Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Nhật ký văn nghệ 1991 (2)

20 THG 1, 2019

VCN

4/6
 Gặp ông Nguyễn Văn Hạnh ở hội thảo Nguyễn Quang Bích, ông hỏi tôi chưa bị thăm hỏi à?
- Nhà nước hoàn toàn tin tôi, việc gì phải thăm hỏi.
Tôn Phong Lan cũng có mặt ở đấy, bảo:
- Nếu có hỏi anh Nhàn bây giờ, là hỏi về chuyện quả bóng vàng của Nguyễn Huy Thiệp, dạo này ông Thiệp bị gọi trình diện hàng ngày, bị tra vấn đủ chuyện nhếch nhác.
Tôi nhớ, hôm đến chỗ Hội nói chuyện, ông Quang Phòng bảo là ông Thiệp dây dưa đến vụ Bernard, đến mức nó đưa cho mấy đồng tiền, cũng nộp giả nhà nước, Kim Lefaibrè trả mấy đồng cũng nộp….
Điều đáng nói là kịch bản của Thiệp bán cho Bernard toàn chuyện, nào là anh lính trở về, đạp xích lô, tranh khách v.v…Có cái gì như là phô ra những xấu xa dơ bẩn của đất nước.
Theo Phương Quỳnh. sở dĩ có một số người bị hỏi vì trong bản khai gửi sang Mỹ, có những chỗ giấu diễm như là đảng viên, mà không ghi rõ, hoặc kêu um lên là mình bị trù dập, mà thực tế không phải thế (đúng ra, có bị trù dập cũng không nên nói mới phải).

7/6
Có một điều luôn luôn phải tính là làm cái gì có ích cho văn học. Lắm lúc, ngồi đọc lại một số ghi chép cũ, thấy mình cũng nghèo hèn chả ra cái gì.
Vậy mà cũng luôn luôn đếm tính lại. Cứ như là một bà cụ già, lúc con cháu đi vắng, đếm lại vài đồng hào nát. Nhưng đối với bà già, ngoài mấy đồng hào nát ấy, còn gì nữa đâu?!
Đọc một ít  Tri Tân cũ, và thoáng một chút buồn khi nghĩ rằng 50 năm qua, đất nước chả tiến lên được bao niêu, cái đời sống văn học vẫn buồn bã, tẻ nhạt như vậy, ai kêu cứ kêu, ai chửi cứ chửi, và người ta cứ trâng tráo làm theo cái cách người ta vốn quen làm.

8/6
Có tin Ban bí thư (hay thường trực chính phủ) gửi công văn xuống, yêu  cầu Hội Nhà văn phải tường trình mấy cuốn
1. Ly thân (Trần Mạnh Hảo)
2. Sóng lừng (Triệu Xuân)
Trước đó, cơ quan NXB Hội nhà văn đã được lệnh phải báo cáo về cuốn Những bức thư tình, vì trong đó có đoạn nói rằng Việt Nam chả ơn gì Liên xô cả.
Rồi cuốn Ranh giới thời gian của Hoàng Lại Giang cũng bị đánh nốt. Sóng lừng có mấy câu chửi bới mấy ông to và nói chung, cả truyện chửi công an. Ông Nam phải đứng ra chủ  tịch "uỷ ban" làm tường trình này. Trong thành viên có Hữu Thỉnh. Lại có tin, sở dĩ Kim Hạnh bị cách chức, còn là vì một bài của Phong Lê nữa (bài gì?)
Phong Lê lại còn cái phốt, là do Phạm Xuân Nguyên ở viện đi chụp bài Bùi Tín, bị công an bắt, Phong Lê phải đứng ra xin.
Phong Lê liệu có trót lọt ở  Đại hội hay sẽ bị làm phiền ?
11/6
Nói chuyện với Vũ Đình Bình. Bình khen bài nào mình viết  cũng có một cái ý nào đấy. Như trong bài ông Long, Bình nói ông chỉ bào ông Long có cái thành kính với nghề, còn những chuyện khác, không nói làm gì. Như chuyện phải chăng.
Bình cũng bảo, sao ông Nam nhanh chóng trở thành quan chức như vậy. Mình trả lời tại ông không biết đấy thôi, trước nay vẫn thế.
Nhàn: Cái chính là mỗi chúng ta phải giữ lấy một lương tri và dựa trên lương tri đó mà suy nghĩ một cách độc lập, không bị ảnh hưởng ai, không theo đuôi ai cả.
Bình: Và cũng đừng áp đặt cho người khác một điều gì hết.


12/6
Trần Bảo Hưng kể cấp trên (Ban tư tưởng văn hoá) than phiền rằng báo chí tuyên truyền cho đại hội Đảng không được sôi nổi lắm. Nhưng không tìm đâu ra  bài bây giờ, nhất là bài vừa lòng trên thì càng hiếm.
Tuy ai cũng biết trên muốn trị một số tác phẩm văn nghệ, nhưng lại dặn báo chí không cần làm to, không cần phê phán, vì phê phán sẽ có lợi cho tác phẩm, dân họ sẽ tìm đọc.
Quyển Sóng lừng sở dĩ bị cấp trên ghét, vì ở đó hội đủ các thứ thói xấu của giới cầm quyền các tỉnh phía Nam mấy năm nay. Võ Văn Kiệt bảo nó chống cộng hơn cả mọi tác phẩm chống cộng ra đời từ xưa đến nay.

15/6
Đại hội Đảng bắt đầu họp nội bộ, nghe nói có một vụ chống Đảng nào đó, mà người ta không phá được, song lại có tin bảo là chẳng qua đấy là những cuộc đấu tranh nội bộ vốn có giữa họ với nhau.
Một người như Phong Lê đang ở vào "mắt bão" Phong Lê được bầu đi dự đại hội Đảng, nhưng công an luôn luôn đến cơ quan yêu cầu kiểm điểm. Tin mới nhất là trong số tạp chí Sông Hương cũng có bài của Phong Lê.
Một lần nghe Ân kể, vợ Phong Lê đến nhà Tôn Phong Lan kêu rằng đại hội gì mà u ám căng thẳng quá.
Thì chính đó là cái ý mà Phong Lê nói trong bài viết ở Sông Hương. Thế thì đáng đánh rồi còn gì? Lại có người kể: đại hội chả dân chủ gì cả những ai được bầu do một người quyết định cả,  không ở trong tổ chức mà lại táy máy như những kẻ ở ngoài tất nhiên là không được rồi.
Tin mới nhất
Phong Lê vẫn đi đại hội (vì xin rút cũng có cái thiệt của nó chứ, còn vợ con anh em trông vào)
Nhưng được 3 hôm thì có tin là Phong Lê xin phép về quê thăm mẹ. Mẹ ốm nặng.
Thật ra thì Phong Lê còn liên quan đến một danh sách nào đó, bao gồm cái gọi là một ít trí thức cấp tiến đầu là Đặng Xuân Kỳ.
Nghe nói ông Kỳ, lúc đầu hy vọng một thú gì như là uỷ viên Bộ chính trị (?) nay cũng chỉ còn hy vọng bảo toàn cái chức chủ nhiệm UB KHXH của mình. Khắp nơi có tin (phổ biến đến từng quận) Bọn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Hạnh… chúng ta bắt bất cứ lúc nào được lúc ấy.
Bà Đào bảo: Nguyễn Huy Thiệp dại quá, sao lại đi giao thiệp với Bernard, cũng như tại sao Dương Thu Hương lại giao thiệp với  BDTâm.
Theo  Phương Quỳnh kể cho Ân thì  BD Tâm là một gã đàn ông rất gian tà. Mà Hương là thế, Hương đặc biệt nhạy cảm với loại người hắc ám, hiện thân của cái ác, cái xấu, Hương cứ như bị họ thu hút và run rẩy mất hết nội lực, trong khi đó Hương lại tỏ ra phũ phàng gay gắt với những người tử tế, trong sáng.
Còn Thiệp thì sao. Cũng có phần cực kỳ bệnh hoạn hắc ám trong người, như ai đó bảo Thiệp có ý lấy Thi, Khải ra chửi, như trong truyện của Thiệp bao giờ cũng có một xen thật bẩn.
Bà Đặng Anh Đào bảo, đấy là thằng Bernard nó chơi cho Thiệp và vợ một mẻ, nó trả công có 10 đô la, có tử tế gì đâu. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp ngông nghênh và tin quá, Thiệp nói với bà Đào rằng rồi có thế chị sẽ thấy một thằng Thiệp khác, một thằng Thiệp đủ tiền để sống không rách nát như thế này.
-  Nhưng  liệu nó có trả cho cậu đúng với cái lao động của cậu không, hay cũng chỉ trả mấy đồng rẻ mạt và cậu sẽ cay đắng nhận ra nó chả tử tế gì cả -- bà Đào nói lại.
Còn Hoài, vẫn lời bà Đào, nó khá hơn, nó văn hoá hơn, nó không bị cuốn vào những chuyện nhảm đó.
Ân kể rằng Phạm Thị Hoài đã nói với Ân rồi, đối với bọn nước ngoài, đừng bao giờ nhận mấy đồng vớ vẩn, nó chả đáng gì, mà chỉ làm hại mình. Mà người dân mình, khi nghe nói có chuyện tiền nong dính vào, họ chả tin nữa!
Nghe Ân thuật lại, thì bọn Viện văn bảo là trong câu chuyện của ông Quang Phòng ở viện, có việc là bên kia, nó xuất bản cuốn Hoa lại nở trên đất Việt trong đó, có cả bài của Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân. (Cả bài của Phạm Xuân Nguyên về sự hèn của nhà văn!)
Trần Bảo Hưng cũng lại được một tay ở báo Quân đội nhân dân rỉ tai là có một bài của Hưng trong một cuốn sách khác, tương tự như vậy.
Toàn rỉ tai cả, không rõ hư thực  ra sao. Tôi chán tất cả chuyện này rồi. Chẳng ra cái quái gì cả.
Bọn ông Ngọc, ông Mai ở Hội thì ra mặt trị anh em và chứng tỏ một đầu óc quân chủ rất khó chịu.
Báo Văn nghệ nhạt nhẽo, cũ kỹ, viết phía phịa không thể đọc nổi.
Luôn luôn nghe người ta ca tụng văn chương sau 75. Những ông Ngọc, ông Hạnh hay nói lấy được. Họ đâu có biết văn học sau 75 rất kém .

Sáng 20/6
Trên đường đi Thanh Hoá, Ân kể ông Dương Tường bảo Hội nhà văn có một danh sách những người mà báo Văn nghệ không nên đăng (?) không được  đăng, trong đó có Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, lại có cả Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng.
Hình như 15 hay 17/6 gì đấy hội đồng phê bình họp, ông Nguyên Ngọc không đến (kêu ốm) chỉ gửi mấy dòng đến, đại ý nói là văn học bây giờ tệ quá. Có mấy thằng chỉ điểm (?) nó cứ chỉ lung tung, Hội không bảo vệ anh em thì gay quá (N: chắc là Ngọc không phải đã nói hết ý của mình).
Ông Nguyễn Văn Hạnh kêu về tình hình, rồi lại đề nghị Hội có sinh hoạt. Nhưng ông Vũ Tú Nam chỉ cười.
Văn nghệ nói là muốn mời các nhà phê bình chuyên nghiệp "viết thêm cho báo" song chỉ là nói mồm, họ chả làm gì cho  việc đó cả.
Giới phê bình ngày càng phân hoá, bây giờ không ai muốn nói chuyện với ai nữa.
Chắc chắn là phê bình ngày càng teo lại (ngay ở báo Nhân Dân phần phê bình cũng đã teo lại rồi!)
Rồi lâu lâu, người ta lại nhận định rằng phê bình văn học kém cỏi, không có gì sáng tạo, không theo kịp tình hình.

26/6
 Bùi Việt Sĩ bảo: Sông Hương bị đình bản vô thời hạn. Trong bản  photocoppy số 4 gửi ra, thấy gạch rất nhiều vào chuyện của Hoài (Thanh tra chính phủ  về làng). Đây mới là con cá lớn trong đợt này.
Tự nghĩ: Thế là kỳ này, bị hết cả một lượt.
Nhưng đấy cũng là ý kiến của Ngô Thảo. Lúc Dương Thu Hương mới bị bắt, thì Thảo chửi om lên rằng Hương trai gái, vớ vẩn, cho đáng kiếp.
Bây giờ Thảo đổi giọng: đấy, xem xem, có mấy nhà văn khá nhất của mấy năm đổi mới, bị công an đánh hết cả rồi. Thế thì làm gì mà kẻ địch nó chẳng vui lòng?
Số 27 báo Văn nghệ ra ngày 6/7 in bài Đỗ văn Khang: giá trị nghệ thuật của tác phẩm trên hết vẫn là ở lòng trung thành với những gì làm nên sự tồn vong và phát triển của dân tộc mình.
Thảo nhận được thư của Dương Thu Hương ở nơi tạm giữ viết ra, nói rằng trong này, em cũng đầy đủ mọi thứ. Nghe đài địa phương, thấy nói anh Thu Bồn có đi vận động quyên tiền cho em. Xin đừng làm thế nữa!
Cô Tú (vẫn đi thăm nuôi Hương) gặp Thảo, cũng nói ý đó. Thảo bảo đó không phải là việc tôi thảo luận với cô. Người ta quyên là việc của người ta, cô có đi nuôi Hương thì cứ đi, việc bên ngoài kệ chúng tôi.
Thảo bao giờ cũng có một lối nói rất gây ấn tượng  như vậy.
Nhưng điều quan trọng hơn, lần này Thảo đã thấy phải ủng hộ Hương, đứng về phía Hương, chứ không chửi bới như cũ nữa.
Thảo vẫn thường xuyên liên hệ với công an.
Với cách như vậy, Thảo luôn luôn hoạt động hợp với tương lai.
Lần này tương lai ủng hộ Dương Thu Hương chăng?

28/6
Tự nhiên nghĩ về các bạn học sinh trường Nguyễn Du
- Một lũ "nổi loạn" . Nghe nói họ đã làm đơn xin đuổi - hoặc nhẹ hơn, không nhận làm thày đủ thứ người, từ Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, qua Bằng Việt, Vũ Quần Phương, và bây giờ cả Anh Ngọc nữa.
Mới đầu, chỉ nghe họ từ chối 1-2 người. Thấy cũng có cái hay hay. Nhưng bây giờ thấy họ quá đáng, giống như một lũ trẻ không biết sợ là gì, và cũng không hiểu sẽ làm được việc gì nên hồn.
- Cũng tự nhiên, là việc họ bò lê la đủ các báo để kiếm ăn. Về học ở Hà Nội nhưng chả học gì hết, chỉ nhân danh là học viên để đi làm thuê làm mướn vừa là mua danh, dọa thày giáo, bảo đảm rằng mình không cần học, vừa là kiếm mấy đồng về uống rượu, chửi đổng.
Tại ai, tại các ông thày vớ vẩn của họ. Tại cả cách tổ chức học hành của xã hội tại sùng bái bản năng, sùng bái số lượng công việc và tại sự hỏng của cả xã hội.
Biết làm sao lên tiếng bây giờ. Nói không ai nghe không phải chỉ trên không nghe, mà ở dưới người ta cũng không nghe (Xã hội đã mất đi sự tự điều chỉnh vốn cho mọi cơ thể sống.
(Nhân dây, cảm thấy sự tuyệt vọng chung với mọi hoạt động xã hội. Một cái hội như Hội nhà văn, mấy tờ báo như Nhân Dân, Văn nghệ, Tác phẩm mới... những người phụ trách "hữu quan" như Khái Vinh, kể cả Vũ Tú Nam nữa: Xã hội này có cái gì đâu, để mà anh xôn xao, hy vọng!)
Đọc cuốn Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa của Đào Duy Dzếnh Tác giả của nó, hầu như cũng chẳng phải là một người may mắn lắm. Trên đường hoạn lộ của xã hội này. Vậy mà tại sao vẫn những say mê cũ, sùng bái cũ, lối hiểu cả về xã hội về văn hóa, nó khiến cho bao nhiêu sự lừa bịp được giải thích thành văn hóa, bao nhiêu lối mị dân được coi là gần nhân dân, bao nhiêu thói nệ cổ được coi là truyền thống. Tôi chán cái sự chân thành và tận tụy này lắm rồi. Người ta có thể tốt, nhưng nếu không có tiếp xúc với thế giới hiện đại, người ta cũ kỹ.
2/7
Gặp ông Trần Đình Hượu, thấy gần gũi ở chỗ ông  cũng nghĩ rộng về các vấn đề văn hóa. Ông nghe những chuyện tôi nói và bảo là đúng, có những vấn đề như vậy đấy.
Một điều làm tôi cũng buồn lây: ông Hượu kể là Phạm Thị Hoài đến đây, và ông Hượu ngạc nhiên vì tài năng của Hoài, khả năng nắm bắt ngôn ngữ mẹ đẻ của Hoài. Nhưng rồi, ông lại bảo nói chung, tôi vẫn muốn cô ấy đi viết văn. Vì một nhà triết học có sâu sắc đến mấy cũng chẳng ai biết tới. Quần chúng dễ đón nhận các nhà văn hơn, nhà văn dễ nổi tiếng hơn (Bởi vậy, ông Hượu nói thêm, ông không muốn sau những ngày làm việc này, chúng ta sẽ mất đi một nhà văn, mất mát ấy quá lớn, việc có thêm một nhà nghiên cứu tôn giáo không sao bù đắp nổi.)
Đến được như ông Hượu là khó, rất khó nữa. Nhưng đến được như vậy, cũng có ai biết đâu!
Chu Văn Sơn nói lại cái ý ông Nguyễn Đăng Mạnh nói về tôi: Nhàn nó biết tiếp cận sáng tác từ toàn bộ văn hóa!
Trước đó Sử cũng đã nói như vậy.
Việc này, liệu có ích gì cho tôi. Tôi chỉ thường tự an ủi chẳng qua giờ bảo mình như vậy, một ông giời đa đoan lắm sự, nhưng cũng phong phú nhiều vẻ và công bằng nữa.

8/7
Nghe nói Dương Thu Hương sẽ bị mang ra xử, Dương Thu Hương không thể dung tha, bởi lẽ Vô đề, cuốn tiểu thuyết không thể in của Dương Thu Hương, lại được in ở Mỹ. Việt Kiều in thôi, nhưng người Việt kiều từ Sài gòn ra đi và còn căm uất khi nghĩ về đất nước.
Vô đề có 3 bản, 1 bản để ở nhà ông Đỗ Đức Hiểu, 1 bản để ở NXB Phụ Nữ (Hương đã phải khai), ông Sinh cầm, và không in, còn 1 bản thì vượt đại dương như vừa nói.
Sĩ bình luận (chắc là nghe ai đó nói) bọn phương Tây làm mọi cách để đưa Dương Thu Hương (cũng như Nguyễn Huy Thiệp) vào tù.
Tại cơ quan Hội Sáng 6//7 ông Hữu Mai nói về đại hội Đảng . Cách nói của ông cũng y như cách nói của bọn tôi  về Hội nhà văn: tức là các ông kễnh tham quyền cố vị, dùng đủ mọi thủ đoạn để giữ ghế, đến chủ tịch đoàn đại hội cũng không cho kẻ lạ vào ngồi, chuyện gì cũng áp chế. Và họ chả coi văn nghệ sĩ ra cái gì cả.
Xem xem, trung ương trước đây còn có chất văn hoá, cụ Hồ có văn hoá, ông Phạm Văn Đồng có văn hoá, bây giờ lấy ai là guơng mặt văn hoá bây giờ.
Theo Hữu Mai, người ta không thể thông qua được cương lĩnh, vì không biết CNXH là gì (ông cũng bảo không biết là gì), và chỗ yếu nhất của một số cơ chế tự mệnh danh là CNXH vừa rồi là:
- không tạo được năng suất
- không thực hiện được dân chủ
Ngay trong Đảng, không làm sao tránh được độc quyền.


15/7
Có tin ban chung khảo giải thưởng Hội nhà văn có Vũ Cao, Bùi Hiển, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Vũ Quần Phưưong, lại có cả Lê Ngọc Trà. Luôn luôn trên mặt báo, người ta đồn thổi về giải thưởng.
Ngày Đại hội Đảng kết thúc, Đỗ Mười được cử là Tổng bí thư, Chuyện chưa từng xảy ra  là  có  một đoàn nhà văn lên chúc mừng.
Ai nghĩ ra chuyện này, không biết chỉ biết trong đó có Phạm Tiến Duật, Vĩnh Quang Lê, Lữ Huy Nguyên, nghe đâu có cả Hữu Mai và Vũ Tú Nam nữa.
- Bằng Việt chuẩn bị để đầu tháng 9 ra báo Diễn đàn văn nghệ, ông Trần Trọng Tân đã nói rõ: Báo này ra đời để làm con đẻ chắn những thứ bậy bạ, lâu nay thấy trong giới văn nghệ sĩ nói không thể tin ở các hội khác, các bái khác nữa, và đây là cơ hội cuối cùng)
Ân kể Thái Bá Lợi ở Đà Nẵng ra nói rằng sở dĩ Sông Hương bị đình bản, vì có một bài nhận xét của ông Vũ Tú Nam, thứ nhận xét đầy ác ý. Lợi hứa sẽ gửi cái đó ra Hà Nội cho anh em biết.
20/7
Văn học và dư luận ở Sài Gòn ra đời, có bài chửi Khải ăn nói hàm hồ xạo, chả đọc cái gì mà cái gì tôi cũng nói. Lại có bài chửi Huy Phương cướp nhà của Nguyễn Chí Trung. Ông Nam bình luận (do Nguyễn Kiên kể) báo này chỉ có thể là của một đám nhà văn độc lập.
Có cảm tưởng rằng trong văn học đang có một sự đứt đoạn.
Cái gọi là bộ phận chuyên nghiệp (thật ra không đúng như thế) thì cổ lỗ, trì trệ, sai mấy nhịp so với thế giới.
Trong nước, chỉ còn một thứ văn học tự phát, vụng về, liều lĩnh, nghiệp dư, kém cỏi nhiều vô kể. Với cái thứ cỏ dại này, làm sao mà tạo nên một nền văn học có cấu trúc đàng hoàng
25/7
Từ lâu (hồi ở Văn nghệ quân đội) tôi tưởng mình đã chán nền văn học này, và chán đến như thế là cùng. Nay hóa ra không phải, nó còn có gì đáng khinh bỉ, đáng ghê tởm hơn nữa.Ở các thư viện (như thư viện Hội Nhà văn) bụi phủ đầy trên những quyển sách cũ không ai đọc bây giờ, nó có thể giúp ích cái gì cho con người vào lúc này? Không, không có gì cả. May ra, vài quyển sách nghiên cứu, lại còn đánh dấu cách hiểu một thời, về một vấn đề gì đấy. Chứ sáng tác những tập sách gọi là thơ, là tiểu thuyết đó, nhân danh sáng tạo nhân danh một tấm gương của đời sống, giờ rạn vỡ, bẩn thỉu.
Trong cái hoang tàn đổ nát này, tôi phải chạy trốn, mình phải làm cái việc của mình. Nhưng việc gì, không hình dung nổi, đúng hơn là hình dung ra, nhưng mà không đủ sức để làm. Cái nền văn học mà mình vừa chửi bới đó, mình lại ở trong lòng nó, thuộc về nó, được nó hình thành. Cả sự bát phục tùng và phản kháng của tôi cũng là do nó tiết ra, do nó rèn dạy.
Có vẻ như tôi kiêu căng quá, trong việc cộng tác với báo chí (báo Văn nghệ...), trong việc quan hệ với các cơ quan, làm nghề văn chương (như Trường Viết văn Nguyễn Du)
Nhưng làm sao mà quan hệ theo kiểu cũ được, làm sao mà kính trọng chung quanh được.
Ngồi xem đám họa sĩ vẽ, lòng mình trống rỗng đi vì một nõi buồn khó tả: mình không có khả năng quên hết cả, để dồn vào những việc chân tay như họ. Cái nghề chữ nghĩa, cái nghề oái oăm chết tiệt của mình, mình sống với nó, mà cũng là khổ vì nó.

 3/8
Theo như cách hiểu thông thường (Hữu Vinh, Đăng Bảy) thì bài Kiếm sống của tôi là gây ra khó chịu cho Vũ Quần Phương. Tôi tự nhận là không ác ý gì với Phương, tuy có thể, lâu nay, mình cho cái nghề nói chuyện của Phương chẳng hay ho gì, nên trong điều đã viết vẫn cứ toát ra một sự coi thường, đùa bỡn, gây khó chịu cho bạn.
Tôi nói với Phương đấy ông xem, liệu rồi tôi được mấy đồng... Khốn khổ cho nghề của chúng ta, bao nhiêu chuyện phiền nhiễu mà rút cục chỉ có thế.
Lại nhớ những lần bị những người khác chửi, những Nguyễn Minh Châu(chửi trong dịp viết về ông), những bà Ngân nào đó (chuyện mấy cái bút), cậu Nam bên Kim đồng, ông Diễn v.v.. Mình đã đến lúc nghĩ được rằng con người ta làm sao mà thoát bị chửi được. Song le vẫn buồn, vẫn tê tái cả cõi lòng trong cái buồn tủi buồn nẫu nà của mình.
10/8
Tập san Lá xanh (có bài của tôi viết về kiếm sống) bị đấu tơi tả, bên Văn nghệ quân đội xin ra phụ san không được, lại càng ghét Lá xanh tợn.
Báo Văn nghệ phải tự xác định lại là tờ báo của sáng tác, phê bình, lý luận, thông tin văn học. Nhưng cái giọng khinh bỉ phê bình vẫn ở trong máu họ (báo số 32 lại có bài của một người giáo viên nào đó, Lê Minh Tiết, nói rằng chỉ tin ở sáng tác chứ không thể tin gì ở dân phê bình lý gì cả. Một câu như thế, người ta vẫn coi là chuyện bình thuờng, tai vạ là ở chỗ ấy.)

Báo Nhân Dân, số ra Chủ nhật 11-8 lại có bài Văn học và con người của Đỗ Văn Khang nói rằng phải mô tả con người ngẩng cao đầu, đầy niềm tin đi tới.
Khang chửi bới loại người cho là dân tộc mình không ra gì, và cuộc chống Mỹ là chuyện đáng ra không nên có.
Khang cũng lôi ra nhiều đoạn trong cuốn sách của Bảo Ninh. Chỉ có cái khác là mấy năm trước người ta gọi thẳng tên sách ra mà chửi. Ngày nay thì chỉ nói là có một cuốn như thế còn tên sách là gì cũng không nói.
 Tôi và đồng nghiệp thường bị ám ảnh bởi "trên" nhưng lắm lúc không thấy trên đâu, chỉ thấy những người cùng nghề với mình lại ghét bỏ mình hơn hết.
Trung tâm của mọi sự ghét bỏ Bảo Ninh bây giờ là Văn nghệ quân đội. Lúc đầu nghe nói là họ định hội thảo để phê phán, sau nghĩ thế nào lại thôi, tuyên bố là tạm tha và chỉ đánh, khi Thân phận tình yêu được tặng giải thưởng.
Ngược lại có một bọn (anh em ở nhóm Lá xanh) lại tuyên bố nếu Thân phận tình yêu không được giải họ sẽ có bài phản bác lại. Sẽ tặng một thứ giải thưởng nào đó cho Thân phận tình yêu.

14/8
Ông Lưu Trọng Lư mất 10/8. Thọ 80 tuổi (khai lại là sinh 1911)
Ông Hồ Dzhếnh mất 13/8
Tối nay 14/8 Ti vi đưa tin ông Nguyễn Xuân Sanh thọ 70 tuổi. Có lần nghe một cậu bảo thế này mà thấy đúng. Bảo loại người như ông Sanh không phải là cây cỏ nữa. Cây cỏ còn già. Ông Sanh mấy chục năm nay cứ trơ ra như vậy, quả là giống một thứ sỏi đá bền bỉ thì đúng hơn.
Hôm nay 14/8  BBC có bài đưa tin ngay ở Liên xô bây giờ các nhà văn cũng không biết viết gì họ mất cả niềm tin, người người có tâm huyết như bọn trẻ 4-5 tuổi chập chững làm việc mà lúng túng vô hạn.
Ở Việt Nam cũng vậy.
Càng cảm thấy cần phải viết, người viết văn ở Việt Nam như cái cây bị "dại hoá" hỏng đi, ốm đi, mà bạn đọc như một thứ đất cằn, không ai gieo gì mà đủ sức mọc lên nữa.
16/8
Viết linh tinh đây đó, cho Lá xanh cho Bốn mùa viết xong một mẩu tiểu sử của Xuân Quỳnh, mà chả biết đăng vào đâu. Rồi tôi sẽ có một cuộc sống cũng lang chạ như đã viết chăng, trong sự lang chạ ấy, tìm thấy sự tồn tại của mình.
Tự nhiên, ông Phú tuyên bố trong thời đại này nay, nhà văn không phải là chuyện tác phẩm, bởi có ai đọc tác phẩm nữa đâu.
Nhà văn là một thứ lập ngôn, một sự tồn tại, một cách kêu to với mọi người rằng tôi đang sống, đang viết đây. Chỉ có thế, còn viết gì, không cần biết.
Nhưng mà tôi vẫn tin rằng mình đang sống đúng, sống không có gì là đáng ân hận. Tôi viết được một ít trang cận nhân tình, về Hồ Dzếnh, tôi có cái thẳng thắn cái không bị lừa trong việc nhìn nhận Lưu Quang Vũ. Tôi đang cố gắng để có học, tức cũng là cố gắng dùng văn hóa, để nhìn nhận con người.
Bằng một thứ bản năng thuần hậu từ khi bước vào văn học, tôi đã có con đường đúng. Tôi chống lại mọi sự áp chế. Tôi không thích những chiều nịnh giả tạo. Tôi đặt ra những yêu cầu cao đối với văn học. Cái gốc trong sự nhìn nhận là tôi hiểu con người, hiểu nhu cầu tự do của họ, khao khát của họ mà cũng hiểu rằng họ dễ lầm lạc, họ mong manh lắm, dễ đánh mất mình lắm. Trong tôi cũng có một thứ chủ - nghĩa -Dostoievski - thông - thường, tôi thấy nhu cầu tự do ở khắp mọi nơi, cái nhu cầu tự thực hiện mình ấy, vốn nó còn ghê gớm hơn cả chân lý nữa.

(19/8)
 Nghe tin là có một chỉ thị về chuyện phải tăng cường ý nghĩa của các tác phẩm viết về cách mạng.
Nhưng trên mặt báo, không ai muốn nhắc tới văn học sau 1945 cả. nói tới ngay sau 45, không ai hình dung ra cái gì hết

28/8
 Nghe Ngô Văn Phú nói Thân phận của tình yêu được thảo luận ở báo Văn nghệ 25/8/1991. Trần Đình Sử mở đầu khen lắm, dư luận khen, Ông Kiên nói rằng ở Ban giám khảo, phiếu bầu của Bảo Ninh là 7/9 phiếu, của Dương Hướng (Bến không chồng) cũng thế, riêng quyển của Nguyễn Khắc Trường là 9/9.
Có hai người quan tâm bênh Bảo Ninh, khiến Bảo Ninh trụ được là Nguyễn Khải và Nguyễn Quang Sáng.
31/8
Có những tuần viết mấy bài báo liền. Có những tuần mãi trả làm được trò gì. chỉ ba lăng nhăng cho hết các buổi chiều
Một “tài năng” khá phát triển ở nơi mình, “tài năng” dự định. Hết dự định viết về tiểu thuyết lại dự định viết về văn xuôi nói chung. Dạo này lại hay nghĩ tới làm một tên sách về văn hóa.
Có làm được không, dĩ nhiên là khó rồi. Cái mà tôi làm được thường chỉ là những bài viết ngắn, những bài báo có tính cách chân dung, mà giá kể, tập hợp lại cũng làm nên một cái gì đó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: