Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Lý tưởng và sự thực hành lý tưởng đó


FB Lê Nguyễn Duy Hậu 31-1-2019 

Trong một thế giới song song, có lẽ những nhà dân chủ (theo đúng nghĩa của nó) và những người cộng sản (thuần tuý) sẽ là đồng chí của nhau. Bởi lẽ giữa họ chia sẻ một giả định, hay nói đúng hơn là một niềm tin, vào tính hướng thiện của con người. Cả hai lý tưởng đều tin rằng con người là như nhau và cần phải hưởng sự bình đẳng để đạt được tự do.
Image result for Dân chủ lẫn cộng sản
Điểm khác nhau có lẽ chính là cách làm. Để đạt được tự do, người dân chủ tin vào bình đẳng chính trị (hay bình đẳng về cơ hội). Còn người cộng sản tin vào bình đẳng kinh tế (thông qua việc xoá bỏ giai cấp). Người dân chủ vẽ ra viễn cảnh xã hội mà ai cũng đầy đủ thông tin và tri thức để bầu cử. Người cộng sản tin vào một xã hội ai cũng đủ nhận thức để làm hết sức mình và chỉ tận hưởng theo nhu cầu của bản thân. Cả hai xã hội đều là hai xã hội có sự tin tưởng rất lớn, có vốn xã hội rất cao.


Tất nhiên, không một xã hội nào đạt được hai viễn cảnh đó cả. Con người vẫn đang khó chịu khi người khác không làm gì mà vẫn được hưởng. Cũng như khó có ai chấp nhận rằng tay ăn mày giương bảng “Cho tôi 1 đô-la hoặc tôi sẽ bầu cho Trump” cũng sẽ có một phiếu như một vị tiến sĩ nào đó. Thế nhưng, các thực hành dân chủ vẫn tồn tại, cũng như các thực hành cộng sản vẫn tồn tại (một Nhà nước phúc lợi ở Nauy chẳng phải là rất cộng sản sao?).

Mọi thứ chỉ đi chệch hướng khi những nhà cách mạng và những tay chính trị gia xuất hiện. Dân chủ lẫn cộng sản trở thành những thứ lý tưởng được đem đi áp đặt vì các mục tiêu khác nhau, có thể là vì đức tin hoặc cũng có thể là vì quyền lợi. Những nhà cách mạng hay những tay chính trị gia là những người thực hành, và họ “uyển chuyển” với lý thuyết đến mức xa rời nó.

Lenin đã đi ngược với Marx (người tin rằng cách mạng phải cùng bùng nổ khi số đông quần chúng đã giác ngộ) khi nghĩ rằng để đạt được bình đẳng thì cần phải đi qua sự bất bình đẳng cực đại (khi tin rằng cách mạng là do một nhóm tiên phong lãnh đạo và quần chúng cần phải làm theo – còn gì bất bình đẳng hơn?).

Stalin thì còn tệ hơn khi hiện thực hoá giấc mơ của Lenin rằng để Nhà nước tiêu vong thì cần xây dựng một… Nhà nước cực đại. Pol Pot là tệ hại nhất khi mông muội cho rằng cần phải thay đổi một lớp người cũ bằng lớp người mới để đạt được xã hội thiên đàng. Maduro thậm chí còn không đáng để chúng ta đưa vào danh sách.

Về phía dân chủ cũng không thiếu những tay như vậy. Bush nghĩ gì khi thấy bắt ép một Iraq chưa chuẩn bị cho một nền dân chủ phải dân chủ? Reagan đã nghĩ gì khi can thiệp vào Grenada? Còn Philippines, Thái Lan thì sao? Còn Trump? Ai dám bảo gã đại diện cho lý tưởng dân chủ?

Những nhân vật đó có thể tin vào một chủ nghĩa và thực hành theo chủ nghĩa đó, nhưng dứt khoát không đại diện cho cái lý tưởng kể trên.

Bài học đó chính là khi tìm hiểu một lý tưởng nào đó, xin hãy bắt đầu và kết thúc bằng sự chiêm nghiệm lại những lý thuyết thuần tuý và chớ để các thực hành đang hiện hữu làm ta lúng túng, vì có thể nó không phản ánh được bản chất của lý thuyết nguyên mẫu đó. Nếu đi hết một vòng xem xét lý thuyết – thực hành – đối chiếu lý thuyết và thực hành đó, có lẽ ta sẽ có cái nhìn khoan dung hơn với những lý tưởng vẫn đang chảy và chi phối thế giới ngày nay.

Và cuối cùng, hoá ra ông trăm tuổi trong tiểu thuyết của Jonas Jonasson đã nói đúng: “giải pháp đôi khi chỉ là để các bên cùng ngồi lại và nốc cạn một chai vodka và cùng nhìn về phía trước“.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: