Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Đền trần nơi Phố Hiến: Không có đồng bóng


Đền trần nơi Phố Hiến
2018-05-03 Nói đền Trần trấn phố Hiến là có lý do riêng, người xưa có câu “thứ nhất kinh kỳ thứ nhì phố Hiến” để chỉ một trung tâm thương mại sầm uất nhất đồng bằng Bắc Bộ, cũng là sầm uất nhất Việt Nam, hơn cả cảng thị Hội An, Quảng Nam – Phố Hiến. Đền Trần ở Phố Hiến, Hưng Yên khá đặc biệt so với các đền Trần khác trên cả nước, nơi đây thờ gia quyến, thân phụ, thân mẫu và các thuộc tướng của Đức Thánh Trần, và Đức Thánh Trần được thờ ở ban thờ thấp hơn so với thân phụ của ngài. 

Đền Trần Phố Hiến ở Hưng Yên, RFA
Từ xưa, đền thờ Đức Thánh Trần ở Phố Hiến đã đóng vai trò thông điệp trấn quốc và chủ thể quốc gia đối với một vùng đất mà cộng đồng người Hoa Phúc Kiến và Hoa Minh Hương sang tá túc, mở chợ, thương xá, lập đền thờ tổ tiên của họ khắp mọi nơi.

Tưởng niệm một chi phái trong vương triều Trần

Bà Đinh Thị Thúy Liễu, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Hưng Yên, chia sẻ: “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Đây là một nơi ông dừng chân một thời gian trong chiến thắng trận Bạch Đằng thứ hai, nhân dân lập đền thờ ở đây vào thế kỷ XIII. Đây là một ngôi đền thờ nổi tiếng, qua nhiều lần tu sửa mới được như ngày nay.”
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Đây là một nơi ông dừng chân một thời gian trong chiến thắng trận Bạch Đằng thứ hai, nhân dân lập đền thờ ở đây vào thế kỷ XIII.
-Đinh Thị Thúy Liễu
Bà Lê Thị Sáu, người dân Phố Hiến, chia sẻ: “Bắt đầu từ cuối năm và đầu năm là người ta du xuân nhiều nhất. Từ miền Bắc, miền Nam kể cả nước ngoài người ta đến rất nhiều. Vì ngôi đền này rất thiêng, là trung tâm du lịch văn hóa của tỉnh Hưng Yên.”
Hiện nay, đền Trần Phố Hiến còn lưu giữ được nhiều cổ vật, trong đó có 8 sắc phong, 5 bia đá, 40 pho tượng chế tác ở nhiều đời vua, nhiều triều đại… Hàng năm, lễ hội Đền Trần Phố Hiến được tổ chức 2 lần, vào mồng 8 tháng 3 âm lịch để kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và ngày 20 tháng 8 âm lịch kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo đại vương. Trong các ngày hội sẽ diễn ra tế lễ, rước kiệu du hành, và tổ chức thi bánh dày, bánh chưng, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự. Bên cạnh đó, các hoạt động hầu đồng, chầu văn ở đền Mẫu gần đó cũng mạnh lên để vọng Đức Thánh Trần.
Có thể nói, đền Trần Phố Hiến hoàn toàn khác so với các đền Trần ở khắp đất nước. Bởi đền Trần các nơi đều thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo làm trung tâm tín vọng. Và tượng Đức thánh Trần được đặt ở bàn thờ trung ương. Riêng đền Trần phố Hiến thờ chi phái đã sinh ra Trần Hưng Đạo, trong đó, bàn thờ của ngài Trần Liễu được đặt ở vị trí trung ương. Cũng xin nói thêm, cha của Trần Hưng Đạo vốn bị xem là “phản trắc” của đời nhà Trần và ít được thờ phụng ở các đền đài, lăng tẩm, bởi sinh thời, ông từng nhiều lần muốn làm cách mạng, lật đổ ngôi vua. Nhưng với người dân phố Hiến, việc thờ cúng ông là một tín ngưỡng và nghĩa cử. Ông được xem là vị thánh cha, Trần Hưng Đạo là thánh con.

Không có đồng bóng

Khác với đền Trần một số nơi thường có hoạt động hầu đồng, bói toán phía sau đền, đền Trần ở phố Hiến tuyệt đối không có hoạt động hầu đồng để giữ không khí thiêng liêng và tránh tình trạng lợi dụng tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan.
Bà Đinh Thị Thúy Liễu, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Hưng Yên, chia sẻ: “Theo quy định của bộ văn hóa thông tin thì những đền lớn uy nghi như thế này không có chuyện hầu đồng trong các gian chính của ngôi đền. Nếu hầu đồng thì có trung tâm tòa thánh Mẫu thờ vọng mẫu Liễu Hạnh, nhân dân đăng ký đến hầu đồng, hầu vọng ngài thôi.”
Tất cả các hoạt động đồng bóng tuyệt nhiên không được diễn ra ở đền Trần, nhưng đền Mẫu ở gần đó thì hoạt động này khá sôi nổi. Nhiều đoàn hành hương, dâng lễ từ các tỉnh phía nam cũng ghé đến đây. Chuyện cầu tài cầu lộc ở đền Mẫu dường như ngày nào cũng có, không riêng gì mùa Tết.
Sự tín ngưỡng của người dân, không khí thiêng liêng của đền Trần ở một nơi mà các đền miếu của người Hoa xây dựng khá nhiều như miếu Quan Công, đền Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ… cho thấy tinh thần giữ tâm linh Việt, bảo tồn văn hóa Việt của người dân Hưng Yên khá mạnh mẽ và rõ nét.
Bà Lê Thị Sáu, người dân Phố Hiến, chia sẻ: “Tùy tâm của các nhà đồng, người ta vào người ta bày biện hoa quả rồi mũ mã người ta dâng người ta biếu, có các đoàn thể người ta về người ta chứng kiến.”
Bà Lê Thị Minh, cư dân thành phố Hưng Yên, chia sẻ: “Cầu tài cầu lộc, cầu con này, cầu sức khỏe, cầu may mắn!”
Quần thể đền Trần, đền Mẫu, hồ Bán Nguyệt và các đền, miếu của người Hoa Minh Hương, Hoa Phúc Kiến xây dựng vào thế kỉ 17 trên đất Hưng Yên tạo ra một kiểu kiến trúc tâm linh cài răng lược, một nửa Việt xen kẽ với một nửa Hoa. Nhưng dường như chính quyền phong kiến đã rất khéo léo khi xây dựng đền Trần trấn quốc nhưng chỉ cho phép những người Hoa xây miếu thờ các vị thần của họ. Khi người Hoa kéo về nước hàng loạt những năm 1978 – 1979 đến nay, Phố Hiến trở thành phố người Việt, đền mẫu và đền Trần thành nơi thăm viếng, chiêm bái.
Và trên một ý nghĩa nào đó, đền Trần Phố Hiến đóng vai trò trấn ải một vùng đất mà người Hoa sống nhiều hơn người Việt. Sự tín ngưỡng của người dân, không khí thiêng liêng của đền Trần ở một nơi mà các đền miếu của người Hoa xây dựng khá nhiều như miếu Quan Công, đền Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ… cho thấy tinh thần giữ tâm linh Việt, bảo tồn văn hóa Việt của người dân Hưng Yên khá mạnh mẽ và rõ nét. 
Có thể nói, đến phố Hiến, Hưng Yên, gặp những con người chân chất, hiền lành, ngay cả những cán bộ văn hóa cũng rất văn hóa và nói năng chừng mực, luôn đặt văn hóa Việt lên trên hết. Điều này như một tín hiệu mừng trong phát triển du lịch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/tran-temple-in-an-ancient-town-05032018130453.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: