Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Hội thảo hôm qua, về "tôn giáo" và "tín ngưỡng"


Đại khái có một hội thảo như ở dưới.

Mình tham dự nên có ảnh đại diện sau:




Từ đây trở xuống là bản tin của Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Chép nguyên về.

Post xong, nhìn lại, mới thấy là "hôm kia" (1/11). Còn bản tin của Hv KHXH VN thì mới là "hôm qua" (2/11).




---

Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo từ các góc nhìn văn hóa học”(Mới)


02/11/2016
Ngày 01 tháng 11 năm 2016, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Khoa Văn hóa và Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo liên khoa Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo từ các góc nhìn văn hóa học. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh - Phó Giám đốc Học viện dự và phát biểu khai mạc; Đồng chủ trì Hội thảo GS.TS. Lê Hồng Lý - Trưởng khoa Khoa Văn hóa học và TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa Tôn giáo học. tham dự Hội thảo có các giảng viên của hai Khoa, các nhà nghiên cứu khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Tôn giáo, Viện Xã hội học cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Học viện Khoa học xã hội và các NCS tham dự. 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh: văn hóa và tôn giáo là hai vấn đề luôn bổ sung cho nhau; hơn nữa, là một lĩnh vực hoạt động nổi trội, tôn giáo vừa mang tính đặc thù, vừa là một mảng hoạt động của văn hóa. Việc kết hợp Hội thảo về hai vấn đề nghiên cứu tôn giáo và văn hóa lần này nhằm góp tiếng nói từ các góc nhìn khác nhau của văn hóa, mở ra các hướng nghiên cứu mới đối với nghiên cứu sinh và học viên của hai Khoa; Đồng thời, Hội thảo cũng đặt ra mục tiêu áp dụng những phương pháp nghiên cứu mới vào thực tiễn vấn đề văn hóa, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo lần lượt nghe các nhà khoa học trình bày các báo cáo, bao gồm:

          1. Đóng góp một cách nhìn về phương pháp nghiên cứu các tôn giáo mới ở Việt Nam từ sau năm 1986 - TS. Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
          2. Về nguồn gốc và nội hàm thuật ngữ “tín ngưỡng dân gian” (khảo cứu trong mối liên hệ với “tín ngưỡng”) - ThS. Trần Anh Đào, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
          3. Về nhóm thuật ngữ tôn giáo tín ngưỡng trong chuyên ngành văn hóa dân gian ở Nhật Bản - TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa.
          4. Thực hành tín ngưỡng trong bối cảnh hiện đại hóa ở Việt Nam - TS. Đỗ Lan Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa.
          5. Nghiên cứu tín ngưỡng và lễ hội trong đời sống xã hội đương đại - PGS.TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

GS.TS. Lê Hồng Lý và TS. Nguyễn Quốc Tuấn đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe các ý kiến phản biện và thảo luận từ các nhà khoa học; trong đó, 02 nội dung được đặc biệt quan tâm đó là: “thuật ngữ” và “phương pháp”. Trên phương diện học thuật, đặt trong bối cảnh quốc tế, thuật ngữ tôn giáo Việt Nam còn có nhiều vấn đề; bởi lẽ, nó không bao hàm mọi phương diện về đời sống tâm linh trong xã hội. Vậy, cần phải tìm một thuật ngữ để thay thế cho “tín ngưỡng”, “tín ngưỡng dân gian”, “niềm tin tôn giáo”, “tôn giáo dân tộc”… hoặc dùng một thuật ngữ tiếng Anh để thay thế?... đây là vấn đề vẫn đang cần tiếp tục được bàn thảo trong giới nghiên cứu khoa học. Về phương pháp nghiên cứu tôn giáo, nhiều nhà khoa học đều nhất trí với nhận định: Vận dụng nghiên cứu liên ngành trong phương pháp nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam là hướng đi phù hợp, bởi các tôn giáo dù mới phát sinh, phát triển hay tàn lụi đều phụ thuộc rất nhiều vào môi trường pháp luật, văn hóa - xã hội và kinh tế. Theo đó, một số phương pháp tiến cận nghiên cứu tôn giáo được chú ý hiện nay, đó là: tiếp cận Xã hội học; tiếp cận Nhân học văn hóa; tiếp cận từ quan hệ Nhà nước - tôn giáo… Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học từ nghiên cứu nước ngoài; nghiên cứu tín ngưỡng, lễ hội và những biến đổi trong thực hành tín ngưỡng ở Việt Nam.

Lãnh đạo và giảng viên hai Khoa chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất thông qua một số nội dung quan trọng, đó là:

          - Khẳng định Hội thảo đã bàn luận về một vấn đề hết sức nghiêm túc của khoa học, là tiền đề hướng tới việc hình thành một bộ công cụ, trong đó có khái niệm, có phương pháp và cách tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa và tôn giáo.

          - Các vấn đề bàn luận trong Hội thảo đang đặt ra những thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề “thuật ngữ” và “phương pháp”; chỉ ra sự lúng túng của các nhà nghiên cứu về: Cách tiếp cận thực tiễn như thế nào? Về những quan điểm và cách nhìn khác nhau trong nghiên cứu; Về đóng góp thực tiễn với chức năng tư vấn chính sách, định hướng chính sách và hàm ý chính sách.

          - Các vấn đề bàn luận trong Hội thảo cũng làm bộc lộ những cách hiểu đa dạng trong nghiên cứu, đặt ra những câu hỏi về tính khách quan và trung thực trong nghiên cứu đối với các nhà khoa học và những định hướng tiếp tục khắc phục những hạn chế đó trong nghiên cứu.

          - Tiếp nối thành công từ Hội thảo và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng chủ trì Hội thảo - GS.TS. Lê Hồng Lý và TS. nguyễn Quốc Tuấn khẳng định: sẽ tiếp tục mở các diễn đàn khoa học ở các cấp độ khác nhau bàn về vấn đề văn hóa và tôn giáo trong thời gian tới. Trước mắt, các báo cáo khoa học sẽ được chỉnh sửa và đăng tải trên tạp chí Tôn giáo nhằm công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và lan tỏa thành công Hội thảo.
Tin: Mai Hoa
Ảnh: Mai Hoa
http://www.gass.edu.vn/Detail.aspx?ArticleID=4208&CatdID=308&CatdIDParent=308

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: