Truyện ngắn của nhà văn Vũ Hùng
Mỗi lần đi chuẩn bị chiến dịch, trên đường vượt Trường Sơn đội quân báo của Trung đoàn thường qua lại Bản Pục. Ai cũng thích những phút ngừng chân ở bản này. Đó là một làng người Lào đầu tiên ở vùng biên giới. Làng nằm bên những nương lúa như trôi nổi giữa trời mây. Từ xa đã nhìn thấy mái chùa làng cao vút và nghe vẳng tiếng bầy trâu của làng khua mõ lốc cốc đi tìm ăn. Chỉ ngày mưa đàn trâu mới nằm trú mưa dưới bóng những cây muỗm cổ thụ nên tiếng mõ thong thả đều đều luôn báo hiệu một ngày bình yên và rực nắng.
"Mác pục" là quả bưởi và Bản Pục là Làng Bưởi. Vào làng thấy la liệt những cây bưởi. Mùa xuân, hoa bưởi nở trắng phau. Lác đác giữa màu trắng của cánh hoa là màu vàng của nhuỵ. Đường làng thơm ngát, như có rất nhiều cô gái vừa gội đầu bằng nước đun hoa bưởi và đang quay tóc cho mau khô làm bay ra những làn hương.
Mỗi năm chúng tôi thường qua làng lần đầu vào dịp này để chuẩn bị chiến dịch Xuân Hè. Đi giữa đường xuân, mũ trên đầu và súng trên vai chạm vào những cánh hoa, lòng chợt bồi hồi, khắc khoải: sang hè, khi tàn chiến dịch, liệu có còn được trở về đi dưới những cành bưởi đã bắt đầu trĩu quả?
Lần thứ hai trong năm, chúng tôi qua làng vào mùa thu để chuẩn bị chiến dịch Thu Đông. Lúc ấy nắng tháng tám đã làm rám những trái bưởi rung ring vàng rộm. Lại một lần bồi hổi khắc khoải: hết chiến dịch, những ai sẽ không còn may mắn được trở lại đời thường, được ngừng chân ở nơi này để ăn những trái bưởi vàng mọng nước?
Dù nhiều mất mát, đội quân báo chúng tôi đã được hưởng những giây phút bình yên ở Bản Pục. Các cô gái thường hái cho chúng tôi từng thúng, từng thúng bưởi. Có loại rôn rốt chua mà các cô khen là "ngon lắm!". Lại có loại ngọt lịm như bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh hay bưởi làng Vân, bưởi Đoan Hùng ngoài Bắc...
Ăn không hết, họ xâu vào lạt cho chúng tôi đeo lên balô, mang đi. Vì họ không biết tiêu tiền, để trả công, chúng tôi thường biếu họ một ít viên thuốc sốt rét hoặc một vài bao diêm thêm một vài bát muối. Nhìn họ nhận những vật nhỏ mọn đó mà cảm động: cặp môi đỏ tươi của họ hé mở, miệng họ xuýt xoa vài lời cám ơn, đôi mắt xa vời chợt bừng sáng như được thắp lên bởi một niềm vui quá bất ngờ.
... Lần này đến gần bản, vẫn nhìn thấy mái chùa nhưng chúng tôi không nghe tiếng mõ trâu. Vắng tiếng mõ quen thuộc, không khí trở nên im vắng nặng nề Nhiều kinh nghiệm chiến đấu, rất nhạy bén trước những tình thế bất thường, đội trưởng cho toàn đội ngừng ngay lại. Một tổ trinh sát được phái vào làng thăm dò.
Năm ấy, súng trường tự động và tiểu liên AK lần đầu được đưa sang chiến trường Lào. Quân báo được ưu tiên. Mỗi tiểu đội quân báo, với ba bốn khẩu AK, còn lại toàn súng trường tự động, là một hoả lực không thể coi thường.
Lát sau, có tiếng AK nổ ròn. Vách đá dội lại những âm vang rền rĩ, át hẳn tiếng nổ "lép bép" của những khẩu tiểu liên Mas của địch.
Chiến trường Trung Lào bát ngát những rừng phẳng, đường lối chằng chịt, đi đâu cũng có thể chạm nhau. "Tao ngộ chiến", những trận chiến bất chợt là chuyện thường ngày.
Đội trưởng cho toàn đội xông tới. Nhóm trinh sát địch chiếm giữ làng từ trước nhanh chóng bị đánh bật vào rừng. Họ tháo chạy, để lại một xác chết. Đội quân báo chúng tôi cũng hi sinh một người.
Sau trận đụng độ, trời đất như bỗng đột ngột tụt rơi vào cõi im lặng. Nghe rõ tiếng thở hổn hển của những người dân trốn sau các vách nứa. Người Lào bản tính hiền hoà, sợ bạo lực, sợ đổ máu, sợ nhìn thấy xác người. "Mau đưa các xác chết ra khỏi làng đi!" Nhiều tiếng thúc giục vọng lên từ đâu đó.
Các xác chết liền được đưa ngay vào rừng. Nơi chôn cất được những người già trong làng chỉ định.
Đội trưởng hỏi :
- Một người của chúng tôi, một người của địch, không thể chôn cùng. Cho chúng tôi chôn hai người ở hai nơi khác biệt, xa nhau, có được không?
- Không được đâu! Một cụ già trả lời.
- Nhiều nơi chôn người làm "cái ma" của làng nó sợ, nó bỏ đi mất thì cả làng đau ốm! Một ông cụ khác nói tiếp.
- Sẽ chết hết trâu bò, gà lợn mất thôi ! Nhiều người khác nói theo.
Thế là đành chôn hai người thù địch bên nhau, cùng một ven rừng. Đang lấp đất thì một chiến sĩ bỗng gọi to :
- Đội trưởng ơi! Mộ này của địch, đắp nấm làm gì cho mất công. Kệ xác chúng nó, cứ san bằng đi cho mất dấu. Cho đáng đời, đáng kiếp!
Tôi thấy đội trưởng cau mày :
- Cậu nói gì thế? Không trả thù người đã chết...
Đội trưởng ngừng lại giữa chừng. Có lẽ anh chợt nhận ra là anh đã lỡ lời. Đó là vào những năm 1952-1953. Từ Trung Quốc, tư tưởng Mao đã tràn vào Việt Nam. Cuộc cách mạng Việt Nam biến chất rất nhanh: từ một nền dân chủ cởi mở lúc ban đầu, nó đã biến thành một nền chuyên chính sắt máu. Người Việt không còn là gì đối với người Việt, chỉ nguồn gốc giai cấp mới là đáng kể. Tin tức về cuộc cải cách ruộng đất và những phiên toà đầy tính chất khủng bố đã bắt đầu lan sang phía Tây Trường Sơn.
Qua cửa Việt Nam đã rộng mở, tư tưởng Mao bắt đầu tràn cả vào đất Lào. Người ta đang chuẩn bị công cuộc cải tạo theo hướng tư tưởng vô sản của Mao cho bộ đội Tình nguyện Việt Nam ở đây. Như bắt mạch được trước điều đó, mọi sinh hoạt đều đã mau chóng thay đổi. Không còn tìm đâu thấy hình ảnh người chiến sĩ hào hùng của những ngày đầu cách mạng, chiến đấu dũng cảm nhưng với tấm lòng rộng mở. Lòng căm thù kẻ địch̀, kẻ thù ngoại xâm và trước hết là kẻ thù giai cấp, đang được đề cao hết mức. Ai cũng thận trọng từ lời ăn tiếng nói hàng ngày vì ai ai cũng có thể dễ dàng bị tố giác là kẻ thù giai cấp! Mọi việc, dù phi lí hay tàn bạo, đều có thể được chấp nhận nếu việc đó chứng tỏ lòng căm thù.
Đội trưởng nói tiếp, giọng đã dịu bớt:
- Thôi, người chết rồi, không phân biệt đối xử!
Nếu việc này được báo cáo lại, đội trưởng sẽ bị quy kết là mất lập trường. Anh sẽ bị coi là kẻ chống đối và sẽ mất hết. Mọi thành tích, mọi công trạng của anh sẽ bị xoá bỏ. Quân đội và guồng máy sẽ trừng phạt anh không thương tiếc. Nhưng tôi biết tâm trạng anh: lập trường của anh là chiến đấu hào hùng, vì toàn thể nhân dân chứ không chỉ vì một giai cấp, vì lí tưởng cao cả chứ không chỉ vì hận thù.
- Đắp cho hắn nấm mộ như mộ của một người thường! Đội trưởng tiếp tục ra lệnh. Trồng một cây thập tự làm dấu. Ngày bình yên, bên nào sễ đến thu nhặt hài cốt của bên ấy.
Cuối cùng hai nấm mồ đã được đắp xong. Các chiến sĩ cuốc hai vầng cỏ xanh đặt lên trên. Một chiến sĩ vào bản xin một ít dầu dừa và một ít mồ hóng, pha thành một thứ mực đen, đặc quánh như keo. Trên tấm bia gỗ chôn trước mộ người đồng đội, đội trưởng viết :
Nguyễn Văn A...
Chiến sĩ Trung đoàn 280*
Hi sinh ngày ...
Còn ở nhánh ngang của cây thập tự trồng trên nấm mộ người lính Pháp, anh viết hai hàng chữ :
Lính Pháp, không rõ tên tuổi
Chết ngày ...
Đội trưởng lấy tấm bản đồ tham mưu của anh ra đánh dấu. Con đường qua khu mộ được anh tô đậm và chỉ chiều bằng một mũi tên. Đi theo chiều mũi tên, ngôi mộ đầu tiên mà ta gặp là mộ người chiến sĩ quân báo, anh đánh dấu bằng một chữ thập đỏ. Ngôi mộ thứ hai, của người lính Pháp, anh đánh dấu bằng một chữ thập đen.
*
Ba năm sau ngày hoà bình, cuối năm 1957, tôi lại có dịp cùng người đội trưởng quân báo năm xưa trở lại đất Lào. Anh và tôi cùng được chọn vì không một làng bản, không một đường ngang ngõ tắt nào trên đất Lào mà chúng tôi không biết. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi gom hài cốt của các tử sĩ để đưa về Việt Nam. Đi theo chúng tôi còn có một đoàn sáu chiến sĩ và ba con voi tải.
Chúng tôi đi về phía Tây, thẳng tới vùng đồng bằng sông Mêkông. Từ đó, mỗi ngày qua một vài làng bản quen thuộc, chúng tôi đi ngược dần về phía Đông, nơi vào những buổi chiều êm, khi lớp không khí hầm hập đã lắng dịu, vẫn thấy dải Trường Sơn hiện thành một vệt dài tim biếc.
Tới làng nào, chúng tôi cũng hỏi han tìm kiếm. Nhưng tìm được những dấu tích thường rất khó khăn vì người Lào có thói quen hoả thiêu chứ không chôn cất người chết. Các mộ vì thế không được chăm nom, chìm lấp vào những lớp cây cỏ. Tuy vậy các bành voi cũng được chất đầy dần…
Ngày còn nhỏ, tôi rất sợ ma. Bóng đêm, mộ địa, xương cốt, nhất là những chiếc đầu lâu trong các đám bốc mộ là nỗi hãi hùng của tôi suốt thời thơ ấu. Vậy mà ngày nay mang theo bao nhiêu là hài cốt, tôi không hề thấy ghê sợ. Ngày đêm lúc nào cũng tưởng như nhiều đồng đội đang theo mình trong những cuộc hành quân khi xưa và họ đang yên ngủ trên bành voi.
Cuộc đi dài gần như trót lọt, chỉ khi về đên Bản Pục mới gặp khó khăn. Sau nhiều năm thay đổi công tác, tấm bản đồ đội trưởng mang theo không còn là tấm bản đồ cũ. Không còn một tài liệu hoặc một dấu vết gì để làm căn cứ. Rừng hoang có sức sống mãnh liệt, luôn luôn phát triển, tìm hết cách tràn lan để xoá bỏ mọi gắng công của con người: nơi chôn người xưa kia, nay đã biến thành một ngàn lau dày đặc. Tìm mãi, chúng tôi mới phát hiện được hai nấm đất đã sụt lở. Tấm bia gỗ và cây thập tự ngày xưa đã bị mối rừng gặm hết, không còn có thể phân biệt mộ nào là của ai.
Đội trưởng bảo :
- Cứ đào cả lên, may ra có những dấu vết dưới mồ còn phân biệt được.
Đội trưởng hi vọng hai nấm mồ mang dưới đáy sâu những dấu tích khác biệt. Thông thường thi hài của người bên ta bao giờ cũng được bọc trong tấm chăn của chính người đó. Còn thi hài lính Pháp thì không có chăn bọc, họ không mang theo chăn màn quần áo ra trận, nên được chôn y nguyên như khi chết. Nhưng, sau những năm dài nắng lửa mưa ngàn, tất cả đều đã tiêu tan, từ tấm chăn liệm đến quần áo, cả đến những xương cốt lớn cũng đã bị mối rừng tiêu huỷ gần hết. Chỉ có một điều hơi khác : trong hai đám xương cốt còn lại, có một bộ hơi lớn hơn. Nhưng trong hai chúng tôi, không ai dám khẳng định bộ lớn hơn là của người lính Pháp, dù thông thường vẫn là như thế. Vì chúng tôi nhớ lại: người chiến sĩ đã hi sinh là một người dân miền biển tỉnh Quảng Bình, anh cũng từng có một thân hình rất vạm vỡ.
Không còn sự lựa chọn nào hơn, người đội trưởng đành quyết định :
- Thôi, mang về cả hai !
*
Ven đường 12 dưới chân Trường Sơn có một khoảng đất rộng giữa những nương rẫy đã được dọn sạch cây cỏ và lau sậy để làm nghĩa trang liệt sĩ. Một đài tưởng niệm vừa được dựng xong, cao và nhọn, mang hàng chữ lớn đắp nổi : « Tổ quốc ghi công ». Từng đoàn xe đạp, từ một ga xép trên đường sắt xuyên Việt vừa hoàn thành, thồ đến hàng loạt những chiếc tiểu sành. Xe thồ đỗ một dãy dài ven đường, mỗi xe buộc bốn chiếc tiểu ở hai bên hông và hai chiếc ở phía sau.
Đến đây, đàn voi ngừng lại. Chúng tôi rỡ xuống những bao tải hài cốt. Bao chất lùm lùm ở ven rừng. Có những bao ghi tên tuổi, quê quán của người đã chết và phiên hiệu Trung đoàn 280. Nhiều bao chỉ mang hai chữ "Vô danh".
Từ trên bành voi, một chiến sĩ bỗng ngừng tay, hỏi vọng xuống:
- Đội trưởng ơi, làm thế nào bây giờ? Trong này chắc không phải chỉ có một bộ hài cốt không đúng là của anh em mình. Có lẽ còn những bộ khác nữa ?
- Trường hợp nào chưa rõ ràng, để riêng ra, để báo cáo... Cậu không thấy chúng ta đã hết sức sàng lọc rồi sao ? Lũ "người trần mắt thịt" chúng ta chỉ cố gắng được đến thế. Chiến tranh và rừng hoang làm lẫn lộn tất cả! Cùng ở trong thế giới tâm linh, chỉ họ mới thực sự biết với nhau và phân biệt nổi ai là ai.
Đội trưởng nói tiếp :
- Bao nhiêu năm, họ đã nằm yên ổn bên nhau! Chắc người chết không phân biệt thù bạn dai dẳng như chúng ta, những người đang sống. Họ chẳng bắn nhau lần thứ hai nữa đâu. Chiến tranh chấm dứt lâu rồi, họ sẽ biết cách làm lành và hoà hợp với nhau. Thế giới của họ là thế giới không bè đảng, không súng đạn, không trận tuyến...
Người chiến sĩ không hỏi gì thêm. Anh lại lặng lẽ cúi xuống, tiếp tục rỡ nốt những bao hài cốt.
* Phiên hiệu của Trung đoàn quân Tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét