Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Chu Hữu Quang: Cha đẻ bính âm, nhà bất đồng chính kiến

Nguồn: Margalit Fox, “Zhou Youguang, Who Made Writing Chinese as Simple as ABC, Dies at 111,” The New York Times, 14/01/2017.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Chu Hữu Quang (Zhou Youguang), người được biết đến với tư cách là cha đẻ của bính âm Hán ngữ (pinyin) vì đã tạo nên một hệ thống viết chữ Hán bằng bảng chữ cái Latinh vốn trở thành tiêu chuẩn quốc tế kể từ khi được giới thiệu cách đây khoảng 60 năm, đã qua đời hôm thứ Bảy ở Bắc Kinh. Ông thọ 111 tuổi.
Trong những thập niên gần đây, với sự tự tin vì có tuổi thọ trời ban, ông Chu cũng là một người phê bình thẳng thắn chính quyền Trung Quốc.
“Họ làm được gì,” ông hỏi thẳng trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 2012. “Đến bắt tôi đi?”
Thực ra, họ đã làm như thế một lần, cách đây đã lâu.
Được áp dụng ở Trung Quốc từ năm 1958, bính âm được thiết kế không phải để thay thế hàng chục ngàn ký tự truyền thống dùng để viết chữ Hán, mà như một công cụ chính tả để mở cửa vào thế giới phức tạp của những ký tự đó.
Kể từ đó, bính âm đã nâng tỷ lệ người biết chữ ở khắp đất nước; giảm nhẹ gánh nặng của người nước ngoài học tiếng Trung; cho người khiếm thị một cách đọc chữ Hán bằng bảng chữ nổi Braille, và trong một diễn tiến mà ông Chu gần như không thể đoán trước, nó đã tạo điều kiện cho sự du nhập nhanh chóng của tiếng Trung vào các bàn phím máy tính và điện thoại di động.
Nhờ có bính âm mà nay chúng ta có những cái tên giờ đã quen thuộc như Beijing (Bắc Kinh), thay cho Peking trước đây. Chongqing (Trùng Khánh) thay cho ChungkingMao Zedong (Mao Trạch Đông) thay cho Mao Tse-tung, và hàng ngàn chữ khác. Hệ thống được phê chuẩn bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) năm 1982 và bởi Liên Hiệp Quốc năm 1986.
Nhưng bất chấp ảnh hưởng của ông Chu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, sự đối lập chính trị vào cuối đời của ông – mà vào năm 2015, thông tấn xã AFP gọi ông là “nhà bất đồng chính kiến có lẽ là cao niên nhất của Trung Quốc” – đã khiến ông vẫn tương đối vô danh ở chính quê hương mình.
“Ở Trung Quốc, ông không được ca ngợi rộng rãi,” tờ New York Times viết năm 2012. “Như tờ China Daily của nhà nước viết năm 2009, đáng lẽ ông đã là một cái tên quen thuộc nhưng gần như không ai biết đến.”
Ông Chu và các đồng nghiệp của ông đã mất ba năm để phát triển bính âm, nhưng điều đáng chú ý nhất về sự tham gia của ông là ông không phải là một nhà ngôn ngữ học hay một nhà ngữ vựng học mà là một nhà kinh tế học, vừa trở về Trung Quốc từ phố Wall.
Nhưng nhờ một cuộc gặp tình cờ giữa thế kỷ 20, và với một tình yêu ngôn ngữ suốt đời, ông đã được chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ phát triển một hệ thống chữ viết dễ tiếp cận hơn. Nó là một bước ngoặt định mệnh, và như ông Chu thừa nhận sau này, là một bước ngoặt có thể đã cứu mạng ông.
Con của một gia đình danh giá (cha ông là một vị quan trong triều đại cuối cùng của Trung Quốc, nhà Thanh, vốn tồn tại liên tục từ thế kỷ 17 đến năm 1912), ông Chu sinh ra ở Thường Châu, miền Đông Trung Quốc, vào ngày 13 tháng 1 năm 1906. Tên khai sinh của ông là Chu Diệu Bình (Zhou Yaoping), ông lấy bút danh Chu Hữu Quang khi trưởng thành.
Năm 1927, sau khi học ở Đại học St. John’s ở Thượng Hải, ông tốt nghiệp Đại học Quang Hoa với bằng kinh tế.
Khi chiến tranh Trung-Nhật lần II bùng nổ, khơi mào bởi việc Nhật xâm lược Trung Quốc năm 1937, ông Chu cùng vợ, bà Trương Duẫn Hòa (Zhang Yunhe), và hai con chuyển đến Trùng Khánh, thủ đô thời chiến của Trung Quốc. Con gái họ, Chu Tiểu Hòa (Zhou Xiaohe), mất ở đó vì viêm ruột thừa.
Ở Trùng Khánh, ông Chu làm việc cho Ngân hàng Tân Hoa. Ông cũng làm quen với Chu Ân Lai, vốn đã là một ngôi sao trong Đảng Cộng sản, sau này là Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1976.
Mặc dù Chu Hữu Quang chưa bao giờ vào Đảng, mối quan hệ đó đã dẫn trực tiếp đến việc phát triển bính âm.
Năm 1946, ông Chu đến New York làm đại diện cho Tân Hoa tại trụ sở trên phố Wall của đại lý ngân hàng này ở Mỹ, Irving Trust. Ông ở đó ba năm, cho đến khi việc Đảng Cộng sản lên nắm quyền năm 1949 đã khiến ông trở về nhà.
“Chúng tôi đều nghĩ Trung Quốc có một cơ hội rất tốt để phát triển; chúng tôi không nghĩ đến những xáo trộn sau này,” ông Chu nói với The Guardian, tờ báo Anh, năm 2008. “Lịch sử đã làm chúng tôi lạc lối.”
Trong những năm sau đó, ông dạy kinh tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải cho đến giữa thập niên 1950, khi Chu Ân Lai can thiệp.
Lúc đó chính phủ Cộng sản đang tìm cách biến Quan thoại thành quốc ngữ và tăng tỷ lệ biết chữ trên toàn quốc. Năm 1955, chính phủ thành lập một ủy ban với nhiệm vụ tạo ra một hệ thống chữ cái, dựa vào tiếng Quan thoại, dễ sử dụng hơn các hệ thống Latinh hóa hiện có.
Biết ngôn ngữ học là một sở thích của ông Chu, Chu Ân Lai đã vời ông đến Bắc Kinh để lãnh đạo ủy ban. Những phản đối của ông Chu rằng ông chỉ là một người nghiệp dư đã không có kết quả.
“Ai cũng nghiệp dư cả,” người ta bảo ông.
Vì thế ông bắt đầu nghiên cứu các ngôn ngữ cùng với vô số hệ chữ viết. Ít lâu sau, trong cuộc thanh trừng những người cánh hữu của Mao Trạch Đông vào cuối những năm 1950, ông bắt đầu nhận ra sự nghiệp mới của ông đã cứu mạng ông, theo đúng nghĩa đen.
“Mao rất ghét các nhà kinh tế – đặc biệt là các giáo sư kinh tế từ Mỹ,” ông Chu nói với The Guardian. “Đến lúc đó tôi đã chuyển sang ngôn ngữ và chữ viết. Tôi không bị coi là một người hữu khuynh. Rất may mắn. Nếu còn dạy kinh tế ở Thượng Hải tôi nghĩ chắc chắn mình đã lĩnh án 20 năm. Một người bạn thân của tôi đã bị cầm tù và tự sát.”
Trong nỗ lực tạo ra một hệ thống chữ cái để chuyển tự chữ Hán, ông Chu đã tiếp tục một truyền thống chính tả bắt nguồn ít nhất kể từ thế kỷ 16.
Chữ Hán truyền thống, được phát minh cách đây hơn hai ngàn năm, là một hệ thống chữ tượng hình, trong đó mỗi chữ trong ngôn ngữ lại được thể hiện bằng một ký tự riêng biệt. Với người đọc, mỗi ký tự truyền đạt chủ yếu là thông tin về ngữ nghĩa thay vì ngữ âm.
Điều này giúp chữ Hán có một lợi thế cố hữu: Nó có thể được dùng như một hệ thống chung để viết các thứ tiếng địa phương khó hiểu của Trung Quốc. Nhờ vậy, người nói tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông có thể liên lạc với nhau bằng chữ viết, với mỗi ký tự mã hóa cùng một ý nghĩa – “nhà,” “màu lam,” “suy nghĩ,” v.v. – bất kể cách phát âm trong tiếng địa phương là gì.
Nhưng cũng vì thế mà hệ thống này mang trên mình một bất lợi lớn: Do các ký tự không thể hiện thông tin về ngữ âm, nếu người đọc không có kiến thức từ trước thì họ không thể biết cách phát âm một chữ Hán khi đọc.
Với người đọc, họ còn phải mang thêm gánh nặng là phải học được hàng ngàn ký tự riêng biệt để biết chữ ở mức độ cơ bản: Đó là so với khoảng hai chục ký tự mà người dùng bảng chữ cái Latinh phải biết.
“Bính âm không phải để thay thế chữ Hán; nó là để hỗ trợ chữ Hán,” ông Chu giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian. “Nếu không có bảng chữ cái thì anh phải học từ miệng đến miệng, từ tai đến tai.”
Kết quả là nạn mù chữ đã tràn lan khắp Trung Quốc mãi đến thế kỷ 20 – ảnh hưởng đến 85% dân số, theo một ước tính. Nó cũng khiến người nước ngoài đọc tiếng Trung vô cùng khó khăn.
Các hệ thống Latinh hóa đã được sử dụng trước kia, bắt đầu bằng một hệ thống được phát triển cuối thế kỷ 16 bởi các nhà truyền giáo dòng Tên từ châu Âu. Trước khi bính âm ra đời, hệ thống thông dụng nhất là Wade-Giles, công trình của hai nhà ngoại giao người Anh vào cuối thế kỷ 19.
Nhưng các nhà ngôn ngữ học từ lâu đã đồng ý rằng hệ thống Wade-Giles khó dùng và không chuẩn xác. Nó sử dụng một bộ ký tự đánh số cồng kềnh để mô tả các thanh điệu trong tiếng Trung – những biến đổi có ý nghĩa trong cao độ của giọng nói nhằm phân biệt các từ khác nhau trong tiếng Trung. Nó cũng không phản ánh cách phát âm Quan thoại một cách trung thực.
Ban đầu, ông Chu và đồng nghiệp phải đối mặt với một loạt các vấn đề nền tảng: Bính âm nên sử dụng bảng chữ cái Latinh, bảng chữ cái Kirin, hay một bảng chữ cái mới? Làm sao đánh dấu được thanh điệu?
Mặc dù mối quan hệ liên minh gần gũi của Trung Quốc với Liên Xô khiến bảng chữ cái Kirin có ưu thế, ủy ban cuối cùng đã sử dụng bảng chữ cái Latinh do sự phổ biến của nó trên khắp thế giới. Các dấu phụ đơn giản, bao gồm dấu sắc và dấu huyền, được dùng để đánh dấu âm điệu.
Được chính phủ Trung Quốc áp dụng vào ngày 11 tháng 2 năm 1958, bính âm nhanh chóng được ca ngợi. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể cứu ông Chu trong Cách mạng Văn hóa, cuộc thanh trừng trí thức và những người khác từ năm 1966 đến năm 1976 của Mao, trong đó hàng chục triệu người đã chết.
Năm 1969, chính quyền chụp mũ ông là “lực lượng học thuật phản động” và đày ông đến làm ruộng tại một trại lao động ở vùng Ninh Hạ miền Trung Bắc Trung Quốc. Ông ở đó hơn hai năm.
Khi trở về nhà, ông tiếp tục viết về ngôn ngữ, văn hóa, và các sự kiện đương thời. Trong những năm 1980, ông giúp giám sát việc dịch cuốn bách khoa toàn thư Britannica sang tiếng Trung.
Ông Chu là tác giả của hơn 40 cuốn sách, một số bị cấm ở Trung Quốc và đến 10 cuốn được xuất bản sau khi ông đã 100 tuổi.
Trong các cuộc phỏng vấn không thường xuyên với các phương tiện truyền thông phương Tây từ căn hộ khiêm tốn của mình ở Bắc Kinh, ông Chu công khai phê phán cả chủ nghĩa cộng sản thời kỳ cách mạng (“Thú thật là tôi không có gì tốt để nói về Mao Trạch Đông,” ông nói với AFP năm 2015) lẫn những cải cách kinh tế của người kế nhiệm Mao, Đặng Tiểu Bình.
“Chuyện người Trung Quốc trở nên giàu có không quan trọng,” ông nói trong cùng bài phỏng vấn. “Tiến bộ con người cuối cùng sẽ tiến tới dân chủ.”
Ông Chu qua đời tại Bệnh viện Hòa Hợp Bắc Kinh, theo Beijing News và các kênh tin tức truyền thống nhà nước khác của Trung Quốc. Bà Chu đã qua đời năm 2002. Con trai ông, Chu Hiểu Bình (Zhou Xiaoping), một nhà vật lý thiên văn, qua đời năm 2015.
Ngày nay, bính âm được hàng trăm triệu người sử dụng chỉ riêng ở Trung Quốc. Học sinh Trung Quốc bắt đầu học đọc bằng hệ thống này trước khi học chữ Hán.
Kết quả là tỷ lệ mù chữ ở Trung Quốc ngày nay ở khoảng 5%, theo Unicef. Bính âm cũng là một phần của chương trình sư phạm chuẩn dành cho người nước ngoài học tiếng Trung trên khắp thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với AFP năm 2015, ông Chu bày tỏ triết lý mà ông nói là đã giúp ông sống sót trong những năm ở trại lao động. Có vẻ đó là một đặc tính phù hợp với cuộc đời lâu dài của ông.
“Khi gặp khó khăn, anh phải lạc quan,” ông nói. “Người bi quan thường sẽ chết.”
Margalit Fox là cây bút người Mỹ của tờ The New York Times. Javier C. Hernandez đã đóng góp cho bản tin này.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/24/chu-huu-quang-cha-de-binh-nha-bat-dong-chinh-kien/#sthash.w7c81DgO.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: