Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Trung Quốc có thành Number One vào năm 2050?


Ai sẽ là siêu cường vào năm 2050. Ảnh: Internet
Nhớ năm 2008 đi từ sân bay về khách sạn China World Hotel nằm giữa Bắc Kinh, chàng lái taxi trông rõ nhà quê như Tổng Cua ở Hoa Lư, tôi hỏi đường bằng tiếng Anh thì toàn gật lắc, nhưng lại nói rất rõ bằng tiếng Anh “China Number One – Trung Quốc số 1” và giơ ngón tay cái lên, vẻ tự hào.

Gần 10 năm sau, báo cáo của Tập Cận Bình dài hơn 3 tiếng đọc tại ĐH ĐCS TQ đã nêu rõ, giấc mộng Trung Hoa sẽ thành quốc gia số 1 của thế giới vào năm 2050, không khác người lái xe taxi thuở nào.
Năm 2012, còm sỹ Tịt Tuốt viết còm hay về đề tài China Number One trên blog. Lão Tịt dẫn lời nhà báo Yan Xuetong (New York Times), người được thế giới phương tây mệnh danh là “hiếu chiến” đã có bài phân tích “làm thế nào để Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ” đã cho rằng là điều này là có thể.
Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ để trở thành lãnh đạo thế giới nhưng không phải chỉ với sức mạnh của kinh tế và quân sự, mà còn bằng đức độ của giai cấp thống trị Trung Quốc hiện nay. “Chủ nghĩa hiện thực không có nghĩa là các chính trị gia chỉ cần quan tâm đến sức mạnh quân sự và kinh tế. Trong thực tế, đạo đức có thể đóng một vai trò quan trọng trong hình thành cạnh tranh quốc tế giữa các quyền lực chính trị và sự phân cách người chiến thắng, kẻ thất bại”, nhà báo Xuetong viết.
Qua nghiên cứu hệ tư tưởng chính trị của các vương triều hùng mạnh cổ đại Trung Hoa, ông đã đưa ra một vài nhận định về tầm quan trọng của văn hoá đạo đức của quyền lực. Ông cho rằng “Chế độ độc tài dựa trên lực lượng quân sự – chắc chắn tạo ra kẻ thù. Quyền lực nhân đạo sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh nào với quyền bá chủ hay chuyên chế.”
Quan điểm dùng đức để cai trị chẳng có gì mới cả mà có từ thời Khổng Tử “Làm chính trị bằng đức độ cũng ví như sao Bắc Đẩu, cứ nguyên một chỗ mà các sao khác phải hướng về chầu. Người trên chuộng Lễ thì dân chẳng dám bỏ niềm cung kính; người trên chuộng Nghĩa, dân chẳng dám không kính phục; người trên chuộng thành Tín, dân chẳng dám sai ngoa trong việc giao ước. Nếu người cầm quyền ở đủ Lễ, Nghĩa, Tín như vậy, thì dân chúng từ bốn phương sẽ mang con đến mà phục dịch.”
Trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và TQ để chiếm lĩnh uy quyền tối cao thế giới, rõ ràng kẻ thắng cuộc đua là kẻ cải thiện và gia tăng mối quan hệ quốc tế rộng lớn hơn. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Sức mạnh của kẻ thắng cuộc không phải từ nòng súng, không phải từ đồng đô la hay đồng Nhân dân tệ, mà là sức mạnh từ trái tim.
Để lãnh đạo thế giới TQ phải chiếm được trái tim nhân loại, có thể không phải toàn nhân loại, nhưng ít nhất cũng là một bộ phận lớn toàn cầu.
Yan Xuetong kết luận “Làm thế nào Trung Quốc có thể giành chiến thắng trái tim nhân loại? Theo triết học cổ đại Trung Quốc thì phải bắt đầu từ ở nhà (Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ – HM trích). Quyền lực nhân đạo bắt đầu là tạo ra mô hình mong muốn ở nhà truyền cảm hứng cho người nước ngoài.”
Tin cho hay, sau đại hội 19, Trung Quốc sẽ đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào trường học và ngăn tư tưởng phương Tây lan truyền.
Chưa hiểu rõ tư tưởng Tập là gì nhưng có thể đoán đó là dân tộc cực đoan khá giống với trào lưu thế giới hiện nay mà đứng đầu là Trump cùng một số lãnh đạo châu Âu đang làm. Thế giới đi theo dân tộc cực đoan thì Trung Quốc sẽ là số 1 vì Mỹ không dạy trong trường xu hướng này mà chỉ là nhất thời.
Có một giai thoại về người Tầu di cư thế kỷ trước. Người đàn bà gánh đôi thúng, một bên là đứa bé, bên kia là xoong chảo nồi niêu, trông rất nhếch nhác.
Bà thuê tạm vỉa hè của một gia đình để bán mỳ vằn thắn. Sau một năm bà thuê gian phía ngoài. Sau vài năm, bà mua luôn cả nhà và hơn một thập kỷ, mua luôn cả dãy phố.
Sự thành đạt của họ bắt đầu từ món ăn bình dân và ít người để ý. Đó là sự lặng lẽ kiểu Trung Hoa, giống như họ hội nhập theo kiểu “mèo đen, mèo trắng” từ thời Đặng Tiểu Bình, và hiện là nền kinh tế thứ 2 trên thế giới.
Cho dù mô hình phát triển chưa bền vững vì thách thức về dân số, về năng lượng toàn cầu, về lương thực, về nước, môi trường và sức sản xuất, chưa kể sự bất công trong xã hội có thể làm xáo trộn hệ thống chính trị, thì trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc là đối trọng duy nhất của Hoa Kỳ.
China Number One là có thể, ít nhất là trong não trạng của người lái xe taxi ở Bắc Kinh và Tập Cận Bình vào hôm nay (24-10) khi họ kết thúc ĐH ĐCS Trung Quốc.
HM. 24-10-2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: