Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Nhìn thời cuộc, nhớ tới nhà báo Trường Phước


Kỷ niệm 14 năm ngày mất của anh Trường Phước

 Nhìn thời cuộc, nhớ tới nhà báo Trường Phước
Đọc bài này: Ông từng “chống lệnh” Dũng để giúp nhiều nhà báo, trong đó nhà báo Hoàng Hải Vân đã viết về những khó khăn, nguy hiểm khi các nhà báo của tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, bị chính các cơ quan lãnh đạo Đảng, Công An điều tra gây khó dễ, mình đã viết bình luận: Buồn mỗi khi đọc những câu thế này: "Nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn, nhà thơ Thanh Thảo…, các vị này đều bị cơ quan an ninh liệt vào hàng “địch” cả". Đời mình đã được nghe lãnh đạo, công an nói nhiều lần câu này; họ thấy bất cứ ai không đồng tình với mình nhiều lần hoặc khi bàn về một việc hơi quan trọng nào đó là liệt ngay người đó vào danh sách "địch", "thù địch"... cần trừng trị. (...) Thối nát, bất công, sai lầm nối tiếp sai lầm...nhưng tất cả chúng ta đừng bao giờ chùn bước, đừng bao giờ mất niềm tin. Đất nước nhất định sẽ có ngày đứng lên; người dân nhất định sẽ có ngày giành được tất cả những quyền mà tạo hóa dành cho mình, trong đó có quyền tự do, dân chủ".

Viết đến đây, mình lại nhớ đến nhà báo Nguyễn Trường Phước, một người anh, người bạn kính mến của mình. Anh là người hết sức ủng hộ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ trong những giai đoạn khó khăn nhất. Hôm qua 13/5, mình và chị Dung, vợ anh, đã lên Sơn Tây viếng mộ anh nhân ngày giỗ. Vừa đi vừa nhớ những kỷ niệm về anh; nhớ những lời rất tâm huyết của anh, nhớ ngày anh phụ trách mục „Vấn đề hôm nay“ của VTV, bình luận toàn những vấn đề gai góc nhất, nhạy cảm nhất trong thập kỷ 1990, được cả nước quý mến. Mong các bạn đọc lại một số bài của anh, về anh để hiểu thêm rằng đất nước mình không thiếu người tài, chỉ có điều cần học hỏi để thống nhất quan điểm, cần đoàn kết để tạo ra sức mạnh, cần vững tin vào cuộc đấu tranh của chúng ta, vào tương lai tươi sáng của đất nước; có như vậy mới có thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh với cường quyền.
Vĩnh biệt nhà báo Trường Phước!
Thứ năm, 03 Tháng sáu 2004
Khi nhận được tin anh Trường Phước đã ra đi mãi mãi - trên đất bạn Trung Quốc, sau một tuần được thay quả thận đã ghép cách đây 8 năm bằng một quả thận khác và bước đầu thành công, chúng tôi bị hụt hẫng đến khó tả. Cái sự hụt hẫng vì đã từng ấy năm, những tưởng bằng chuỗi thời gian ấy, quả thận của người khác nằm trong cơ thể anh đã thích nghi và giúp anh kéo dài sự sống có ích ở một con người đầy nghị lực, luôn lấy công việc để quên đi tật bệnh.

Nhưng rồi, điều gì đến nó vẫn cứ đến, như một định mệnh mà con người ta không thể cưỡng lại được. Anh đã mất ngày 27/5/2004 và hôm nay 3/6, di cốt của anh được quàn tại nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Hà Nội để mọi người được tiễn biệt anh lần cuối !

Tôi còn nhớ, anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp đầu những năm 70 rồi được đi học tiếp ở Cộng hòa dân chủ Đức và trở về công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Bọn tôi là lớp đàn em sau anh tới nhiều khóa nhưng lúc ấy, phong cách bình luận của anh trên màn ảnh nhỏ để lại trong sinh viên chúng tôi một sự ngưỡng mộ bởi tính sắc sảo nơi anh, bởi phong cách hùng biện được thể hiện với một chất giọng rất lạ: vừa hào sảng lại vừa truyền cảm cuốn hút được người xem về những vấn đề thời sự nóng hổi. Anh thật sự là một con người làm báo hình có được dấu ấn rất riêng, rất đặc biệt và không thể lẫn với bất cứ ai. Khán giả màn ảnh nhỏ luôn có cảm giác những vấn đề mà nhà báo Trường Phước nêu, ngoài tính thời sự cao, còn đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ để rồi tự lý giải. Còn chính tác giả, anh cũng luôn thể hiện bản lĩnh của mình ở những góc độ khác nhau, sắc sảo nhưng không lạnh lùng. Có lẽ bạn bè và đồng nghiệp chúng tôi quý anh ở cái đó. Ngay cả những đối tượng bị nhà báo Trường Phước phê bình, bị "mổ xẻ", xem ra họ cũng phải nể trọng, suy nghĩ, cầu thị mà khó có phản ứng hoặc cay cú, hằn học được.

Anh Trường Phước là người sống chân thành với bạn bè, đồng nghiệp, có lẽ vì thế mà anh được nhiều người quý mến. Suốt 8 năm vật lộn với bệnh tật, chắc gia đình tốn kém cũng nhiều. Có lần, anh tới báo Thanh Niên và tâm sự với tôi rằng "mình sống được đến giờ nhờ một phần quan trọng vào sự giúp đỡ của bạn bè, không chỉ về tinh thần mà cả về vật chất. Họ thương và giúp mình. Nhiều khi mình có giúp họ được gì đâu. Có một điều, mình thấy thanh thản là trong số bạn bè đã từng giúp mình, điểm lại cũng chưa thấy có "cha" nào vi phạm pháp luật cả cậu ạ! Nếu có thì mình thật buồn và đau lòng lắm!".

Biết anh khó khăn, mỗi khi viết bài cho báo Thanh Niên trong những năm qua, ngoài sự trân trọng thật lòng với những gì tâm huyết mà anh viết, chúng tôi thường trả nhuận bút cho anh nhỉnh hơn chút đỉnh, ấy thế mà anh chẳng chịu nhận lấy lần nào. Anh thường đi xe ôm (vì sức khỏe không cho phép) đến với chúng tôi sau mỗi lần đọc trên Thanh Niên thấy có bài hoặc tin đưa về những hoàn cảnh khó khăn, thương tâm trên khắp mọi miền đất nước cần được cứu giúp, rồi nói: “Cho mình gửi toàn bộ số tiền nhuận bút đó (hoặc tiền túi) đến địa chỉ X, địa chỉ Y. Nhớ là đừng đưa tên và địa chỉ của mình đấy nhé!...". Thật cảm động khi anh tâm sự: "Mình khó khăn cũng như người ta khó khăn. Mình có được nhiều người giúp nên cũng phải nghĩ đến nhiều người khác còn khó hơn mình...".

Năm 2001, khi báo Thanh Niên cùng các đồng nghiệp phanh phui những việc làm đen tối của một số cán bộ cao cấp có dính dáng đến vụ án Năm Cam và đồng bọn, bên cạnh sự ủng hộ của bạn đọc, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn bởi có những ý kiến do thiếu thông tin nên chưa thật tin rằng mức độ "nhúng chàm" ở những nhân vật nọ lại đến vậy nên có nhắc nhở, "sợ" báo chí "đi quá đà". Anh Trường Phước thường đến với chúng tôi, có khi tâm sự suốt cả buổi vừa để chia sẻ, vừa để trao đổi nghiệp vụ và sẵn sàng viết bài bày tỏ quan điểm khi báo cần. Việc làm đó, vào thời điểm đó như giúp thêm dũng khí cho những người làm báo Thanh Niên chúng tôi vượt qua khó khăn, đi tới cùng sự thật.

Nhà báo Trường Phước, anh là một con người như thế!

Xin thắp nén nhang tưởng nhớ đến anh!

Quốc Phong
http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Vinh-biet-nha-bao-Truong-Phuoc/45139262/218/
---------


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: