Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng Đường Lâm hiện vẫn giữ được các nét điển hình của một ngôi làng Việt cổ với cây đa, giếng nước, sân đình và những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi, những lối ngõ hẹp quanh co.
Sau những bộn bề, tấp nập của cuộc sống thành thị, người ta có xu hướng tìm về những làng quê thanh tịnh, ngắm nhìn những ngôi nhà mộc mạc với mái ngói đỏ tươi, những ngôi chùa yên tĩnh líu lo chim hót, những giếng nước sân đình lác đác lá vàng rơi….
Có lẽ nhiều người không ngờ được ở ngay ngoại thành Hà Nội lại có một khu làng như thế, làng cổ Đường Lâm – một nơi vẫn giữ lại được tất cả những nét mộc mạc cổ xưa thân thuộc đối với con người Việt Nam tự ngàn đời nay.
Nếu ở Trung Quốc nổi tiếng có làng cổ Tây Đệ và Hoành Thôn với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi thì Đường Lâm cũng có tới hàng nghìn ngôi nhà truyền thống với ngôi nhà lâu đời nhất có tuổi thọ tới 400 năm.
Thật hiếm có một ngôi làng nào lại giữ được nguyên vẹn những ngôi nhà cổ được xây bằng đá ong với những mái ngói đỏ đã nhuốm màu rêu phong như ở nơi đây. Nét cổ kính hiện lên từ cổng vào đến những bức tường cổ, lối đi lát gạch nghiêng. Được làm theo lối kiến trúc cổ xưa nhưng những công trình nơi đây vẫn có những nét tinh tế riêng.
Cổng vào nhà hình quai giỏ với đá ong lỗ chỗ mà chắc nịch, bền bỉ với thời gian nhưng vẫn giữ được đường nét mềm mại. Trước cửa các nhà quan thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên có đắp hình long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt.
Bước qua bậu cửa cao là không gian nhà cổ với bàn thờ tổ tiên đồ sộ, trang nghiêm. Trong nhiều ngôi nhà còn lưu giữ được những bức hoành phi với nét bút cổ bằng chữ Nho, mực tàu trên giấy đỏ. Những đồ dùng trong nhà đã già nua với thời gian tái hiện lại một bức tranh toàn cảnh chân thực về cuộc sống của cha ông ta xưa.
Đường làng ở đây cũng được lát gạch đỏ với nhiều ngõ cụt đề phòng trộm cắp theo quan niệm người xưa. Những ngả đường hình xương cá tụ hội về trục đường chính với nhiều con ngõ nhỏ thông nhau. Những con ngõ dài hun hút giữa hai bên tường bao kín mít của các ngôi nhà.
Vào tháng 9 hoặc tháng 5 khi mà cả ngôi làng đang náo nức mùa gặt, đến với làng cổ, bạn sẽ được tận hưởng thêm cảm giác được dạo bước đi trên những con đường làng lát gạch quanh co trải đầy rơm rạ, nhìn những chiếc xe trâu xe bò thong thả kéo những bó lúa vàng ươm về nhà.
Di Hân – Hà Phương
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét