Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

"Lương giáo viên sẽ cao hơn sĩ quan công an, quân đội" có phải bánh vẽ?




NHẬT DUY
(GDVN) - Chúng tôi mong mỏi các nhà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy thực tế hơn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng hiện trạng để đưa ra các giải pháp căn bản.

Thông tin lương giáo viên sẽ cao hơn lương sĩ quan công an, quân đội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục. 

Nếu hệ số lương của giáo viên được như vậy thực sự là niềm vui rất lớn cho những người thầy đang đứng trên bục giảng. Bởi suy cho cùng thì ai cũng mong muốn cuộc sống của mình được cải thiện, được đủ đầy hơn. 

Thế nhưng, trong tình bộ máy biên chế cồng kềnh ì ạch và nợ công cao như hiện nay, liệu những đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thật sự phù hợp, nhất là khi đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục đang chiếm hơn một nửa số lượng công viên chức cả nước?

Vì thế, theo chúng tôi, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay mà ngành giáo dục cần làm là nâng cao được chất lượng giáo dục, tinh giản được đội ngũ, và đóng băng các dự án vay ODA phục vụ các ý tưởng đổi mới nửa vời, không hiệu quả;

Lúc đó hãy nói chuyện “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã cố gắng rất nhiều trong đầu tư cho giáo dục, với 20% ngân sách nhà nước hàng năm.

Tuy nhiên do các nguyên nhân khác nhau, khoản tiền lên tới 20% ngân sách hàng năm được phân bổ như thế nào và các địa phương sử dụng nó ra sao, có dùng vào giáo dục hay còn dùng vào việc khác, thì các cơ quan chức năng chưa nắm được. 

Bộ máy nhân sự ngành giáo dục sau mỗi lần cải cách và đổi mới lại phình to hơn trước, đó là thực tế. 

100 đồng chia cho 10 người, khác với chia cho 100 người. Nên muốn tăng lương, trước hết phải xem hiệu quả công việc và nhu cầu nhân sự của bộ máy.

Thiết nghĩ với bộ máy chiếm một nửa công chức - viên chức cả nước mà Đảng, Nhà nước vẫn đảm bảo cho đội ngũ giáo viên được hưởng hệ số lương như công chức, viên chức như các ngành nghề khác, đã là một sự cố gắng rất lớn. 

Ngoài ra, còn có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nhưng nhìn chung đời sống giáo viên phần lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhất là đối với đội ngũ giáo viên trẻ mới vào nghề. 

Điều này ai cũng biết và vì thế mà cuộc sống của giáo viên còn lắm gian truân. Nhu cầu và đòi hỏi tăng lương là có thật, rất thật. Chỉ có điều, không tinh giản được bộ máy và nâng cao hiệu quả, thì xin hãy khoan bàn chuyện tăng lương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn sửa Luật Giáo dục hiện hành, quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương công chức - viên chức, cao hơn cả sĩ quan quân đội, công an chắc chắn không khả thi trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

Tiền đâu để nuôi bộ máy công chức, viên chức đang phát phì?

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người. [1]

Cả nước có tổng số trường học từ mầm non đến đại học là 43.874 trường (số liệu năm 2015), trong đó có: 14.203 trường mầm non, 15.277 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2.767 trường trung học phổ thông; 313 trường trung cấp chuyên nghiệp, 217 trường cao đẳng, 219 trường đại học. [2]

Và ngành giáo dục hiện đang chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp; 52% biên chế sự nghiệp của cả nước. [3]

Những năm gần đây, ngân sách nhà nước luôn dành 20% để chi cho ngành giáo dục.

Có thể thấy rất rõ một điều là trong những năm qua, mỗi năm lương thường xuyên tăng chỉ dao động khoảng trên dưới 100 nghìn/bậc lương mà Quốc hội còn bàn lên, bàn xuống mới đi đến quyết định cuối cùng. 

Bởi vì nguồn thu của chúng ta ít, đội ngũ hưởng lương của chúng ta lại quá nhiều. 

Cả nước chỉ có 92 triệu dân mà có 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách thì rõ ràng là một sự quá tải cho ngân sách nhà nước cả hiện tại và tương lai.

Những năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều về chuyện tăng lương cho đội ngũ công viên chức cả nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng nhưng vì sao vẫn không thể nào thực hiện?

Bởi một thực tế “lực bất tòng tâm”, kinh phí nhà nước không thể cáng đáng được với một “đội quân hùng hậu” đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay. 

Việc tăng lương chỉ có thể thực hiện được khi bộ máy của chúng ta tinh gọn và làm việc hiệu quả.

Thế nhưng tinh giản biên chế luôn là công việc khó khăn, phức tạp bởi nó động đến những con người, hoàn cảnh, gia đình cụ thể. 

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi nắm quyền đã kịp “chuẩn hóa cán bộ” đến nỗi cán bộ cấp phường cũng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nên “không thể tinh giản” như Hà Nội. 

Còn ngành giáo dục thì sao, cứ nhìn vào chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu triển khai thì sẽ làm phình to biên chế lên hàng chục ngàn giáo viên nữa.

Hiệu quả thực sự mang lại cho giáo dục e rằng chẳng những khó tốt hơn, mà còn có thể kém hơn, bởi lắm thày nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng.

Cứ nhìn vào việc thay chương trình - sách giáo khoa hiện hành từ đầu những năm 2000 đến nay, là có thể thấy điều này.

Muốn tăng lương, buộc phải sắp xếp lại bộ máy từ quản lí giáo dục đến giáo viên và  không có cách nào khác.

Dự thảo sửa đổi luật giáo dục đề nghị tăng “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy hiện nay của ngành giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống các trường.

Dưới cơ sở hiện nay, nhiều địa phương thừa quá nhiều giáo viên, nhất là cấp trung học cơ sở. Nhiều giáo viên chỉ dạy 4-5 tiết/ tuần.

Vì thế, mới có chuyện giáo viên bộ môn nhà gần trường đề nghị ban giám hiệu xếp mỗi buổi 1 tiết để được vào trường “cho vui”. 

Thế nhưng, hệ số lương họ vẫn được hưởng bình thường như những giáo viên các môn khác  dạy đúng định mức quy định. 

Các cấp quản lí trung gian thì cũng rất cồng kềnh, hiện nay ngành giáo dục có 154.000 cán bộ quản lý/1.246.188 nhà giáo. 

Điều này cũng đồng nghĩa bình quân 1 cán bộ “quản lý” 8,1 giáo viên; nói cho đúng thực tế “quản lý” thì cứ 8 giáo viên lại phải “cõng” 1 cán bộ.

Cứ thử hình dung trường chuẩn quốc gia cấp tiểu học, giáo viên có thể vừa quản vừa dạy 1 lớp 35 học sinh, nhưng bản thân các thày cô cứ 8 người đã có 1 người “quản lý” họ, cầm tay chỉ đạo, kiểm tra sổ sách hồ sơ, tập huấn chuyên môn, sát hạch nghiệp vụ…

Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi, giáo viên trong mắt cán bộ quản lý giáo dục có phải trẻ lên 3?

Rõ ràng với cung cách và đội ngũ quản lý giáo dục như vậy, vô hình trung giáo viên bị triệt tiêu mọi khả năng sáng tạo và bị biến thành một cỗ máy dạy học không hơn không kém, chưa kể các nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh.

Vì thế, việc cấp bách hiện nay là ngành giáo dục phải giảm được bộ máy “cầm tay chỉ việc” và sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dư thừa, rà soát lại các chức danh nhân viên trong nhà trường để bố trí cho phù hợp.

Về thực trạng, giải pháp cho việc tinh giản biên chế ngành giáo dục, đã có một loạt bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thiết nghĩ, đó cũng chính là tinh thần của Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng. Và cũng chỉ có làm được việc này mới tăng lương được cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.

Phải hoạch định cơ chế chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập để đỡ gánh nặng cho ngân sách và lành mạnh hóa môi trường giáo dục

Cùng với việc sắp xếp, tinh giản bộ máy công kềnh trong ngành giáo dục hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. 

Bởi chỉ khi có sự chung tay của hệ thống giáo dục ngoài công lập thì ắt sẽ giảm được gánh nặng đồng thời tăng hiệu quả đầu tư của ngân sách, và tạo được sự cạnh tranh về chất lượng đào tạo.

Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng vừa ban hành, đó là: 

“Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. 

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. 

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao".[4]

Việc phát triển hệ thống trường phổ thông ngoài công lập hiện nay của chúng ta mới chỉ dừng lại ở các thành phố lớn, song số lượng chưa nhiều, các trường ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, chưa có chính sách ưu đãi cụ thể.

Trong khi sĩ số quá tải ở các trường công lập tại đô thị lớn hay khu công nghiệp vẫn là bài toán nan giải nhiều năm nay. 

Ngay tại Hà Nội, học sinh phải học ở đình, chùa, phải học đảo ca đã không còn là chuyện hiếm gặp, nhất là sĩ số lớp học trên 55, 60 em thì không tài nào nâng được chất lượng.

Thay vì dành hết quỹ đất trống còn lại ở nội đô các thành phố lớn cho các tòa chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại, hãy dành cho các doanh nghiệp xây dựng trường học;

Chính sách này sẽ vừa giúp giảm tải cho hệ thống trường công, giảm bộ máy biên chế, tăng chất lượng giáo dục, vừa lành mạnh hóa cỗ máy của ngành giáo dục.

Ví dụ như Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Nguyễn Khuyến có 4 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và một cơ sở ở tỉnh Bình Dương với tổng số học sinh là 6.750 học sinh ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh hiện nay trường có hai cơ sở đào tạo tại Hà Nội với 3.400 học sinh đang theo học ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Những ngôi trường hàng ngàn học sinh như vậy đang giảm được rất nhiều áp lực cho các trường công lập. Và, dĩ nhiên là nhà nước đỡ tốn rất nhiều cho việc chi ngân sách hàng năm.

Các thầy cô giáo xin chớ vội mừng

Quay lại với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, điều 81 ghi rõ: 

“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. [5] 

Nếu chỉ dừng lại tại đây thì rất nhiều giáo viên sẽ mừng thầm vì tới đây lương của mình sẽ cao lên gần gấp đôi hiện tại. Cuộc sống sẽ bớt đi rất nhiều gian nan và vất vả. 

Nhưng muốn đạt được hệ số lương cao thì theo tìm hiểu của chúng tôi sẽ rất ít thầy cô đạt được mức lương ở ngưỡng này.

Vì trong các Thông tư 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đã quy định rõ về bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. 

Và trong các Thông tư này cho ta thấy rằng việc chuyển từ “ngạch” sang “hạng” để được công nhận chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên là vô cùng nan giải. 

Bởi ngoài kiến thức chung, kiến thức chuyên môn thì phải có thêm các chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học theo quy định. 

Những điều phi lý và rắc rối từ việc chuyển “ngạch” sang “hạng” đã được giáo viên chúng tôi phản ánh khá nhiều trên truyền thông, nhưng đến nay dường như vẫn không có chuyển động nào đáng kể từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Lương giáo viên thấp là một thực tế hiển nhiên, cũng như mặt bằng chung lương cán bộ, công chức. Bộ máy biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và giáo dục nói riêng quá cồng kềnh cũng là thực tế;

Nhưng cũng có những thực tế khác phũ phàng hơn: 

11 triệu người hưởng lương trên 92 triệu dân; ai cũng than nhà nước lương thấp, nhưng không muốn ra ngoài làm;

Cán bộ công chức lương thấp nhưng rất ít người nghèo, ngược lại có những cán bộ nhà to như biệt phủ nhờ tranh thủ buôn chổi chít, nuôi lợn, làm thối móng tay…khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Trong ngành giáo dục lâu nay tồn tại nhiều vấn đề:

Trên Bộ thay sách xoành xoạch, vừa chỉ đạo ôn thi vừa bán tài liệu ôn tập; dưới sở, phòng nhiều địa phương bán sách tham khảo, vở viết, dụng cụ học tập; nhà trường thì tranh thủ bán đồng phục, nước uống, lạm thu tràn lan...

Câu chuyện tăng lương cho giáo viên không phải bây giờ mới được ngành giáo dục đề cập mà là câu chuyện của hàng mấy chục năm nay đã bàn lui, bàn tới rồi cũng chỉ dừng lại ở những chính sách. 

Vì thế, chúng tôi mong mỏi các nhà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy thực tế hơn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng hiện trạng để đưa ra các giải pháp căn bản, lâu dài.

Mong sao giáo dục thực sự là bệ phóng cho dân tộc phát triển chứ không phải như cách vẫn làm suốt mấy chục năm qua, làm cho đất nước nợ thêm ngót nghét 3 tỉ đô la Mỹ mà chỉ mang về những sản phẩm dở dang như VNEN hay sách giáo khoa hiện hành, khiến tương lai của cả dân tộc cũng dở dang.

Trên cơ sở đó, giáo giới chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được thu nhập xứng đáng với công sức và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, chứ không phải ngồi chờ tăng lương như chờ...giải cứu.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Mong-muon-cua-ong-giao-gia-vua-gian-lai-vua-thuong-post181490.gd

[2]https://www.google.com.vn/giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ca-nuoc-co-2221-trieu-hoc-sinh-124-trieu-thay-co-giao-post161501.gd

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/luong-giao-vien-se-duoc-xep-cao-nhat-trong-he-thong-luong-hanh-chinh-su-nghiep-412397.html

[4]Nghị quyết 19- NQ/TW 2017

[5]Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục.

[6]Thông tư 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: