Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Trần Huy Quang - chông chênh những phận người

Nguyễn Đức Huệ


Cứ mỗi lần gặp Trần Huy Quang, tôi lại nhớ đến một câu Kiều: "Thấy người lại ngẫm đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên."


 Nói thế không có nghĩa tôi vận vào mình mối liên hệ với anh, không phải thế. Đây là mối liên hệ giữa Trần Huy Quang với chính mình: "Ta" là tác giả , tức là anh, còn "Người" là những nhân vật trong tác phẩm của anh, tức cũng là anh đó.
Nhưng hãy khoan nói đến điều này, bởi anh đang ngồi trước mặt tôi đây, và tôi đang ngắm anh đây. Một gian gác nhỏ của gia đình anh tại 56 Bà Triệu, hai chúng tôi ngồi đối diện nhau bên cửa sổ, anh hí hoáy viết lời đề tặng tôi mấy cuốn sách mới của mình còn tôi thì lặng lẽ nhìn anh. Vẫn cái dáng người cao to vạm vỡ của chàng pháo thủ "Khe cò" năm xưa, vẫn cái gương mặt sần sùi, góc cạnh, hàm răng cái dài cái ngắn luôn tỏa sáng khi cười. Nhất là hai vết nhăn giữa mặt, rất phong trần, như những nhát chém vào giữa cuộc đời. Nhìn Trần Huy Quang, không ai dám nghĩ anh đã sống một cuộc đời nhẹ nhàng. Mấy năm không gặp, xem ra anh đã thay đổi theo chiều già rất nhiều.
Các nhà nghiên cứu văn học, khi muốn tìm hiểu về một tác giả nào đó, thường phải bỏ nhiều công sức dò theo từng cái mốc văn chương để rồi tổng hợp, khu biệt và phân tích, bởi thế không tránh khỏi những suy diễn chủ quan về họ. Kẻ sáng tác thì không thế, bởi họ rất hiểu nhau bằng những kỉ niệm đời văn, điều mà nếu họ không kể ra sẽ chẳng ai biết được. Không gặp nhau thì thôi, gặp nhau tự nhiên nhấn ngay chuột vào bộ nhớ, lập tức mọi cái trong quá khứ hiện ra trước mặt, sinh động và tươi tắn y hệt thời hiện tại. Phải chăng vì thế mà từ rất lâu rồi, người ta đã sáng tạo ra cái gọi là "nghệ thuật đồng hiện" trong văn chương?
Bây giờ là năm 2009, tôi đang ngồi với Trần Huy Quang tại nhà anh ở phố Bà Triệu, thế mà đột nhiên trong mắt tôi, nó lại biến thành một cái quán nước bên cạnh Nhà xuất bản Lao Động ở phố Hai Bà Trưng, và năm 2009 vụt lùi xa thành năm 1980. Tôi vừa từ Quảng Ninh lên Hà Nội, tìm gặp Trần Dũng, lúc đó đã là biên tập viên văn học của nhà xuất bản, để trao đổi về bản thảo tập truyện ngắn đầu tay của mình. Đang trò chuyện thì thấy một chàng trai cao nhỏng, gầy nhom, quần áo lính bạc màu, đầu đội mũ cối, tay dắt chiếc xe đạp "cởi truồng" đi tới. Trần Dũng ơi ới gọi, rồi giới thiệu với tôi: 
- Đây là Trần Huy Quang, người vừa được giải nhì truyện ngắn của Tạp chí "Văn đội quân nghệ."
Dũng nhấn mạnh bốn chữ "Văn đội quân nghệ" làm tôi không khỏi bật cười. Lúc bấy giờ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội có đến hai phần ba nhà văn là người xứ Nghệ nên anh em mới gọi chệch đi như thế. Các nhà văn chúa là hay tếu mà kiểu gì cũng biến thanh trò vui được, thế mới tài! Tôi nghĩ vậy và hỏi Trần Huy Quang:
- Thế ông có là người xứ Nghệ không?
Quang đáp:
- Cọ! Nghệ chỉnh danh.
- Cọ thì đụng rôi! - Tôi cười nhại tiếng quê anh - Đụng ra ông phải ăn giải nhất mới phải chớ!
- Thằng này bắt chước không ra - Trần Dũng chen vào - Ở xứ Nghệ người ta không nói chữ "chớ" đâu mà nói "hè", giải nhất mới phải hè, biết chửa?
Trần Huy Quang lắc đầu quầy quậy:
- Tụi bay nỏ biết chi!
Cả  bọn phá lên cười, đây mới thực là tiếng dân xứ Nghệ, chỉnh danh!
Nghe Trần Dũng nói, Trần Huy Quang vừa tốt nghiệp khoa Sử trường Tổng hợp mấy năm trước, điều mà lẽ ra anh đã có từ lâu, khổ nỗi vì vướng tí thành phần nên khi học hết cấp ba trường tỉnh (ngày đó cả tỉnh chỉ có một trường cấp3), thi vào Tổng hợp Lý, có giấy báo về nhưng địa phương không đưa, ý là không muốn cho anh ra Hà Nội nhập trường. Năm sau, Quang xung phong đi bộ đội, 5 năm lính pháo binh,3 năm di B phụ trách Thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, ốm liểng xiểng ra an dưỡng rồi mới được trở lại trường đại học với bộ quần áo lính. Trong những năm ở trong quân đội, khi còn là anh anh hạ sỹ, Quang đã viết văn. Truyện ngắn đầu tay của anh là truyện Anh Hộ, in trên Văn nghệ Quân đội 1968, có lẽ vì thế mà khi về trường, anh quyết định bỏ luôn môn Lý, chuyển sang học Sử.
- Sao ông không học khoa Văn? - Tôi hỏi.
- Khoa Văn người ta không nhận, vả lại đã xin sang Sử rồi. Mà Sử mới hay chứ - Quang cười đáp - Kinh không có chữ mới là chân kinh, đúng rứa không?
Lần  đầu tiên tiếp xúc, tôi thấy mến Trần Huy Quang. Rất Nghệ. Cởi mở, mộc, chân, và rất lành.
Nhưng té ra anh không lành một chút nào. Ngược lại, khi thực sự bước vào trường văn trận bút, càng ngày anh càng dấn thân một cách quyết liệt, đầy bản lĩnh.
Vốn sống và những va chạm khi anh là phóng viên kinh tế của báo Độc Lập đã cho anh viết nên phóng sự Vua Lốp gây bất ngờ cho xã hội, năm 1986. Vua Lốp là tiếng kêu cứu của một ngành sản xuất, tiếng nói của sự phi lý, có người nói nó là tiếng chuông cáo chung về một giai đoạn bao cấp. Nhờ phóng sự này mà anh được Tổng biên tập Nguyên Ngọc chiêu tập về báo Văn nghệ. Đọc Vua Lốp người ta có cảm giác thể loại phóng sự thời Vũ Trọng Phụng đang được sống lại. Quả nhiên, sau đó một loạt phóng sự ra đời được xã hội đón chào háo hức: Lời khai bị can, Người biết làm giàu (Trần Huy Quang), Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên), Đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), rồi Tiếng đất, Đêm trắng (Hoàng Hữu Các), Người đàn bà quì (Trần Khắc), Con đường có máu chaỷ (Trần Quang Quí) vân vân.. .
Tôi nhớ trong bài "Phiếm luận về văn học nghệ thuật" của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, in trên báo Văn nghệ có câu "...không biết bao nhiêu khái niệm tưởng chừng nằm chết trong các công thức bất di bất dịch, nay bị cuộc sống xốc dậy.. . vấn đề dân chủ, tự do, tự do ngôn luận, vấn đề đánh giá lịch sử, đánh giá con người... trong từng quốc gia xã hội chủ nghĩa đòi giải đáp chân thực, có những giải pháp trần trụi khiến chúng ta lạnh toát người như "Sám hối" ở Liên Xô và "Lời khai bị của bị can" ở Việt Nam ta .."   
Đấy là kết quả của một tinh thần công dân và lòng say mê nhập cuộc trong các nhà văn, của các nhà văn thời ấy, mà Trần Huy Quang lại là một nhà văn quá nhạy cảm với những nghịch lý trong đời sống xã hội. Và dĩ nhiên là anh phải trả giá cho sự nhạy cảm và trung thực đến mức thật thà của mình.
*
- Huệ xem bìa nó làm đẹp không? - Trần Huy Quang nói và chìa cho tôi cuốn "Nước mắt đỏ" của anh được tái bản năm 2005 - Còn duy nhất một cuốn đóng bìa cứng, xin tặng bạn.
Tôi  đón lấy cuốn sách, gật đầu khen bìa làm đẹp nhưng tôi vẫn thích cái bìa bản in lần thư 3 do Văn Sáng làm hơn, nhìn nó ra chất lắm.
- Ừ - Quang gật đầu - Nhưng Ngô Xuân Khôi làm cũng đẹp. Hiện rất nhiều tác giả đang nhờ Khôi vẽ bìa!
Cầm cuốn "Nước mắt đỏ" trên tay, tôi lại nhớ một lần Trần Huy Quang về Quảng Ninh công tác. Biết tiếng anh từ lâu, lãnh đạo tỉnh đích thân đón tiếp, bố trí cho anh ở Khách sạn sang nhất trong thành phố. Buổi tối Quang điện cho tôi, rủ đến chơi nhưng lúc đó tôi đang bận sửa nhà, không sang được. Anh có vẻ giận, đặt ống nghe xuống giá đánh cộp một cái. Tôi hơi áy náy nhưng đành chịu, nhà cửa còn đang ngổn ngang bề bộn thế này, lại bỏ đi tán chuyện văn chương thì hâm quá.
Té  ra dịp ấy Trần Huy Quang vừa cho tái bản cuốn "Nước mắt đỏ"(in lần thứ nhất năm 1988). Khi về Quảng Ninh, anh có đem theo một cuốn tặng tôi, thấy tôi không sang, anh liền tặng cho người khác. Khi biết chuyện này, tôi lập tức ra hiệu sách mua một cuốn đem về đọc. Đọc một đêm xong, cất vào nơi để sách, sáng hôm sau tiếp tục sửa nhà. Ban ngày cùng thợ làm hùng hục, tối về lại thức chong chong, bị ám ảnh bởi một cái gì đó đang lơ lửng đâu đây trong cuốn sách mình vừa đọc.
Lạ  thật! Làm báo thì xông xáo trận tiền, tả xung hữu đột thế mà khi viết văn lại tỏ ra trầm tĩnh đến lạnh lùng. Đọc Trần Huy Quang, tôi có cảm giác hình như anh thường viết về đêm, vào lúc nửa đêm về sáng, khi cái ồn ào hỗn độn trên các ngả đường Hà Nội đã lắng dần đi và cả thành phố đang chìm vào giấc ngủ.
Người ta đã viết nhiều về thân phận người phụ nữ qua hai cuộc chiến tranh. Những cô gái thanh niên xung phong. Mối tình đầu trong chiến trận. Bi kịch thời hậu chiến. Nỗi cô đơn... điều đó không có gì mới lạ. Nhưng khi đọc "Nước mắt đỏ", dù cũng kể về một nhân vật nữ trong hoàn cảnh tương tự, chẳng có nhiều tình huống éo le gì lắm, sex cũng không, vậy mà trang nào cũng cuốn hút, trang nào cũng thấm thía một nỗi buồn thương đến nao lòng. Có những trang tác giả viết hay đến mức tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Và tôi chợt phát hiện ra cái "bí quyết" của anh, không biết cố ý hay vô tình nảy sinh trong khi viết: đó là sự chông chênh. Sự chông chênh của phận người, sự chông chênh của tình huống mà nhân vật của anh gặp phải dẫn đến sự chông chênh tâm lý. Thời son trẻ thì mơ ước tương lai nhưng khi tương lai trở thành hiện thực lại mơ về quá khứ. Quá khứ đầy gian khổ, chiến tranh khốc liệt, ai còn mong trở lại làm gì? Nhưng quá khứ lại có những điều thiêng liêng cao cả mà hôm nay không có, thành ra vẫn có người đang sống giữa bao người mà vẫn rất cô đơn. Cuộc sống vẫn trôi đi, cuồn cuộn trôi đi, còn người đó thì dừng lại, dõi mắt về quá khứ với hai dòng lệ đỏ.
Cái hay của "Nước mắt đỏ" không phải là ý tưởng mới lạ hay cốt truyện ly kỳ, nó hay về văn, về cái hồn văn, mà cái hồn văn ấy nó nằm trong sự chông chênh của thân phận con người. Đọc tác phẩm này, đôi khi có cảm giác mình bị tác giả kéo lên sườn dốc mà đi, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, không cẩn thận có thể sa chân bất cứ lúc nào.
Phải chăng để viết ra được những trang văn da diết và phấp phỏng lo âu ấy, bản thân tác giả cũng đã từng nếm trải sự lao lung của cuộc đời với những giờ khắc chông chênh như vậy?
Tôi gợi hỏi Quang về chuyện đó. Anh cúi đầu, dáng điệu hệt như người đang bị đem ra đấu tố:
- Hồi cải cách gia đình mình bị qui thành phần địa chủ, trừ mình được học hết cấp ba, cả mấy anh chị em đều phải nghỉ học từ rất sớm. Tuổi niên thiếu của mình hầu như không có nữa cơ Huệ ạ!
- Chuyện đó xưa rồi. - Tôi nói - Điều tôi muốn hỏi anh là hồi bị tai nạn nghề nghiệp kia?
Quang gật đầu:
- Cũng hơi vướng tí. Nhưng không nặng như hồi Nhân văn Giai phẩm, và mình cũng không đến nỗi cô đơn cô độc, ngoài những người thân trong gia đình, xung quanh còn có nhiều bạn tốt. Ngay như ông Tổng biên tập báo lúc bấy giờ cũng vậy, mặc dù bề ngoài HT có vẻ lạnh, nhưng lại ngầm giúp mình bằng cách này cách khác. Có lần ở giữa đám đông, đi qua trước mặt mình, anh ấy cũng tảng lờ như không biết có mình, nhưng đi ngang qua lại nắm cổ tay mình rất chặt, bấm nhẹ một cái, không ai thấy cả. Mình cảm động đến run lòng. H.T là như vậy, thương bạn, bảo vệ nhà văn cũng theo cách của mình, rất H.T. Mấy ai biết được điều đó. Những cử chỉ thoáng qua như vậy, không lọt vào mắt ai, tưởng thường thôi nhưng với mình lúc ấy quan trọng lắm, nó giúp mình trụ vững, không bị mất lòng tin vào mình. Nhà văn có thể mất nhiều thứ vẫn chẳng sao, vẫn còn có chỗ dựa là trang viết. Nhưng một khi chính mình cũng mất lòng tự tin thì chông chênh lắm.
Và Trần Huy Quang lại viết và viết một cách lặng lẽ, theo bút pháp của mình và theo tiêu chí của mình. Cũng rất mong mọi người hiểu mình, anh bảo vậy. Ngòi bút Trần Huy Quang tỏ ra xông xáo, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, tác phẩm nào cũng để lại nhiều ấn tượng, văn của anh không hề dễ dãi, từng câu đều có dấu ấn của sự lựa chọn, nên luôn giữ được niềm tin vốn có nơi bạn đọc và đồng nghiệp. Cuốn mới nhất của anh là tiểu thuyết "Chân trời xa thẳm" do NXB Phụ nữ ấn hành 2009, anh vừa tặng tôi xong, chưa kịp đọc nhưng chỉ liếc qua mấy dòng giới thiệu sơ sơ về nó, đã thấy hay rồi "Một chuyện tình trái khoáy, nửa tình yêu, nửa tôn giáo, nửa mua bán, nửa lường gạt. Nhưng cái hệ quả của nó là làm biến dạng tinh thần thì cũng vừa thật lại vừa không thật. Và chính trong mỗi phút giây khắc khoải phập phồng, kỳ lạ thay, hào khí oanh liệt của một thời ra trận lại được tái hiện."
Không biết ai viết những dòng này mà kỳ lạ đến thế, chỉ ngắn gọn vậy thôi mà tóm được cả hồn cốt của cả tác phẩm và tác giả. Đúng chất Trần Huy Quang, đúng lắm, không chệch đi một tí tẹo nào. Người ta bảo Văn chương có "mệnh", không biết có phải vậy không?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: