Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

HOÀNG CẦM – ÔNG HOÀNG THƠ TÌNH VÀ CHUYỆN ÍT BIẾT


NGUYỄN TRỌNG TẠO

1. “Ông Hoàng thơ tình” của tôi…


Hoàng Cầm và Nguyễn Trọng Tạo, 1995 – Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Một người lính đẹp trai da trắng môi đỏ, hào hoa và tài hoa. Một giọng ngâm thơ thánh thót “oanh vàng Kinh Bắc”. Một nhà thơ đáng danh Thi Sĩ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen thưởng tại mặt trận nhờ thơ. Một thủ lĩnh văn công quân đội được Tướng Nguyễn Chí Thanh yêu mến… Đó là Hoàng Cầm của những ngày kháng chiến chống Pháp. Và những mối tình lãng mạn đầy bất trắc đã khiến ông trở thành “ông Hoàng thơ tình” thời hiện đại với Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc, 99 tình khúc.Hoàng Cầm tự nhận mình thuộc dòng “Mẫu hệ” (Mải theo dòng mẫu hệ / Thắt yếm đào tuổi son). Có lẽ con người và văn chương của ông giàu nữ tính?
Năm 1976, tôi được quân đội điều về Hà Nội dự trại sáng tác để chuẩn bị vào học trường Viết văn Nguyễn Du, tình cờ mượn được tập thơ Về Kinh Bắc bản đánh máy của Hoàng Cầm. Tôi đọc một lèo hết cả tập, rồi đọc lại, rồi chọn từng đoạn mình thích chép vào sổ tay. Tôi lại đóng thêm một quyển sổ nhỏ bằng bàn tay, chép lại những đoạn ấy gửi cho người chị nuôi ở phố huyện quê tôi, và chị tôi đã thuộc. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ nhiều câu thơ thật ấn tượng của ông: “Em mười hai tuổi tìm theo Chị / Qua cầu Bà Sấm bến Cô Mưa”, “Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ / thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi / Em đứng nhìn theo em gọi: Đôi!”, “Ngày cưới Chị em tìm thấy lá / Chị cười se chỉ ấm trôn kim”, “Vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu”, “Ta con chào mào khát nước / Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm”… Thơ của ông đã lay động hồn tôi kỳ lạ. Nó không giống thơ thế hệ chúng tôi đang làm. Nó có một không gian xa xăm mơ hồ, một thời gian phức hợp không rõ thời nào, một ngôn ngữ nhòe mờ sáng láng. Hình như nó hội đủ cả ngôn thi, tâm thi, thần thi, cả ý thức, tâm thức và vô thức với một “thần lực Hoàng Cầm”… Nó mới hơn Thơ Mới, và nó khác thơ chúng tôi đang làm. Chính con người đó từ lâu đã mang tới một “sông Đuống nghiêng nghiêng” trong tâm thức bao người. Tôi nể phục ông thật sự, và mong có dịp được gặp ông.
Mãi đến năm 1981 tôi mới gặp Hoàng Cầm. Buổi tối tình cờ, Phan Lạc Hoa rủ tôi và Nguyễn Hoa đến quán rượu của ông trong hẻm 43 Lý Quốc Sư. Chưa gọi rượu, tôi nhờ chị Hoàng Yến cho gặp ông. Ông từ trên gác xép bước xuống thang, tay cầm chai rượu nút lá chuối có gián mảnh giấy ghi mấy chữ “Rượu quê của Hoàng”. Ông gầy gò tóc vuốt mượt ra phía sau, nhưng gương mặt thì rạng rỡ và nhân hậu. Một gương mặt đẹp như mặt mẹ: da trắng, mắt đen, môi đỏ. Tôi vụt nghĩ: Chắc ngày xưa anh đẹp trai lắm, đẹp như “hoa khôi”. Anh đặt chai rượu lên bàn và nói: Nghe Trọng Tạo có “Làng Quan Họ”, mình mang chai rượu Vân của riêng mình đây. Thì ra đây là rượu đặc biệt của riêng ông chứ không phải loại rượu Vân quán nhà vẫn bán. Tôi lại thầm phục ông ngồi một chỗ mà đọc và biết rất nhiều điều chúng tôi đang làm… Sự ứng xử thân tình với đàn em như vậy khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Và cái cảm giác ông giống một người mẹ càng khắc dần vào lòng tôi.
Đến thời “đổi mới”, vì yêu quý thơ và yêu quý ông, tôi bàn với Nguyễn Thụy Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất bản tập Về Kinh Bắc sau hơn 30 năm im tiếng. (Hồi đó tôi phụ trách xuất bản ở hội Văn Nghệ của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường). Ông không còn bản thảo, nhưng đã ghi lại qua trí nhớ được 32 khúc. Kha viết lời tựa. Chúng tôi quyết định lấy thêm bài Bên kia sông Đuống làm bài mở đầu. Nhưng chưa kịp in thì Hoàng Cầm đánh một bức điện vào Huế xin ngừng lại, ký tên Hoàng (vì có người can). Chúng tôi phải chiều theo ý tác giả. Mãi đến 1994 Về Kinh Bắc mới ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Văn Học.
Một người trai “nữ tính” thế mà năm 16 tuối đã viết kịch thơ Hận Nam Quan, năm 20 tuổi viết kịch thơ lớn Kiều Loan làm lay tỉnh lòng yêu nước của dân Việt cho đến nay vẫn nguyên giá trị: “Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan / Bên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt / Cha nguyện cầu con lấy lại giang san”; “Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắt / Bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan? / Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang / Về tàn sát những người dân vô tội“… Tôi nhớ năm kia kịch Kiều Loan được đạo diễn trẻ Anh Tú dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ làm tác phẩm tốt nghiệp, và Hoàng Cầm với chiếc xe lăn đến xem, đã khóc khi vở diễn kết thúc. Cuối năm 2009 vở kịch thơ Kiều Loan lại đoạt giải Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Sài Gòn. Tôi không ngờ mình lại ngồi trong ban giám khảo để chấm vở kịch đó, và đã ứa nước mắt khâm phục. Điều đó chứng tỏ lòng yêu nước của Hoàng Cầm còn sống mãi.
Hình như Hoàng Cầm cũng quý mến tôi. Ông viết một bài cảm nhận dài khen không tiếc lời tập thơ Đồng dao cho người lớn của tôi khi nó rơi khỏi giải thưởng Hội Nhà văn. Khi bài cảm nhận của ông in lên báo Văn Nghệ, tôi đang uống rượu với các nhà văn ở Thanh Hóa, nhà thơ Văn Đắc đã đọc to cho mọi người nghe bài viết đó, như để tỏ lòng cảm phục ông. Những ngày ốm nặng, ông lại giao cho tôi 53 băng cassete thu lời ông nói về đời về thơ ông. Tiếc là tôi mới nghe đươc 10 băng thì Công ty Văn hóa Phương Nam đã thương lượng với ông và gia đình mua bản quyền để in thành sách, và đã quá hạn hiệp đồng vẫn chưa thấy sách đâu. Đó là những câu chuyện rút ruột của ông. Nhưng tôi chắc là nó sẽ mãi được gìn giữ và công bố sau khi ông qua đời.
Tuy là đàn em út, nhưng tôi cũng qua lại với nhiều bạn văn của Hoàng Cầm như Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… và quả là mỗi người mỗi vẻ, độc đáo vô cùng. Không ai giống ai. Nhưng tôi thấy Hoàng Cầm là yếu đuối hơn cả. Ông đánh giá bạn ông toàn là tài giỏi với một thái độ chân thành không vụ lợi. Trong một cuộc họp kiểm điểm, ông đã nhận lỗi của Quang Dũng (tác giả Tây Tiến) về mình vì thương bạn… Có đêm khuya nghe một tiếng còi xe thét lên ngoài đường, ông vội chui xuống giường sợ hãi… Ông khiêm tốn cho rằng Bên kia sông Đuống cũng chỉ sống thêm được dăm chục năm nữa(?). Khi tôi nói ông đáng phải được giải thưởng cao hơn, ông bảo được giải ấy là may rồi…  Và ông nói tiếp: “Danh và lợi, sự bon chen, sự cầu cạnh, sự tâng bốc nịnh hót, dèm pha, thù hận, v..v… là những cái rất xa lạ với tôi, có lẽ xa lạ cả với Thơ chân chính nữa”. Nhưng ông lại đam mê tình yêu đôi khi đến ảo tưởng. Nhiều cuộc ngỏ lời không thành là vì vậy. Tất cả sự “yếu mềm nữ tính” ấy lại giúp cho thơ Hoàng Cầm nhiều tinh tế và lấp lánh chất tình. Đó cũng chính là chất đa cảm và quyến rũ trong thơ ông: “Kìa dây muốn dại kín Em rồi / Lắc đầu hoa tím rụng / ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn / Biết rồi / Thôi / nghe hoa tím hát”. Ngay cả những lúc u uất bức bối nhất thì thơ ông cũng vẫn là tiếng kêu của lụa tơ: “Nâng lụa ngang mày câm tiếng khóc / Nghiến oán thù tím ngắt nắng Phong Châu”.
Những câu thơ da diết cháy bỏng yêu thương và đẹp đến mê hồn ấy đã tôn vinh tác giả của nó – người thi sĩ Kinh Bắc – “Ông Hoàng thơ tình”. 

2. Thơ Hoàng Cầm: Ma lực kỳ lạ

hoangcam2
Nhớ về Kinh Bắc…
Không hiểu sao trong tâm thức thơ ca của tôi luôn ám ảnh bởi Hàn Mặc Tử và Hoàng Cầm, dù thơ của hai thi sĩ này rất khác nhau về hồn thơ và giọng điệu. Hàn Mặc Tử thăng hoa cõi trần vào cõi mơ: “Thơ có tích và chiêm bao có tuổi”, Hoàng Cầm lại phất cánh diều thơ từ trầm tích của văn hóa Kinh Bắc“Dải yếm lòng trai mải phất cờ”; Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi (1940) cũng là lúc Hoàng Cầm 18 tuổi xuất hiện trong làng thơ và tới những năm tuổi bảy mươi vẫn còn sung bút. Tôi nhớ hồi nhỏ đã từng chép tay hàng chục bài thơ của Hàn Mặc Tử, và sau chiến tranh trở về Hà Nội (1976), tôi lại mải miết chép vào sổ tay tập thơ Về Kinh Bắc từ bản thảo của Hoàng Cầm, bởi thơ ông rất lôi hút những nhà thơ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Quả là thơ Hoàng Cầm có một ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt. Có lẽ vì thế mà Trần Dần gọi Hoàng Cầm là “nhà tân cổ điển”.
Thực ra, thế hệ chúng tôi lớn lên sau vụ Nhân văn – Giai phẩm ít được đọc Hoàng Cầm dù trước cách mạng 1945 ông đã đóng góp không nhỏ cho kịch thơ với hai vở Hận Nam Quan và Kiều Loan cùng với những bài thơ kháng chiến, tiêu biểu là Bên kia sông Đuống nổi tiếng và trường ca Tiếng hát Quan Họ. Thơ của ông đẹp một vẻ đẹp thướt tha mà lại dạt dào, hào sảng:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Những hình ảnh thân thương gần gũi của quê làng vào thơ ông bỗng trở nên sang trọng lạ lùng.
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng.
Nói như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì thơ Hoàng Cầm“trầm đầy một nỗi phương Đông”. Đúng như vậy, cái “nỗi phương Đông” luôn “trầm đầy” chính là nhờ ông đã nhập hòa hồn thơ mình vào chiều sâu văn hóa Việt để rồi hiện ra trên trang giấy với dáng vẻ năng động của thơ mới trong sự luân chuyển về hiện đại.
30 năm vắng bóng trên thi đàn (1958-1988) lại chính là thời gian mà Hoàng Cầm đã tạo nên sự đột khởi trong nghiệp thơ của ông bằng tập Về Kinh Bắc và nhiều tập thơ lẻ như Men đá vàng, Mưa thuận thành, 99 tình khúc, v.v… Nhiều bài thơ trong những tập thơ này, mà đặc biệt là tập Về Kinh Bắc đã trở thành “ngôn truyền” trong công chúng với những Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Cỏ bồng thi… Theo Hoàng Cầm thì Về Kinh Bắc chính là tập thơ cột sống của đời ông. Đây là một tập thơ mà tinh túy của văn hóa Quan Họ – Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại. Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hóa khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ đi trong cổ điển, và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã “phải lòng” để rồi không thể nào dứt ra được nữa:
– Vắt áo nghe thầm tiếng vải kêu.
– Một con mèo mướp ruỗi chân chiều.
– Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín.
– Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm.
– Ta con chim cu về gù rặng tre
mang nắng ấu thơ về sân đất trắng.
– Chị gánh gạo về nhà phú hộ
nứt vai thành sẹo lá lan đao.
Mảng thơ tình của Hoàng Cầm lại là một đóng góp đáng kể về cảm giác tình yêu. Đấy là một cảm giác si mê hưng phấn trong ái tình, mà có người nhầm tưởng là kích động nhục cảm. Ví dụ những câu thơ rất gợi này:
Chân em dài đi không biết mỏi
Má hồng em lại nổi
đồng mùa nước lụt mênh mông
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
đừng lấp vội đầu xanh
.
Những chân dài, má hồng, lưng thon khiến ta nhớ tới “trường túc”, “hồng nhan”, “chiết yêu” trong quan niệm tính dục của người Trung Quốc xưa, nhưng khi những chi tiết ấy vào thơ Hoàng Cầm nó đã được Việt hóa một cách thần tình, khiến cho câu thơ trở nên lung linh tơ lụa bọc che những ẩn dụ xa xăm.
Thực ra, nhục cảm trong thơ tình Hoàng Cầm luôn đa nghĩa, mà cuối cùng hướng về cái đẹp e ấp luôn có nguy cơ biến mất. Trong đời thực, Hoàng Cầm là một người đa cảm và cũng đa tình lắm. Da trắng, môi son vẫn còn phảng phất trên gương mặt chữ điền dưới mái đầu bạc trắng như cước. Cho dù khi đã gần tuổi 80, ông vẫn thường khát khao một mối tình chân thành, đắm đuối. Có lẽ nhờ thế mà trái tim trong thơ ông vẫn rộn ràng những điệu nhạc xa xăm:
Ai bảy mươi tươi ròn
Nằm mơ đưa võng mẹ
Ru say dòng mẫu hệ
Vòng tay quê bế bồng.
Hoặc:
Em ơi! Em ơi!
Tóc xanh bạc óng
Như hai con sóng
Dễ gì chẻ đôi…
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Cầm vẫn khao khát được chung tay với Hội Nhà văn Việt Nam ra một tờ báo Thơ để thúc đẩy thơ ca ngày càng đạt tới những thành công mới và đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu thơ. Đọc những lời tâm sự của ông trên báo, càng thấy khát vọng ấy của ông nhức nhối đến chừng nào: “Thơ là một mặt vô cùng trọng yếu của đời sống tinh thần dân tộc ta, thì lại không có một tờ báo dẫu chỉ là hai trang thôi! Lấy đâu ra sức mạnh đẩy thơ lên tới mức hiện đại hóa văn chương và nghệ thuật cho kịp với các trào lưu thế giới?”…
Những khao khát cho thơ của Hoàng Cầm là khao khát nghiêm cẩn. Cũng chính những khao khát ấy đã giúp ông vượt qua bao trắc trở thị phi, bi kịch không đáng có trên con đường văn học. Và, khối tài sản thơ đầy ma lực kỳ lạ của ông không chỉ nâng đỡ tâm hồn bao người yêu thơ Hoàng Cầm, mà còn nâng đỡ cả chính ông dọc hành trình văn chương cho đến cuối cuộc đời…

3. Hỏi chuyện chủ quán “Lá Diêu Bông”

Chân dung Kẻ đào hoa.
Chân dung Kẻ đào hoa.
Nghe nói ở làng Hạnh Hoa có một cô chủ quán rượu xinh đẹp lấy tên bài thơ Lá Diêu Bông cuả Hoàng Cầm đặt tên quán của mình, tôi bèn mang máy ghi âm bỏ túi đến… uống rượu. Quán nhỏ, lợp tranh đơn sơ, nhưng lịch sự. Các tửu khách trông có vẻ trang nhã, không giống như quán rượu ở quê. Cô chủ quán đẹp như tiên, đi lại nhẹ nhàng như mây gió. Nghe nói ngày xưa chị trót yêu một chàng trai kém mình tám tuổi, gia đình cấm đoán, nên quyết định không lấy chồng. Từ hồi “đổi mới” chị mở quán rượu sinh sống, và luôn mơ được gặp tác giả Lá Diêu Bông.
Thấy tôi là khách lạ, chị ưu tiên tiếp rượu, và cuộc trò chuyện đã diễn ra  như vầy:
– Chắc chị mê thơ lắm mới đặt tên quán bằng tên một bài thơ?
– Tôi mê tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Nhưng khi đọc được bài thơ Lá Diêu Bông của  Hoàng Cầm là tôi quên Vũ Trọng Phụng luôn. Từ đó tôi cũng hình dung Hoàng Cầm là cái cậu con trai cứ lẽo đẽo theo tôi đi tìm lá thuốc cho mẹ từ hồi mới lớn. Nhưng người phụ nữ trong bài thơ Hoàng Cầm thì đi lấy chồng, có con, còn tôi thì không.
– Chắc chị thuộc nhiều bài thơ Hoàng Cầm?
– Từ khi đọc bài thơ Lá Diêu Bông, là tôi đi tìm đọc Hoàng Cầm. Nghe nói trong “đổi mới” thơ ông bị “lưu ban” một thời gian dài. May mà từ khi tôi thích thơ Hoàng Cầm, thơ ông lại được in ra liên tiếp. Tôi có đủ các tập Về Kinh BắcMen đá vàng99 tình khúcMưa Thuận ThànhBên kia sông Đuống, và cả cuốn kịch thơ Kiều Loan ông viết từ hồi bốn lăm (1945). Tôi đọc đến đâu là thuộc đến đấy, vì thơ ông rất Việt Nam, rất thích hợp với tư duy của tôi. Như là ông viết riêng cho tôi.
– Chắc chị từng học đại học văn?
– Mấy đứa  cháu tôi nó mới học đại học văn. Nhưng chúng nó chẳng hiểu gì về thơ. Chúng nó thạo kinh tế hơn. Bây giờ đứa nào cũng nhà lầu xe hơi trên phố.
– Thế chị học gì?
– Tôi học thơ Hoàng Cầm. “Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến  trường kỳ”. Đọc câu thơ này, nhiều đêm tôi nằm nghiêng và thấy mình cũng như đang trôi đi.
– Chị lãng mạn thật.
– Con người, ai mà chả lãng mạn. Nhưng lãng mạn bằng thơ thì nó đẹp gấp trăm nghìn ngoài đời. Thơ  làm cho người ta sống đẹp hơn.
– Nhưng phải là thơ Hoàng Cầm?
– Tất nhiên là với tôi. Nhưng có một ông khách trên phố về đây uống rượu, ông ta cũng mê thơ Hoàng Cầm lắm. Ông ấy bảo chỉ có thơ Hoàng Cầm và thơ Hàn Mặc Tử là nhất. Suýt nữa tôi với ông ấy đã thành đôi…
– Sao lại không thành?
– Vì tôi chỉ thích thơ Hoàng Cầm.
– Rắc rối nhỉ?
– Này anh, nghe nói ông Hoàng Cầm lại sắp lấy vợ phải không?
– Năm nào tôi cũng nghe nói như vậy. Nhưng rốt cuộc thì mười mấy năm nay chả có đám cuới nào cả.
– Thế cũng tốt.
– Sao lại tốt?
– Mỗi lần thi sĩ yêu lại có thêm bài thơ hay cho đời.
– Chị không ghen với các giai nhân thật sao?
– Việc gì mà tôi phải ghen với họ.
– Ở Sài Gòn cũng có  một cái quán Lá Diêu Bông như quán chị…
– Tôi biết. Những cái quán ấy ra đời sau quán tôi. Đọc báo tôi biết mà. Hai “anh- chị” còn làm thơ tặng nhau nữa. Thi sĩ Hoàng Cầm phủ dụ chị ta bằng những câu thơ thật sang trọng: “Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi – Hỡi mưa Phương Nam bao giờ mưa đi?”. Thế mà chị ta không chịu đi thì thật là “trời không có mắt”.
– Nếu ông Hoàng Cầm mà làm thơ tặng chị, hay nói như chị là “phủ dụ” chị thì chị tính sao?
– Với tôi thật không có hạnh phúc nào bằng. Tôi phóng to bài thơ lên dán trên vách quán để khách  rượu cùng thưởng thức.
– Nhỡ có người lại chê thì sao?
– Chê là quyền của người ta. Tôi cũng đọc một bài người ta phê bình thơ Hoàng Cầm là “thơ tình dục khiêu dâm”. Và tôi thấy chính cái tay phê bình ấy mới thực sự có một cái đầu “dâm”. Cứ theo cái đầu của anh ta thì Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du khi viết về tình dục sẽ bị anh ta xử trảm.
– Có lẽ chị nói đúng.
– Tôi nói đúng là cái chắc. Ví dụ những câu thơ đẹp như thế này: “Ấm êm em trong trắng thịt da đêm – Ngọn gió nào cũng ấp một hơi thèm” mà anh ta lại phán là “thơ khiêu dâm” thì tôi không hiểu là anh ta đọc thơ theo cách nào.
– Thơ cần có tri âm. Cũng như Bá Nha gẩy đàn phải có Tử Kỳ nghe. Chị là Tử Kỳ của riêng Của Hoàng Cầm rồi đấy!
Có thêm khách đến. Tôi chia tay chị chủ quán Lá Diêu Bông. Biết tôi quen Hoàng Cầm, chị mừng lắm, gửi tặng ông chai rượu Hạnh Hoa, và nhờ tôi mời thi sĩ ghé thăm quán. Hoàng Cầm cũng mừng lắm. Tôi và ông chuẩn bị “hành quân” thì ông bị đau phải vào bệnh viện. Vậy mà cái cậu con trai lẽo đẽo theo Chị đi tìm lá Diêu Bông đã gần chín mươi xuân.
*
Giờ thì “Con người Hoàng Cầm” – con người đẹp trai da trắng môi đỏ, hào hoa và tài hoa ấy đã không còn lại trên cõi đời này nữa, ngợi ca hay chê trách ông cũng là chuyện đã rồi. Nhưng ông đã sống, đã yêu, đã đắng, đã ngọt và đã thơ. Thật kiêu hãnh đọc câu thơ ông viết: “Chim vàng phải tên dưới bụng/ Giận mình bay quá cao”, “Đợi sau khi Em qua đời/ Sẻ đồng thành phượng núi”. Hàng ngàn trang viết của ông còn đó, nói hộ chúng ta rất nhiều điều về một con người nghệ sĩ đến tận cùng chân tóc. Dân tộc và Ái tình chính là hồn ông gửi lại. Đó là những tác phẩm trầm đầy tinh thần Việt mà trong đó sử Việt, văn hóa Việt hay văn hóa Kinh Bắc đều ánh xạ qua trái tim mạnh mẽ và yếu mềm của ông. Vì thế tôi tin ông không mất. Ông còn rất gần ta và đang “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc”. Vâng, người ta còn đọc ông, và ông còn tồn tại, cũng có thể là “tam bách dư niên hậu”…
_________
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: