Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Tin buồn: THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH PGS VĂN GIÁ



.
.
.
.
.

TIN BUỒN

Chúng tôi đau buồn báo tin,
Thân mẫu của PGS. TS Nhà văn Ngô Văn Giá
Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí, 
Trường ĐH Văn hoá Hà Nội 

Cụ bà TỐNG THỊ LỊCH

Nguyên quán: Làng Liên Bộ, xã Liên Chung, 
huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Đã tạ thế hồi 23h30 phút ngày 25-10-2017, 
(tức ngày 6 tháng Chín năm Đinh Dậu)
hưởng thọ 92 tuổi.

 Lễ viếng từ 13h00 ngày 26-10-2017 
Tại gia đình:Làng Liên Bộ, xã Liên Chung,
huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Lễ đưa tang vào hồi 07h30 ngày 27-10 - 2017

****
Chúng con xin dâng lời cầu nguyện hương linh Cụ bà Tống Thị Lịch thung dung về Cõi Phật, an lạc vĩnh hằng, và phù hộ cho con cháu chắt mọi sự an lành.
Và thành kính nghiêng mình chia buồn Nhà văn, PGS. TS Ngô Văn Giá cùng toàn thể tang quyến trước mất mát vô cùng lớn lao này!
.
Những ngày u nằm bất tỉnh, 21/10/2017

Ngô Văn Giá 
21 Tháng 10 lúc 8:34 · 


U CHO ĐI HỌC

Những năm ấy, ở quê rất đói. Nhà mình, tính cả ông, cả bố và u có đến già chục miệng ăn. Có năm lũ lụt, bữa cơm chỉ toàn là sắn thôi, kèm theo một rổ rau khoai lang luộc. Nhìn nồi cơm, chỉ thấy lơ thơ vài hạt gạo. Có ai nói tếu: đây không phải là cơm độn sắn mà là sắn độn cơm…

Ấy thế mà mấy anh chị em vẫn được đi học, ít nhất là hết cấp hai, có mấy người cấp ba, không ai bỏ giữa chừng.

Anh cả đi bộ đội chiến trường B. Ở nhà còn 7 chị em. 

Một hôm nghe tin bố đi đánh bạc mất hết cả gói tiền mà u dành dụm được, trong nhà không còn gì, chỉ còn mỗi cái xác nhà. Mình vừa khóc vừa nói với chị Hai hay là em bỏ học ở nhà cho u đỡ khổ. Chị bảo em học sáng dạ nhất nhà, không được bỏ, để chị ở nhà đỡ u, chị thôi không đi học sư phạm nữa…Chắc là chị Hai nói với u, u gọi hai chị em ra bảo: “Con phải đi học tiếp. Nếu bố mày không nuôi được chúng mày ăn học thì u sẽ nuôi. Dù u có chết đói cũng sẽ nuôi được chúng mày. Không được bỏ con nhé!”. Mình thút thít bảo con thấy u khổ quá…Nói rồi ba mẹ con ôm nhau khóc.

Mình là cái đứa nhà quê vụng thối vụng nát. Nhớ có lần đi tát nước gầu dai, mỗi lần kéo dây lên đổ nước, chị mình lại cười, cười lăn cười lóc ngã cả ra bờ ruộng. Mình tức, vứt luôn cả gầu, không thèm tát nữa. Chị Hai bảo sao mỗi lần kéo nước lên cái cái mồm em lại cứ phải nhệch ra đến tận mang tai như thế chứ…

Lại có lần theo mấy đứa hàng xóm đi bắt cua ngoài đồng. Suốt cả buổi sáng. Đến gần trưa, chúng hô về. Nhìn chúng giỏ lớn giỏ bé đầy cứng. Mình mở ra đếm được cả thảy 14 con, trong đó có 3 con đã chết. Chúng nó bảo mày bắt gì mà hèn thế. Rồi chúng thương tình, bảo nhau mỗi đứa cho 10 con để mang về đủ một bữa canh.

U lại kể, có lần mình đi học về, nhóm bếp nấu cơm. Mình không biết gầy củi cho cháy. Mồ hôi mồ kê mướt mát. Mình chạy ra bảo: “U ơi cái củi nó làm sao í, nó không cháy, chỉ toàn khói thôi”. U lại chạy vào dạy cách xếp củi sao cho dễ cháy…

Thấy mình vụng, u bảo: “Con cố mà học hành, sau này đi thoát ly, kiếm cơm nhà nước, chứ bộ dạng con ở nhà thì có mà chết đói”. Nói xong u cười, cái cười thoáng chút lo âu.

Thương u, mình đi học. Rồi vào đại học. Bây giờ mình cũng đã sắp già. Thỉnh thoảng trong mâm cơm xúm xít bên con cháu, u vẫn nhắc đến mấy chuyện này, rồi cười lất ngất. Chắc bây giờ u cũng đã ít nhiều yên tâm về cái thằng con vụng đoảng nhất nhà.

Nghĩ lại, nếu mình không nghe lời u đi học, chắc bây giờ đã là một lão nông tri điền nghèo khó, bên cạnh một mụ vợ suốt ngày nghiến răng ken két than khổ, than thằng chồng vô tích sự, và một đám con sàn sàn nối đời đồng đất. Hoặc nếu giời thương, biết đâu cũng có một đời sống hạnh phúc giản đơn và bình dị ở thôn làng. Hoặc vào cái đận ấy, đánh nhau biên giới Bắc Nam thon thót, nếu đi bộ đội khéo đã xanh cỏ rồi…Đời người chả biết thế nào.

Những năm đói khổ, giặc giã, u như một gà mẹ vững chãi che chở cho lũ gà con đỡ phải đói khát và được cắp sách đến trường…

Những ngày u nằm bất tỉnh, 21/10/2017
VG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: