Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Tạp chí HƯƠNG THIỀN số Đông 2017 đăng truyện ngắn " LỖI TẠI HOA ĐÀO" của Quang Đại



LỖI TẠI HOA ĐÀO
Truyện ngắn : Quang Đại
Chuyện này không biết nên bắt đầu từ tượng Đức Ông chùa làng Dăm nổi tiếng linh thiêng. Trước nay, dân làng hay người tứ xứ đến cầu báo mộng điều gì, Ngài phán đều đúng hết, chẳng lần nào sai. Với dân làng Dăm thì ngài đích thực là một ông “Bao công mặt đỏ”…
Hay bắt đầu từ việc nhà bác Thộn khao nhiêu?
Thôi! Cứ khởi từ buổi đại sự ở nhà bác Thộn vậy.
Xin thưa! Người viết chuyện này thực tình cũng chẳng rõ chức nhiêu là như thế nào. Nghe bảo đàn ông ở các làng quê sau những lũy tre xanh ngày trước mà lên được chức nhiêu thì sẽ không còn phải đi phu phen, tạp dịch cho làng, xã nữa.
Vì thế mà bác Thộn mới mua nhiêu.
Một người chưa phải là nhiêu sẽ thành nhiêu sau một buổi mổ lợn khao làng. Giả dụ như có một anh mọi ngày người có tuổi trong làng vẫn thường kêu là thằng Tý Toét thì sau khi khao nhiêu sẽ được thay là bác Nhiêu Toét. Mua nhiêu hay khao nhiêu đại loại như thế.
Bác Nhiêu Thộn sẽ chẳng dính dáng gì đến chuyện này nếu như hôm khao nhiêu mà nhà bác ấy không mượn, hay là chỉ mượn chín hoặc mười chiếc nồi của nhà chùa. Đằng này, nhà bác ấy lại mượn đúng mười một chiếc nồi ba.
Thế mới nên chuyện.
Xong việc khao nhiêu. Nghĩa là khi mà anh Đĩ Thộn được người làng gọi là bác Nhiêu Thộn. Khi mà các quan viên và dân làng ai nấy bước thấp bước cao, chân nam đá chân chiêu, hết thảy theo lệnh rượu đi tản mát về mọi phía trong làng. Khi lũ trẻ con chí chóe la hét, đánh đấm để tranh giành nhau những quả pháo tịt ngòi. Khi trong nhà, ngoài sân ông tân nhiêu vương vãi rất nhiều thứ nảy cảm hứng cho bầy chó gầy của làng Dăm gây chiến tranh nội bộ với nhau ỏm tỏi…
Vào lúc ấy thì cô Nhớn Thộn, con gái đầu của bác Nhiêu toòng tanh gánh mười một chiếc nồi ba đi trả nhà chùa.
Nếu ai mà để ý sẽ thấy cô Nhớn Thộn vừa gánh nồi đi vừa nhảy chân sáo suốt từ nhà lên chùa. Không phải cô ấy nhảy chân sáo chỉ là do bất ngờ trốn được cuộc dọn dẹp la liệt ở nhà mà cô rất hãi. Cũng không bởi gánh nồi đồng trông cồng kềnh, chật cả đến ngọn quang chành trông tưởng nặng nhưng thực ra lại nhẹ tênh tếch, khiến cô ấy đi đong đưa đâu. Chẳng là… cô nàng đã hẹn gặp anh chàng Lóc, nhân tình của mình ở gốc đào bên giếng chùa. Sau khi trả nồi xong thì nàng sẽ đi ra chỗ ấy để dốc bầu tâm sự cùng chàng…
Xưa nay, các cuộc hẹn hò của trai gái thường hay gặp những trúc trắc, trục trặc. Nhất là những cuộc hẹn ở đình, ở chùa.
Khi cô Nhớn Thộn lên chùa, vào nhà chung rồi đặt gánh xuống. Cô xếp những chiếc nồi vào góc nhà rồi gọi bà sãi ra nhận. Nhưng gọi mãi mà chẳng thấy ai thưa. Rõ ràng, lúc mới tới cô đã nghe thấy tiếng lục cục trong buồng bà sãi cơ mà. Thậm chí, cô còn nghe thấy tiếng thở hổn hển trong ấy. Thế mà sau đó lại im bặt. Tiếng thở hổn hển cũng mất tăm, im thít. Cô chõ mồm về tứ phương gọi thêm chừng hơn chục tiếng nữa cũng chẳng ai bảo gì.
Cô Nhớn Thộn sốt ruột quá. Nhưng cô không gọi nữa. Cô nghĩ: tiếng lục cục trong buồng thì còn có thể là chó hay mèo, chuột hoặc con gì đó. Nhưng rõ ràng là chó, mèo, chuột thì không thở hổn hển như thế. Đích thực là bà vãi trêu. Cô liền lấy ngay đầu đòn gánh thúc vào cửa buồng bà vã gọi toi:
- Vãi ơi! Con biết thừa là vãi đang ở trong đó rồi! Vãi trêu con chứ gì? Con là cái gái nhớn con nhà Đĩ Thộn, bây giờ là Nhiêu Thộn đây! Thày con bảo con đến trả nồi cho nhà chùa, vãi ra nhận để cho con về ạ!
Quả nhiên là bà sãi có ở trong buồng thật. Nhưng bà sãi không mở cửa mà nói vọng từ trong ra ra:
- Tao không đùa với nhà mày! Nhưng… tao có việc bận. Tao không ra được!
- Bận việc gi mà không ra được? Việc gì lại chỉ có mấy bước từ trong ấy mà vãi không ra ạ! Con xin vãi! Vãi đừng trêu con!
Bà sãi quát từ phía trong:
- Ơ! Cái con bé này! Hay nhỉ! Tao lại thèm đi trêu trọc mày à? Cứ để mười một nồi ở đấy. Tao nhận rồi là xong chứ gì?
Cô Nhớn Thộn lắc đầu:
- Ứ ừ! Không được đâu sãi ơi! Thày con bảo là phải trao tận tay sãi. Con về mà vẫn chưa đưa mười một nồi ba tận tay sãi thì về nhà thày con đánh con chết!
- Như thế này là tận tay rồi! Con ngu ạ! Đúng mười một cái hử?
- Vâng ạ!
- Mày gõ vào từng cái tao nghe rồi tao nhận!
Cô Nhớn Thộn hớn hở:
- Vâng! Thế thì vãi nghe nhá!
Nói rồi, cô nhặt mẩu que gần đấy gõ đánh “côông” một cái vào chiếc nồi gần đó rồi đếm: một, hai, ba, bốn…cho đến mười một.
Cuộc trao trả nồi như thế là xong.
Cô Nhớn Thộn chạy ù đi gặp nhân tình.
Bà sãi tiếp tục việc bận gì đó ở bên trong buồng.
Chuyện lúc đầu chỉ có thế, tưởng chẳng có gì. Ai hay sau đó lại trở nên to chuyện. Thậm chí, trở thành một vụ án.
Số là khi ấy bà sãi đang “bận” với một ông đầu trọc…
Lúc cô Nhớn Thộn gánh nồi đến trả thì cuộc “bận” vừa mới bắt đầu, phải một lúc lâu sau mới vãn. Hết “bận”. Bà sãi ra đếm lại nồi. Đếm đi, đếm lại, đếm tái đếm hồi, đếm đến cả trên chục lần vẫn chỉ có mười chiếc nồi ba. Bà sãi lẩm bẩm:
- Lạ thật! Rõ ràng mình nghe nó gõ đúng mười một tiếng côông. Thế mà bây giờ lại chỉ có mười cái nồi! Thế là thế nào nhỉ?
Ấy! Khi vướng vào chuyện “bận” con người ta cứ như lẩn thẩn, mụ mẫn vậy đó. Phải mãi về sau, bà sãi mới nghĩ ra là: mười một tiếng “côông” mà bà nghe được từ trong buồng cũng có thể chỉ là do cô Nhớn Thộn gõ từ… mỗi một chiếc nồi.
Bà sãi căm cái con bé bản mặt trông hiền ngoan thế mà điêu. Căm nhiều mà lo sợ cũng nhiều. Vì sợ sư cụ phạt mà bà sãi cuống lên, nghĩ cách tìm ra manh mối chiếc nồi bị mất. Bà không dám đến bắt bẻ cô Nhớn Thộn bởi việc trao trả nồi bằng nghe đếm là khởi từ bà chứ không tại cô ấy. Với lại, bà sãi cũng không muốn chuyện “bận” của bà lộ ra ngoài…
Có người bảo với bà sãi: khi cái Nhớn Thộn vào chùa trả nồi thì thằng Lóc con ông Cóc đứng ở gốc đào giếng chùa ngó ngiêng rất lâu về phía nhà chung. Chắc là nó lấy nồi chứ còn ai vào đó nữa!
Thế là, bà sãi lập tức đi thắp hương lên bàn thờ Đức Ông cầu báo mộng.
Rồi đêm ấy, Đức Ông cũng hiện về báo mộng đúng là thằng Lóc đã lấy trộm nồi. Bà sãi liền đến báo Lý trưởng. Lý trưởng làng Dăm cũng cẩn thận đến thắp hương, xin đài trước tượng Đức Ông, thấy đồng xấp đồng ngửa mới sai người đến bắt thằng trộm Lóc.
Lóc một mực kêu oan.
Ông lý hỏi:
- Có phải mày thậm thụt, ngó nghiêng từ gốc đào giếng chùa lúc người ta mang nồi dến trả nhà chùa không?
- Dạ…phải ạ!
- Mày đến đó làm gì?
-…
- Mày nghó nghiêng ở đấy làm gì?
-…
Ông lý quát to:
- Ơ! Cái thằng này! Cứng họng rồi hả? Mày đứng đó làm gì? Ngó nghiêng ở đó làm gì? Mày không nói ông gang họng mày ra bây giờ! Ông lý Dăm chọc ngón tay chỏ vào mặt Lóc quát to: Nói!
Anh chàng Lóc lúc này cuống lên:
- Dạ! Dạ! Bẩm ông lý con… con … con ăn trộm ạ!
Thế là khởi đầu cho một vụ án oan.
*
* *
Vụ án đặc biệt này được xử vào sáng hôm mồng một Tết.
Nhà chùa mất nồi vào tối hăm chín. Như vậy là chỉ vào hai ngày, hai đêm mà cô Nhớn Thộn đã gầy tọp đi. Trông cô tàn tạ, tóc tai rũ rượi, nhan sắc xuống dăm bảy phần. Chỉ cô là biết chắc chắn chàng Lóc bị oan mà không làm gì được. Cô thương chàng không ăn, không ngủ. Cô khóc suốt từ hôm đó đến lúc ra chùa để xem quan xử vụ án mất nồi.
Cô Nhớn Thộn vô cùng bất ngờ, ngạc nhiên khi nghe bảo quan phụ mẫu sẽ xử án ngay tại gốc đào giếng chùa, nơi Lóc và cô hẹn hò và tâm sự suốt buổi tối hôm hăm chín tết. Cây đào hôm đó đang nụ thì hôm nay đã bừng hoa. Có điều, hoa đào nở chỉ làm cô gái đau đớn, tái tê thêm…
Dân làng tụ tập quanh gốc đào rất đông từ sớm. Đến non trưa mới thấy quan phụ mẫu cưỡi ngựa đi đầu tiến về chùa làng. Theo sau đít ngựa là một thư lại. Tiếp nữa là hai lính lệ áp giải hai can phạm mà một trong đó chính là chàng Lóc.
Ngựa quan hướng mõm về gốc đào. Quan hạ mã. Lý trưởng và quan viên làng Dăm nhất loạt ra cúi chào. Quan bảo bọn họ đứng ra cả một bên, cạnh đống rạ dưới gốc đào. Quan cũng bảo dân làng đứng dãn ra, không ai được dẵm lên đống rạ dưới gốc đào.
A! Hình như đống rạ dưới gốc đào liên quan gì đó đến vụ án này chăng?
Đúng là như vậy. Dưới đống rạ phải chăng có một vật gì quan trọng lắm. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem quan huyện Na Ngạn xét xử rồi mới biết.
Quan huyện hỏi Lý Dăm:
- Ông lý có chắc chắn bạch đinh Nguyễn Văn Lóc lấy trộm nồi không?
- Bẩm quan lớn! Chắc như đinh đóng cột ạ!
- Vì sao mà như đinh đóng cột?
Lý trưởng bẩm:
- Dạ! Vì chính nó đã khai nhận ạ!
- Nhưng nếu không phải nó thì sao?
- Bẩm quan lớn! Nó đã khai nhận thì đích thị nó ăn trộm ạ!
- Ta hỏi ông: nếu không phải nó thì sao? Ta sẽ đóng đinh vào người ông nhé?
Mặt lý trưởng hơi ngắn đi một chút. Nhưng sau một lát nghĩ ngợi ông ta lại tự tin, dõng dạc thưa quan:
- Bẩm quan! Nếu không phải nó thì con xin chịu phạt ạ!
Quan phụ mẫu nhếch mép cười bảo lý Dăm:
- Thày lý nhớ điều thày vừa nói đấy nhé! Ngài quay về phía dân làng: bà con đã nghe thày lý nói rồi đấy. Bây giờ ta không để mọi người chờ lâu. Lệ đâu! Đưa thằng Tẻo ra đây!
Hai lính lệ “dạ, vâng” rồi đưa một can phạm ra phía trước. Dân làng Dăm ai cũng nhận ra đó là một người làng bên là anh cu Tẻo. Khi anh cu Tẻo đã quỳ phía trước, quan hất hàm bảo:
- Bạch đinh làng Tè Cù Văn Tẻo! Hãy khai mọi sự với lý trưởng làng Dăm cùng dân làng bên này đi!
Anh cu Tẻo khúm núm lạy quan rồi quay ra tứ phía lạy dân làng. Sau đó, anh ta hướng lại phía quan mà trình bẩm:
- Lạy quan lớn! Hôm đó là hăm chín tết, Nhà con ngèo lại ít thịt nên con tính đem nơm đra đồng làng Dăm đơm ít cá để thêm chút tanh ăn tết ạ! Con đi qua chùa Dăm thì dừng lại…
- Mày dừng lại chùa Dăm làm gì? Định vào ăn trộm nồi hả?
- Dạ! Bẩm không ạ! Lúc ấy con làm gì biết ngoài nhà chung chùa Dăm có để nồi đâu ạ! Con vào đấy để…
- Để làm gì?
Anh cu Tẻo đỏ mặt, ngập ngừng, ấp úng mãi. Quan quát hỏi một lúc mới đành thưa thật:
- Dạ! Con vào chùa để… xem bà vãi với sư bác ạ!
- Sao lại xem họ? Mà họ làm gì để mày xem?
- Bẩm quan lớn! Họ… họ ôm nhau ạ!
- Mày xem họ ôm nhau làm gì?
- Dạ! Con thích thì con xem ạ! Con xem trộm nhiều lần rồi nên con quen mui ạ!
Quan bật phì cười. Dân làng cũng cười ồ theo quan. Quan ra hiệu cho cho anh cu Tẻo trình báo tiếp. Thì ra, hôm ấy anh ta vác nơm đi đơm cá rồi tiện chân vào xem trộm. Thực ra chỉ được nghe trộm là chính…
- Sau đó - Tẻo kể tiếp - con thấy chồng nồi xếp ở phía ngoài. Thế là con nghĩ đến chuyện mượn tạm. Vâng! Con chỉ tính mượn tạm thôi. Con xin thề nếu con nói sai thì trời chu đất triệt cả nhà con. Vì con không dám ăn trộm của đình, của chùa mà mang tội, mang vạ ạ! Nhưng anh em nhà con nghèo quá. Hăm chín tết mà hơn chục anh chị em trong nhà chẳng ai có lấy một chiếc nồi để luộc bánh chưng. Thế là, con mượn tạm một cái về cho anh em nhà con luộc bánh ạ! Con cho nồi vào phía trong nơm úp cá rồi thò tay, cầm cổ nồi mà mang đi, chẳng ai thấy được. Nhưng rồi, hôm sau bên làng Dăm rộ lên vụ bác Lóc ăn trộm nồi nên dù chưa luộc được nồi bánh nào con cũng đã đem trả ngay. Con cũng lại cho nồi vào nơm rồi mang đi như con vừa bẩm. Đi đến gốc đào này thì bất chợt có người gần đến, thế là con vùi vội dưới đống rạ này ạ! Sau đó thì con nghe thấy chị Nhớn Thộn bảo sẽ đâm chết tươi nếu vớ được đứa nào lấy trộm nồi, để anh Lóc bị oan. Thế là con sợ quá, không dám ra moi nồi ra để đem trả trộm cho nhà chùa nữa ạ!
Quan hỏi:
- Thế rồi vì sao mày lên quan tự thú?
- Dạ ! Bẩm quan. Con thấy thương anh lóc bị oan. Thương chị Nhớn Thộn khóc lóc đêm ngày đến nỗi gầy rạc cả đi nên con…
Quan cắt lời Tẻo:
- Tao hiểu rồi! Thế mày để cái nồi đem trả trộm không thành ấy ở chỗ nào thì lấy ra cho thày lý và dân làng Dăm mục thị.
Ngay lúc đó, anh cu Tẻo moi ở đống rơm ngay dưới chân ra một chiếc nồi ba. Ai cũng nhận ra đó chính là chiếc nồi của nhà chùa. Toàn dân làng Dăm đều ớ ra, lần nữa ồ lên một loạt. Lý Dăm co người lại, run như cầy sấy, sụp lạy dưới chân quan xin tha tội. Quan huyện Na Ngạn lệnh nọc lý trưởng làng Dăm ra đánh hăm lăm gậy.
Nhưng lệnh quan chưa được thực thi thì xảy ra việc cô Nhớn Thộn đột ngột cướp chiếc nồi ba chạy như bay lên chùa.
Đến tượng Đức Ông Ngài, cô ta mắm môi, mắm lợi ấn đít nồi vào mặt tượng mà day. Mỗi nhát day cô lặp lại câu đay nghiến: “Thánh thần mà nói điêu này! Nói điêu này! Nói điêu này!” Mặt tượng Đức Ông liền bị đít nồi chà cho sứt sát, nhọ lem.
Sau đó, cô gái đem chiếc nồi ba tang vật trả lại cho quan rồi quỳ xuống, phủ phục trước đức phụ mẫu nhận phạt. Ngay lúc ấy, cả bà sãi và sư thày cũng đến quỳ xin chịu tội với quan trên và dân làng. Sư thày van lạy xin quan và dân làng cho được hoàn tục để… lấy vợ sau tết này.
Mới hay lỗi là do Đức Ông báo mộng sai. Nhưng cơ sự cũng còn là do nọ, do kia…
Quan huyện Na Ngạn nhìn lên khóm đào rực rỡ mà nghĩ rằng tất cả chỉ tại tết đến, xuân về. Có lẽ ánh hồng rực rỡ, mới mẻ từ hoa đào khiến cả Đức Ông cũng hoa mắt mà phán nhầm…
Rồi cũng vì tết đến, xuân về mà hai đôi tình nhân kia rạo rực. Xuân về, tết đến cho anh cu Tẻo phải cần có nồi để luộc bánh chưng…
Đúng rồi! Quan mỉm cười nghĩ: lỗi tại hoa đào.
Quan tuyên tha tội cho tất cả.
Tuy nhiên, trên mặt tượng Đức Ông thì cho đến mấy trăm năm sau vẫn còn vệt đen. Vết nhọ ấy dù sơn phủ lên thế nào rồi cũng vẫn cứ bong ra.
Mùa xuân 2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: