Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

CÓ MỘT TIẾNG VIỆT MANG TÊN THÁI BÁ TÂN.


33 năm trước, Hà Nội có ông Tây Annam xuất hiện. Mùa hè, mặc comple, đi giày da bò nâu nhưng nói giọng Nghệ Tĩnh. Ấy là Thái Bá Tân, mới tốt nghiệp Khoa tiếng Anh ở Đại học Matscơva. Bấy giờ cứ 10 cử nhân kỹ sư tốt nghiệp ở Đông Âu về nước thì có đến 4 người quê Nghệ Tĩnh. Có câu chuyện thế này:
“- Mi quê mô hè?
- Dạ, em dân Matscơvinh, anh!”
Hồi ấy Nghệ Tĩnh chưa có dịch lũ lụt, nhưng bão gió thì hình như dồn dập hơn bây giờ. Đói to. Dân vỉa hè Hà Nội hát nhạc chế: “Nghệ tĩnh mình ơi, năm nay lại mất mùa; chồng về quê vợ, đào sắn như điên.”
Tuy bão gió mất mùa, nhưng hồi ấy Trung ương hay gọi Nghệ Tĩnh ra cho mì gạo sắn khoai, còn gì cho nấy. Nên lại có nhạc chế: “Nghệ Tĩnh mình ơi, trung ương gọi lấy mì…” Vậy nên, mất mùa do bão gió là dân mừng, vì không mất mùa mới là đói thật, đói to. Nên chi dân mong có bão.
Thái Bá Tân mang đến trường Nguyễn Du chùm truyện ngắn, trong đó có truyện “May năm nay lại có bão, chú à”.
Về sau, không thấy ông Tây Annam làm thơ viết truyện, mà lại dịch. Ông dịch nhiều nhà thơ, dịch như điên, như chồng về quê vợ đào sắn. Nhưng chủ yếu là dịch nhà thơ Anh Lord_Byron – một tên tuổi lẫy lừng, đứng trên thi đàn Anh suốt thế kỷ XIX mà không chịu nhường ai.
Mấy mươi năm qua Thái Bá Tân chuyên dạy tiếng Anh, nhờ thế mà giàu.
Giàu rồi mới lại làm thơ. Mà làm thơ riêng ông một kiểu. Nôm na, dễ hiểu, vần khít khìn khịt. Nhưng nội dung chứa lại lớn lao, cốt lõi. Ông giống nhà thơ La Fontaine của Pháp (XVII), người mà theo Gustave Flaubert, “là nhà thơ Pháp duy nhất hiểu và làm chủ những kết cấu tinh vi trong của ngôn ngữ Pháp trước Victor Hugo.” Chả có ai coi tôi ra gì, nhưng nếu cần nói về Thái Bá Tân, tôi xin nói, ông là tiếng nói của người Việt không chỉ vào cái thời của mình, đó còn là tiếng nói của người Việt rất lâu về sau…
__________________________
KHI ĐÔI TA CHIA TAY
Lord Byron
Thái Bá Tân dịch
Nhớ không em thuở nọ,
Khi đôi ta chia tay-
Hai đứa cùng đau khổ
Nhìn nhau lệ tuôn đầy.
Và ngày ấy hôn em,
Hôn đôi môi buốt lạnh,
Anh đã thấy trong tim
Những tháng năm hiu quạnh.
Phải chăng giọt sương rơi
Trên mi anh buổi nọ
Đã theo anh suốt đời
Và nay thành giông tố?
Hai ta giấu tình yêu
Để không người được biết,
Anh thầm đau khổ nhiều
Vì yêu em tha thiết.
Nếu ta còn gặp nhau
Sau bao năm xa vắng,
Biết đón em thế nào
Ngoài nước mắt, im lặng?
Tân Thái Bá
HỖN!
Bộ trưởng Bốn Tê nói:
“Phải trừng trị thật nghiêm
Những người dùng Facebook
Nói xấu đảng, chính quyền”.
Một - Nói thế là hỗn.
Thử hỏi ông là ai
Mà “nghiêm trị” người khác?
Chưa bàn chuyện đức tài.
Hai - Bác Trọng đã dạy:
“Mình có như thế nào,
Người ta mới thế chứ”.
Sờ gáy mình xem sao.
Thế nào là nói xấu?
Nói là quyền của dân.
Hay ông quên từng dạy
Lắng nghe dân, nhiều lần?
Dân nào dám bịt mũi
Khi đài báo của ông
Không nói dối như cuội,
Kiểu bầy đàn, lên đồng?
Dân nào dám dị nghị
Khi chính quyền nước này
Không tham nhũng, lãng phí
Mức khủng như hiện nay?
Khi ngân khố nhà nước,
Mừng sinh nhật bố quan,
Không mất hơn nửa tỉ
Tiền cướp của dân oan?
Dân nào dám ca thán
Nếu chính quyền địa phương
Không vì sưu thuế chậm
Mà tịch thu chiếc giường?
Dân nào dám la ó,
Đòi đuổi Formosa,
Nếu chính quyền từ chối
Không rước nó vào nhà?..
Dân tha không nghiêm trị
Cả ông, cả chính quyền.
Thế mà ông còn hỗn.
Hay ông đang bị điên?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: