“Chết vì tay Trung Quốc. Đây là một nguy cơ hết sức thật mà tất cả chúng ta giờ đây đều phải đối mặt, khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng biến thành kẻ ám sát hiệu quả nhất hành tinh”.
Tháng 12/2016, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bổ nhiệm kinh tế gia Peter Navarro, người công khai chỉ trích Trung Quốc, làm người đứng đầu Hội đồng thương mại Quốc gia.Ông Navarro sẽ điều hành Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng và đề ra chính sách thương mại và công nghiệp.
Giáo sư này từng làm cố vấn cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Những tác phẩm đã xuất bản của ông gồm The Coming China Wars (Chiến tranh sắp đến với Trung Quốc) và Death by China (Chết dưới tay Trung Quốc), trong đó ông chỉ trích gay gắt chính sách Trung Quốc.
|
Ra mắt năm 2011, cuốn sách Death by China (Chết vì tay Trung Quốc) của hai học giả Mỹ Peter Navarro và Greg Autry đã gây tiếng vang trên toàn thế giới.
Tên đầy đủ của tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) này là Death by China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action, tạm dịch: Chết vì tay Trung Quốc – Đối đầu với con rồng – Lời kêu gọi hành động toàn cầu.
Một bài điểm sách trên tờ Huffington Post viết rằng Death by China mô tả hàng loạt phương cách mà Trung Quốc đe dọa an ninh thế giới: Từ can thiệp vào tiền tệ, đến chính sách mậu dịch bóc lột, đến lao động nô lệ và những sản phẩm tiêu dùng chết người.
Do đó, có thể thấy là ngôn ngữ, cách viết của hai tác giả trong Death by Chinakhông tránh khỏi có phần gay gắt, có những đoạn thật sự như lời kêu gọi toàn cầu cảnh giác với “âm mưu của chính quyền Trung Quốc”, ví dụ, ngay ở câu mở đầu chương I, phần I:
“Chết vì tay Trung Quốc. Đây là một nguy cơ hết sức thật mà tất cả chúng ta giờ đây đều phải đối mặt, khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng biến thành kẻ ám sát hiệu quả nhất hành tinh”.
Hay là: “Và đây là bí mật nhỏ bé và bẩn thỉu nhất về tham vọng thực dân của Trung Quốc. Trong khi phong tỏa tài nguyên thiên nhiên (của các nước) và giữ rịt lấy các thị trường mới – đó là những mục tiêu chiến lược chính – thì các nhà hoạch định chính sách ở trung ương của Bắc Kinh còn muốn xuất khẩu một cách có hệ thống hàng triệu công dân Trung Quốc sang “các nước vệ tinh” của họ ở châu Phi và châu Mỹ Latin, nhằm làm giảm áp lực lên Trung Hoa lục địa vốn đang trong tình trạng nhân mãn”.
Tuy vậy, trên thực tế, Death by China là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát của hai tác giả tại nhiều địa phương, nhiều công xưởng, nhà máy ở Trung Quốc. Và có lẽ hai ông chủ ý chọn cách viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, để thông tin dễ đến với độc giả (dù có thể tạo cảm tưởng chủ quan, chưa đủ thuyết phục).
Ở khía cạnh này, có thể nói Death by China là một cuốn sách dày đặc thông tin, được trình bày theo một cách dễ hiểu, ít số liệu và lý luận, để độc giả bình dân có thể dễ dàng tiếp thu. Chẳng hạn, ở chương 2, nói về những độc tố trong sản phẩm “made in China”, Peter Navarro và Greg Autry trích lời một học giả Trung Quốc nói: “Các điều kiện nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc rất tồi tệ. Nhà sản xuất nhồi nhét hàng ngàn con cá và tôm, cua vào môi trường nuôi trồng, nhằm mở rộng sản xuất tới mức tối đa. Điều đó tạo ra một lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm nước, lan truyền bệnh dịch, có thể làm chết cả vụ cá nếu không xử lý kịp. Ngay cả khi cá, tôm, cua không chết vì bệnh thì những vi khuẩn còn bám lại như Vibrio, Listeria, Salmonella, có thể làm cho người ăn những sản phẩm này bị nhiễm bệnh”.
Trong lúc chưa thể kiểm chứng những thông tin này, độc giả Việt Nam có thể sử dụng chúng như thông tin tham khảo, thậm chí còn có thể coi đó như một nguồn tham chiếu để “soi người, ngẫm ta”: Rất nhiều điều mà Death by China nêu ra có thể được liên hệ đến chính Việt Nam.
Ngoài ra, ngay cả cho dù phải đọc Death by China với tinh thần khách quan và ít định kiến nhất, chúng ta cũng sẽ thấy rằng điều đọng lại sau cuốn sách là sự tôn trọng những quan điểm của nhà nghiên cứu, tôn trọng tự do học thuật.
Death by China là cuốn sách của NXB Pearson Prentice Hall. Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đều là giảng viên tại Đại học California-Irvine (Mỹ). Cuốn sách có các phần như:
Phần 1: “Buyer Beware on Steroids” (Người tiêu dùng, hãy cẩn thận với Steroids): Đề cập đến những sản phẩm độc hại như sữa có chất melamine, đồ chơi trẻ em chứa độc tố…
Phần 2: “Weapons of Job Destruction” (Vũ khí hủy diệt việc làm): Chính sách kìm giữ giá trị nhân dân tệ, tăng cường xuất khẩu, gây thâm hụt thương mại cho thị trường nước khác và đưa đến tình trạng thu hẹp sản xuất, nhân công mất việc làm, thất nghiệp ở các nước khác.
Phần 3: “We Will Bury you, Chinese Style” (Ta sẽ chôn các ngươi theo kiểu Trung Hoa): Bàn về chiến lược hướng ra biển, củng cố hải quân của Trung Quốc, đồng thời tiến hành chiến tranh thông tin, đánh phá trên mạng…
|
Dưới đây là tổng thuật của báo PHÁP LUẬT TPHCM về cuốn DEATH BY CHINA:
———————————————–
1. Chủ nghĩa thực dân Đại Hán
Cuốn sách Death by China (Chết vì tay Trung Quốc) dành riêng một chương để nói về một đại chiến lược của Trung Quốc nhằm khai thác tài nguyên của các nước nhỏ, xuất khẩu nhân công ồ ạt sang các nước này và tiến tới biến họ thành “thuộc địa kiểu mới”.
Các tác giả cho rằng đây là một thứ chủ nghĩa thực dân mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn chủ nghĩa thực dân cũ của phương Tây nhiều.
Chiến lược đó được gọi (không rõ khởi nguồn từ ai và vào lúc nào) bằng cái tên “Thả mồi và lật lọng” (bait and switch).
Thả mồi và lật lọng
Peter Navarro và Greg Autry viết: Chiến lược thả mồi và lật lọng của Trung Quốc luôn bắt đầu theo cùng một cách: Chủ tịch, hoặc thủ tướng, hoặc bộ trưởng thương mại nước này đến thăm thủ đô của một nước nào đó rất xa, như Djibouti, Niger hay Somalia chẳng hạn. Ông ta đến đó và vẫy vẫy một cuốn sổ séc lớn, chào mời hứa hẹn những khoản vay hào phóng, lãi suất thấp, để xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự hoặc quân sự của nước sở tại – bất kể đó là đường sá, cảng biển, hay quốc lộ, có ích lợi, hay một cung điện xa hoa lãng phí cho nhà độc tài đang cầm quyền, hay là súng AK-47s để kìm giữ những người dân cứng đầu cứng cổ dưới gót giày đàn áp.
Và để đổi lấy sự hào phóng của Trung Quốc, tất cả những gì đất nước chớm thuộc địa kia phải làm gồm hai việc. Thứ nhất, họ phải trao quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc để đổi lấy khoản vay. Từ đó, Trung Quốc phong tỏa luôn nguồn tài nguyên của đất nước, phục vụ mục đích sử dụng riêng. Thứ hai, họ phải mở cửa thị trường cho tất cả những thành phẩm mà các nhà máy, công xưởng ở Trung Quốc sẽ sản xuất bằng nguyên vật liệu thô mà xứ thuộc địa kia cung cấp. Từ đó Trung Quốc phong tỏa luôn một thị trường mới nổi.
Theo hai tác giả, chiến lược “Thả mồi và lật lọng” này đang được Trung Quốc tiến hành trên toàn thế giới. Ví dụ, CHDC Congo đã “tặng” cho Trung Quốc kho tài nguyên đồng đỏ trị giá hàng tỉ đô la để nhận về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ghana đổi ca cao lấy cơ sở hạ tầng. Nigeria đổi khí đốt lấy nhà máy điện, v.v. Song đáng tiếc là chẳng nước nào trong số này đạt được mục đích thịnh vượng.
Khát tài nguyên
Như nhiều tài liệu khác bàn về chiến lược của Trung Quốc “thu mua” tài nguyên trên toàn cầu, Death by China cũng cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc kiếm tìm tài nguyên khắp nơi là do nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của họ. Cuốn sách cho biết Trung Quốc là nơi tiêu thụ: một nửa lượng xi măng của thế giới, gần nửa lượng thép, một phần ba lượng đồng đỏ, một phần tư lượng nhôm, khối lượng cực lớn crôm, côban, liti, kẽm, gỗ v.v.
Tuy nhiên, vấn đề là không phải nước nào khát tài nguyên cũng đều hành xử như vậy. Hai tác giả nhận xét rằng, trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới đều xuất nhập khẩu tài nguyên thông qua hệ thống giá cả trên thị trường quốc tế, tức là đều dựa vào thị trường tự do để phân phối (hai ông gọi đây là “chủ nghĩa tư bản hợp tác”), thì Bắc Kinh thực thi “chủ nghĩa tư bản thực dân” trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latin và nhiều nước châu Á. Death by China đưa ra một định nghĩa về chủ nghĩa thực dân Đại Hán này: “Nắm quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên – tài sản thật sự của quốc gia thuộc địa. Xuất khẩu tài nguyên đó về Trung Quốc, thay vì để cho nước sở tại sử dụng tài nguyên ấy để phát triển kinh tế. Sau đó tái xuất nguyên vật liệu thô ấy trở lại nước sở tại nhưng lần này dưới hình thức thành phẩm, hàng hóa. Toàn bộ quá trình tạo ra công ăn việc làm ở Trung Hoa lục địa, gia tăng lợi nhuận cho các công ty của Trung Hoa lục địa và kéo dài thêm dòng người thất nghiệp ở nước thuộc địa. Ở các nước thuộc địa kiểu mới đó, chỉ còn lại những công việc nguy hiểm nhất, độc hại nhất, nghèo nhất, trong những ngành công nghiệp bóc lột, còn những việc làm có giá trị cao thì đã chuyển hết sang Quảng Châu, Thành Đô hay Thượng Hải”.
“Biển người” phủ khắp lục địa Đen
Một khía cạnh khác của “chủ nghĩa thực dân Đại Hán” là xuất khẩu nhân công. Một dân biểu Ai Cập, ông Mustafa al-Gindi, từng nói: “Sự thực là đến châu Phi, Trung Quốc không chỉ đem theo kỹ sư và nhà khoa học. Họ đến đây mang theo rất nhiều nông dân. Đó là chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Không còn đạo đức, luân lý, giá trị gì nữa cả”.
Theo Death by China, sau khi đã “thả mồi”, tức là cho nước thuộc địa vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sẽ “lật lọng” bằng nhiều hình thức, trong đó có việc xuất khẩu nhân công sang nước sở tại để tiến hành công trình xây dựng đó. Các tác giả trích dẫn một cuốn sách có tựa đề China Safari (Cuộc đi săn của người Trung Quốc), nói rằng: “Người Trung Quốc sẽ hút dầu và bơm dầu ấy vào những đường ống do Trung Quốc sản xuất và canh gác, đến một cảng biển do Trung Quốc xây. Tại đây, dầu được đưa vào các bồn của người Trung Quốc và chở về Trung Quốc. Nhân công Trung Quốc sẽ xây cầu đường, đê đập, buộc hàng chục ngàn dân sở tại phải di dời. Người Trung Quốc sẽ trồng trọt, chăn nuôi, để những người dân sở tại sẽ chỉ ăn đồ ăn Trung Quốc, rau cỏ Trung Quốc, với các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc…”.
Thực ra, những “giai thoại”, “huyền thoại” về chủ nghĩa thực dân kiểu Trung Hoa đã được nhắc đến từ lâu. Tháng 6-2011, trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nửa đầu thập niên 1980, cũng nhận định: “Họ tiến hành một thứ chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa thực dân mới. Cả thế giới hiện nay không nước nào đi xâm lược, lấy đất của nước khác. Nói đúng hơn, họ có thể xâm chiếm nước khác bằng kinh tế, văn hóa, như Mỹ chẳng hạn nhưng không có nhu cầu lấy đất. Còn Trung Quốc thì vừa lấy đất vừa di dân để chiếm và giữ”, “Cứ nơi nào họ sang làm giúp ta thì họ rào lại, coi như lãnh địa của họ, không ai được vào nữa. Họ nhập hàng hóa, từ đồ ăn thức uống, bát đĩa tới cái… hố xí bệt đều là từ Trung Quốc, không dùng hàng Việt Nam”.
Nguyên do của tình trạng này được hai tác giả của Death by China lý giải: Bắc Kinh cần phải xuất khẩu một cách có hệ thống hàng triệu nhân công lao động sang “các nhà nước vệ tinh” ở châu Phi, châu Mỹ Latin, châu Á, để giảm áp lực của nạn “nhân mãn”.
Một cách thẳng thừng, Peter Navarro và Greg Autry so sánh việc Trung Quốc sử dụng chiến lược thực dân “Thả mồi và lật lọng” trên khắp thế giới cũng giống như việc thắt một thòng lọng quanh cổ tất cả các nền kinh tế, kể cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hai ông cho rằng chiếc thòng lọng này sẽ siết lại nếu Mỹ (và các đồng minh, đối tác) không sớm hành động quyết liệt để ngăn chặn. Có lẽ vì tinh thần ấy mà cuốn Death by China mang cái tên “dữ dằn” là Chết vì tay Trung Quốc –Đối đầu với con rồng – Lời kêu gọi hành động toàn cầu.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Phi, sau Mỹ. Tính đến tháng 8-2007, có khoảng 750.000 công dân Trung Quốc ở lại sau khi đã hết thời gian làm việc tại châu Phi, hơn 700 công ty Trung Quốc làm ăn ở 49 nước châu Phi.
Trung Quốc gom nhặt tài nguyên thiên nhiên của châu Phi – dầu hỏa, khoáng sản quý – để nuôi nền kinh tế đang mở rộng, cũng như tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp đang lớn của họ. Năm 2006, thương mại hai chiều tăng tới 50 tỉ USD. Không phải mọi giao dịch đều liên quan đến trao đổi tiền tệ trực tiếp: Năm 2007, chính phủ Trung Quốc và Congo đã đạt thỏa thuận, theo đó những công ty quốc doanh Trung Hoa sẽ tham gia những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho Congo, đổi lấy một lượng lớn nguyên vật liệu khai thác từ các mỏ đồng của Congo. (Wikipedia)
|
2. Đồng nhân dân tệ trở thành vũ khí
Một cách nghịch lý, Trung Quốc phải tăng thêm dự trữ USD để bảo vệ kho dự trữ đang bị mất dần giá trị.
Death by China(Chết vì tay Trung Quốc) mở đầu chương bàn về chiến tranh tiền tệ bằng việc dẫn lời một nhà hoạt động người Mỹ, Eric Lotke, nói rằng: “Công nhân Mỹ có thể cạnh tranh ngang ngửa từng đôla với công nhân Trung Quốc. Họ chỉ không thể cạnh tranh giữa đôla với đồng nhân dân tệ đã được can thiệp điều khiển”.
Theo số liệu do chính Trung Quốc công bố, vào năm 2009, kho dự trữ ngoại tệ của họ đã tăng thêm 453 tỉ USD so với năm trước đó, để đạt khoảng 2.400 tỉ USD.
Có thể biến Mỹ thành con nợ
Trong một bài báo đăng trên Newsweek số ra ngày 1-2-2010, tác giả Robert J. Samuelson đưa ra một kịch bản xấu, rằng nếu bỗng nhiên Trung Quốc bán tống bán tháo kho dự trữ này thì đồng USD sẽ mất vai trò đồng tiền mạnh của thế giới và nước Mỹ sẽ bị giảm sút cả uy tín lẫn quyền lực. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ không làm thế, vì lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ đó rất có ích cho họ: Thứ nhất là họ có thể dùng tiền ấy để mua công trái của Mỹ, để trở thành chủ nợ của chính phủ Mỹ. Thứ hai là họ dùng ngoại tệ để đầu tư vào nguyên liệu (dầu hỏa, khoáng sản), công nghệ hoặc đem đi viện trợ, cho vay để gây ảnh hưởng chính trị lên các nước khác. “Tóm lại, Trung Quốc có một bó tiền trị giá 2.400 tỉ USD để tùy nghi sử dụng. Vấn đề tức cười là: Mặc dù họ than thở là họ giữ quá nhiều trái phiếu của Mỹ nhưng chính việc nắm giữ trái phiếu này lại giúp đỡ các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc: Tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách xuất khẩu và ngăn ngừa nạn khan hiếm các loại nguyên liệu thiết yếu (…). Nhưng điều gì tốt cho Trung Quốc chưa chắc đã tốt cho phần còn lại của thế giới, kể cả nước Mỹ” – Robert J. Samuelson viết.
Đó cũng chính là những gì chương “Chết vì đồng nhân dân tệ: Ngọa hổ, tàng long” trong cuốn sách Death by China đề cập.
Thao túng tiền tệ
Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry khẳng định: “Nếu đồng tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi thì hành động thao túng đồng nội tệ của Trung Quốc – đồng nguyên (tức là nhân dân tệ) – là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung”.
Mỹ chịu thiệt thòi to lớn trong quan hệ đó. Các tác giả viết: “Về quy mô tuyệt đối, mỗi ngày, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn 1 tỉ USD so với xuất khẩu. Về quy mô tương đối, gần nửa thâm hụt về mậu dịch hàng hóa của Mỹ là do Trung Quốc gây ra và nếu không tính dầu hỏa thì mức thâm hụt là 75%”. Hai ông nêu rõ: “Nếu Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm, điểm khởi đầu tốt nhất là cải cách tiền tệ ở Trung Quốc”.
Navarro và Autry giải thích Bắc Kinh đạt được thặng dư mậu dịch là nhờ duy trì chính sách can thiệp để gắn chặt đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ, trong đó nhân dân tệ được định giá rất rẻ (1 USD ăn 6 RMB), chỉ khoảng 40% giá trị thực. Thực ra, điều này đã được giới chuyên gia và truyền thông quốc tế nói đến từ lâu; Death by China cũng không đưa ra được thêm nhiều bằng chứng hay kiến giải mới, mang tính khoa học. Tuy nhiên, cuốn sách diễn đạt một cách khá thẳng thắn và dễ hiểu: Cứ mỗi đôla hàng bán sang thị trường Mỹ, nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ phải đặt mức giá khoảng 60 cent, chẳng khác gì được nhà nước trợ giá. Ngược lại, mỗi đôla sản phẩm bán vào Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ phải định giá hàng cao hơn thế – như một loại thuế gián thu vậy. Bên cạnh đó, họ còn phải trả thêm khoảng 30% thuế trực thu.
Death by China phân tích: “Quá trình bắt đầu khi tôi và bạn đi vào một cửa hàng, ví dụ Walmart và mua một sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Sau đó những đồng đôla của chúng ta sẽ được chuyển ra ngoài (tức là về Trung Quốc – ND). Khi ấy để duy trì tỉ giá cố định giữa USD và RMB, Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng tái xuất “đồng đôla Walmart” trở lại thị trường Mỹ, bằng cách mua các tài sản tài chính như trái phiếu chính phủ Mỹ, bất động sản hoặc các công ty Mỹ; bằng không, đồng nguyên sẽ chịu áp lực rất lớn phải tăng giá”.
“Ăn mày hàng xóm”
Đến đây, Death by China đưa ra một khái niệm mà có lẽ còn ít độc giả bình dân biết: “Và bây giờ là diễn biến thú vị nhất trong câu chuyện khống chế tiền tệ của Trung Quốc: Trước khi chính phủ Trung Quốc có thể tái xuất bất cứ đồng đôla Walmart nào, họ phải giành quyền kiểm soát số đôla mà các nhà xuất khẩu đã tích lũy được. Việc này đòi hỏi phải có một quá trình phức tạp gọi là khử trùng”.
Khử trùng đồng đôla Walmart, tức là ép doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc phải mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc bằng mệnh giá đôla. Cho mỗi trái phiếu bị buộc phải mua (như một hình thức giao nộp đôla cho chính quyền), doanh nghiệp sẽ được nhận khoảng 4% lãi suất. Sau đó, chính phủ Trung Quốc sẽ tái đầu tư những đồng bạc đã được “khử trùng” này vào trái phiếu chính phủ Mỹ, với lãi suất dưới 2%. Nghĩa là họ sẽ mất ít nhất 2% cho mỗi đồng đôla mà họ “khử trùng” và tính tổng cộng thì sẽ mất tới hàng tỉ USD. Tại sao ngân hàng trung ương lại có thể chịu thiệt như thế? “Đó là bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm đến tạo công ăn việc làm để duy trì ổn định chính trị và quyền lãnh đạo đất nước hơn rất nhiều so với tạo thu nhập” – cuốn sách viết. “Đây là một trong những khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa tư bản của Mỹ và chủ nghĩa tư bản nhà nước “ăn mày hàng xóm” của Trung Quốc”.
Bạn đọc có thể thấy nhận định trên đây của Peter Navarro và Greg Autry về hoạt động “khử trùng đồng đôla” có phần nào chủ quan và thiếu thuyết phục, vì không lẽ Trung Quốc chấp nhận (và chịu đựng) được lâu dài tình trạng đi vay với lãi suất 4% và cho vay lãi suất dưới 2%? Ngoài ra, cũng từng có những chuyên gia tài chính quốc tế chỉ ra rằng việc Trung Quốc ôm một kho dự trữ 2.400 tỉ USD không phải hoàn toàn là điều tốt. Ngay từ giữa năm 2009, nhà kinh tế Đức Wrich Volz đã viết: “Trung Quốc rất lo lắng cho sự an toàn tài sản của họ. Họ sợ là chính phủ Mỹ theo đuổi những chính sách tài chính và tiền tệ bất cẩn sẽ làm giảm giá trị tài sản của mình”, “Mọi việc cho thấy là nếu họ bán tống bán tháo số USD này đi, sẽ gây nên cuộc khủng hoảng của đồng đôla”.
Tuy nhiên, chính sách “ăn mày” của Trung Quốc thì đã được nhiều người khác nói tới từ lâu. Keith Bradsher viết trên tờ New York Times rằng đất nước này “ăn mày công dân của chính họ, bằng cách giữ mức lương và lãi suất ngân hàng thấp để hỗ trợ xuất khẩu”. Trong Death by China, hai tác giả nhận định Trung Quốc còn “ăn mày hàng xóm”: “Họ tuyên bố là nếu đồng nhân dân tệ mạnh lên thì sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng xuất khẩu, phá hoại nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là một cách khác để nói rằng cách duy nhất để Trung Quốc có thể tăng trưởng là đi ăn mày phần còn lại của thế giới”.
Sự mất cân đối trong quan hệ mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc không bao giờ có thể tồn tại trong một thế giới tự do thương mại, nơi Trung Quốc để cho đồng tiền của họ dao động giá thoải mái cùng với những đồng tiền được thả nổi khác như yen Nhật, franc Thụy Sĩ, real Brazil, rupee Ấn Độ và đôla Mỹ. (…) Bởi vì trong thế giới tự do thương mại, khi thâm hụt của Mỹ tăng lên, đồng đôla sẽ giảm giá tương đối so với nhân dân tệ. Khi đôla giảm giá, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống và mậu dịch song phương sẽ cân bằng trở lại. Tuy nhiên, bằng việc gắn chặt đồng nhân dân tệ với đôla, Trung Quốc đã phá hoại cơ chế thương mại tự điều chỉnh, phá hoại khuôn khổ tự do thương mại đặt trên nền tảng nguyên tắc các bên cùng có lợi”. (Death by China)
|
3. “Sát thủ” hacker đỏ
Death by China đề cập đến hàng loạt kiểu “chết vì tay Trung Quốc” của thế giới, như chết vì thực phẩm độc hại, chiến tranh tiền tệ, vũ khí hủy diệt, tận thu tài nguyên thiên nhiên…
Chương 10 – “Chết vì hacker đỏ” có lẽ là một trong các chương sách tập trung những lời chỉ trích gay gắt nhất nhằm vào Trung Quốc.
Theo hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry, Trung Quốc đã xây dựng được một đội “hacker đỏ” chuyên nghiệp, mối đe dọa có sức phá hoại tương đương một mạng lưới điệp viên dày đặc, mà xét cho cùng có khi lại hiệu quả hơn sử dụng điệp viên. Bởi lẽ thay vì phải chi hàng tỉ đô la cho việc đào tạo gián điệp, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao thì hoàn toàn có thể làm mọi thứ chỉ qua mạng.
Đột nhập vào mạng của Lầu Năm Góc
Hai tác giả đưa ra một loạt lời buộc tội: “Những “tin tặc đỏ” đã xâm nhập vào mạng của NASA, Lầu Năm Góc, Ngân hàng Thế giới; tấn công Phòng Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ dữ dội đến mức cơ quan này phải phá bỏ hàng trăm máy tính; xóa sạch mọi ổ cứng của dự án Máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35; và gần như ném bom rải thảm hệ thống kiểm soát không lưu của Không lực Hoa Kỳ”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008, hacker đỏ của Bắc Kinh còn đột nhập vào máy chủ email của cả phe Obama lẫn phe McCain và Nhà Trắng. “Tại một trong những sự vụ trơ trẽn nhất trong lễ tân ngoại giao, máy tính của bộ trưởng Thương mại Mỹ và một số nhân viên đã bị đánh cắp, bị cài đầy phần mềm gián điệp, nhân một chuyến công du của bộ trưởng tới Bắc Kinh”.
Cuốn sách đưa ra những lời buộc tội có thể khiến người đọc… ù tai. Chẳng hạn, nói về một chiêu thức hành nghề của tin tặc thời hiện đại: Thời xưa, ngành tình báo phải sử dụng tới mỹ nhân kế như Mata Hari để moi thông tin từ “đối tác”. Thời nay, “ngoài những gái điếm và các phòng khách sạn đầy “bọ” (thiết bị nghe trộm – PV) ở Thượng Hải, các điệp viên Trung Quốc còn tặng cho con mồi của họ thẻ nhớ đầy virus, thậm chí cả camera kỹ thuật số. Theo Cục Tình báo MI5 của Anh, một khi được gắn vào máy tính của nạn nhân, những thiết bị này sẽ cài đặt ngay phần mềm cho phép hacker giành quyền kiểm soát”.
Làm hacker cũng giống một ngôi sao nhạc rock
Death by China đưa ra một số lý giải, có lẽ khá đơn giản, về mục tiêu hành động của tin tặc Trung Quốc. Cuốn sách cho rằng hacker đỏ muốn làm gián đoạn hoạt động của các trang web ở phương Tây, bằng cách đánh sập hoặc tấn công từ chối dịch vụ. Ngoài ý muốn phá hoại, hacker đỏ cũng nhắm đến việc ăn cắp những thông tin có giá trị như số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân hoặc hơn thế: Bí quyết công nghệ, bí mật thương mại, hồ sơ mời thầu và dự thầu, tình hình tài chính của một công ty nào đó, rồi thông tin về vũ khí, quân sự.
Nhưng đó mới là bề nổi, tức là mục tiêu mà các hacker hướng đến. Còn bản chất của việc họ hành động như thế lại là chuyện khác. Navarro và Autry trích dẫn một trao đổi trên diễn đàn hội thảo về an ninh thông tin của hacker Trung Quốc. Hỏi: “Khi nào chúng ta tiến hành hack?”. Đáp: “Nếu đó là vấn đề có ảnh hưởng tới chúng ta trên bình diện quốc tế, thì khi ấy chúng ta sẽ huy động các thành viên tổ chức tấn công”.
Câu trả lời hé lộ một phần nguyên nhân của hiện tượng tin tặc: Đó là tinh thần dân tộc bị đẩy tới mức cực đoan ở một bộ phận người dân Trung Hoa. Death by China trích lời một chuyên gia về tin tặc Trung Quốc, ông Scott Henderson, nói rằng ở nước này, làm hacker “cũng giống như làm ngôi sao nhạc rock”, đó là “một sự nghiệp mà có đến một phần ba trẻ em tuổi đi học ở Trung Quốc mơ ước”.
Có bàn tay chính quyền phía sau?
Phần gây tranh cãi nhất của chương này có lẽ nằm ở những khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc đứng sau các chiến dịch tấn công trên mạng. Lập luận của hai tác giả cuốn sách là: Không thể có chuyện hacker hoạt động mà không có bàn tay dẫn dắt của Bắc Kinh, nhất là khi chính quyền Trung Quốc vốn có chế độ kiểm soát Internet ngặt nghèo nhất thế giới. Không hacker nào có thể thoát khỏi tay chính quyền một khi cơ quan an ninh và cảnh sát đã muốn bắt và xử lý. Ví dụ một hacker ở tỉnh Hồ Bắc can tội đột nhập vào website của cơ quan nhà nước và thay ảnh chân dung một quan chức bằng ảnh cô gái mặc bikini. Người này nhanh chóng bị bắt và kết án 1,5 năm tù. Vụ việc đã được đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật Báo.
Trong khi đó thì rất nhiều vụ tin tặc nghiêm trọng khác lại không được điều tra. Navarro và Autry dẫn ra một loạt trường hợp hacker Trung Quốc tấn công mạng nước ngoài và hành động của họ hoàn toàn có thể làm phương hại quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và nước nạn nhân, vậy mà họ vẫn không bị trừng trị. Ví dụ như khi Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đi thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni, hacker Trung Quốc đã xóa website của ngôi đền này, ghi đè lên đó hàng chữ: “Gái đái lên toilet Yasukuni”. Còn khi Liên hoan Phim Melbourne ở Úc chiếu phim tài liệu về một nhà lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, hacker Trung Quốc đánh phá website của liên hoan phim dữ dội đến mức ban tổ chức không bán được vé qua mạng. Một số nhóm tin tặc như Liên đoàn Hắc khách Trung Quốc (China Hacker Union) được cho tồn tại và hoạt động công khai, thậm chí mở cả văn phòng.
Bạn đọc có thể thấy lập luận buộc tội của Death by China chưa đủ thuyết phục, vì dù sao đi nữa “án tại hồ sơ” song cuốn sách lại không chỉ ra được một bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy mối liên hệ giữa chính quyền và hacker Trung Quốc, chẳng hạn một chủ trương bằng văn bản chính sách…
Tuy vậy, việc cảnh giác với những tin tặc bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn luôn là điều cần thiết, nhất là khi Việt Nam có nguy cơ là đích ngắm của tội phạm mạng: Năm 2010, một báo cáo của Công ty An ninh mạng McAfee cho thấy 58% tên miền cấp 1 .vn đã trở thành mục tiêu của hacker. Tháng 8-2011, McAfee xác định “cơ quan chính phủ Việt Nam nằm trong số 72 tổ chức chính phủ trên thế giới là mục tiêu của đợt tấn công lớn nhất mà tin tặc tiến hành để lấy dữ liệu mạng, được McAfee phát hiện”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao khi đó, bà Nguyễn Phương Nga, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến những thông tin mà McAfee đưa ra. (…) Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống các hành vi phá hoại an ninh mạng”.
Tháng 5-1999, trong chiến dịch NATO tấn công Nam Tư, máy bay Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, làm chết ba công dân Trung Hoa. Hàng ngàn email từ Trung Quốc đã “dội bom” làm sập website của Nhà Trắng. Tin tặc cũng chiếm website của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, chèn lên trang chủ dòng chữ “đả đảo bọn man rợ”. Tháng 3-2008, hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin về bạo loạn ở Tây Tạng. Ngay sau đó website của CNN bị phá và ghi đè dòng chữ “Tây Tạng đã, đang và sẽ luôn luôn là một phần của Trung Quốc”. (Wikipedia)
|
4. Sữa melamine – “vũ khí hủy diệt hàng loạt”
Trong phần đầu tiên của cuốn sách Death by China đã đề cập đến những sản phẩm độc hại “made in China” như sữa có chất melamine, đồ chơi trẻ em chứa độc tố…
Những dòng mở đầu cuốn sách lên án các nhà sản xuất Trung Quốc một cách gay gắt: “Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, những doanh nhân Trung Quốc vô đạo đức đang làm thị trường thế giới ngập trong cơn lũ hàng loạt hàng hóa làm hại xương cốt, gây ung thư, gây cháy nổ, độc và giết người. Đối với trẻ em, các sản phẩm nguy hiểm đó bao gồm từ vòng tay, vòng cổ và đồ chơi có chất chì, cho đến quần áo gây cháy và quần yếm chứa độc tố.
Dòng sữa… giết thận
Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry cho biết từ lâu nay, đồ ăn và thuốc của Trung Quốc luôn xếp số 1 trong danh sách bị chặn lại ở biên giới hoặc bị thu hồi theo lệnh của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu. Thế mà, điều đáng lo ngại là các hãng thuốc Trung Quốc đang chiếm phần lớn thị trường thế giới: 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, 33% lượng Tylenol và rất nhiều kháng sinh, enzim, vitamin (ví dụ họ cung cấp tới 90% lượng vitamin toàn cầu).
Melamine là một hóa chất hữu cơ rất giàu đạm (nitơ). Khi kết hợp với formaldehit, nó tạo thành keo melamine, rất bền nên được dùng để làm phoocmica, bảng trắng. Nó còn được sử dụng trong sản xuất chất cháy chậm, phân bón hoặc nhựa siêu dẻo. Đó là thứ hóa chất hữu ích nhưng nếu “bổ sung melamine” vào các sản phẩm như sữa bột trẻ em, thức ăn chó mèo, v.v. thì sẽ là… giết thận.
Tháng 9-2008, vụ bê bối “sữa melamine” bắt đầu ở Bắc Kinh, khi Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark, thông báo cho Bắc Kinh về hiện tượng sữa nhiễm độc nhưng phải tới giữa tháng thì chính quyền Trung Quốc mới có phản ứng (đặc biệt theo hướng ngăn chặn truyền thông đưa tin về sự cố).
Tính đến cuối năm 2008, ở Trung Quốc có gần 300.000 trẻ em bị bệnh sỏi thận và suy thận, sáu trẻ chết. 22 công ty sản xuất sữa đã cho melamine vào sản phẩm để tăng đạm. Theo Navarro và Autry, melamine vốn giàu nitơ, mà lượng nitơ đó thì rất giống như một hàm lượng protein cao. Nói cách khác, không phân biệt được đạm tự nhiên trong sữa với nitơ của melamine, kể cả thông qua xét nghiệm. Chưa kể melamine lại còn rẻ hơn nhiều so với đạm thật nên các nhà sản xuất mới đang tâm phạm tội. Điều đáng nói là bọn họ đã có tiền sử cho melamine vào thực phẩm từ năm 2007, tuy hồi đó “mới chỉ” giới hạn ở thức ăn chó mèo. Đồ ăn nhiễm độc đã làm chết hàng chục ngàn chó mèo ở châu Âu, Mỹ và Nam Phi.
“Mặt dày tâm đen”
Câu hỏi đặt ra như thường lệ, là tại sao họ làm thế? Navarro và Autry cho biết: “Đôi khi độc tố có trong thực phẩm và dược phẩm là hậu quả tình cờ của các yếu tố như kỹ thuật sản xuất thấp kém, xử lý không vệ sinh hoặc ô nhiễm đất, do môi trường bẩn”. Nhưng câu trả lời chính xác nhất, theo hai tác giả, là “sự suy thoái đạo đức” của người Trung Quốc, bắt nguồn từ sự đổ vỡ của những nguyên tắc Khổng giáo và một “khoảng trống đạo đức”. Suy thoái đạo đức thúc đẩy người ta săn tìm lợi nhuận bằng mọi giá; cộng thêm vào đó là nạn tham nhũng ở quan chức và hành pháp lỏng lẻo, kết quả là đã sản sinh ra một danh sách dài những hóa chất độc hại mà các doanh nhân “mặt dày tâm đen” (theo cách gọi của hai tác giả) cho vào thực phẩm và dược phẩm để thay đổi thành phần, hương vị hoặc để bảo quản.
Điều kinh khủng có lẽ là câu chuyện mà Death by China tiết lộ sau đây: Liên quan đến melamine, vào năm 2010, nhà báo Triệu Liên Hải (Zhao Lianhai) bị kết án tù sau một phiên tòa mà tại đó bị cáo không được quyền cung cấp bằng chứng. Nhưng tội của Triệu không phải là cho melamine vào sữa, mà lại là “gây rối trật tự xã hội”, do ông đã tìm cách công bố ra dư luận những vụ sữa nhiễm độc, mà con trai ông là một nạn nhân.
Navarro và Autry kết luận: “Đó là lý do tại sao CHND Trung Hoa sẽ không bao giờ có thể cung cấp cho chúng ta sản phẩm lương thực đảm bảo an toàn. Không như những quốc gia dân chủ nơi quyền tự do ngôn luận và tự do tập hợp là thiêng liêng và góp phần đưa ra ánh sáng những hành vi sai phạm, Trung Quốc che giấu tất cả…”.
Vì thế cho nên hậu quả không chỉ là sữa melamine, mà còn là heparin, trà, đậu xanh… nhiễm độc. Ví dụ như trà – một trong những đặc sản Trung Hoa. Death by China trích lời một cựu quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, tả lại kỹ thuật sấy khô lá chè: “Nhà sản xuất đổ lá chè lên sàn kho và dùng xe tải chà lên… để khí thải tỏa ra từ xe sẽ làm lá khô mau hơn. Và do Trung Quốc dùng xăng pha chì để chạy ô tô cho nên không còn cách nào hiệu quả hơn để biến lá trà xanh thơm tho thành một thứ vũ khí giết người”.
Còn ở Nhật Bản, một nhà phân phối đã nhập khẩu hơn 50.000 kiện đậu xanh đông lạnh từ Công ty Thực phẩm Yên Đài Bắc Hải (Yantai Beihai) ở tỉnh Sơn Đông. Một số lượng lớn người dùng thứ đậu này đã bị các triệu chứng buồn nôn và ói mửa khiến nhà chức trách phải vào cuộc điều tra. Kết quả là giới chức y tế Nhật Bản phát hiện thấy nồng độ thuốc trừ sâu trong sản phẩm cao gần gấp 35.000 lần hàm lượng cho phép.
Cuối cùng, với tựa đề Chết vì tay Trung Quốc, đối đầu với con rồng – lời kêu gọi hành động toàn cầu, cuốn sách không dừng lại ở mô tả thực trạng mà cũng đưa ra một số khuyến cáo. Đối với vấn nạn thực phẩm và dược phẩm bị nhiễm độc, cuốn sách cho rằng người tiêu dùng Mỹ cần xác định vài việc phải làm, ví dụ đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, đòi hỏi nhà nhập khẩu phải ghi rõ nước xuất xứ và ủng hộ những đối tác thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Mexico và Đức…
Tại hiệu thuốc ở khu nhà bạn hoặc một hiệu thuốc bán qua mạng nào đó, bạn có thể tìm thấy đủ “thần dược” mà thay vì cứu thì lại giết người: aspirin hỏng, Lipitor giả, Viagra rởm chứa stricnin (một loại chất độc – PV), heparin làm vỡ thận, rồi vitamin có thạch tín (asen). Còn nếu bạn thích chết bằng cách gây nổ, bằng lửa hay điện giật thì bạn có rất nhiều lựa chọn: Từ dây cắm, quạt điện, đèn điện như cái bẫy treo trên đầu đến điều khiển từ xa quá nhiệt, đến điện thoại di động dễ nổ…”.
|
Theo PHÁP LUẬT TPHCM
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét