Trương Châu Hữu Danh
(Dân Việt) Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện "nội bộ" của TPHCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng "dấu mật", phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Chuyện cái bản đồ Thủ Thiêm "bị mất", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng phát hiện ra từ hồi cuối tháng 11.2017 khi ông làm việc với TP.HCM. Tại cuộc họp đó, TP.HCM đã báo cáo “các sở ngành liên quan đều không tìm thấy”.
Cho đến cuộc họp báo ngày 2.2, một lần nữa TP.HCM "lại không tìm thấy" dù bản đồ này liên quan trực tiếp đến ít nhất 15.000 hộ dân.
Trưa 2.5, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 trên địa bàn. Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí cũng như các cán bộ dự họp khá bất ngờ khi phóng viên Hồ Văn của báo Dân Việt đặt câu hỏi "Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang ở đâu?". Người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã tiếp tục cho biết... đến giờ vẫn tìm chưa ra.
"TP đã chỉ đạo các sở - ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ - ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy" - ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này. Ông Nhã cho biết tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng bản đồ đi kèm lại không có, đồng thời khẳng định TP đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để xin ý kiến.
Nói rõ hơn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay bản đồ KĐTMTT chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có, các bộ, ngành cũng đang cố gắng tìm.
"Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc, hơn 20 năm rồi, không hiểu lúc ấy công tác lưu trữ làm như thế nào, đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch đó. Quyết định 367 kèm theo bản đồ là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được" - ông Hoan nhấn mạnh. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo phải tìm bằng được và "nghe nói" đã tìm thấy bản photocopy chứ không phải bản gốc, bản màu.
Thực ra thì bản đồ không hề mất. Ngay trong năm 1996, bản đồ này đã được đăng trên báo Lao Động, công khai ở địa phương bị thu hồi đất. Hiện nay, hàng chục người dân xin được bản sao ở Chi cục Văn thư lưu trữ, dấu mộc đỏ chót. Thậm chí, công dân Lê Văn Lung - người đi khiếu nại 20 năm qua, ngoài "bản đồ gốc" còn nắm giữ hàng trăm bản đồ giải thửa của bà con xung quanh.
"Họ cần chúng tôi sẽ cho không. Nhưng không có bản đồ thì làm sao mà thu hồi đất. Họ sợ lộ vụ Thủ Thiêm nên thủ tiêu thôi chứ mất sao được!" - ông Lung cười chua chát.
Bản đồ đi kèm Quyết định 367 được xem là "chìa khóa" giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua. Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, TP HCM đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP.HCM cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Cũng từ đó, chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh. Vấn đề khiếu nại kéo dài, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch.
Theo "bản đồ gốc", phần thu hồi tập trung đất nông nghiệp, ít đất dân cư và các cơ sở công cộng, trường học. Nhưng sau đó, hàng loạt hộ dân cũng bị thu hồi đất vì không hiểu sao nằm ngoài quy hoạch cũng bị thu hồi. Những công dân ở đây chua xót khi có nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vừa xây xong đã bị đập phá nhường đất cho dự án. Nhiều nhà cửa nằm ngoài quy hoạch cũng bị cưỡng chế di dời.
Mấy năm qua, xung quanh Trụ sở tiếp Công dân của Thanh tra Chính phủ ngoài Hà Đông (Hà Nội) bỗng dưng xuất hiện "làng Thủ Thiêm" khi cả trăm người dân Thủ Thiêm kéo ra đây sống vạ vật kế bên để khiếu nại kéo dài.
Năm 2015, người dân mừng khấp khởi khi Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án Thủ Thiêm. Nhưng, đoàn thanh tra sau vài ngày làm việc, phát hiện hàng loạt sai phạm thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bất ngờ có văn bản "Mật" đề nghị hoãn thanh tra toàn bộ dự án.
Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại trong dự án. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐTMTT và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm Quyết định 367 để xác định ranh giới. Tuy nhiên, người ta không thể cung cấp được bản đồ này. Qua năm 2017, ông Ngô Văn Khánh có văn bản thông tin sẽ thanh tra dự án này trên cơ sở kế thừa các kết quả cũ. Tuy nhiên, đến nay đã gần giữa năm 2018, dự án này vẫn chưa bị thanh tra.
Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện "nội bộ" của TP.HCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng dấu "mật", phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Chưa lúc nào hơn lúc này, người dân Thủ Thiêm lại trông chờ hình ảnh cái lò đốt sạch củi khô đến vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét