Bùi Xuân Đính
Nguyễn Đình Tân và Đặng Quốc Lang từng có thời gian cùng làm quan tại tỉnh Nghệ An với nhau; Đình Tân làm Bố chính (viên quan cao thứ hai một tỉnh, phụ trách việc binh lương, thuế khóa; sau quan đứng đầu tỉnh là Tuần phủ), còn Quốc Lang là Tri huyện Hưng Nguyên thuộc tỉnh đó. Về sau, cả hai người cùng thăng tiến và cùng được điều về tỉnh Hưng Yên, song khi đó hai người đã ngang hàng nhau về ngạch quan (Tân làm Tuần phủ, còn Lang làm Án sát - quan phụ trách việc nội chính, tư pháp, ngang với chức Bố chính). Chẳng rõ quá trình “đồng liêu” với nhau ở Nghệ An và Hưng Yên, quan hệ giữa họ ra sao mà về sau, vào tháng Tám nhuận năm Quý Mão (khoảng đầu tháng 10 năm 1843), xảy ra câu chuyện “rầu lòng” dưới đây.
Khi đó, Nguyễn Đình Tân được triệu về Kinh đô Huế để được bổ chức Hữu Tham tri (viên quan hàng thứ ba của một bộ, sau Thượng thư và Tả Tham tri) bộ Lại. Đặng Quốc Lang liền làm bản mật tâu lên triều đình rằng, các văn bản liên quan đến đơn từ của tỉnh Hưng Yên gửi về Kinh đô Huế trong một thời gian dài đều không có chữ ký của quan đứng đầu tỉnh là Tuần phủ Nguyễn Đình Tân là do Tân bị đau mắt đã lâu, nên phàm những đơn từ ở tỉnh đều mật ủy cho thuộc ty của tỉnh phê chuẩn thay. Vua Thiệu Trị đọc bản mật tâu liền lệnh cho Nguyễn Đình Tân phải giải trình về việc văn bản không có chữ ký của mình mà chỉ có con dấu. Tân tâu với Vua rằng, khi mình bị đau mắt, Tân đã từng bàn với Nguyên Án sát Lê Nguyên Trung và Đặng Quốc Lang cùng biết, để Trung và Lang ký các văn bản, không phải là mật ủy và có lần, khi Tân trình bày với hai người về bệnh tình của mình để xin nghỉ dài hạn, Trung và Lang đảm nhận việc điều hành các công việc ở tỉnh đường thay Tân, thì Lang vừa lạy vừa năn nỉ khuyên Tân lưu lại, thành ra Tân không xin nghỉ nữa.
Vua Thiệu Trị nghe lời tâu của Tân, thấy Tân có lỗi nhưng không đến mức nghiêm trọng, nên vẫn ra lệnh cho bộ Lại bổ Tân giữ chức Hữu Tham tri, nhưng phải giáng hai bậc lương; Đặng Quốc Lang và Lê Nguyên Trung cùng bị giáng một bậc.
Tuy nhiên, sau đó, các Ngôn quan (quan phụ trách việc khiếu nại, đàn hặc quan lại) trong triều là Chu Duy, Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Văn Diễm, Trình Nho cùng tâu cho rằng, nếu quả như lời nói của Nguyễn Đình Tân thì không có việc “mật ủy” đó và như vậy, Đặng Quốc Lang tâu báo “mò”, tội không thể từ chối được, còn gì là thể diện của vị quan đầu tỉnh nữa; nên phải tra xét tường tận ngay để nghiêm kỷ luật trong quan trường.
Vua Thiệu Trị nghe lời tâu của các Ngôn quan liền dụ rằng : “Lang và Tân đều là quan to một địa phương, trước tuy là thuộc viên, nay thì là đồng sự. Vái mà không lạy là lễ, há nên tự đặt mình vào địa vị thấp hèn? Huống chi (Quốc Lang) trước thì nói ngọt để cho người ta nghe, sau lại mật tâu để bới cái không hay của người, bụng dạ như thế, công luận không thể dung thứ được ! Đình Tân tâu đối không thực, cũng không phải là đạo người bề tôi thực lòng thờ vua”.
Rồi sai Phạm Duy Trinh mới được bổ về làm Quyền Tuần phủ tỉnh Hưng Yên triệu tất cả các quan và thuộc viên có liên quan của tỉnh ấy hỏi rõ ngọn ngành; cũng lệnh cho Đặng Quốc Lang phải tâu về Kinh. Đến lúc này, Lang mới tâu rằng, sự thật của vụ việc trên là vào đầu năm nay, gặp tiết Vạn thọ (lễ mừng thọ vua, tổ chức vào đầu năm), Tân muốn tổ chức một tiệc hát xướng sau buổi lễ, nhưng buổi đó rất đông các quan và lại viên các phủ, huyện trong tỉnh không đến dự, nên Tân giận dữ, muốn làm bản tâu tham hặc về tội “bất kính” của họ. Đặng Quốc Lang đã đến công đường khuyên giải Tân, chỉ lạy miệng mà thôi, chứ không thụp lạy. Tuần phủ Phạm Duy Trinh thu thập thông tin từ các thuộc viên ở tỉnh Hưng Yên cũng có kết quả giống như lời tâu trên đây của Đặng Quốc Lang.
Vua Thiệu Trị thấy Nguyễn Đình Tân và Đặng Quốc Lang bới xấu lẫn nhau, bèn hạ lệnh giải chức cả hai, giao cho bộ Hình nghị xử. Bản án của các quan trình lên đề nghị cách chức Nguyễn Đình Tân, còn Đặng Quốc Lang phải giáng ba cấp và đổi đi tỉnh khác.
Vua đọc bản án và nói rằng : ”Tân hiềm vì Lang bới sự không hay của mình, nên thêu dệt cái thái độ Lang đê tiện để hả lòng tức giận. Lang tuy không có thực trạng ty tiện, nhưng hơi một tý thì nói lạy bằng miệng, không còn ra thể diện gì nữa. Vậy nên đổi tội Tân xuống cách lưu, Lang thì giáng hai cấp, đổi đi nơi khác”.
Vua cũng khép tội các quan có liên quan. Riêng Thông phán (quan hoặc lại viên phụ trách việc giấy tờ ở tỉnh đường) tỉnh Hưng Yên là Đàm Quang Tú từng bị Phạm Duy Trinh không ưa và khi Tân - Lang bới xấu lẫn nhau, Trinh đã tham hặc cả Tú về tội cắt xén, sửa đổi lời khẩu cung, nên Tú bị cách chức, khóa tay, giao bộ Hình tra hỏi. Đến đây, sau khi xét kỹ, thấy Tú không có những lỗi như Trinh tham hặc, bèn cho phục lại nguyên hàm của Tú; còn Trinh bị giáng hai cấp.
Lời bàn:
Việc hành chính có những nguyên tắc rất nghiêm ngặt, cần phải tuân thủ, nếu không, chỉ vì một sơ suất nhỏ mà có thể dẫn đến những hậu quả từ nhiều phía, cho việc công và cho cả bản thân mình.
Trong trường hợp đang bàn, xét bên ngoài, cả Tuần phủ Nguyễn Đình Tân và Án sát Đặng Quốc Lang đều không tuân thủ đúng nguyên tắc hành chính nên khi xảy ra sự rắc rối, đã bị “phía đối lập” vin cớ đổ lỗi. Đây là điểm thường thấy trong tính cách quan lại thời phong kiến : đổ lỗi những yếu kém, trì trệ, khuyết điểm và thất bại của bản thân mình hoặc của cơ quan mà mình đứng đầu cho hoàn cảnh khách quan và cho người khác, thậm chí cho tập thể.
Song xét kỹ căn nguyên thì đó là do sự đố kỵ giữa hai viên quan đầu tỉnh một thời là quan hệ trên - dưới của nhau, đến đây “ngang bằng” nhau. Khi sự đố kỵ đó được sử dụng vào mục đích “hạ bệ” nhau thì những sai sót trong nguyên tắc hành chính sẽ là “vũ khí” lợi hại để tấn công đối thủ, bảo vệ mình, hiệu nghiệm và nguy hiểm vô cùng.
Câu chuyện là bài học cho việc giữ đúng các nguyên tắc hành chính, nhất là việc bàn giao giữa người cũ - người mới, người đi - người ở trong các công sở. Đây còn là bài học về việc đối nhân xử thế giữa những người cùng làm việc với nhau, một thời từng là quan hệ trên dưới, phụ thuộc nhau, nay lại trở nên ngang hàng nhau.
Câu chuyện cũng cho thấy, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát quan lại các cấp phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, để không chỉ phát hiện ra những sai phạm của quan lại, mà còn lần ra và dẹp bỏ những “luồng sóng ngầm” trong hàng ngũ quan lại của từng cơ quan, nảy sinh do bất đồng về quan điểm và cách giải quyết vấn đề, “trái ngược” về tính nết, tính cách, không đồng thuận về quyền lợi, và đặc biệt là tính đố kỵ, “không chịu nhau” giữa các quan. Những luồng sóng ngầm đó là đầu mối của mâu thuẫn, phe phái trong công sở, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả làm việc, uy tín của cơ quan.
Câu chuyện cũng là bài học trong việc xây dựng phong cách làm việc theo những chuẩn mực hành chính của đội ngũ quan lại.
Và những bài học từ câu chuyện trên đây không hề cũ đối với xã hội ta ngày nay.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét