Trong vụ việc 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' Việt Nam không chỉ gặp rắc rối lớn với Đức mà còn cả Czech, Slovakia và các nước EU, nhà báo Lê Trung Khoa - tổng biên tập trang thoibao.de từ Berlin nói trong cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 3/5.
Ông cũng nói rằng thủ tướng Slovakia đã hứa cam kết hỗ trợ ở mức cao nhất chính phủ Đức để việc điều tra được diễn ra một cách tốt đẹp và đầy đủ.
Đức - Slovakia hợp tác điều tra
Truyền thông Đức trong những ngày gần đây nói rằng Slovakia 'có thể đã có dính líu' vào 'vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh' hồi tháng 7/2017 tại Berlin.
Trong cuộc họp báo chung tại Berlin chiều 2/5, thủ tướng hai nước Đức và Slovakia lần đầu tiên chính thức công bố đang điều tra vụ việc và hợp tác để làm rõ mọi vấn đề.
"Ngay từ đầu, thủ tướng Đức trong cuộc họp báo đã nói về việc Đức và Slovakia là những nước nằm trong Liên minh châu Âu và họ có chung đường biên giới và họ có những trách nhiệm và nghĩa vụ để bảo vệ chủ quyền của họ," nhà báo Lê Trung Khoa nói.
Thực chất, thông tin về việc Slovakia bị nghi 'dính líu' vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã được Đức điều tra "khoảng 8 tháng nay rồi nhưng họ lẳng lặng họ làm, không công bố những thông tin này lên các phương tiện truyền thông", ông cho biết thêm.
Tác động đến VN và cộng đồng người Việt ở châu Âu?
Trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh chính phủ Việt Nam không chỉ "gặp rắc rối lớn với Đức" mà "khi sự việc liên quan đến cả Czech và Slovakia ở tầm cỡ chính phủ thì điều đó sẽ gây rắc rối rất lớn," ông Lê Trung Khoa nhận xét.
Việc lần đầu tiên thủ tướng Đức và Slovakia cùng công bố về vụ việc Trịnh Xuân Thanh trong cuộc họp báo, theo ông Khoa điều này "là rất nghiêm trọng".
"Lần này họ sẽ làm triệt để không phải chỉ ở Đức, ở Czech, ở Slovakia mà toàn bộ trên những nước ở Châu Âu này nơi mà có các ĐSQ, cơ quan đại diện của Việt Nam hoặc là những đối tượng mà Đức có thể nghi ngờ đấy là mật vụ của Việt Nam cài lại thì họ sẽ nhân dịp này bóc tách hệ thống này ra khỏi châu Âu để tránh hậu họa về sau có thể xảy ra những vụ việc tương tự như vậy," ông Khoa nói.
Tòa án Đức đang xét xử một người, được nêu tên là Long N. H, bị cáo buộc có liên quan tới vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' và các hoạt động gián điệp.
Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.
"Vụ việc Trịnh Xuân Thanh xảy ra tháng 7/2017 nhưng bây giờ được đẩy lên một cấp độ phức tạp nghiêm trọng hơn nữa khi phía Đức quyết định đưa vụ án ra xét xử với những người có liên quan, đặc biệt là đối với những người không có thân phận ngoại giao," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam) nói trong cùng buổi thảo luận hôm 3/5.
Ông cho rằng Việt Nam đã đánh giá thấp "về nhà nước pháp quyền Đức, cái kỷ cương pháp luật của nước Đức như một nhà nước pháp quyền tiên tiến" và về "uy tín của nước Đức".
Ông Hoàng Ngọc Giao nói: "Tôi cảm thấy buồn và cũng rất là thất vọng."
"Không chỉ quan hệ giữa Việt Nam với Đức mà còn quan hệ Việt Nam với EU chắc sẽ bị tổn hại rất lớn trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh."
Ông Lê Trung Khoa hiện đang sống và làm việc ở Đức nói trong buổi thảo luận:
"Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thực sự đã gây ra xáo trộn, gây ra những hậu quả rất lớn với kiều bào Việt Nam ở Đức, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đang có mối quan hệ làm ăn và đang có đầu tư trong nước.
"Đem lại bất an cho những người Việt Nam ở đây, đặc biệt là những người đi trước năm 1975 bởi vì họ cũng rất lo ngại trường hợp bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được thì người khác cũng có thể bị bắt cóc như ông ấy."
Trịnh Xuân Thanh tự thú có hợp logic?
Cho rằng việc nhà nước Việt Nam đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú là không hợp logic, nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan nói trong cùng buổi thảo luận hôm 3/5:
"Về mặt logic thông thường có thể thấy rằng là một người đang sống sung sướng ở một quốc gia tự do lại đang có vợ con ở bên cạnh thì có ai mà có thể tự về Việt Nam để chịu án tù, hai án chung thân không."
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam bằng hộ chiếu của mình thì "dù ông ấy có xuất cảnh qua bất kỳ một cửa khẩu nào của EU thì ông ấy phải để dấu vết ở trên đó."
"Thứ nhất là trong hệ thống máy tính của EU; thứ hai là hình ảnh của ông ấy người ta có thể tìm thấy được trên các camera," bà lập luận.
Do đó, nhà báo Mạc Việt Hồng cho rằng "điều này không hợp với logic của câu chuyện tự thú."
Ông Trịnh Xuân Thanh vào Đức và xin tị nạn chính trị; do đó, hộ chiếu của ông được chính quyền Đức giữ lại để làm thủ tục, nhà báo Lê Trung Khoa giải thích.
"Khi ông Trịnh Xuân Thanh không có hộ chiếu Việt Nam trong tay thì như vậy không thể nói là ông về tự thú được mà ông phải đi bằng con đường nào đó mà tòa án Đức đang tìm và chứng minh việc đó là chuyện bắt cóc," ông nói.
BBC
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét