(Quan hệ quốc tế) - Thủy điện Trung Quốc không chỉ gây họa cho chính họ mà còn gây tai họa lớn cho các nước vùng hạ du, đặc biệt là Việt Nam.
Thủy điện đã gây hại lớn cho chính Trung Quốc
Quốc gia này hiện có hơn 25.000 đập, chiếm một nửa số đập trên toàn thế giới. Tại phía Tây Nam Trung Quốc, cũng có ít nhất 114 đập trên 8 con sông đã, đang và sẽ được xây dựng, trong đó nhiều dự án thuộc loại lớn nhất trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Riêng tại thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc dự kiến làm tới 19 con đập, trong đó gần một nửa đã xây xong, có dự án rất lớn như: Mãn Loan 1.500 MW, Tiểu Loan 4.200 MW và đặc biệt là dự án thủy điện cực lớn Nọa Trác Độ có công suất lên tới 5.860 MW...
Các dự án đập đã buộc hơn 23 triệu người dân phải từ bỏ nhà cửa, đất đai và phần nhiều trong số đó đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chuyển dời chỗ ở.
Khoảng 30% số lượng các sông ở Trung Quốc cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải, phế phẩm nông nghiệp, khai mỏ và hóa chất công nghiệp. Dòng chảy của một số sông như sông Hoàng Hà thậm chí còn bị thay đổi tới mức không thể đổ ra biển.
Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy và kể từ thập niên 90, trung bình mỗi năm Hoàng Hà có tới hơn 100 ngày không có nước. Hàng trăm nghìn nông dân phải bỏ ruộng đất màu mỡ ở quê hương để dời đến những vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người thậm chí mất sạch cơ nghiệp.
Trong số các đập của Trung Quốc và trên toàn thế giới, đập Tam Hiệp ngoài việc là con đập hoành tráng nhất (Đập Tam Hiệp có chiều cao 185m, chiều dài 2.390m), với tổng vốn đầu tư lớn nhất (22,5 tỷ USD), nhưng là dự án tai tiếng nhất.
Lượng điện được tạo ra từ con đập có tổng công suất là 18,2 triệu kW, tổng sản lượng điện hàng năm là 84,68 tỉ kWh, ngang với với 15 lò phản ứng hạt nhân, tương đương với 25 nhà máy nhiệt điện, nhưng cái giá phải trả cho sự đánh đổi này cũng không hề nhỏ.
Hơn nữa, dự án đã gây ra biết bao phiền toái bởi nạn tham nhũng, tình trạng lạm phát, vi phạm nhân quyền, kèm theo những mối hiểm họa về môi trường và những khó khăn trong quá trình tái định cư.
Hơn 1,3 triệu dân đã phải di dời để nhường đường cho con đập, trong đó, hàng trăm nghìn người chỉ nhận được những mảnh đất nhỏ, cằn cỗi hoặc bị đưa đến các khu ổ chuột ở thành phố với số tiền đền bù ít ỏi và nhà ở chật hẹp.
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện đầy tai tiếng
|
Việc để xảy ra sạt lở tại 91 điểm ven hồ chứa đập Tam Hiệp cũng làm chết rất nhiều người, buộc các ngôi làng tái định cư tiếp tục phải di dời.
Bên cạnh đó, những cơn động đất cũng ngày một tăng. Điều này làm tăng sự chính xác của giả thuyết, các đập lớn có thể tạo ra động đất lớn thông qua hàng loạt các cơn địa chấn nhỏ phát sinh từ hồ chứa.
Bằng chứng là trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter xảy ra vào tháng 5-2008 tại tỉnh Tứ Xuyên, làm chết gần 90.000 người, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của đập Zipingpu.
Chất lượng nước sụt giảm nghiêm trọng cũng là vấn nạn phát sinh do thủy điện. Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án Đập Tam Hiệp, chất lượng nước ở vùng này được đánh giá là tốt nhất Trung Quốc và đứng hàng thứ hai trong tất cả các đoạn sông. Nhưng sau đó chất lượng đã tụt xuống thảm hại.
Với việc làm ngập nhiều vùng đất rộng của rừng nhiệt đới, kèm theo sự gia tăng các hoạt động khai thác gỗ, phá rừng, các con đập làm xáo trộn sự cân bằng nguồn nước vốn rất mong manh của sông và làm tăng hiện tượng khô hạn của rừng - vấn đề đang diễn ra phổ biến do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Một tai họa khác do các con đập gây ra là lượng phát thải khí nhà kính có thể gia tăng nhanh từ việc thực hiện các dự án đập thủy điện. Một số đập nước đã phát thải khí nhà kính gấp hàng chục lần (lượng khí này sinh ra do nguồn thực vật bị phân hủy trong hồ chứa của đập).
Như vậy, thủy điện tuy ban đầu được ngợi ca là nguồn năng lượng sạch nhưng thực chất chúng lại gây ra những thảm họa cực lớn về mặt môi trường. Cùng với những tác hại khác, thủy điện là một con dao 2 lưỡi mà người sử dụng rất dễ lâm vào tình trạng “lợi bất cập hại”.
Không chỉ gây hại cho bản thân Trung Quốc mà việc nước này xây đập thủy điện cũng di họa rất lớn cho các nước vùng hạ du sông Mekong như Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét