Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

TƯỚNG GIÁP TỪNG CỨU TÔI


FB Hoàng Hải Vân 


TƯỚNG GIÁP

“Khi chân lý do đám đông ban phát, một Hitler có thể được đẻ ra. Khi chân lý do một cá nhân có quyền lực ban phát, một “Sông Đông êm đềm” có thể được tôn vinh và một “Bác sĩ Zhivago” có thể bị vứt vào sọt rác.
  Cuốn sách nổi tiếng “Đường về nô lệ” của F. A. Hayek từng bị phương Tây cấm sau Đại chiến 2, do Liên Xô yêu cầu. Cuốn tiểu thuyết bất hủ “Suối Nguồn” của Ayn Rand từng bị 12 nhà xuất bản Mỹ từ chối”. 
Tôi gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp 2 lần, không viết được bài nào. Nhưng trước khi gặp, ông đã từng cứu tôi.
Vào năm 1985, tôi làm ở Tỉnh Đoàn QN-ĐN. Bí thư là ông Phan Như Lâm, nổi hứng lên lập ra một cái ban, gọi là Ban Nghiên cứu. Tôi được giao làm Trưởng ban, đăng ký một đề tài khoa học với Ủy ban Khoa học-Kỹ thuật của tỉnh. Đó là đề tài điều tra xã hội học về thực trạng thanh niên. Là đề tài được cấp kinh phí từ ngân sách, nên ông thần rừng Hoàng Đình Bá lúc đó phụ trách khoa học xã hội của Ủy ban này hướng dẫn. Một cán bộ của Ủy ban được cử theo dõi là cô Phương Hiền con nuôi của ông Võ Chí Công. Tôi làm chủ nhiệm để tài, anh Hoàng Tuấn Anh (sau này là Bộ trưởng VH-TT&DL) làm phó, nhưng sau đó bận việc không tham gia.
Sẵn có “nước sông công lính” là đội ngũ cán bộ thanh niên hăng hái khắp các địa phương, nên chúng tôi đã tiến hành điều tra chọn mẫu với số lượng lớn tới 15 ngàn người. Tất nhiên người tham gia điều tra được tập huấn kỹ về phương pháp. Phiếu điều tra được xử lý trên máy tính điện tử của Xí nghiệp tính toán, Xí nghiệp này chỉ có một cái máy to bằng một căn phòng. Ngoài ra, một lượng tài liệu lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… được thu thập đem về chất đầy một cái tủ.
Sau một năm rưỡi thực hiện và xử lý thông tin, tôi viết một báo cáo khoa học kèm theo một biểu đồ to bằng nửa bức tường phòng làm việc, được anh Hoàng Đình Bá hướng dẫn vẽ. Khi đưa ra Hội đồng khoa học, tôi trình bày trên cái biểu đồ này.
Tôi trình bày xong, cuộc họp như ong vỡ tổ. Một số hoan nghênh, một số phản đối kịch liệt, bảo tôi bôi đen chế độ. Đó là do tôi phân tích tác hại của chủ nghĩa quan liêu lên thế hệ trẻ, khi dẫn trên biểu đồ về niềm tin của thanh niên đối với Đảng Cộng sản : Niềm tin tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn, học vấn càng cao thì niềm tin càng thấp. Mới có 10 năm xây dựng chế độ mới mà chủ nghĩa quan liêu trở thành thâm căn cố đế ăn sâu bủa vây khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống bóp nghẹt mọi mầm mống sáng tạo của giới trẻ. Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất đầu tiên là: Tuyên chiến với chủ nghĩa quan liêu.
Việc tôi “bôi đen chế độ” được báo cáo lên lãnh đạo tỉnh. Công an đi điều tra lại lý lịch của tôi. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu mời Viện Xã hội học ngoài Hà Nội vào thẩm định. Viện này cử 3 chuyên gia vào thẩm định trong 1 tuần. Kết luận : đề tài được thực hiện hoàn toàn bảo đảm phương pháp nghiên cứu xã hội học, có khen là điều tra mẫu lớn như vậy chưa ai làm nổi, nhưng không có ý kiến về kết quả nghiên cứu. Nghĩa là họ né tránh việc tôi “bôi đen chế độ”.
Rất may là trong Hội đồng khoa học có ông Vũ Quang Thành ủng hộ kết quả nghiên cứu. Ông Vũ Quang Thành là bạn thân ông Đặng Xuân Kỳ con trai cụ Trường Chinh, lúc đó là Viện trưởng Viện Mác – Lenin. Ông Thành đưa bản báo cáo tóm tắt cho ông Đặng Xuân Kỳ xem. Ông Đặng Xuân Kỳ ủng hộ kết quả nghiên cứu nên khi tướng Giáp vào làm việc với tỉnh QN-ĐN ông đưa bản báo cáo cho tướng Giáp. Tướng Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật. Vào Đà Nẵng, tướng Giáp đã dành một đêm đọc bản báo cáo đó, hôm sau trong cuộc làm việc với Tỉnh ủy, ông phát biểu: “Đây là một công trình có giá trị khoa học rất cao, đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu ứng dụng”. Bài phát biểu có đoạn đánh giá này được đăng trên báo QN-ĐN ngày hôm sau.
Tôi thoát nạn, từ một thằng “bôi đen chế độ” tự nhiên biến thành một thằng có thành tích. Kết quả nghiên cứu được in ra phát hành, được trích giới thiệu trên tạp chí Xã hội học và một số báo. Tôi được mời đi Liên Xô dự hội thảo khoa học về thanh niên các nước XHCN.
Tôi buồn thê thảm. Chỉ có anh Bá và anh Phan Duy Nhân là vui. Đối với hai ông đó, dù tướng Giáp có “nói giúp” hay không thì đề tài vẫn là thắng lợi, miễn là tôi không vào tù.
Từ đó tôi cạch đến già, sợ những chuyện liên quan đến khoa học xã hội như sợ lửa. Không phải là tôi ngây thơ. Tôi đã đọc ở đâu đó về số phận của cuốn tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sholokhov. Theo lý thì đó là cuốn sách chẳng thể tồn tại được dưới chế độ Xô Viết vì nhân vật chính của cuốn sách là Gregori cuối cùng cũng vứt bỏ vũ khí để ôm đứa con nhỏ của mình chứ không đi theo Hồng quân. Nhưng Stalin đã đọc nó và bảo nó hay, nên không ai dám động đến nó, bởi vậy nó mới trở thành tác phẩm kinh điển của văn chương Xô viết nhưng lại được tặng giải Nobel văn chương. Nếu Stalin còn sống để đọc Bác sĩ Zhivago thì liệu Pasternak có bị làm khó dễ hay không ? Cũng rất khó nói.
Làm báo chẳng phải làm khoa học, nhưng khi đi làm báo tôi vẫn gặp lại chuyện tương tự. Đó là khi tôi viết một loạt bài giới thiệu những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát về lịch sử, đã bị các ông Dương Trung Quốc, Phan Huy Lê và một số người khác “dùng” báo Đảng để công kích như là đấu tố, dù các ông này chưa hề đọc những tác phẩm của thầy Thát. Các ông kỳ thị sự uyên thâm uyên bác của thầy Thát hơn là kỳ thị tôi. May nhờ có ông Nguyễn Khoa Điềm đã đọc những tác phẩm của thầy và am hiểu lịch sử, đã phát biểu ủng hộ một cách công bằng, nên chiến dịch đấu tố đó mới dừng lại. Còn chuyện về vụ án Năm Cam và vụ PMU18 tôi sẽ nói khi có dịp.
Chuyện của tôi chỉ là chuyện rất nhỏ, nhưng dù những chuyện lớn hơn cũng chớ nên quy kết vào bản chất chế độ. Những chuyện như vậy có ở mọi chế độ. Khi chân lý do đám đông ban phát, một Hitler có thể được đẻ ra. Khi chân lý do một cá nhân có quyền lực ban phát, một “Sông Đông êm đềm” có thể được tôn vinh và một “Bác sĩ Zhivago” có thể bị vứt vào sọt rác.
Cuốn sách nổi tiếng “Đường về nô lệ” của F. A. Hayek từng bị phương Tây cấm sau Đại chiến 2, do Liên Xô yêu cầu. Cuốn tiểu thuyết bất hủ “Suối Nguồn” của Ayn Rand từng bị 12 nhà xuất bản Mỹ từ chối. Thuốc diệt côn trùng DDT vốn là thuốc gây hại cho người và môi trường nhưng Tổ chức Y tế thế giới nói nó không độc nó liền được phun khắp thế giới, khi Tổ chức này hứng lên nói nó gây ung thư thì lập tức nó bị cấm tiệt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: