Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

BA KẾ SÁCH CỦA PHƯỢNG SỒ TIÊN SINH CHO ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG







Đặng Văn Sinh


Ở Việt Nam hiện nay có một hiện tượng lạ mà không quốc gia nào trên thế giới sánh được. Đó là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải giấu bằng cấp tìm đến các công ty xin việc, mong kiếm một tháng đôi ba triệu để đỡ phải ăn bám bố mẹ. 

Chỉ riêng năm 2017, trang báo điện tử Vietnamnet đưa tin*, có thêm 200.000 sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. VTC1, trong bản tin tối ngày 26 tháng 12 thông báo là 244.000. Vậy con số tồn dư từ hàng chục năm trước là bao nhiêu? Có vẻ như đấy cũng là "bí mật quốc gia" mà người ta chỉ có thể phỏng đoán là không ít hơn 750.000 nhân mạng. Thế nhưng thị trường lao động vẫn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao. Hiện tượng thừa thầy thiếu thợ đang là vấn nạn của đất nước. Vậy nguyên nhân vì sao? Câu trả lời rất đơn giản. Đó là chất lượng đào tạo. Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ luỵ này là bởi phong trào ĐẠI HỌC HOÁ toàn quốc.

Từ năm 2000 đến 2010, Thủ tướng Chính phủ cấp phép cho gần một trăm trường Đại học địa phương. Vì vậy tỉnh nào cũng có ít nhất 1 trường Đại học. Trong đó có tỉnh ôm đồm 4, 5 trường. Có tỉnh thuần nông mà nổi hứng xây hẳn một "làng Đại học" để đáp ứng cho "tầm nhìn năm 2050(!?) từ những cái đầu vốn là sản phẩm của phương thức tư duy tiểu nông theo phương châm "thuyền đua thì lái cũng đua/ Con tôm nó nhẩy, con cua cũng bò".

Có mặt bằng đủ rộng, có cơ sở hạ tầng khang trang với nhiều đơn nguyên xây bằng tiền thuế của dân rồi, nhưng còn mấy trăm giảng viên cơ hữu, trường mới thành lập, lấy đâu ra? Đành phải đào tạo cấp tốc. Không ít cơ sở trước đây chỉ là Trung học chuyên nghiệp, thậm chí Công nhân kỹ thuật chuyên ngành nghề cơ khí, điện công nghiệp, điện dân dụng, lái ô tô..., giờ thiếu trầm trọng giảng viên có trình độ đại học hay trên đại học. Đương nhiên là các nhà tổ chức có ngay diệu kế. Một mặt, đôn lớp sinh viên vừa tốt nghiệp khoá trước đứng trên bục giảng theo kiểu "cơm chấm cơm", đồng thời nhanh chóng đưa hàng loạt cử nhân rởm đến các lò ấp Thạc sĩ, Tiến sĩ siêu tốc để tiêu chuẩn hoá bằng cấp. Mà ở thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này các lò ấp tiến sĩ mọc lên nhan nhản khắp nơi với đội ngũ viết luận án thuê cực kỳ chuyên nghiệp qua công nghệ xào xáo. Trong số đó, có những lò nổi tiếng của Đàm Khải Hoàn (Đại học Thái Nguyên), lò của cha con Võ Khánh Vinh (Học viện Khoa học xã hội, cứ 35 giờ lại nở ra một Tiến sĩ). Đó là chưa kể đến hàng loạt bằng đểu, bằng giả giống hệt bằng thật được giao dịch với giá vài trăm triệu VND ngoài Chợ Đen.

Lướt qua website của các trường đại học địa phương, bất cứ ai cũng phải gật đầu thán phục sự hoàn hảo không thể chê được của đội ngũ giảng viên (toàn Tiến sĩ với Thạc sĩ, NGUT,NGND) nhưng thực chất có làm nên cơm cháo gì không lại là chuyện khác. Một trong số đó là trường X, thị xã Y, Tỉnh H. Còn nhớ vào năm 2006, ngày khai trường, một ông Phó Thủ tướng về cắt băng khánh thành, đọc bài discours rất hùng hồn, vẽ ra một viễn cảnh vô cùng xán lạn. Quả nhiên, mùa tuyển sinh năm ấy số lượng thí sinh dự tuyển lên đến 15.000. Sang năm sau người ta lập dự án xây dựng cơ sở 2 với quy mô hoành tráng gấp mấy lần cơ sở 1. Bởi trong kế hoạch của các nhà lãnh đạo địa phương, đây sẽ là trường Đại học trọng điểm của cả vùng Đông Bắc. Các dịch vụ ăn theo như nhà trọ, quán ăn sinh viên mọc lên như nấm mùa xuân.

Thế nhưng, sang năm thứ tư, thứ năm, số lượng thí sinh đăng ký giảm hẳn mặc dù nhà trường đã thực thi khá nhiều chính sách ưu đãi. Đến những năm gần đây, thậm chí nhà trường không thể tuyển nổi vài trăm em để lấy tiền nuôi các thầy cô sống tạm bợ qua ngày.

Nguyên nhân của câu chuyện bi hài này cũng không mấy khó trả lời. Các cử nhân sau khi ra trường hầu hết không kiếm được việc làm trừ đám con ông cháu cha dốt nát đi học để tiêu chuẩn hoá. Ở thị xã có hẳn hai nhà máy nhiệt điện, nhưng nhà máy lại nói không với Đại học X, tuy nhiên vẫn thường xuyên tuyển sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách Khoa hoặc Đại học Công nghiệp Hà Nội. Rõ ràng đây không phải là nghịch lý mà là thuận lý theo quy luật thị trường. Một cơ sở dạy nghề ở đẳng cấp thấp, bỗng nhiên được phù phép trở thành Đại học bởi thói háo thành tích làm sao có được sản phẩm tử tế để thị trường chấp nhận.

Từ chủ trương phổ cập đại học, tự nó đã đẻ ra không ít những bất cập. Cứ sau mỗi dịp hè, hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT lại nhận được hàng loạt giấy báo nhập học từ cả chục trường đại học, chủ yếu là đại học địa phương, cho dù những em này chẳng bao giờ làm hồ sơ thi tuyển. Thậm chí, giấy báo khống chỉ được gửi về các địa phương nhờ Chủ tịch xã "chiêu sinh", nếu được sẽ có khoản hoa hồng xứng đáng. Không ít trường, sau vụ tuyển sinh vắng như chùa Bà Đanh. Cực chẳng dã đành vơ bèo vạt tép. Trường X, có khoa chỉ một học sinh đăng ký, Ban Giám hiệu vận động chuyển sang khoa khác không được đành phải cấp lộ phí để đương sự "hồi hương".

Còn các thầy cô giáo? Xin thưa, các Thạc sĩ, Tiến sĩ lò ấp, nhà giáo ưu tú..., hàng ngày vẫn phải đến trường nhổ cỏ, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, làm vệ sinh và... buôn dưa lê với mức lương đôi, ba triệu đủ để sống cầm hơi. Trong khi đó, các dịch vụ ăn theo với vốn đầu tư tiền tỷ đang nằm đắp chiếu khiến khổ chủ khóc dở mếu dở.

Hội chứng Đại học địa phương hơn 10 năm qua, có thể nói, chưa có cao trào đã rơi ngay vào tình trạng suy thoái, và hiện tại đang CHẾT LÂM SÀNG. chết lâm sàng nhưng người ta chưa muốn làm thủ tục an táng hy vọng một ngày nào đó những cái thây ma ấy đột nhiên sống lại... Tuy nhiên đó chỉ là chuyện không tưởng.

Muốn giải bài toán này, chúng tôi xin hiến 3 kế theo tư tưởng của quân sư Bàng Thống thời Tam quốc.

1- Thượng sách: là ngay lập tức giải thể trường, bán mặt bằng thu hồi vốn để nhân dân đỡ phải nuôi báo cô một cơ sở giáo dục chỉ sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng; nhường việc đào tạo Đại học và Sau Đại học cho nhóm trường tốp trên có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn.

2 - Trung sách là, biến những trường Đại học địa phương thành Trường Dạy nghề chất lượng cao bằng chủ trương liên kết với các doanh nghiệp lớn kể cả các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thậm chí với các trường dạy nghề nổi tiếng của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đào tạo nguồn nhân lực có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động ngày càng gia tăng, bởi Việt Nam đang được đánh giá là "nước làm thuê vĩ đại" nhất thế giới(!?).

3 - Và cuối cùng, hạ sách là, chuyển một số trường Đại học ở Hà Nội về tiếp nhận cơ sở vật chất Đại học địa phương nhằm giãn mật độ dân số Thủ đô vốn đang ở tình trạng quá tải. Đương nhiên là phải chuyển toàn bộ chứ không chơi trò liên kết đầu voi đuôi chuột như kiểu phân hiệu Đại học Thuỷ lợi Tiên Lữ Hưng Yên.

Trên đây là một vài ý kiến cá nhân, kể ra thì hơi khó nghe với những cái đầu vẫn ưa ngôn từ tụng ca sáo rỗng. Nhưng thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Ai cảm thấy chối tai, ngứa mắt thì không nên đọc bài này.

Đ.V.S.

*Chú thích, nguồn:

Không có nhận xét nào: