc xe trâu và lời nguyện cầu cho năm mới


>> ‘Ðuổi nhà báo ngay:’ Báo chí nhà nước một năm cay đắng


Bùi Hoàng Tám




(Dân trí) - Chuyện 4 cô giáo ngâm mình trong nước lũ cứu 15 em nhỏ trong trận lụt kinh hoàng vừa qua ở Phú Yên với câu nói nổi tiếng: “Thà cô chết chứ không để trò chết” hay ca sĩ Mỹ Tâm xuống xe hát cùng người khiếm thị trên sân khấu vỉa hè là những hành động cao đẹp, gây xúc động trong dư luận những ngày qua.

Thế nhưng lòng tốt, sự cao thượng hay đức hi sinh không chỉ xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt như với các cô giáo và cũng không chỉ với những người nổi tiếng như ca sĩ Mỹ Tâm. Nó đã và đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi đối tượng trong đời sống thường nhật mà chuyện một người đàn ông tàn tật dùng xe trâu đưa đón trẻ mầm non miễn phí được báo Dân trí đăng tải là một ví dụ.

Bài báo “Người đàn ông tàn tật và chiếc xe trâu đưa đón trẻ mầm non miễn phí” của tác giả Vĩnh Khang kể lại từ hơn một năm nay, người dân xóm Chùa và xóm Văn Ngọc (xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An) đã trở nên quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông tàn tật ngày ngày ngồi trên chiếc xe cải tiến, đánh trâu đến từng nhà có con đang học mầm non để đưa đón trẻ đến trường.

Theo thông tin từ bài báo, bị di chứng từ một trận ốm khi còn nhỏ, vợ bận đi làm công nhân cho nhà máy gạch nên hàng ngày, anh Văn Đình Ngọc (SN 1982) phải đưa đón các con đi học. Trong một ngày mưa rét cuối năm ngoái, anh Ngọc dùng xe đạp chở con mình đến lớp thì bị trượt ngã.

Tuy cú ngã không gây thương tích nhưng thấy không an toàn, Văn Đình Ngọc quyết định biến chiếc xe cải tiến chở lúa ấy thành xe đưa đón con. Chiếc xe cũ được lau rửa sạch sẽ, trang bị thêm “hệ thống” bảo vệ bằng sắt, rèm che, lắp thêm mái chống mưa nắng, trên thùng xe đặt 3 thanh gỗ làm ghế ngồi.

Thấy chiếc xe thuận tiện, lại an toàn nên nhiều người trong xóm nhờ đưa con cháu họ đến lớp và tất nhiên, anh Ngọc vui vẻ nhận lời. Từ đó đến nay, hàng ngày “anh tấp tểnh bế từng đứa trẻ lên xe rồi cài then cửa lại. Đón hết lũ trẻ lên xe, kiểm tra lại chiếc khóa cửa, buông tấm ri đô xuống cho ấm, mấy “bố con” lại rong ruổi đến trường. Lũ trẻ ngoan ngoãn ngồi trong xe, tranh nhau hát. Thỉnh thoảng chúng còn được “bố Ngọc” chiêu đãi mấy bài hát từ chiếc đài cũ kỹ.

Đến trước cổng trường, nghe tiếng “họ”, chú trâu ngoan ngoãn dừng lại. Anh Ngọc xuống xe, mở cửa, bế từng đứa trẻ xuống, trao cho các cô giáo đã đứng đợi sẵn rồi đánh xe về. 4h chiều, chiếc xe đưa đón học sinh đặc biệt này lại chờ sẵn ở trước cổng trường, sẵn sàng đón các cháu về trả cho bố mẹ”. Bài báo viết.

Xin cám ơn các cô giáo trong mưa lũ, cảm ơn ca sĩ Mỹ Tâm, cám ơn người đàn ông tàn tật Văn Đình Ngọc. Trong khi xã hội xuất hiện không ít những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì”, những tên tội phạm đáng ghê tởm với tội danh “ấu dâm”… và cả những bữa ăn thịnh soạn từ tiền thuế của dân hay những ai đó đi đôi giày, diện chiếc váy hàng hiệu cả chục triệu đồng nhưng không dám bỏ ra một ngàn đồng làm từ thiện thì vẫn còn nhiều và rất nhiều những tấm lòng cao đẹp.

Xin một lần nữa cảm ơn các cô giáo, cảm ơn ca sĩ Mỹ Tâm, cám ơn người đàn ông tàn tật Văn Đình Ngọc và tất cả những tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Những hành động, việc làm của các bạn đã thắp bùng lên ngọn lửa yêu thương mà nhiều khi, tưởng như lẩn khuất.

Khi bạn đọc những dòng này, theo lịch dương, chỉ một ngày nữa, cả nước sẽ bước sang một năm mới 2017. Chúng ta hãy cùng nhau cầu mong cho một năm mới tốt lành, cầu cho thiên tai và cả nhân tai giảm thiểu và cầu cho tình yêu thương, nhân ái đâm chồi, nảy lộc trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu, các bạn nhé.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: