Tôi biết nhà văn Nguyễn Khoa Đăng trong một lần ngồi cùng bạn bè Câu lạc bộ “Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng”. Trong lúc thưởng ngoạn ly trà thơm ngon với danh trà “Lão Trà” tôi được ông kể về chuyện đời, chuyện mình. Thú thực lúc đầu, khi tiếp xúc với ông, tôi cũng ít thiện cảm. Bởi ấn tượng mấy ông nhà văn thường có một cuộc sống nội tâm kín đáo và có một chút phong thái hơn người.
Nhưng khi nghe ông kể về cuộc đời, tôi lại thấy muốn gần ông. Vì tôi rất thích những con người có nghị lực. Cuộc đời đầy bão tố đã đến với ông và gia đình tưởng có thể vùi dập một con người. Nhưng ông đã vượt qua giông bão đứng vững và để lại cho đời những câu chuyện kể nghe như huyền thoại. Từ oan ức, khổ đau dễ biến con người trở nên thù hận. Nhưng ông Nguyễn Khoa Đăng đã tự đứng lên để chứng minh khổ đau không làm con người gục ngã. Có lẽ chỉ con người có tài năng và bản lĩnh mới có thể đi qua vùng bão táp cuộc đời.
Cuộc đời ông đã có bước ngoặt khi ông và gia đình chuyển vào sinh sống tại mảnh đất Nam Bộ phóng khoáng, chân chất và giàu lòng nhân ái. Ông đã đến tỉnh Kiên Giang lập nghiệp và nơi đây như quê hương thứ hai của ông.
Có cái lạ ở con người ông, trong tác phẩm ông viết ông không hề oán giận. Không hằn học ai kể cả cuộc đời có lúc đã bạc đãi ông. Ngay trong tác phẩm “Nước mắt một thời” ông viết về một thời đẫm nước mắt và máu nhưng người đọc cũng không thấy một lời văn nào gợi lên sự oán trách, hận thù.
Tác phẩm ra đời, ông vất vả chạy ngược chạy xuôi. Gõ cửa nhiều nơi để được xuất bản. Vì nội dung “nhạy cảm” về cải cách ruộng đất nên mãi nên mãi đến năm 2009 “Nước mắt một thời” mới được nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho phát hành.
“Nước mắt một thời” gắn liền với tên tuổi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Tác phẩm viết về một giai đoạn cải cách ruộng đất. Một quá khứ đau buồn, oan ức của một con người, một gia đình. Với nét bút tả thực, tác giả đã dẫn dắt câu chuyện kể về một mối tình ngây thơ, trong trắng. “Nước mắt một thời” đã khái quát một thời trong cải cách ruộng đất xảy ra tại tỉnh Thái Bình. Nhưng tác giả lại có cái nhìn bao dung, độ lượng. Không hận thù và ân oán. Chút vị mặn của nước mắt đã làm dịu lành những vết thương lòng.
Ngoài hai mươi tác phẩm ông đã sáng tác và được phát hành. Trong lĩnh vực thơ, ông cũng để lại dấu ấn như bài thơ “Mùa lúa chín” đã được phổ thành bài hát “Em đi giữa biển vàng”. Cái vị ngọt của hương lúa chín vàng nơi quê hương 5 tấn hòa quyện cùng nốt nhạc đã làm say đắm lòng người.
“Giữa biển vàng
Nghe mênh mang
Trên đồng lúa hát”
Đây là một trong những bài hát được chọn lựa là bài hát hay nhất dành cho thiếu nhi trong thế kỷ 20.
Thật ngạc nhiên khi được biết ông Ngyễn Khoa Đăng còn một thời làm “thầy cãi” trong hàng chục phiên tòa ở tỉnh Kiên Giang. Không học vấn cao, không qua trường lớp đào tạo, nhưng ông trở nên nổi tiếng trong các phiên tòa. Sự am hiểu về pháp luật, tài ứng xử, một tấm lòng nhân ái với gương mặt phúc hậu ông đã được quan tòa và đương sự nể phục. Đến nỗi có người đã mượn danh tiếng của ông để sống bằng nghề “cò” ăn theo.
Tôi đã đọc một số bài bào chữa của ông. Chỉ người có cái tâm và đồng cảm với số phận con người mới có tiếng nói giữa công đường mà cả tòa án và người bị hại đều đồng tình lắng nghe. Hình ảnh bị can đã viết bằng máu để cảm ơn ông trước khi ra pháp trường xử bắn làm cho mọi người xúc động và cảm phục. Họ dù có tội chết, nhưng cũng còn thấy trên đời này có người hiểu được trong tội ác có chút nhân tính. Người ta không thể tha thứ được tội ác, nhưng có thể thấy được hoàn cảnh lỗi lầm của một con người tội lỗi.
Điều đặc biệt của “thầy cãi” Nguyễn Khoa Đăng còn vận dụng cả thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương để bào chữa cho một vụ án hiếp dâm. Một lời bào chữa bằng thơ văn nhưng lại có lý, có tình, có biện minh hoàn cảnh phạm tội nên quan tòa đã xét giảm nhẹ bản án cho bị cáo.
Khi được về sống với môi trường rừng núi, ông đã sáng tác “Chim mặt người”. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nhưng khi người lớn đọc lại thấy những con chim bé nhỏ có bóng dáng con người trong cuộc sống đời thường. Trong các đề tài cho thiếu nhi có những bài viết của ông được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa giảng dạy như Truyện “Đi tết thầy” văn học lớp 9, “Thẻ mực đêm trăng” sách giáo khoa lớp 5.
Nói Nguyễn Khoa Đăng đa tài thực cũng không quá lời. Ngoài 20 tác phẩm văn học đá xuất bản. Ông còn tham gia viết kịch bản cho phim như “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc” và “Giai điệu xanh”. Đây là bộ phim được khán giả yêu thích vào năm 1987. Ngoài viết kịch bản ông còn tham gia đạo diễn phim.
Thật thú vị nhà văn Nguyễn Khoa Đăng còn thể hiện diễn xuất trong phim “Lấy chồng Hàn” ông đóng trong vai nhân vật Ba Changsun trong phim 30 tập.
Ông có thời gian tham gia viết báo với bút danh Thương Việt, Thạch Thảo, Vương Thân…… Hàng trăm bài viết trong các chuyên mục của báo Kiến thức gia đình và Giáo dục & Thời đại.
Trong sự nghiệp văn chương của một đời người, ta thường ao ước có một tác phẩm để đời. Với nhà văn Nguyễn Khoa Đăng trong nhiều lĩnh vực ông sáng tác đều có những tác phẩm xuất sác. Đó là điều làm ta yêu mến, ngưỡng mộ ông.
Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp và ngồi nói chuyện đời, chuyện nghề bên ông. Ông đã cho ta có khoảng thời gian lắng đọng để kịp nghe con tim mình gõ nhịp. Đó là nhịp đời, nhịp sống, nhịp thời gian và nghe dòng máu mình lan tỏa đầy cảm xúc nồng ấm, yêu thương.
VŨ ĐỨC VINH
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét