Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Vụ đạo văn ở Viện Hán- Nôm: Chú Tễu bị truy cùng...?


Câu chuyện tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, biệt danh chú Tễu ở Viện Hán -Nôm đạo văn xảy ra vào dịp cuối năm, không lâu sau khi ông được thăng chức hạng nghiên cứu viên cao cấp của viện này. Có nhiều những ý kiến bàn ra tán vào và cho đến nay, cộng đồng vẫn đang đi tìm một giải pháp thấu tình đạt lý cho vụ án công trình“Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán-Nôm” của anh. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - một chuyên gia quản lý trong việc cấp bằng, thẩm định đào tạo cho biết rằng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã trả lại cho viện Hán - Nôm 45% kinh phí mà nhà nước cấp cho đề tài của anh.

TS Nguyễn Xuân Diện
Bản quyền sáng tác là chuyện khắc nghiệt trong văn hóa Tây Âu. Trong vòng 50 năm đầu tiên, người ta không được quyền in ấn, sao chụp tự do một cuốn sách đã được đăng ký tác quyền. Hết 50 năm mới hết hạn bảo hộ độc quyền cho gia đình tác giả. Riêng đối với hàng kỹ thuật thì lại càng chặt hơn. Mỗi một chiếc máy vi tính bán ra thì người tiêu dùng đã đóng vào quỹ của gia tộc Đức phát minh ra chíp vi-tính, vô thời hạn. Văn hóa Tây phương mang đậm dấu ấn cá nhân, và các nước học quản lý theo văn minh Tây phương đang dần quen với kiểm duyệt tác quyền như vậy.

Chuyện ở Đông phương có chút ít trái ngược. Đông phương mang đậm tính công thể. Nhiều khi bản quyền không được chú trọng, thể hiện ở chỗ rất nhiều danh tác văn chương ở nền văn minh Đông Á không thể tìm ra họ tên người sáng tác. Kinh Thi - bộ thơ cổ đại lớn nhất của văn minh phương Đông- tập hợp những bài thơ ngắn cô đọng do Khổng Tử san định và biên tập, cũng không rõ ai là tác giả cụ thể của từng bài. Chẳng ai gọi Khổng Tử là người đạo văn cả.

Văn hóa Đông phương coi rằng câu chữ là của chung, cho nên khi phương Tây kiện tụng nhau chí chóe về tác quyền thì phương Đông rất ít khi dùng tới phương pháp đó. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sống trong nền văn minh Đông phương, khí cách nhà Nho chân chính, cho nên việc anh đạo văn nhiều khi là nhầm lẫn trung thực, đối với nền văn hiến thì có thể bỏ qua nhẹ nhàng.

Chuyện tiến sĩ Hán- Nôm Nguyễn Xuân Diện bị tố đạo văn là một chuyện tình cờ nhưng cũng nằm trong dự đoán. Tình cờ là ở chỗ, uy tín của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là điều không thể chối cãi, các tác phẩm dịch của anh được in ấn rộng rãi, chất lượng miễn bàn. Người dân Việt Nam rất yêu mến anh, nhất là sinh viên khối ngành Hán- Nôm ở các trường có đào tạo ngành văn thì lại càng coi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện như là một thần tượng. 


Nay bỗng dưng có tin anh đạo văn, nhiều người đâm ra sửng sốt và ngỡ ngàng. Còn nằm trong dự đoán là ở chỗ, lãnh đạo viện Hán-Nôm không ưa gì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhân cơ hội này để triệt hạ uy tín của anh. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhiều lần tố cáo những sai phạm của viện. Vụ bê bối đình đám nhất là một ai đó - phải ở cấp bậc rất cao của viện, đã sao chụp các tài liệu màu của viện Hán-Nôm và bán ở chợ trời, trên facebook có tên là Thư viện Nhân học, với giá gần như cắt cổ và bỏ vào túi riêng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tố cáo vụ đó, và có lẽ - những kẻ làm gian ăn ngồi không yên. Cho nên, khi nghe tin một tiến sĩ khác nằm trong Viện Hán-Nôm tố cáo Tiến sĩ Diện, thì thành phần cơ hội cũng tát nước theo mưa.

Luận văn của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đạo văn. Đạo của ai, đạo của bà vợ Trang Thu Hiền?! Lại là một cái cớ rất nhỏ nhen đưa ra để kết án người nữa. Trong văn minh Đông phương, vợ là sở hữu của chồng, của chồng công vợ. Bà vợ không kiện ông chồng rằng ông đạo văn của bà thì thôi, người ngoài như vị tiến sĩ nọ của viện Hán-Nôm mắc mớ gì phải kiện, làm như là của mình? 

Các tờ báo dư luận viên rẻ tiền như Mõ Làng, Loa phường... thì được dịp hả hê khi thấy nhà trí thức kiêm bất đồng chính kiến gặp nạn. Họ vui mừng giống như các tướng tá Trung Quốc vui mừng lúc trông thấy hàng trăm người Mỹ bị chết trong sự kiện ngày 11 tháng 9. Danh sách “tướng tá” nhảy cẫng lên ăn mừng khi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ngã ngựa dẫn đầu bởi tiến sĩ Trần Trọng Dương, và nhất là Kiều Mai Sơn- anh nhà báo được Đảng cộng sản phân công bới vết tìm lông đã nhiều lần bị tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chê trách trước đó. Họ tố cáo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là vì tình cảm cá nhân chẳng phải vì yêu mến nền học thuật nước nhà. Bởi nếu họ thực sự yêu mến nền học thuật nước nhà thì đã cùng với nhà thơ Trần Mạnh Hảo đi tố cáo Trần Ngọc Thêm do tội đạo văn các tác phẩm của triết gia Lương Kim Định rồi. Trần Ngọc Thêm đạo văn ở mức độ kinh hoàng hơn, nhưng vì ông này có học hàm giáo sư, lại là trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cho nên những người này không động đến, sợ rút dây động rừng.

Trở lại trường hợp tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đạo văn, có cần phải làm quá sự việc lên như vậy không? cần phải xem xét thêm một vài yếu tố. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - một chuyên gia quản lý trong việc cấp bằng, thẩm định đào tạo cho biết rằng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã trả lại cho viện Hán - Nôm 45% kinh phí mà nhà nước cấp cho đề tài của anh. Ông Hưng - một nhà lãnh đạo học thuật từng tổ chức cả ngành cơ học phá hủy cho châu Âu nhận định rằng, công trình của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có sức gợi mở rất lớn, nghĩa là có thể mở mang được về sau và khơi gợi chiều hướng nghiên cứu cho nhiều nghiên cứu sinh sau đó nữa.

Công trình về tranh dân gian có giá trị như vậy, chẳng lẽ vì một vài lỗi nhỏ mà đánh sập nó đi?

Kiều Phong 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: