Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam hoạt động như một đứa con vô thừa nhận?


Nếu ai đã đến trụ sở  của CLB Thơ Việt Nam ở số 7 Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội sẽ thấy, trên tấm biển tự “quảng cáo”, ngoài tên CLB Thơ Việt Nam ở giữa, nổi bật bằng chữ đỏ, kèm logo của CLB thì dòng chữ trên cùng là “Hội Nhà văn Việt Nam” kèm logo của Hội. Ông Nguyễn Quang Thiều tiết lộ: “CLB Thơ Việt Nam dưới thời ông Bành Thông rất muốn trở thành một đơn vị của Hội Nhà văn Việt Nam, muốn Hội Nhà văn bảo trợ. Nhưng Hội Nhà văn không bao giờ đồng ý chuyện đó. Bởi đó là phong trào quần chúng không phải một tổ chức chuyên nghiệp về nghề nghiệp”.


Câu lạc bộ thơ - Vàng, thau lẫn lộn: Đứa con vô thừa nhận?

NÔNG HỒNG DIỆU

Tự hào là câu lạc bộ thơ đông thành viên nhất Việt Nam song một điều không thể ngờ, CLB Thơ Việt Nam 12 năm qua vẫn loay hoay tìm chốn “dung thân”. Bởi chẳng “cha mẹ” nào muốn nhận “đứa con” khổng lồ này.

Mượn “áo” Hội Nhà văn Việt Nam
Ngay những hội viên bình thường của Hội Nhà văn Việt Nam đều nhận thức rõ ràng, CLB Thơ Việt Nam không liên quan gì đến tổ chức của họ. Trước câu hỏi: “Hội Nhà văn Việt Nam nên chăng quan tâm đến CLB Thơ Việt Nam nhiều hơn, thay vì chỉ dừng lại ở Ngày Thơ Việt Nam?”. Một nhà thơ tên tuổi kịch liệt phản đối: “Tôi không đồng ý với quan điểm này. Hội Nhà văn là một tổ chức xã hội, còn các CLB lại là một kiểu khác. Họ sinh hoạt cho vui. Còn nếu ai đó có dấu hiệu lừa đảo thì vi phạm pháp luật rồi”. Nhà thơ Phạm Đức, người phụ trách sân thơ CLB trong Ngày Thơ Việt Nam cũng khẳng định: “Quan tâm đến CLB thơ nói chung, CLB Thơ Việt Nam nói riêng, không phải nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Hội Nhà văn Việt Nam không có quyền cho phép các CLB thơ hoạt động hay không hoạt động. Một CLB ở một thị trấn, một làng quê, một đơn vị… được quản lí bởi địa phương đó, cơ quan đó, chứ không thuộc phận sự của cơ quan chuyên môn là Hội Nhà văn”. Ngày Thơ Việt Nam có sân chơi cho các CLB thơ, được ông Nguyễn Quang Thiều lí giải: Ngày thơ Việt Nam là một ngày hội nên thành phần tham dự đa sắc màu, một phần dành cho những nhà thơ chuyên nghiệp, còn phần nữa cho những người dân yêu thơ, đó có thể là khách đến với hội thơ hay các CLB thơ tham gia. 
Nhưng nếu ai đã đến trụ sở  của CLB Thơ Việt Nam ở số 7 Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội sẽ thấy, trên tấm biển tự “quảng cáo”, ngoài tên CLB Thơ Việt Nam ở giữa, nổi bật bằng chữ đỏ, kèm logo của CLB thì dòng chữ trên cùng là “Hội Nhà văn Việt Nam” kèm logo của Hội. Ông Nguyễn Quang Thiều tiết lộ: “CLB Thơ Việt Nam dưới thời ông Bành Thông rất muốn trở thành một đơn vị của Hội Nhà văn Việt Nam, muốn Hội Nhà văn bảo trợ. Nhưng Hội Nhà văn không bao giờ đồng ý chuyện đó. Bởi đó là phong trào quần chúng không phải một tổ chức chuyên nghiệp về nghề nghiệp”. Nhưng nếu Hội Nhà văn đã tuyên bố rõ ràng không thu nạp CLB Thơ Việt Nam tại sao vẫn để CLB này công khai mượn “áo”?! 
“Chốn an cư” cũng “núp bóng” 
Không chỉ gõ cửa Hội Nhà văn Việt Nam, hành trình tìm “cha mẹ” của CLB Thơ Việt Nam vẫn tiếp tục ở những nơi “danh giá” khác. Nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam “mách”: CLB Thơ Việt Nam từng “cầu cứu” Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội, vị này xác nhận: CLB Thơ Việt Nam đề đạt vấn đề gia nhập Trung tâm nhiều lần nhưng bị từ chối vì nhiều lí do. 
“Chỉ có thể nói vài lí do khách quan: Trung tâm đã có nhiều CLB thơ rồi. CLB Thơ Việt Nam phải có gì khác đi với những thứ bên tôi đã có, thì còn có khả năng xem xét. Thêm nữa, CLB Thơ Việt Nam về tôn chỉ, mục đích hoạt động khác với hoạt động của các CLB thuộc Trung tâm Văn Hóa TP Hà Nội. Đã gia nhập CLB của Trung tâm thì từng thành viên phải tự nguyện nhưng ngoài ra còn phải tuân theo những tôn chỉ, mục đích khác nữa. Tức là sẽ có những tiêu chí chặt chẽ hơn. Bên kia, CLB Thơ Việt Nam, có yếu tố thương mại, lại mở rộng ra toàn quốc, một cách tự do, không hề có yếu tố quản lí nhà nước trong đó. Những yếu tố chủ quan, khách quan, cách thức hoạt động của CLB Thơ Việt Nam không đảm bảo để có thể là CLB mang tính chuẩn chỉnh của thành phố”. 
Có người thắc mắc: Nếu Trung tâm Văn Hóa TP Hà Nội kiên quyết từ chối CLB Thơ Việt Nam, tại sao vẫn cho CLB này thuê một căn phòng làm trụ sở? Liệu điều đó có làm cho người ngoài văn chương hiểu lầm thái độ của Trung tâm Văn Hóa TP Hà Nội hay không? Vị Phó Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Điện ảnh nói: “Dân số của chúng ta đông vậy thì nhầm lẫn là chuyện bình thường. Nhưng mà người tham gia những hoạt động liên quan đến văn thơ thì đương nhiên phải biết. Ban đầu họ có thể họ bị thiếu thông tin. 
Nhưng khi họ đã tham gia, họ phải rõ cách thức”. Vị này nói thêm: “Với lại nó có yếu tố lịch sử từ giai đoạn CLB thành lập, cho nên đến thời điểm này, giám đốc của Trung tâm vẫn tạm để CLB mượn văn phòng hoạt động”. Khi phóng viên đề nghị một sự xác nhận, “Mượn hay thuê?”, vị phó phòng đáp: “Thuê nhưng giá rẻ như bèo. Cái chính là nó mang tính lịch sử, nếu sau này một giám đốc nào đó lên thì có thể người ta không chấp nhận chuyện đó luôn. Đồng chí giám đốc hiện nay sống rất có đức, nể nang chứ thực ra không có lí do gì để một phòng cho CLB Thơ Việt Nam hoạt động. Ở đây, tôi không nói CLB này hoạt động đúng hay sai, mà chỉ muốn nói nó không phục vụ gì cho hoạt động của Trung tâm Văn Hóa TP Hà Nội cả”.  
Song rõ ràng CLB Thơ Việt Nam từng được cấp phép, mới có thể hoạt động trải qua hơn chục năm? Đơn vị nào cấp phép cho CLB Thơ Việt Nam? Các nhà thơ chuyên nghiệp đều lắc đầu: “Không biết”. Bản thân CLB Thơ Việt Nam cũng muốn “né” điều này nên không “khoe” ở bất kỳ tài liệu nào, cũng chưa từng phát ngôn. Vì thế, CLB Thơ Việt Nam mới mong muốn được về với Hội Nhà Văn Việt Nam hoặc Trung Tâm Văn Hóa TP Hà Nội để hợp thức hóa mình? Một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam kết luận: “Do lịch sử để lại. Mà người làm nên lịch sử là ông Bành Thông đã khuất, mang theo luôn bí mật ấy”. Liệu tới đây, CLB Thơ Việt Nam có tìm được đơn vị chủ quản? Nhà thơ Phạm Đức đưa ra dự đoán: “Nó to thế, nơi nào quản nổi”.
Náo loạn Ngày Thơ Việt Nam
Cùng với nỗ lực tìm “cha mẹ”, CLB Thơ Việt Nam luôn tận dụng mọi cơ hội khuếch trương thanh thế. Tại Ngày Thơ Việt Nam vừa qua một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam phản ánh: CLB Thơ Việt Nam “cướp diễn đàn”, gây náo loạn ở sân thơ CLB. Người có trách nhiệm với sân thơ CLB, nhà thơ Phạm Đức đến lúc này vẫn ngác ngơ không hiểu vì sao CLB Thơ Việt Nam toàn chiếm được những quán thơ ở vị trí “đắc địa”: “Chia cho mỗi CLB tham gia một quán thơ. Tất cả các CLB tham gia đều phải bốc thăm vị trí. 
Thông qua bốc thăm đàng hoàng mà không biết cách nào họ chiếm được những vị trí đẹp nhất”. Một nhà thơ khác bổ sung: “Đã thế còn chiếm cả vị trí bàn, loa đài, micro điều khiển, rồi tổ chức uống rượu vui vẻ”. Nhà thơ Phạm Đức phàn nàn: Ngay cả trên sóng truyền hình quốc gia, có rất nhiều CLB tham gia nhưng chỉ thấy những “quan” của CLB Thơ Việt Nam được xuất hiện, được phát biểu, đến người của Hội Nhà văn phụ trách sân chơi này cũng bị “ngó lơ”. Phạm Đức kết luận: “CLB Thơ Việt Nam muốn khuếch trương thanh thế”. 
Từ rất lâu, CLB Thơ Việt Nam đã tạo được ảnh hưởng ở nhiều thôn, xã thuộc nhiều vùng của đất nước. Thậm chí có những người quê không biết những nhà thơ chuyên nghiệp nổi tiếng, song họ lại biết ở thôn họ, xã họ có những nhà thơ thuộc CLB Thơ Việt Nam. Bản thân nhiều nhà thơ được kết nạp vào CLB Thơ Việt Nam cũng tỏ ra vô cùng hãnh diện và nghĩ mình mang trên vai trọng trách lớn lao. 
Nhà thơ Quang Hoài kể một kỷ niệm: “Có dạo tôi về Phúc Yên, Vĩnh Phúc, theo chân một ông bạn tới nhà một thành viên của CLB Thơ Việt Nam. Tôi thấy ông ấy đặt quyển thơ do CLB tuyển chọn lên bàn thờ thắp hương cúng vái. Lễ lạt tổ tiên xong xuôi, mới ra tiếp khách. Bởi vì trong quyển thơ ấy, ông này có một bài được đăng”.  Nói về chất lượng thơ của CLB Thơ Việt Nam, nhà thơ Quang Hoài và nhà thơ Phạm Đức đều thống nhất quan điểm: Quá kém, đã thế một số người còn tích cực “thó” nữa. Mà họ không nghĩ đó là “ăn cắp”. 
Vì sao lại nảy sinh mục đích thương mại từ CLB Thơ Việt Nam hay một vài CLB thơ khổng lồ khác? Theo ông Nguyễn Quang Thiều nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ thái độ của một bộ phận người Việt với văn chương: “Tại sao có những người quá đau khổ vì không được vào Hội Nhà văn? Trong khi anh ta vẫn có thể trở thành nhà văn, nhà thơ mà không vào Hội? Ở nước ta, nhiều người lấy danh nhà thơ để làm việc khác trong xã hội, thế mới xảy ra chuyện tiêu cực”.



Nguồn: Tiền Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: