Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Tại sao năng suất 236 nông dân Trung Quốc không bằng 1 nông dân Mỹ?


 Bạn có biết vì sao thịt lợn Trung Quốc luôn tăng giá? Bạn có biết Trung Quốc phải nhập khẩu thực phẩm? Rất nhiều người không biết, nguy cơ lớn nhất của Trung Quốc không phải là bất động sản, cũng không phải chính trị quân sự, mà là trên bàn ăn. Có thể nói, “các vấn đề cả bên trong và bên ngoài” đe dọa nghiêm trọng sinh kế của người dân và phát triển của quốc gia, nhưng trong đó những “lo lắng nội bộ” vượt xa “lo lắng bên ngoài”.

Sau khi đọc hết bài viết này, bạn có thể đồng ý…
Nguy cơ lớn nhất của Trung Quốc không phải là bất động sản, cũng không phải chính trị quân sự, mà là trên bàn ăn.

Nguy cơ nghiêm trọng đến mức nào? Hãy bắt đầu từ tuyên bố nổi tiếng trên mạng nhiều năm trước đây

Năm 2011, một cuộc khảo sát đã được tiến hành: dân số làm nông nghiệp của Trung Quốc là 670 triệu người, trong khi dân số làm nông nghiệp Mỹ chỉ 2,84 triệu người. Tỷ lệ dân số tham gia vào sản xuất nông nghiệp giữa Trung Quốc và Mỹ là 236: 1. Mặc dù có chênh lệch lớn về tỷ lệ dân số, nhưng nông nghiệp Mỹ mạnh hơn rất nhiều so với nông nghiệp Trung Quốc. Với chưa đầy 3 triệu dân làm nông nghiệp, Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất thế giới, chiếm một nửa tổng lượng xuất khẩu lương thực của thế giới.
Tuyên bố khi đó đưa ra là: “Năng suất của 236 nông dân Trung Quốc không bằng 1 nông dân Mỹ!”
Tôi biết rằng, với kết luận chỉ qua dữ liệu này là không chuẩn, nhưng không thể phủ nhận chênh lệch rất lớn giữa năng suất nông dân Trung Quốc và Mỹ. Khủng khiếp là khoảng cách này, ngày càng mở rộng!

Đối thủ của nông dân Trung Quốc là tư bản nhưng có nhà nước hỗ trợ

Năm 2006, lương thực của Trung Quốc vẫn hoàn toàn tự túc và xuất khẩu được 10 triệu tấn. Mười năm sau, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Đến năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu 120 tấn lương thực và bột ngũ cốc, bao gồm đậu nành, lúa mì, ngô, lúa mạch, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài thực phẩm, Trung Quốc cũng nhập khẩu số lượng lớn các chế phẩm thịt.
Theo thống kê hải quan Trung Quốc, vào năm 2014 nhập khẩu tổng thể của Trung Quốc về thịt heo và nội tạng heo là 1,37 triệu tấn, trong đó nhập khẩu lên tới 560.000 tấn thịt heo, nguồn gốc nhập khẩu chính là Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch, nhập khẩu lần lượt chiếm tỷ lệ 20,7 %, 18,9%, 16,2% và 11,9% tổng nhập khẩu thịt lợn Trung Quốc.
Đến năm 2015, số liệu trên được cập nhật, tổng nhập khẩu thịt các loại của Trung Quốc là 2.447.900 tấn, trong đó, 485.300 tấn thịt bò, tăng 40,6% so với năm trước; nhập khẩu thịt cừu, thịt lợn, thịt gia cầm lần lượt là 232.600 tấn, 1.337.100 tấn, 393.000 tấn.
Điều thú vị nhất ở đây là giá cả, thịt bò và thịt cừu nhập khẩu chỉ có giá 12-13 nhân dân tệ/kg, tương đương giá mua thịt bò và cừu còn sống ở trong nước.
Tại sao một “đất nước nông nghiệp” lại phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhìn bề ngoài là do giá cả thị trường thúc đẩy, nhưng phân tích nguyên nhân cơ bản là vì năng suất lao động của Trung Quốc còn kém xa những nước khác.
Năng lực nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc chiếm 50% thế giới, nhưng chi phí cho nuôi heo lại cao hơn nhiều so với nước ngoài. Năm 2015, chi phí của Mỹ, Đức, Brazil, Việt Nam chỉ tương đương với 4,0 – 4,5 nhân dân tệ/kg, trong khi giá thành của Trung Quốc là 6,0-6,5 nhân dân tệ/kg, cũng có khi lên đến 7,0-7,5 nhân dân tệ/kg. Năng lực kiểm soát chi phí là hiện thân trực tiếp của năng suất.
Khoảng cách này càng thể hiện rõ ràng hơn đối với cây nông nghiệp.
Sự cạnh tranh giữa nông nghiệp Trung Quốc và nông nghiệp Mỹ, ở mức độ nào đó là sự cạnh tranh giữa nền kinh tế nông nghiệp nhỏ và nền kinh tế tư bản. Các trang trại của gia đình Mỹ có khoảng 1.000-10.000 mẫu Anh, và số trang trại rộng hơn 10.000 mẫu Anh rất phổ biến.
Các trang trại lớn của Mỹ rất nhiều (Ảnh: Pixabay)
10.000 mẫu Anh tương đương với 60.000 mẫu Trung Quốc, trong khi đất trồng trọt của hộ nông dân Trung Quốc chỉ có một vài mẫu đến hơn chục mẫu, sau khi chuyển nhượng cũng có người có hơn trăm mẫu đất, nhưng chỉ ở Nội Mông và phía đông bắc Trung Quốc mới thấy có trang trại gia đình rộng trên ngàn mẫu.
Ngoài ra, nông dân Mỹ làm ruộng được trợ cấp, có đến 40% thu nhập của họ là từ trợ cấp của chính phủ.
Nói cách khác, chỉ cần chịu làm ruộng là có 40% lợi nhuận ròng, không thể chạy đi đâu khỏi. Một nông dân Mỹ hoạt động với 10.000 mẫu Anh, hàng năm khấu trừ vốn nông nghiệp, lao động, thuế, cũng có được hơn 2 triệu Đô la Mỹ lợi nhuận ròng, như vậy 2 triệu này tính theo 60.000 mẫu đất canh tác Trung Quốc (vì 10.000 mẫu Anh tương đương 60.000 mẫu Trung Quốc) thì mỗi mẫu chỉ được 33 Đô la Mỹ, có nghĩa là khoảng 219 nhân dân tệ/mẫu. Ở Trung Quốc, trợ cấp vài trăm nhân dân tệ cho mỗi hộ gia đình còn chưa được, thậm chí nông dân nghèo Trung Quốc bị khinh thị, họ phải ra thành thị làm thuê kiếm sống. Tại sao nông dân Mỹ có thể trụ vững được, là bởi vì ngoài lợi nhuận ròng họ còn được trợ cấp của chính phủ.
Nói cách khác, những người nông dân quy mô nhỏ ở Trung Quốc, không chỉ phải cạnh tranh với kinh tế tư bản, mà phía sau kinh tế tư bản kia còn có những khoản trợ cấp hậu hĩnh của chính phủ. So sánh như vậy, năng suất của Trung Quốc không bị tụt hậu mới lạ?

Nguy cơ! Ở ngay trên bàn ăn

Trong sách “Nguy cơ thời thịnh trị”, nhà tư tưởng cuối triều Thanh là Trịnh Quan Ứng (1842 – 1923) cho rằng: “Vải dệt, hoa văn, bít tất nước ngoài tràn vào Trung Quốc, còn nữ công nhân Trung Quốc thất nghiệp; dầu hỏa, nến, đèn nước ngoài vào Trung Quốc, trong khi cây tùng bách nhiều tỉnh Đông Nam bỏ đi… Sinh kế người dân vì thế mà rơi vào đường cùng…” Có thể hiểu: “Hàng hóa người nước ngoài tràn vào Trung Quốc, nhờ những ưu điểm tuyệt vời về chất lượng và giá cả đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, qua mặt ngành công nghiệp truyền thống Trung Quốc, dẫn đến một số lượng lớn người thất nghiệp, khốn đốn mưu sinh. Đây là nguy cơ khủng hoảng lớn nhất!”
Vì vậy, sau này Trung Quốc trỗi dậy các phong trào tẩy chay hàng hóa nước ngoài, phá rối, bài bác, thậm chí giết người nước ngoài, cho rằng chỉ cần tất cả các hàng hóa nước ngoài ra khỏi Trung Quốc là có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ “quốc gia thiên triều”. Tuy nhiên, kết quả thậm chí còn bi thảm hơn.
Kể từ đó, Trung Quốc đã không thể duy trì tư duy “đóng cửa để sản xuất và buôn bán”, đừng nói gì đến hiện nay. Một số người cho rằng nhà nước phải can thiệp để hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp nước ngoài, để đảm bảo toàn bộ ngành công nghiệp nông nghiệp Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Hạn chế và đóng cửa không thể giải quyết được vấn đề, cái chính là cần phải cải thiện năng suất và thu hẹp khoảng cách với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.
“Nguy cơ trên bàn ăn” này, chịu tác động lớn từ nước ngoài, nhưng những lo ngại từ bên trong còn nghiêm trọng hơn. Vấn đề nghiêm trọng nhất là đất trồng trọt của Trung Quốc vốn đã không nhiều, lại bị biến mất, bị ô nhiễm.
Nước Anh có một chiến dịch “Cừu ăn đất của người”, còn Trung Quốc có một chiến dịch “Nhà ăn đất của người”. Một trong những cái giá phải trả cho phát triển bất động sản của Trung Quốc là mất 300 triệu mẫu đất canh tác. Bây giờ Trung Quốc còn 2 tỷ mẫu đất canh tác, chưa đến 1/10 diện tích đất canh tác trên thế giới, nhưng Trung Quốc lại phải nuôi sống 1/5 dân số thế giới. Bình quân đầu người đất canh tác của Trung Quốc bằng 1/13 của Mỹ, 1/18 của Canada, thậm chí kém hơn Ấn Độ 1,2 lần. Trung Quốc đông dân hơn Mỹ cả tỷ người, nhưng Mỹ nhiều đất trồng trọt hơn Trung Quốc cả tỷ mẫu.
Ngoài việc bị “ăn mất” vô số đất trồng trọt, quá trình công nghiệp hoá của Trung Quốc cũng đã gây tàn phá đất trồng trọt kinh khủng. Đầu năm 2005, chính phủ Trung Quốc bắt đầu một cuộc khảo sát sơ bộ về ô nhiễm đất ở Trung Quốc và kết thúc vào năm 2013. Tám năm khảo sát liên quan lớn đến quốc kế dân sinh này đáng lý phải công bố cho toàn xã hội, nhưng cho đến tháng 4/2014 mới có thông báo chỉ vỏn vẹn 5 trang với nội dung mô tả rất đơn giản, mà không có bất kỳ chi tiết nào.
Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng
Trong khi các phòng ban liên quan vẫn nói chuyện tai to búa lớn về việc “giữ đường đỏ đất canh tác là 1,8 tỷ mẫu”, nhưng chất lượng đường đỏ đất canh tác từ lâu đã bị mất.
Báo cáo này nhìn chung chỉ nhận định là tình hình môi trường thổ nhưỡng Trung Quốc không lạc quan, một số vùng ô nhiễm đất nghiêm trọng, chất lượng môi trường đất nông nghiệp rất đáng lo lắng. Độ ô nhiễm đất vượt tiêu chuẩn là 16,1%, ô nhiễm vượt chuẩn nghiêm trọng nhất là cadmium, kim loại nặng, thủy ngân, asen, đồng, chì, crom, kẽm, niken, trong đó tỷ lệ vượt chuẩn của cadmium là 7,0%, là chất ô nhiễm đất canh tác phổ biến nhất. Những kim loại nặng tích tụ trong đất này cuối cùng sẽ bị các loại cây trồng hấp thụ, đi lên bàn ăn hàng ngày của chúng ta.
Tình hình đất ô nhiễm ngày một lan rộng
Ô nhiễm không khí và nước thì ai cũng trông thấy, trong khi ô nhiễm đất là tương đối “vô hình”. Và ô nhiễm đất đai khó chữa hơn. Khi đất bị ô nhiễm, có thể sẽ mất hàng trăm năm để xử lý chất độc trong đất.
Blog Hoa Khải Thiện

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: