Báo Mỹ: Khác TQ, Nga đồng cảnh ngộ và hiểu nỗi đau của Triều Tiên nên không thể tin tưởng
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Getty Images)
Khi căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm giữa Mỹ và Triều Tiên những ngày qua, một số nhà quan sát cho rằng Nga có thể tiếp cận và đóng vai trò giúp đỡ và trung gian hòa giải.
Nhiều người tin rằng Triều Tiên là một trong số ít những vấn đề mà Washington và Moscow có thể tìm ra những điểm tương đồng.
Tuy nhiên, tạp chí Foreign Policy (FP) ngày 28/9 phân tích, chính quyền tổng thống Donald Trump không nên trông chờ vào Nga, bởi Moscow không chỉ có ít ảnh hưởng với Bình Nhưỡng hơn Bắc Kinh, mà Nga còn sử dụng ảnh hưởng đó theo cách làm giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên.
FP cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cục diện Triều Tiên cũng giống như các vấn đề quốc tế khác. Nếu Mỹ có mặt trong khu vực đang căng thẳng, Nga sẽ cố gắng tận dụng tình hình để nâng cao vị thế của mình. Tương tự, nếu Bắc Kinh gặp trở ngại với Triều Tiên, Moscow có thể sẽ bước vào và lấp khoảng trống do Trung Quốc để lại.
Điện Kremlin không hứng thú với việc nhìn cuộc xung đột nổ ra thành chiến tranh, nhưng Nga sẵn sàng khai thác mọi không gian lợi ích.
Thái độ hoài nghi về Nga
Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, ông Dmitri Trenin nhận định trên tờ New York Times rằng Nga "có thể giúp thúc đẩy Bình Nhưỡng theo hướng kiềm chế chiến lược và giúp xoa dịu căng thẳng trong thời gian chờ đợi bằng cách đưa ra các triển vọng kinh tế mới".
Nga có thể là một bên trung gian giúp xoa dịu căng thẳng leo thang - ông Dmitri Trenin lập luận. Cựu Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov đưa ra nhận xét tương tự.
Nhưng quan hệ Mỹ-Triều Tiên diễn biến xấu có thể trở thành một cơ hội tốt cho Nga.
Ông Choe Ryong Hae (phải), Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên, quan chức được lãnh đạo Kim Jong Un tin cậy, bắt tay tổng thống Vladmir Putin trong chuyến công du Nga quan trọng vào tháng 11/2014 (Ảnh: KCNA)
Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tờ Russian in Global Affairs (Nga) đánh giá gần đây trong một bài viết đăng trên báo Financial Times (Anh) rằng, "Khủng hoảng tên lửa hạt nhân Triều Tiên không có giải pháp dễ dàng, nhưng quản lý nó là điều có thể và cần thiết. Và nếu Nga làm được điều này một cách khéo léo thì Nga sẽ củng cố được vị trí của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đi ngược lại vị thế bá quyền của Mỹ trong các vấn đề quốc tế".
Lukyanov chỉ ra, "Kremlin hiểu được tâm lý của Triều Tiên, bởi vì các nhà lãnh đạo Nga cũng từng cảm thấy bị bao vây".
Đối với Triều Tiên, cốt lõi vấn đề không phải là đàm phán về hạt nhân, mà là sự sống còn của chế độ. Ông Putin nêu rõ, Triều Tiên hiểu rõ về số phận của Saddam Hussein ở Iraq, hay Muammer Gaddafi tại Libya, và xem các tên lửa hạt nhân như "bảo hiểm nhân thọ" của chính mình.
Nói cách khác, Moscow cảm nhận được nỗi đau của Bình Nhưỡng - ông Lukyanov đánh giá.
Ông Lukyanov cũng đưa ra quan điểm của Tổng thống Putin, người đầu tháng này đã có phát biểu rằng Triều Tiên "thà ăn cỏ hơn là từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trừ khi họ cảm thấy an toàn."
Với việc chính đất nước mình cũng bị trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây, ông Putin không hứng thú khi thấy các lệnh trừng phạt được áp đặt ở bất kỳ nơi nào khác. Chính phủ Nga khẳng định giải pháp gia tăng sức ép đơn thuần lên Bình Nhưỡng là không hiệu quả.
Trung Quốc, cũng phản đối cấm vận toàn diện Triều Tiên và là đối tác kinh tế hàng đầu của Bình Nhưỡng, nhưng không ở vào vị thế như Nga.
Với lời lẽ nhẹ nhàng hơn, Nga tuyên bố xem các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là hành động "khiêu khích". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chỉ trích đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9.
"Nếu bạn chỉ đơn giản là lên án và đe dọa thì sẽ phản tác dụng với những quốc gia mà chúng ta muốn gây ảnh hưởng," ông Lavrov nói.
Ở LHQ, Nga và Trung Quốc đã thành công trong thỏa thuận với Mỹ để giảm bớt lệnh cấm vận mà Hội đồng bảo an áp lên Triều Tiên trong nghị quyết thông qua ngày 11/9.
Chuyên gia Hannah Thoburn ở Viện Nghiên cứu Hudson lập luận, Nga có lợi ích kinh tế của mình và không muốn gặp trở ngại vì cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Bên lề phiên họp của Đại hội đồng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tỏ vẻ không tin tưởng rằng Nga có thể đóng một vai trò hữu ích.
Ông nói, "Nếu Nga muốn khôi phục lại vai trò của một nhà hoạt động đáng tin cậy trong việc giải quyết tình hình với Triều Tiên, họ có thể chứng minh những ý định tốt bằng cách duy trì cam kết với các nỗ lực quốc tế về an ninh hạt nhân và kiểm soát vũ khí".
Mối nghi ngờ của ông Tillerson không hẳn là không có căn cứ. Theo FP, ngay cả khi Moscow hiểu được giá trị hữu ích của mình, nước này cũng sẽ chọn phương án ngược lại thay vì ủng hộ Mỹ trừng phạt Triều Tiên.
Điển hình như một bến phà mới nối kết giữa Triều Tiên và Nga đã được khánh thành lần đầu tiên vào mùa xuân năm nay, bất chấp Mỹ kêu gọi các quốc gia trên thế giới hạ thấp mức độ quan hệ với Bình Nhưỡng do chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tổng thống Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9 (Ảnh: EPA)
Báo Mỹ tố Nga chống lại lệnh cấm vận Triều Tiên
Theo tờ Washington Post, "những nhóm buôn lậu người Nga đang hối hả hoạt động dưới sự trợ giúp của Triều Tiên với các chuyến hàng vận chuyển dầu và các vật dụng quan trọng khác có thể giúp Triều Tiên vượt qua những chế tài kinh tế khắc nghiệt mới".
Bài báo của WaPo đề cập hoạt động gia tăng liên quan đến các cảng biển của Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga, khi các thương gia Nga tìm cách khai thác các vị trí mở, trong lúc Trung Quốc và các nước khác hạn chế quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng.
Nói cách khác, Nga đang lấp dần vào chỗ trống nơi Trung Quốc bỏ lại trong việc cung cấp một tuyến huyết mạch nắm giữ sinh mệnh của nền kinh tế Triều Tiên, thông qua việc cung cấp năng lượng và các hàng hoá khác.
Thậm chí tờ NYT hồi tháng 8 còn đặt nghi vấn Nga đã thêu dệt nên một câu chuyện, khi xuất hiện những báo cáo nói rằng nguồn cung cấp động cơ tên lửa cho Triều Tiên xuất phát từ một nhà máy ở Ukraine. Nhà chức trách Ukraine bác bỏ thông tin và phản pháo rằng chính Moscow là nguồn gốc của chiến dịch làm nhiễu thông tin nhằm hạ thấp danh tiếng của Kiev.
FP nhận định, không nên kỳ vọng nước Nga hiện nay đóng một vai trò trung gian hòa giải hiệu quả với Triều Tiên, và chính quyền Trump - nếu có ý định đối thoại với Bình Nhưỡng - thì nên tìm sự hỗ trợ từ một bên khác ngoài Nga.
Nga phát triển vũ khí bí mật mạnh hơn bom hạt nhân
Tên lửa Alabuga có khả năng tiêu diệt mạnh hơn bom hạt nhân.
Vũ khí điện tử vô tuyến điện có tên gọi tên lửa Alabuga có khả năng phá huỷ tất cả các thiết bị điện tử cách xa và có thể làm tiêu tan toàn bộ quân đội của kẻ thù.
Họ sử dụng máy phát điện để vô hiệu đầu đạn tên lửa và hệ thống truyền thông trên máy bay từ xa.
Vũ phí mới cũng có thể làm tắc nghẽn cơ cấu nạp của một chiếc xe tăng, thổi pháo binh vào trong tháp pháo và giết chết những người lính địch ấn náu sâu 100 mét dưới lòng đất bằng bức xạ.
Tên lửa Alabuga có thể tạo ra các xung nhịp cực mạnh ở tần số UHF có thể vô hiệu hoá tất các các thiết bị điện tử của đối phương trong vòng bán kính 3.500m. Quân đội Nga có kế hoạch lắp đặt những vũ khí này trên máy bay chiến đấu mới nhất của nước này.
Dự kiến, quân đội Nga sẽ nhận được 150 chiếc trong vòng hai năm tới. Cũng có lo ngại Triều Tiên đang có kế hoạch nhắm tới các nhà máy điện hạt nhân, các ngân hàng và các bộ của chính phủ ở Hàn Quốc bằng vũ khí điện từ (EMP).
Vũ khí hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên vô hiệu hóa ưu thế công nghệ cao của Mỹ. Việc kích nổ một đầu đạn hạt nhân trên quỹ đạo gần Trái Đất sẽ tạo ra xung điện từ (EMP) lớn đột biến, đốt cháy mọi mạch điện trên một khu vực địa lý rộng lớn.
Hồi đầu năm nay, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở quỹ đạo tầm cao, giúp họ đánh giá khả năng sống sót của thiết bị hồi quyển. Các vụ thử cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang tiếp cận giải pháp dùng vũ khí EMP.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét