Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Bước đại nhảy vọt lùi của Trung Quốc – Phần cuối

Một điều đáng quý của hệ thống cũ là cách nó khuyến khích chính quyền địa phương – ở cấp làng xóm, cấp thị xã và cấp tỉnh – thử nghiệm các sáng kiến mới, từ việc xây dựng những thị trường tự do cách đây 4 thập kỷ cho tới việc cho phép tư nhân sở hữu đất đai gần đây. Những thử nghiệm như vậy đã biến Trung Quốc thành một đất nước với hàng trăm phòng thí nghiệm chính sách, cho phép họ thử nghiệm các giải pháp khác nhau cho các vấn đề khác nhau một cách an toàn, thầm lặng và ít rủi ro trước khi quyết định xem liệu có nên mở rộng quy mô của chúng hay không. Hệ thống này đã giúp Bắc Kinh tránh khỏi những sự vô lý và những sai lầm tai hại mà họ đã mắc phải dưới thời Mao Trạch Đông – chẳng hạn như trong thời kỳ Đại nhảy vọt 1958 – 1962, các nhà quy hoạch ở trung ương đã nhấn mạnh rằng nông dân Tây Tạng phải trồng lúa mì, bất chấp thực tế rằng vùng núi khô cằn ở đây hoàn toàn không phù hợp với loại cây lương thực này.
Đương nhiên, Bắc Kinh phải chấp nhận mức độ tự trị nhất định để cho phép các quan chức địa phương thử nghiệm những cái mới. Trái lại, Tập Cận Bình dường như coi kiểu tư duy độc lập như vậy là một mối đe dọa không thể dung thứ. Theo chỉ thị của ông, chính phủ đã bắt đầu ngăn chặn các chương trình thí điểm quy mô nhỏ. Sebastian Hellmann thuộc Đại học Trier của Đức ước tính rằng số lượng thử nghiệm cấp tỉnh đã giảm từ 500 năm 2010 xuống còn 70 vào năm 2016, và con số này có lẽ còn giảm xuống mức thấp hơn nữa kể từ đó đến nay. Thế chỗ cho chúng, các chính sách một lần nữa được chỉ định từ trên xuống mà không quan tâm tới những điều kiện ở địa phương.
Một ví dụ cuối cùng: Cũng giống như việc ngành công nghệ của Trung Quốc nổi tiếng với hành vi đánh cắp và áp dụng những sự đổi mới của nước ngoài, các quan chức Trung Quốc từ lâu đã làm điều tương tự ở cấp độ chính sách, nghiên cứu cẩn thận những giải pháp đã phát huy tác dụng ở các quốc gia khác, sau đó rút ra bài học để áp dụng trong nước mình. (Đương nhiên, ví dụ điển hình nhất của tiến trình này chính là việc xây dựng các thị trường tự do của Trung Quốc, vốn được đúc rút từ các mô hình của Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ). Giống như những đổi mới khác của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình cũng đã cắt giảm hoạt động này bằng cách gây nhiều khó khăn hơn cho các quan chức chính phủ trong việc tương tác với người nước ngoài. Năm 2014, chính quyền bắt đầu tịch thu hộ chiếu của các quan chức. Giống như rất nhiều hạn chế khác của chính phủ gần đây, động thái này được biện minh trên danh nghĩa là chống tham nhũng – ý tưởng này bề ngàoi là để ngăn chặn các quan chức tha hóa biến chất chạy trốn khỏi đất nước. Nhưng thực tế là việc chính sách này gần đây đã được mở rộng xuống tới tất cả các giáo viên tiểu học và được củng cố bởi những hạn chế khác có liên quan – các quan chức giờ đây phải được cấp phép mới được tham dự những cuộc gặp và những buổi hội thảo ở nước ngoài, và phải kê khai thời gian ở nước ngoài của họ trên cơ sở từng giờ một – cho thấy việc hạn chế tiếp xúc với người ngoài và những ý tưởng của họ mới là ưu tiên thực sự.
Sự đàn áp của Tập Cận Bình có ý nghĩa gì đối với tương lai của Trung Quốc và đối với chúng ta? Mặc dù luôn phải thận trọng khi đánh cược vào Trung Quốc – lịch sử được nêu ra một cách chi tiết ở phần trên cho thấy đất nước này rất giỏi tìm cách vượt qua những vấn đề mà về mặt lý thuyết lẽ ra sẽ kìm nén họ – nhưng ta khó tránh khỏi kết luận đáng lo ngại rằng Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang nhanh chóng trở nên giống như một nhà nước theo chủ nghĩa dùi cui điển hình hơn là một trường hợp ngoại lệ.
Ở cấp độ trong nước, việc hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã và đang ngày càng trở nên kém nhanh nhẹn và thành thạo. Không khó để tìm ra ví dụ về cách tiếp cận cứng nhắc hơn này và những nhược điểm của nó. Hãy xét tới mùa Đông năm 2017, khi chính phủ quyết định đột ngột buộc cả nước chuyển đổi từ việc sử dụng than đá sang sử dụng khí đốt trong các hệ thống sưởi. Đây có vẻ là một động thái thông minh đối với một quốc gia ô nhiễm như Trung Quốc. Nhưng sắc lệnh này đã được thực thi đột ngột nên nhiều lò đốt than bị phá dỡ trước khi kịp lắp đặt các lò đốt khí mới – khiến cho cả thị trấn không được sưởi ấm và buộc dân làng phải đốt lõi ngô để sống sót.
Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo tiến trình hiện tại của mình, thì hãy trông đợi thêm nhiều trường hợp mà trong đó, các chính sách với chủ ý tốt được thực thi một cách hấp tấp và vụng về, dẫn tới những hậu quả còn tai hại hơn. Vì các chế độ độc tài cá nhân buộc phải tỏ ra yếu kém trong việc thừa nhận sai lầm – do không thể để bất kỳ điều gì làm tổn hại tới câu chuyện thần thoại về nhà lãnh đạo toàn năng – nên một khi Trung Quốc mắc sai lầm, nước này cũng sẽ có khả năng trở nên kém thành thục hơn trong việc sửa chữa chúng. Hoặc trong việc đối mặt với những vấn đề cơ bản đang kéo nền kinh tế nước này đi xuống, chẳng hạn như tình trạng phụ thuộc quá mức vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOE) quá khổ và thiếu hiệu quả, mà chỉ ngày càng bành trướng và nắm trong tay nhiều quyền lực hơn kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền; tỷ lệ nợ cao đến mức nguy hiểm, đặc biệt là ở các chính quyền địa phương; và xu hướng phản ứng trước mọi sự suy thoái bằng cách bơm thêm tiền mặt vào hệ thống, đặc biệt là cho các dự án cơ sở hạ tầng không cần thiết. Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ không có khả năng giải quyết bất kỳ thiếu sót nào trong số này, mà còn có khả năng khiến chúng trở nên phức tạp. Đó chính là điều mà nước này đã làm vào ngày 7/10, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố một chương trình kích thích kinh tế tốn kém khác: một kế hoạch trị giá 175 tỷ USD nhằm củng cố các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với mỗi động thái ngốn nhiều ngân sách mới, và trong bối cảnh không có cải cách, khả năng Trung Quốc sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế gây bất ổn nghiêm trọng – điều mà những người có thái độ bi quan đối với Trung Quốc, chẳng hạn như Ruchir Sharma, giám đốc phụ trách các thị trường đang nổi tại Morgan Stanley, đã dự đoán trong nhiều năm – tiếp tục gia tăng. Gabuev nói: “Câu hỏi lớn là liệu một trong những quả bom hẹn giờ – nợ xấu, thị trường bất động sản quá nóng, các SOE quá khổ – có phát nổ hay không. Vì sự tập trung quyền lực của Tập Cận Binh, sẽ chẳng có ai cảnh báo trước cho ông rằng một trong những quả bom này sắp phát nổ. Vì ông không thực sự hiểu rõ về kinh tế vĩ mô và tất cả mọi người đều sợ gây mâu thuẫn với vị hoàng đế này, nên ông rất có nguy cơ sỡ xử lý nó một cách sai lầm khi điều đó xảy ra”. Quả thực, chính phủ có khả năng phản ứng tiêu cực trước bất kỳ sự bất ổn nào. Theo lời giải thích của Schell: “Tập Cận Bình thực sự đã đặt Trung Quốc vào tình thế vô cùng rủi ro. Và vì sự đàn áp là công cụ duy nhất ông có, nên nếu tình hình chuyển biến xấu, chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến nhiều cuộc đàn áp hơn nữa”.
Những dự đoán như vậy chắc hẳn khiến cho bất kỳ ai cũng phải lo lắng. Theo một số thước đo, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, do vậy nếu nó sụp đổ, cả hành tinh này sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, lịch sử của các chế độ chuyên quyền, chẳng hạn như nước Nga của Vladimir Putin hay Triều Tiên của Kim Jong-un, cho thấy cuộc chơi quyền lực không nhân nhượng của Tập Cận Bình có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn tồi tệ hơn. Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã vạch ra một chính sách đối ngoại hung hăng hơn nhiều so với ch1inh sách của những người tiền nhiệm, khiến cho hầu hết các nước láng giềng và Mỹ xa lánh bằng cách thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), đe dọa Đài Loan, và sử dụng quân đội để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những hòn đảo tranh chấp.
Nếu các vấn đề kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, Tập Cận Bình có thể tìm cách gia tăng căng thẳng trên bất kỳ mặt trận nào trong số này để khiến người dân xao lãng và không để ý tới cuộc khủng hoảng trong nước. Sự cám dỗ đó sẽ tỏ ra đặc biệt mạnh mẽ nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục kích động Trung Quốc bằng cách tăng cường chiến tranh thương mại và công khai lên án nước này.
Bùi Mẫn Hân cảnh báo rằng tình hình còn có thể trở nên đáng sợ hơn nếu các vấn đề kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong trường hợp đó, nhà nước Trung Quốc có thể sụp đổ – điều thường diễn ra ở các chế độ độc tài điển hình khi phải đối mặt với những cú sốc về kinh tế, các mối đe dọa từ bên ngoài (đặc biệt là thất bại trong chiến tranh), hoặc tình trạng náo động dân chúng, nhưng là một diễn biến có thể dẫn tới những hậu  quả gây biến động lớn nếu nó diễn ra ở Trung Quốc, khi xét đến độ lớn của nước này.
Đó là lý do giải thích tạo sao chúng ta nên hy vọng rằng bằng cách nào đó, Trung Quốc sẽ tìm ra cách để một lần nữa chống lại được sức ảnh hưởng chính trị và duy trì tính ngoại lệ củ mình đối với tất cả các quy tắc – bất chấp những nỗ lực đang diễn ra của Tập Cận Bình khiến cho nước này trở thành một trường hợp bình thường, với ý nghĩa tiêu cực nhất của từ này.
TLTKĐB – 24/10/2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: