LÊ THANH PHONG
LĐO - Nhập Bộ KHĐT với Bộ Tài chính thành Bộ Kế hoạch - Tài chính; thành lập Bộ Giáo dục và Khoa học trên cơ sở nhập Bộ GDĐT và Bộ KHCN; thành lập Bộ Đất đai - Thủy lợi - Xây dựng - Môi trường trên cơ sở nhập Tổng cục Thuỷ lợi của Bộ NNPTNT với phần môi trường, đất đai của Bộ TNMT vào Bộ Xây dựng.
Như vậy, Bộ TNMT chỉ còn phần tài nguyên khoáng sản nhập với Bộ Công Thương sẽ giảm thêm 1 bộ nữa. Theo phương án này, sẽ chỉ còn 15 bộ thay vì 18 như hiện nay.
Trên đây là đề xuất của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.
Dĩ nhiên cần phải có thời gian nghiên cứu để tính toán việc tách nhập các bộ khoa học, hiệu quả nhất, nhưng phải khẳng định, sáp nhập để giảm là xu hướng nên làm.
Ví dụ như nhập Bộ GDĐT và Bộ KHCN thành Bộ Giáo dục Khoa học là rất đáng ủng hộ.
Còn nhiều bộ khác, quản lý chồng chéo, không hiệu quả và tiêu phí ngân sách cho việc nuôi bộ máy. Nuôi một bộ từ cấp trung ương đến địa phương tốn kém là một việc, nhưng vận hành bộ máy nặng nề, quan liêu, cản trở nhau là việc lớn hơn. Cũng theo ý kiến của ông Vũ Mão, muốn giảm gánh nặng quản lý của các bộ thì không quản lý doanh nghiệp như hiện nay. Đúng là không “ôm” doanh nghiệp, các bộ bớt đi nhiều việc, bởi vì không lo nhân sự, tài chính và nhiều can thiệp khác vào doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ. Nhập thành bộ đa ngành rõ ràng ai cũng thấy hướng có lợi nhiều hơn, nhưng làm được không dễ vì sẽ gặp hai cản trở lớn.
Một, đó là không bộ nào muốn nhả doanh nghiệp ra, ôm doanh nghiệp không màu cũng mỡ.
Hai, đó là nhiều người mất ghế hoặc xuống ghế, liệu có ai nghĩ đến lợi ích quốc gia để sẵn sàng từ bỏ cái ghế của mình, e rằng có nhưng hiếm. Ông Vũ Mão nói về sự mất ghế rằng: “Đấy chính là rào cản nhưng phải kiên quyết làm vì lợi ích chung. Vì vậy phải từng bước giải quyết, tất nhiên khi sắp xếp lại phải có đụng chạm. Chứ cứ để như bây giờ hàm vụ trưởng, vụ phó nhiều quá”.
Sắp xếp, sáp nhập để giảm được một bộ là giảm từ bộ trưởng đến các thứ trưởng, vụ trưởng, cấp sở ở 63 địa phương. Nhà nước sẽ tiết kiệm từ trụ sở, xe cộ, quỹ lương và chi tiêu khác rất nhiều. Giảm được 3 bộ thì không lo chi chuyện tích lũy để trả nợ.
Muốn tăng lương cho công chức, viên chức, sẽ không có nguồn nào tốt hơn bằng chính tinh giản biên chế.
Muốn giảm gánh nặng thủ tục trong quan hệ Nhà nước - công dân, không có cách gì tốt hơn tinh gọn bộ máy, bỏ bớt các cơ quan có chức năng chồng chéo thì hiệu quả quản lý sẽ cao lên ngay.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét