Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

“CUộC CHIếN BIÊN GIớI TÂY NAM” và ANH TÔI LẠI ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI


đăng báo VNTB
***
Tuần cuối năm 2018, bộ máy tuyên giáo mở đợt “Triển lãm cuộc chiến Việt Nam- Campuchia 1975 – 1978- 1989” trên đài truyền hình quốc gia VTV.
Bất ngờ trưa hôm 30/12/2018 lúc 12h30 tôi nhận được điện thoại của anh trai từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Anh dẫn đoàn 5 người qua đất Campuchia tìm hài cốt đồng đội năm xưa. Anh là trưởng đoàn, cùng với 3 người thân nhân liệt sĩ quê Hà Nam và đặc biệt còn có nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa, thường gọi cô Năm Nghĩa, cựu thượng úy. Anh nói vừa xuất trình hộ chiếu và CMND đi qua cửa khẩu, mới bước chân sang tỉnh Kompon Cham rồi đi Prey Veng. Anh hẹn khi quay về chỗ này sẽ gọi lại tôi và sẽ đến thăm chúng tôi. Điện thoại cắt sóng.
Cách đây mấy năm, anh đã dẫn gia đình liệt sĩ ấy đi CPC tìm mộ đồng đội theo yêu cầu gia đình. Tuy nhiên ở nơi người đồng đội hi sinh mà anh tự tay chôn cất, mặt đất nay đã thay đổi nhiều, không còn thấy đâu là cái bờ ruộng và hàng cây ghi nhớ gần một ngôi chùa…Thất vọng trở về.
Vậy là, cuối 2018 năm nay gia đình vẫn tha thiết đi tìm liệt sĩ, đã nhờ cậy bà Năm Nghĩa nhà ngoại cảm nổi tiếng (và khá phức tạp còn nhiều nghi vấn) hiện sống ở thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu cùng đi tìm.
Trong khi hồi hộp chờ đợi anh về và kết quả, tôi nhớ lại cuộc chiến biên giới An Giang- CPC kinh hoàng cách đây hơn 40 năm trong ký ức cảm giác của chính mình.
Năm 1978 tôi sống ở ven bờ sông Hậu, bên quốc lộ 91 xuyên dọc thị xã Châu Đốc- Long Xuyên- Cần Thơ. Trong suốt 5, 6 đêm chính tai tôi nghe tiếng súng pháo nổ uỳnh oàng, nghe đài báo nói sơ sơ quân Khmer đỏ, tức bọn cộng sản CPC vượt biên giới tấn công bất ngờ thảm sát dân ta. Nghe đài BBC,VOA tường thuật rõ ràng hơn đài báo ta. Cách biên giới theo đường chim bay ước 60 km, sao tôi lại nghe tiếng súng phaó rõ như thế ? Sau tôi tự giải thích dòng sông Hậu thấp hơn mặt bằng xung quanh hai bờ, như một cái ống khổng lồ dẫn âm thanh đi xa xuôi dòng về phiá hạ lưu (tức Cần Thơ)… Nhà ngay ven đường 91, tôi nhìn thấy những người phụ nữ Khmer (bên kia và bên này biên giới) và người Việt đeo giỏ xách, dắt những em bé, mặt bóng mồ hôi, tóc rũ rượi, hoảng hốt đi dọc lộ, đi chừng nào mệt thì nghỉ, tạt vào những gầm cầu xi măng dọc lộ ngủ lại. (sau đó chính quyền địa phương dọc lộ bố trí giúp họ nơi ăn nghỉ tạm, chờ khi biên giới AG- CPC ổn định thì quay về). Ngày và đêm những đoàn xe tăng, xe quân sự rầm rầm hành quân ngược lại, từ phiá Cần Thơ hướng lên biên giới, xe chạy sát bên vách nhà tôi, rung rinh cả sàn nằm ngủ…
Khi quân đội VN tiến sâu đánh vào CPC, vùng biên trở lại yên ổn, chúng tôi đi lên thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, AG thăm nơi bị CPC cộng sản tàn sát. Ngôi chùa Phi Lai máu đỏ vung vãi khắp các bức tường, hơn 3 000 xác chết dân thường được gom lại từ các cánh đồng, hàng nghìn đầu lâu vỡ nứt được xếp trong một số nhà kính.
Tôi căm thù bọn cộng sản Campuchia không lời nào tả xiết.
Tôi cũng biết rằng đứng sau hỗ trợ bọn diệt chủng là kẻ thù Trung cộng. Anh tôi từng kể toàn bộ vũ khí và quân dụng của bọn Khmer Đỏ đều mang nhãn hiệu Made In China.
Anh tôi kể về cuộc tìm mộ: Bên ngôi chùa ở tỉnh Prey Veng, anh xác định được mảnh ruộng gần chùa nơi anh chôn cất liệt sĩ.
Bà ngoại cảm đốt nhang khấn nguyện: “Nếu chú sống khôn thác thiêng hôm nay hiện về chỉ rõ nơi chú nằm, cho đồng đội biết. Chú nhập vào quả trứng này cho thân nhân và đồng đội nhìn thấy” (tôi chỉ thuật ý không đủ nguyên lời).
Bà xòe một bàn tay, duỗi thẳng 5 ngón, ngửa lên, tay kia đặt quả trứng gà nằm gọn trong lòng tay. Quả trứng từ từ dựng đứng lên trên bàn tay (đầu to nằm dưới, đầu nhỏ chĩa lên trời). Có nghĩa, vong hồn liệt sĩ đã nhập vào quả trứng. Bà ngoại cảm khấn tiếp: “chú hãy chỉ chỗ chú nằm cho chúng tôi thấy. Chú đồng đội này cũng còn có chú ruột là liệt sĩ chống Pháp chưa tìm thấy hài cốt, cũng đã lặn lội đường xa cùng ba người con của chú lần trước năm 2013 đi tìm chưa được, chú hãy giúp họ. Chú nằm hướng nào thì xin chỉ ra”. Quả trứng từ từ đổ ngang, đầu nhọn chỉ ra một hướng. Anh tôi và ba người con liệt sĩ đi theo hướng đó… Không gian được chọn khoanh vùng từ trước khá hẹp, anh tôi đặt nhát xẻng xuống mặt đất đào thử, vài lần. Bà ngoại cảm nhặt cục đất lần lượt ngửi và sau cùng bảo chỗ này, vì bà đã ngửi thấy mùi xương người. Đoàn đào sâu xuống, bà tiếp tục ngửi và xác định hài cốt đã nát tan vào đất cát. Đoàn xúc một ít đất, chừng mấy kí lô, bỏ vào bọc, mang về.
Tôi hỏi anh tôi có tin tưởng kết quả này không.
Anh ngập ngừng nói cũng rất khó tin. Có điều, bà ngoại cảm nói đúng hoàn cảnh gia đình chúng tôi có người chú ruột liệt sĩ mất hài cốt từ trận đầu chống Pháp năm 1946 ở Hà Nội, mà anh chỉ mới quen biết bà ngoại cảm vài bữa nay, chưa hề nói chuyện gia đình với bà ấy. Dù sao cũng cảm phục bà ấy.
Tôi hỏi anh về bối cảnh cuộc chiến mà đồng đội anh hi sinh ở tỉnh Prey Veng.
Anh kể:
Năm ấy 1973 quân ta có quan hệ khá tốt với Cộng sản Khmer (Khmer Đỏ). Họ giúp quân ta đóng quân trên đất họ như là hậu cứ trong cuộc chiến miền Nam Việt Nam. Lúc này tình hình chính trị CPC phức tạp, nhiều phe phái.
Ở một ngôi chùa Phật tỉnh PreyVeng, quân ta xây dựng một trạm lương thực. Giao cho hai bộ đội canh giữ và phân phối lương cho các đơn vị trong tỉnh đến nhận. Đêm đó, một bọn người lạ đột nhập vào chùa, dí súng bắn chết 1 bộ đội, người kia may mắn đi vắng nên sống sót. (Nhưng sau đó chuyển về miền Nam và anh ấy lại hi sinh ở chiến trường B). Đơn vị cử anh tôi đến ngôi chùa chôn cất đồng đội hi sinh và thay thế làm công tác phân phối lương thực. Người bộ đội xấu số được chôn tại một mảnh ruộng gần chùa.
Vì người liệt sĩ năm 1973 mà anh tôi và thân nhân đi tìm mộ hai lần rồi.
Tôi hỏi các anh có biết ai bắn người bộ đội đó.
Anh nói:
– Du kích Khmer Đỏ chứ ai.
– Sao kỳ vậy, quan hệ hai Đảng lúc ấy đang tốt mà ?
– Không hẳn, bọn Khmer Đỏ sống hai mặt. Nó vẫn cứ ghét Việt cộng. Nó tuyên truyền cho binh lính và dân chúng, ai lấy trộm được súng đạn của bộ đội Bắc Việt thì được khen thưởng (!).
Năm 2013 anh tôi và thân nhân đi tìm mộ lần đầu, được biết ngôi chùa sau này đã xây dựng sửa chữa tôn tạo chùa, xe cẩu múc đất xung quanh làm mặt đất biến dạng và gây khó cho Đội qui tập hài cốt và anh tôi suốt từ 2013 đến mấy ngày đầu 2019.
Đoàn đã tìm được mộ liệt  sĩ  ở tỉnh Prayveng, quay trở về Bà Rịa sau một ngày mệt mỏi… Chiều tối hôm qua anh đến thăm tôi. Kể chuyện. Có vấn đề rắc rối về thủ tục. Chờ sáng mai qua nghỉ Lễ tế dương lịch sẽ đi  đến Tỉnh đội L. làm thủ tục giấy tờ đưa bọc đất trộn cốt về quê.
Lại thêm một ngày Đoàn tìm mộ lặn lội tìm đến Đội qui tập liệt sĩ tỉnh L. xin xác nhận hài cốt. Họ trả lời tỉnh bơ vì không trực tiếp đi qui tập nên không xác nhận.
Hãy cùng nhìn lướt quá trình Lịch Sử Khmer Đỏ
 Khmer Đỏ tên chính thức Đảng Cộng sản Campuchia thành lập 1951 tách ra từ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG và sau này đổi tên “Đảng Campuchia Dân chủ”, là một tổ chức chính trị nhờ cậy Đảng CS Việt Nam hỗ trợ mà được cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979.
 Ban đầu Khmer Đỏ tuyên bố đi theo chủ nghĩa Cộng sản, thế nhưng sau những mâu thuẫn nội bộ và việc thủ lĩnh đảng là tổng bí thư Pol Pot tiêu diệt những đảng viên phản đối tư tưởng cực đoan của ông ta (trong đó có nhóm trung tá Hunsen), Khmer Đỏ đã dần trở thành một tổ chức theo chủ nghĩa bài ngoại. Tới năm 1981, Khmer Đỏ chính thức tuyên bố họ không đi theo chủ nghĩa Cộng sản.
 Thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia chấm dứt khi quân đội Việt Nam đổ quân đánh chiếm Campuchia vào năm 1979, lật đổ chính quyền của Pol Pot và lập nhà Nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Hun Sen lên làm thủ tướng. Chế độ Khmer Đỏ đã giết chết khoảng 2 triệu người (trong tổng dân số 7,1 triệu) bằng nhiều cách dã man nhất – thường được so sánh với chế độ của Adolf Hitler.
Trong thời gian cầm quyền, chính quyền Khmer Đỏ đã được hậu thuẫn bởi Trung cộng, vì muốn cô lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc đó đang được Liên Xô hậu thuẫn.
Năm 1979, Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ, với lý do đưa ra là trả thù hơn chục ngàn dân Việt vùng biên giới bị tàn sát dã man..
 Kết
Ngày 7 tháng 1 năm 1979 , chuẩn úy Trần Ngọc Giao, 25 tuổi, trưởng xe tăng số hiệu 975 củng quân đoàn 4 tiến vào giải phóng thủ đô Phnompenh. Thủ đô hoang vắng không có dân chúng (bị đuổi tất ra khỏi thành phố từ nửa năm trước), chỉ có lính Polpot cố thủ và cuối cùng chịu không nổi bỏ chạy.
Từ đây mở ra 10 năm chiến tranh tìm diệt của quân đội Việt Nam và kháng chiến kiểu du kích của quân Khmer Đỏ… Các thế lực phản động Mỹ, Thái Lan, Trung cộng ra sức yểm trợ bọn Khmer Đỏ lưu vong bên đất Thái. Năm 1989 chính quyền của Đảng Nhân dân CPC của Hunsen đã nắm vững kiểm soát, ta còn giúp họ xây dựng lại đất nước tan hoang,  Mỹ và phương Tây ra sức đả kích Việt Nam “xâm lược” Campuchia và cấm vận kinh tế. Quân ta rút về hết. Tạm để lại hài cốt hàng chục ngàn liệt sĩ.
KẾT
CUỘC “TAM CỘNG DIỄN NGHĨA” đã vỡ ra và đang chuyển qua một tình thế mới.
Chỉ còn HAI CỘNG SẢN giữ danh hiệu gốc chưa cam lòng gỡ bỏ.
Người cộng sản Khmer không còn mặt mũi nào mang cái tên cũ đẫm máu man rợ, vội vã đổi tên là “ĐảNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA”. Không thể “kiên trì lý tưởng cộng sản”, họ nêu cao lý tưởng dân tộc, tuyên bố từ bỏ ý thức hệ Mác Lê Nin.
Trong khi Trung cộng và Việt cộng hiện giờ ra sức co kéo “Cựu Cộng Sản Khmer” về phe mình thì anh ruột tôi vẫn kiên trì đi tìm mộ đồng đội chết tại CPC năm 1973.
Và mấy bữa nay, đầu năm 2019, anh tôi vẫn thấp thỏm theo yêu cầu của gia đình liệt sĩ ở tỉnh Hà Nam đi gõ cửa một ông cựu tướng QK7 ký cho cái giấy xác nhận hài cốt. Đủ thủ tục như vậy, bọc đất pha xương mục kia mới được chính quyền địa phương đón tiếp, làm lễ truy điệu và cho một thước đất trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà nơi đồng chiêm trũng Hà Nam. Khi tôi viết những dòng này, anh tôi và ba người con liệt sĩ vẫn còn ôm “bọc đất Khmer” lưu lại đất Sài Gòn chờ một chữ ký.
Sáng nay cuộc Lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng bọn diệt chủng Polpot diễn ra ở Hà Nội, trực tiếp trên VTV. những diễn văn của hai bên Việt và CPC đều cân nhắc từng con chữ. Hai bên đều né tránh gọi Polpot là “đảng cộng sản” và không hề nhắc đến “kẻ nước ngoài chống lưng cho Khmer Đỏ”.
GN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: