Tamnhin.net.vn Ra đời năm 2000 và được Cục Văn hóa Đài Bắc tổ chức thường niên, Liên hoan Thơ quốc tế Đài Bắc có nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn thơ, ngâm thơ, hát thơ, sắp đặt thơ...
Nhà thơ Đặng Thân sinh 1964, anh là nhà thơ song ngữ, đồng thời nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết hư cấu, truyện ngắn và tiểu luận. Giới phê bình văn học đánh giá anh là điển hình của văn học hậu - đổi mới. Nhà thơ Đặng Thân đã tạo ra chủ thể lời nói mới - thể loại diễn ngôn mới. Phóng viên báo điện tử tamnhin.net.vn trao đổi với nhà thơ Đặng Thân sau Liên hoan Thơ quốc tế Đài Bắc trở về.
PV: Trước tiên, nhà thơ có thể giới thiệu cho độc giả về Liên hoan Thơ quốc tế Đài Bắc, mà anh là đại diện của Việt Nam tham dự?
Đặng Thân: Năm nào Cục Văn hóa Đài Bắc cũng mời nhiều nhà thơ quốc tế nổi tiếng tham gia Liên hoan, trong đó, có những nhà thơ lớn đã đến đây như: Derek Walcott hay Ko Un. Liên hoan thơ 2017 kéo dài từ 23/9 đến 8/10, có khẩu hiệu: "Thời đại chi nhãn, thành thị chi quang" (Đôi mắt thời đại, ánh sáng thành phố), với ý nghĩa rằng thi sỹ là đôi mắt của thời đại, và ý tưởng từ bộ phim "City Lights" (Ánh sáng thành phố) của Charlie Chaplin, cũng là tên của một hiệu sách ở San Francisco là đại bản doanh của các nhà thơ thế hệ Beat, để cùng tranh luận về ánh sáng và bóng tối.
Cùng với 30 nhà thơ quốc nội, thì trong các khách mời quốc tế năm nay, ngoài tôi (Đặng Thân, Việt Nam), họ còn mời các nhà thơ rất uy tín khác như Kelly Tsai (Mỹ), Derek Chung (Hong Kong), Hirata Toshiko (Nhật), Efe Paul Azino (Nigeria), và Alessandro Bosetti (Italia).
Các hoạt động chính tại Liên hoan Thơ gồm có: trình diễn thơ, ngâm thơ, hát thơ, sắp đặt thơ... đặc biệt, họ còn tổ chức nhà hát thơ (với Kelly Tsai) và "Hội đồng Lập hiến Thi nhân" rất thú vị. Điểm nhấn của Liên hoan Thơ lần này là các hội thảo: Cách mạng tình yêu (Efe Paul Azino); Không gian viết thơ (Hirata Toshiko); Thành phố, quê hương, và thơ (Derek Chung); Vẻ đẹp văn chương Việt Nam (Đặng Thân); cùng với nhiều hội thảo của các nhà thơ Đài Loan. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc triển lãm sách.
PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với Liên hoan Thơ quốc tế Đài Bắc? Là đại diện của Việt Nam, anh đã chia sẻ điều gì về thơ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế?
Đặng Thân: Tôi được các bạn Đài Loan biết đến từ trước, nhờ các cuộc giao lưu giữa họ với các du học sinh Việt Nam bên Mỹ. Tôi cũng không ngờ các du học sinh đọc tôi nhiều đến vậy. sách của tôi được các bạn ấy photocopy truyền tay nhau. Từ đó, các bạn Đài Loan rất chú ý và đọc tôi khá sâu rộng. Tôi có cảm tưởng không có cái gì tôi viết mà họ không biết, kể cả những bài ngắn trên mạng xã hội. Họ còn giới thiệu các tác phẩm của tôi cho du học sinh Việt Nam đang học tập tại Đài Loan, cũng như kiều bào ta bên đó. Đó chính là lý do để Ban tổ chức Liên hoan Thơ Đài Bắc đề xuất với Cục Văn hóa Đài Bắc viết thư mời tôi cùng gia đình sang dự Liên hoan Thơ lần này.
Tại Liên hoan Thơ quốc tế Đài Bắc, các khách mời, các nhà thơ và cử tọa bầy tỏ sự kinh ngạc trước tính độc đáo, sự truyền cảm mạnh mẽ từ hội thảo này, ra về trong sự quyến luyến không rời.
Trong hội thảo dành riêng cho tôi có tên gọi "Vietnam's Literary Beauty" (Vẻ đẹp văn chương Việt Nam) tôi đã giới thiệu với họ "100 năm văn học Việt Nam", trải khắp các giai đoạn: trước 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 2000, 2000 - nay. Tiếc là thời gian hạn hẹp nên tôi chưa kịp nói về "văn học Việt Nam thế kỷ 21".
Tôi đã dành hết thời gian để cố gắng giới thiệu những thành tựu của văn học Việt Nam với quốc tế, bỏ qua cả việc nói về văn thơ của chính mình. Khi bạn làm việc với nước ngoài, bạn sẽ thấy, như thể vô điều kiện, là cần phải biết hi sinh và dâng hiến cho đất nước, vì giá trị bản thân bạn trước hết nằm trong giá trị của dân tộc và nền văn hóa mà bạn được sinh ra và lớn lên cùng. Thiếu bản sắc, bạn sẽ nhạt nhòa, đừng vội nghĩ đến "go global" làm gì.
Về thơ, tôi đã nói rõ những thành tựu và các dòng thơ Việt trong 100 năm qua: thơ mới, thơ hiện đại, thơ miền Nam, thơ kháng chiến, thơ đổi mới... Cuối chương trình, tôi còn mời các bạn Đài Loan cùng làm thơ "phạc-nhiên". Đặc biệt, là sự có mặt từ đầu của ni sư xinh đẹp Thích Bối Tiên, trước khi ra về đã viết tặng tôi hai câu thơ: 秋葉向你抛媚眼 / 你開悟了! Tạm dịch: Lá thu chớp mắt với người / Người bừng ngộ!
PV: Là tác giả có nhiều tác phẩm xuất bản tại Hoa Kỳ, một số tác phẩm của anh được in trên các tạp chí văn học như Wordbridge, The Writers Post, Beehive hay trong tuyển tập Blank Verse. Anh có đánh giá như thế nào về giao lưu văn học của Việt Nam với các nước, thông qua những hoạt động như thế này?
Đặng Thân: Những cuộc giao lưu văn học như thế này tất nhiên là rất bổ ích và có ý nghĩa quan trọng với việc đưa văn học Việt Nam ra với thế giới. Trong nước cần tạo điều kiện cho các đại biểu xứng đáng ra với thế giới để kéo gần khoảng cách giữa "vùng trũng văn học" như ở nước ta với các đỉnh núi và đại dương văn hóa, văn học quốc tế.
- Hứa Việt Như, hãng truyền thông Mirror Media: "Thật là kinh ngạc khi thấy hội thảo này có rất đông cử tọa và họ đã háo hức tham gia đồng sáng tạo để cùng làm thơ với diễn giả. Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Thân đã giới thiệu văn học Việt Nam đến với Đài Loan."- Hồ Đình Vũ, Ban điều hành Liên hoan Thơ Đài Bắc: "Thật sự vui mừng với sự có mặt của nhà thơ, anh đã đem đến cho chúng tôi một thời gian thật tuyệt vời."- Hồng Hồng, Trưởng ban điều hành Liên hoan Thơ Đài Bắc: "Thật vô cùng vinh hạnh cho chúng tôi đã được đón tiếp một nhà thơ ĐÍCH THỰC."
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét