Nguyễn Đăng Quang
12-5-2018
Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc sáng nay. Cách đây 4 tuần lễ, người dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) gửi TÂM THƯ tới TBT Nguyễn Phú Trọng, các Ủy viên BCT, BBT và toàn thể các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (Khóa XII) tham dự Hội nghị này. Bức TÂM THƯ đề ngày 15/4/2018, đúng ngày người dân xã Đồng Tâm kỷ niệm 1 năm xảy ra sự kiện mà họ gọi là “cuộc đấu tranh giữ đất, chống giặc nội xâm”, còn công luận gọi ngắn gọn là “Biến cố Đồng Tâm” (15/4/2017).
Biến cố này được giải quyết êm thắm khi trưa ngày 22/4/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại trực tiếp với người dân địa phương, và đưa ra “Cam kết 3 điểm” lịch sử, còn người dân Đồng Tâm nhận lỗi và trao trả nốt 18 chiến sỹ CSCĐ trong số 36 cán bộ Đảng và CSCĐ của Huyện ủy Mỹ Đức và Tp. Hà Nội bị người dân giữ tại Nhà Văn hóa thôn Hoành, nhằm làm áp lực yêu cầu chính quyền Hà Nội phải đối thoại với dân chứ không thể dùng bạo lực đàn áp dân.
Các chiến sỹ CSCĐ này đã thể hiện thái độ biết ơn nhân dân Đồng Tâm đã đối xử rất tốt với họ. Hình ảnh còn đó, cử chỉ và lời nói còn đó! Nhưng sau đó, những việc mà chính quyền Tp.Hà Nội làm, khiến người dân Đồng Tâm phẫn nộ và mất sạch lòng tin, vì những việc làm này trái ngược hoàn toàn với lời hứa (người dân Đồng Tâm thì khẳng định đó là sự lật lọng) trong văn bản “Cam kết 3 điểm” mà ông Nguyễn Đức Chung đã hứa trước hàng ngàn người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017!
Chính vì vậy, người dân Đồng Tâm càng quyết tâm, đề cao cảnh giác, siết chặt đội ngũ, đoàn kết nhất trí, kiên trì và sáng tạo đấu tranh dưới sự dẫn dắt của một bậc cao niên mẫn tiệp, một đảng viên lão thành mà họ tôn là “già làng”, là “thủ lĩnh” (cụ Lê Đình Kình) và của “Tổ Đồng thuận” gồm 19 người, trong đó có 7 đảng viên là nòng cốt. Họ nói, Điều 25 Hiến pháp cho phép họ (có thể cả ngàn người) kéo về tập trung trước Trụ sở Trung ương Đảng ở Ba Đình, Hà Nội để thực hiện quyền “biểu tình ôn hòa” nhằm bày tỏ nguyện vọng và yêu cầu Đảng và Nhà nước giải quyết những đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của họ.
Song họ đã không làm thế, do họ chủ động biết kiềm chế, mặt khác, họ đặt vấn đề đại cục lên trên, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” làm xấu mặt lãnh đạo. Và nếu tiến hành, cuộc biểu tình ôn hòa này có thể bị quy kết vào hành vi “gây rối trật tự công cộng” hoặc là “tụ tập đông người”! “Biểu tình” tuy là quyền của công dân, được hiến định trong Hiến pháp, song thực tế, người dân chưa “được phép” thực hiện quyền hiến định đó, lý do: Đảng chưa ban hành “Luật Biểu tình”, do vậy người dân không được biểu tình. Bởi thế, mọi hình thức biểu tình lúc đều có thể bị cho là “có động cơ phá hoại” hoặc “do các thế lực phản động nước ngoài xúi dục, kích động”. Đây là cái cớ để người ta bắt bớ, ngăn chặn hoặc đàn áp những người thực hiện quyền hiến định của mình, như nó đã từng xảy ra đối với các cuộc xuống đường tuần hành chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam; các cuộc biểu tình, khiếu kiện đông người của dân oan mất đất; các cuộc tuần hành chống Formosa gây thảm họa môi trường. v.v… trong những năm qua.
Người dân Đồng Tâm nói, họ đã rất kiên nhẫn và tìm mọi cách bày tỏ nỗi oan ức của họ qua các kiến nghị, khiếu nại và cả tố cáo đến mọi cấp chính quyền trong suốt nhiều năm, nhưng chẳng cấp nào lắng nghe họ, tất cả đều rơi vào im lặng đáng sợ. Thậm chí, chính quyền huyện còn báo cáo lên Thành phố là họ đang chuẩn bị “bạo loạn” để đe dọa và đã lên phương án sẵn sàng đàn áp họ bằng vũ lực!
Mới đầu năm nay, ngày 20/01/2018, họ có gửi THƯ NGỎ cầu cứu đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, khẩn cầu: “Mười nghìn người dân Đồng Tâm tha thiết thỉnh cầu đến các Ông bà Đảng và Nhà nước cử những người có tâm huyết, có chuẩn mực đạo đức, biết thương dân về xã chúng tôi để nghe tâm tư, nguyện vọng, nghe tiếng kêu cứu, nức nở, ai oán, u sầu… của người dân! Đừng để người dân thấp cổ bé họng chúng tôi kêu không thấu đến trời thì oan ức quá!”. Nhưng rồi, THƯ NGỎ (1) này (Người dân Đồng Tâm gửi thư cầu cứu Trung ương), cũng không tránh khỏi số phận chung, là rơi vào chốn hư không lạnh lẽo.
Còn lần này không phải là “Thư ngỏ”, mà là TÂM THƯ (Người dân Đồng Tâm gửi TÂM THƯ tới Hội nghị Trung ương 7)! Vâng, TÂM THƯ này (2) của người dân Đồng Tâm gửi tới Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (Khóa XII) gồm 198 Ủy viên nhóm họp Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khai mạc hôm 7/5/2018 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người nông dân Việt Nam nói chung và người dân xã Đồng Tâm nói riêng gửi TÂM THƯ đến một HNTƯ của ĐCSVN kể từ khi Đảng ra đời đến nay. Đây quả là bước đi khôn ngoan và sáng tạo của người dân. Họ giãi bày tâm tư, nguyện vọng và cả những mong muốn lâu nay của họ qua TÂM THƯ để gửi đến Trung ương Đảng.
Tôi thấy đây là hiện tượng tốt, rất cần khích lệ. Đảng nên hoan nghênh và cổ vũ cho hiện tượng này, vì nó chính là chỉ dấu cho thấy người dân nói chung vẫn còn tin ở Đảng, muốn Đảng tốt hơn, trong sạch hơn. Xin trích một đoạn trong TÂM THƯ: “Trên 70 năm qua, nhân dân xã Đồng Tân đã theo Đảng, sát cánh cùng Đảng. Nay chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Đảng hãy sát cánh với người dân Đồng Tâm, cùng chúng tôi chiến đấu tiêu diệt bằng hết bọn giặc nội xâm này!”
Bằng việc gửi TÂM THƯ tới HNTƯ7, người dân Đồng Tâm muốn gửi đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước một thông điệp rất rõ ràng là Đảng phải lắng nghe dân để “có quyết sách kịp thời CỨU VÃN tình thế và CỨU người dân Đồng Tâm”! Đây là cơ hội rất tốt để Đảng thể hiện mình vẫn còn là “của dân, do dân và vì dân”! Lý do vì sao người dân Đồng Tâm phải gửi THƯ NGỎ và TÂM THƯ đến Trung ương? Chính vì họ đã cạn kiệt lòng tin vào hệ thống chính quyền Thủ đô Hà Nội.
Sau biến cố Đồng Tâm (15-22/4/2017), những tưởng chính quyền Tp.Hà Nội biết cầu thị và sửa sai, nghiêm túc thực hiện “3 điều cam kết” với dân. Thế nhưng, thật đáng thất vọng và phẫn nộ, vì sự câu kết lợi ích nhóm quá sâu, họ đã rất ngang ngược và bất kể luật pháp, mà điển hình là Kết luận số 2346/KL-TTTP của Thanh tra Hà Nội. Người dân gọi thẳng đấy là văn bản “gian dối, phủ nhận thực tế, chà đạp pháp luật, lươn lẹo, dối trá”. Có cái gì đó rất giống nhau giữa Đồng Tâm và Thủ Thiêm. Trước hết, đó là các quan chức bất lương, bất chấp luật pháp, vơ vét mọi thứ, bỏ đầy túi tham, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Nếu Đảng không thẳng tay nghiêm trị, cứ để chúng lộng hành, “ăn của dân không từ một thứ gì”, thì không chỉ thể chế đất nước mà ngay cả sự nghiệp của Đảng cũng sẽ sớm tiêu vong.
Xin trở lại bức TÂM THƯ của người dân Đồng Tâm. Hội nghị Trung ương 7 đã bế mạc, rõ ràng là không có đủ thời gian để xem xét TÂM THƯ này. Song nếu BCT và BBT sau Hội nghị mà không coi trọng và nghiên cứu kỹ, xem xét thấu đáo những nội dung người dân đề đạt trong TÂM THƯ (qua 4 vấn đề cụ thể), và nhất là không có thư phúc đáp người dân thì sẽ là một sai lầm không nhỏ. Người dân Đồng Tâm có tin vào Đảng thì họ mới gửi TÂM THƯ giãi bầy tâm tư, nguyện vọng của mình, và bằng cách gửi TÂM THƯ, họ muốn được đối thoại gián tiếp với Đảng. Nếu Đảng giữ im lặng, không có thư hồi âm (phúc đáp), thì chẳng khác nào Đảng từ chối đối thoại, cắt đứt sự liên hệ cuối cùng giữa Đảng với người dân Đồng Tâm.
Bởi vậy, người viết bài này xin chân thành đưa ra 3 kiến nghị sau: Một là, Ban Dân vận Trung ương nên bố trí gặp và làm việc với cụ Lê Đình Kình và Tổ Đồng thuận để tìm hiểu căn nguyên, khúc mắc của người dân nơi đây, xem họ có thuộc loại thoái hóa, biến chất và phản động không?Hai là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất cần kiểm tra xem Thành ủy Hà nội và Huyện ủy Mỹ Đức có ép tất cả các Đảng viên và cán bộ xã Đồng Tâm phải ký vào giấy “xác nhận 59ha đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng” không? Nếu có, thì thực sự việc này nhằm mục đích gì? Ba là, trước khi Ban Dân vận và Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm 2 việc trên, Ban Bí thư nên thay mặt Trung ương có Thư phúc đáp (hồi âm) càng sớm càng tốt gửi cho bà con Đồng Tâm, là những người lúc này vẫn còn rất tin vào Đảng.
Biến cố Đồng Tâm 2017 làm mọi người liên tưởng đến vụ Thủ Thiêm đang sôi động trong Tp.HCM, còn tôi thì nhớ lại sự kiện Thái Bình năm 1997. Giáo sư Tương Lai khi đó là Viện trưởng Viện Xã hội học, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ tiến hành một cuộc khảo sát tại chỗ về sự việc đang diễn ra, đồng thời làm một báo cáo “Khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình”. Khi biết có bản Khảo sát đó, Cố vấn Phạm Văn Đồng yêu cầu Gs.Tương Lai đến gặp và trình bày trực tiếp bản Khảo sát này cho Cố vấn nghe. Khi Giáo sư Tương Lai đưa ra nhận định: “Sự kiện Thái Bình chẳng có địch ta nào ở đây cả! Mà đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân!”. Nghe đến đấy, Cố vấn Phạm Văn Đồng dằn giọng: “Không phải là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Phải nói rõ đó là mâu thuẫn giữa nhân dân với những kẻ cầm quyền hư hỏng, ức hiếp nhân dân!”.
Trích dẫn lại ý kiến của Cố vấn Phạm Văn Đồng nhận định về sự kiện Thái Bình cách đây 21 năm, người viết bài này tha thiết lưu ý các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày nay phải thật tỉnh táo, chớ có vội gật đầu đồng tình khi thuộc cấp đổ những tội ác do chính họ gây ra là “do bàn tay của địch”. Riêng tôi, người viết bài này xin khẳng định thẳng là, không có địch ở Đồng Tâm và cũng chẳng có địch ở Thủ Thiêm đâu.
Hà Nội, chiều 12/5/2018.
Nguyễn Đăng Quang
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét