Phố sách Hà Nội chưa tạo được không gian thu hút độc giả - Ảnh: Phương Chinh
Ngày 27-12, ông Nguyễn Cảnh Bình, chủ tịch HĐQT Công ty Alpha Books, gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất mô hình quản lý phố sách Hà Nội. Đề xuất này nêu sáng kiến mô hình quản lý và điều hành phố sách Hà Nội cùng các bước hành động cụ thể.
Quản lý phố sách phải hiểu về xuất bản, về sách
Dẫn lại chuyện hoạt động phố sách Hà Nội gần đây bắt đầu bộc lộ những khó khăn, bất cập, ông Bình khẳng định cần có thay đổi mạnh mẽ trong mô hình quản lý và khai thác phố sách.
"Phố sách hiện tại chưa thực sự có một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối trong những hoạt động chung cũng như chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc" ông Nguyễn Cảnh Bình đặt vấn đề.
Vì vậy, ông đề xuất nên thành lập Công ty phố sách Hà Nội là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận. Giám đốc điều hành công ty phải là người có năng lực, am hiểu về ngành sách và tâm huyết với sự phát triển văn hóa đọc, có tầm nhìn, sáng kiến.
Đề xuất của ông Bình cũng là ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và ông Nguyễn Kiểm - cựu phó chủ tịch Hội Xuất bản VN.
Ông Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn: "Nên mạnh dạn suy nghĩ cải tạo, nâng cấp phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí.
Nếu không thì cần gấp rút thành lập ban điều hành phố sách với sự tham gia của những người am hiểu về xuất bản, có kinh nghiệm, tâm huyết. Nếu vẫn quản lý theo cách máy móc hành chính thì phố sách Hà Nội sẽ chết".
Ông Nguyễn Kiểm đồng tình: "Thành phố xây dựng phố sách rồi giao quận Hoàn Kiếm quản lý. Quận lại nặng về quản lý hành chính, không có được các quyết sách mang tính chuyên môn và không hỗ trợ được các nhà sách, không am hiểu về ngành xuất bản".
Ông đề xuất thành phố nên giao Sở Thông tin - truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao chủ trì thành lập ban điều hành phố sách.
Phố sách Hà Nội khá gần phố sách Đinh Lễ, trong khi lại bất tiện hơn về vị trí nên ít cạnh tranh. Diện tích phố sách nhỏ, không có mái che, cơ sở hạ tầng đi kèm kém nên nếu thời tiết xấu, các sự kiện tổ chức ngoài trời khó có thể diễn ra. Phố sách không có nhiều hoạt động phong phú liên quan tới sách để thu hút độc giả tới. Dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mấy ai đi bộ ra phố sách 19-12
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM - phân tích thời gian đầu phố sách Hà Nội đã tạo hiệu ứng tốt là công trình văn hóa thu hút nhiều người.
"Nhưng nếu chỉ dừng lại là một nơi bán sách sẽ làm phố sách không khác gì những cửa hàng, siêu thị sách vẫn tồn tại ở Hà Nội lâu nay. Chính điều đó làm phố sách không hấp dẫn.
Phố sách Hà Nội cần được tổ chức thành không gian văn hóa đọc, bên cạnh việc bán sách còn có các sự kiện như giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm mới, trưng bày sách, triển lãm, nghệ thuật... làm cho phố sách có linh hồn".
Muốn làm được như vậy, phố sách Hà Nội không thể được điều hành bởi một đơn vị hành chính, càng không phải là đơn vị không hiểu về nghề xuất bản.
Ông Lê Hoàng đề xuất mô hình vận hành thích hợp cho phố sách Hà Nội là doanh nghiệp gắn với tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội xuất bản) và được điều hành bởi những người am hiểu về ngành nghề xuất bản.
Là người tham dự nhiều sự kiện tại đường sách Nguyễn Văn Bình và phố sách Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cảm nhận không gian phố sách Hà Nội hẹp và ít lôi kéo được người tham dự nên hiệu quả không cao.
"Đến đường sách Nguyễn Văn Bình, người ta được thư giãn, giải trí, hòa mình vào không gian văn hóa. Nhưng phố sách Hà Nội chưa tạo được không gian như vậy. Cần cải tạo phố sách Hà Nội trở thành không gian phù hợp với văn hóa đọc.
Hơn nữa, gần ngay đó là phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí nằm cạnh hồ Gươm, rất thuận lợi để mọi người ghé vào, chứ mấy ai đi bộ ra phố sách 19-12 nữa" - ông Nguyên nói.
https://tuoitre.vn/khong-gian-chua-phu-hop-pho-sach-ha-noi-se-chet-20171228092950484.htm
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét