Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Về Hà Nội





Mỗi khi nhắc về Hà Nội ngày hôm nay tôi lại nhớ tới một bài “thơ buột miệng” mà Trần Dần bất ngờ đọc cho Nguyễn Quang Lập, 20 năm trước, trên một vỉa hè phố Nguyễn Du. Bài thơ một câu ấy là thế này: “Tôi muốn nuốt Hà Nội vào lòng, trớ ra đô thành dởm”. 20 năm đã qua, 20 năm nữa sẽ tới. Nhưng thành phố băn khoăn của nhà thơ, có thể nguyên vẹn đi qua mọi cơn bàng hoàng của thời đại?
Những năm cuối thế kỷ 20, Hà Nội bắt đầu một cuộc xây cất khổng lồ và vô tận. Thành phố đầy thêm những phố không địa chỉ và những địa chỉ không số. Để sau đó tôi mỗi lần ra phố lại một lần không tìm được lối về. Cùng với năm tháng trôi Hà Nội lớn dần, khoảng cách con người cũng kéo dài hơn, để con đường tôi về quá khứ nhỏ hẹp lại, đến mức chỉ một người đi lọt.
Mỗi khi nhắc về Hà Nội ngày hôm nay tôi cũng nhớ tới một thành phố toàn bộ nhuộm vàng một màu vàng không thể định nghĩa, vỏ bọc cho những căn hộ xanh nhạt một màu xanh không thể gọi tên. Thành phố ấy mặc đồng phục trong những màu sắc không ổn định, theo thời tiết thay đổi mỗi ngày. Những khi mưa xuống màu vàng của mọi phố đậm đà hơn. Những khi ẩm ướt các căn hộ cũng sẫm tối hơn. Lỗi tại loại vôi pha thêm bột màu ấy vốn nhạy cảm quá mức với độ ẩm của không khí. Lỗi cũng bởi vì lòng ưa thích đồng phục của dân thành thị, bất kể loại đồng phục nào miễn là đồng phục.
Mùa hè, toàn bộ những tường vàng bắt nắng để lòng phố chảy nhựa để thành phố nóng nực làm sao. Mùa đông, chúng uống no hơi nước để thành phố vàng ảm đạm thế nào, với lá bàng đỏ rơi vãi khắp nơi. Đấy là Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Tôi còn nhớ hồi ấy, mỗi khi bóng tối tràn vào thành phố tôi lại lấy xe đạp ra. Nhưng không biết đi đâu tôi lên hồ Hoàn Kiếm. Và chỉ về nhà sau khi đã làm nhiều vòng quanh hồ, trống rỗng và mệt mỏi. Tôi cũng nhớ bóng tối của Hà Nội dưới ánh đèn vàng đắm đuối, để thấy ở đấy muôn vàn màu sắc đắm đuối. Nhưng rất thường xuyên bóng tối biến mất, để lại nhiều cơn đắm đuối trong mắt tôi dang dở. Lỗi tại mất điện.
Thành phố mất điện, nhất là vào những khi mất điện, tuổi 20 của tôi lại thao thức làm sao, bởi lũ thanh niên tiểu khu. Bọn chúng cứ đêm đến lại rủ nhau ra ngồi giữa lòng phố, đệm ghi-ta và hát nhạc vàng. Khi thành phố đã ngủ yên những ca sĩ không chuyên ấy trở thành bọn ăn trộm chuyên nghiệp. Chúng bẻ khóa, bắt gà, lấy quần áo và vật dụng của hàng xóm. Cả phố khiếp sợ.
Tôi cũng sợ, sợ tất cả những kích thước nhỏ bé ấy của Hà Nội, bởi lẽ chúng cân xứng với cơ thể và trí óc tôi, với toàn bộ bạn bè tôi và đồng nghiệp. Mỗi khi trở mình vì mỏi mệt thể nào tôi cũng phải va đụng vào một ai đó. Mỗi khi một ai đó thầm thì những câu riêng tư thể nào tôi cũng nghe thấy toàn bộ, để không thể cảm thông với những riêng tư không phải của mình. Hà Nội vốn là như thế trong những kích thước dường như cân xứng với người Việt Nam – những con người còn nhỏ bé hơn cả những kích thước mà thành phố dành cho họ.
Nhiều thế hệ sau tiếp nối nhau, Hà Nội được nhân lên gấp 10, 20, 50 lần, và có thể hơn nữa. Nhưng những thay đổi dường như quá vội vã, để mỗi lần trở về từ nơi xa tôi lại phải đối diện với một thành phố mang kích thước khác, không bao giờ vừa được với một tôi nhỏ bé. Những thành phố ấy che khuất những thành phố đến trước, mặc dù chúng thực ra giống nhau ghê gớm. Trong những thành phố này thật khó lòng tìm thấy nguyên vẹn ký ức tuy nhiên tôi không chủ tâm cứ về Hà Nội là phải tìm về ký ức. Không bao giờ như thế, nhưng bao giờ cũng thế, tôi không hết ham muốn được quay về ngồi im lặng, trong những địa chỉ cũ.
Lũ thanh niên phố tôi hình như không còn nhiều. Đa phần đã chết cả rồi vì nghiện ngập. Phố nhỏ vắng người qua lại trở thành khu ăn nhậu. Hà Nội chậm chạp ngày nào trở thành một đĩa nộm thập cẩm khổng lồ. Màu vàng nổi tiếng của thành phố dịu dàng biến mất. Cả bóng tối Hà Nội nữa cũng không mang bên trong nó những màu sắc đã không hết khiến tuổi trẻ tôi đắm đuối. Hà nội của một thời đói nghèo và khổ đau nhưng có lẽ không giống bất cứ một nơi không hạnh phúc nào trên thế giới. Hà Nội hôm nay sẵn lòng nhắc lại những thành phố văn minh châu Á khác, sao chép lại những kiến trúc có ở khắp nơi. Để xây nên một thành phố không kiến trúc.
Tôi không biết có phải rằng mỗi người đều mang trong mình một thành phố. Không liên quan đến nơi sinh nơi trưởng thành. Cũng không liên quan tới sở thích thẩm mĩ và lòng yêu ghét. Giống như một bí ẩn cuộc đời, không giải thích được. Tôi mang Hà Nội trong mình – thành phố mà tôi không thể nói lời yêu. Tôi tiếp tục trở về Hà Nội – thành phố mà tôi cho rằng không rất đẹp. Để thấy mỗi lần trở về số người quen của tôi lại giảm bớt đi, và dân số Hà Nội lại tăng nhiều hơn nữa.
Ngày cuối cùng của lần trở về Hà Nội này tôi nhận được một bức thư điện tử, của một người bạn, một phụ nữ, một đồng nghiệp, một học trò của 27 năm về trước. Người bạn ấy kể rằng cô đã đến dự buổi thảo luận về một cuốn sách của tôi, đã nhận ra ngay thầy giáo cũ, nhưng đã không đến bắt tay tôi vì không chắc tôi vẫn còn nhớ. Cô cũng kể, rằng cô sống với con gái, sau khi chồng cô đã tự vẫn, bốn năm trước trong phòng làm việc, của một tòa soạn chuyên chống tham nhũng, tại Hà Nội.
Ngày cuối cùng ở Hà Nội tôi vào một quán giải khát máy lạnh. Tôi chọn cửa sổ, để nhìn ra phố nơi nóng ẩm và khó chịu vô cùng. Có nhiều người qua lại. Rất nhiều người qua lại. Tất cả với đầy đủ các loại xe cơ giới. Họ đi đâu họ đến từ đâu? Họ làm gì? Những ai trong số họ chưa hề may mắn được sống một ngày bi kịch? Những ai có thể diễn đạt lại uẩn khúc cuộc đời họ những ai không thể? Ai đang đến chỗ hẹn một quán bia? Ai đang đi mà không biết đi đâu? Ai đang trên đường về nhà? Ai đang đi tư vấn tâm lý?
Nhưng hỏi để làm gì khi tất cả đều vui khỏe làm sao, trong một hình ảnh không bao giờ sâu sắc. Vả lại, Hà Nội là như thế, sẽ dễ chịu hết sức khi dân du lịch ngắm đường phố từ cửa sổ một quán giải khát máy lạnh, một khách sạn máy lạnh, không cần nhỏ một giọt mồ hôi nào. Hà Nội là như thế một kích thước khổng lồ một không gian ầm ĩ. Bên trong nó là những uẩn khúc con người không mấy ai hiểu được.
2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: