Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Siêu thị chữ của Đặng Thân




- 1. Đặng Thân là kiểu nghệ sĩ nổi loạn. Anh viết nhiều nhưng sung sức và vạm vỡ nhất ở các sáng tác mang phong cách hậu hiện đại. Ở thời điểm hiện nay, Đặng Thân là chất liệu phong phú bậc nhất cho những người quan tâm nghiên cứu văn xuôi hậu Đổi mới ở nước ta. Người nghiên cứu có thể tìm thấy trong sáng tác của Đặng Thân nhiều vấn đề có ý nghĩa lịch sử và lí thuyết liên quan tới việc vẽ bản đồ văn học, nguồn gốc của một hiện tượng văn học, cách viết và cách đọc một tác phẩm văn học.
Siêu thị chữ của Đặng Thân - ảnh 1
2. Trước khi "đốt thành La Mã", Đặng Thân cũng là một nhà văn ưa "nức nở". Chỉ có điều, văn nức nở của Đặng Thân chán ngấy, vì đấy không phải sở trường của anh. Đọc Ma net (1), ở nửa đầu, thấy Đặng Thân "nức nở" khá nhiều. Cả triết lí, kể lể, và chen lấn bao nhiêu rêu giậu xưa cũ. Nói chung mệt và sến. Nhưng đó là "Thân của ngày xưa"…
"Tuổi thơ ơi, vĩnh biệt. Thôi chào nhé những tháng ngày hồi hộp, những đêm trường ngơ ngác những mộng mơ. Bao năm trôi những con bé thét hoài không khản giọng, nhẩy tung tăng êm lướt những cầu thang… trong cõi hoang mang…" (Người thầy của em, tr. 77 - 78);
"Thực ra tình yêu của họ cũng đầy trái ngang. Chính ông nội của anh đã bị ông ngoại của chị bắn chết. Chiến tranh mà. Khi ông nội bị bắn dù còn nhỏ anh đã thấy đời thật vô thường. Anh thấy kiếp người thật vô nghĩa. Và anh thấy cái chết là không đáng sợ. Con người khác gì bầy kiến kia, cần cù ngày đêm tha mồi về tổ, bỗng chỉ một lần sơ sẩy có ai đó dội cho một gáo nước sôi thì đi cả đàn. Mà còn người ta thì phải chịu đựng nhiều thứ khủng khiếp hơn cả kiến. Can qua. Loạn lạc. Đói nghèo. Ngu dốt. Nhất là lại tàn bạo với chính giống nòi của mình" (Người anh hùng bất tử, tr. 62)…
Đặng Thân chỉ tìm thấy sở trường của mình từ khi anh thiêu rụi những thành quách cũ. Cũng là lúc anh bước chân vào hậu hiện đại. Tâm thức Đặng Thân là tâm thức giải thiêng. Thế mạnh của anh là giễu nhại, lật tẩy. Giễu nhại của Đặng Thân không hằn học, không gằn, mà gắn với bỡn cợt, chơi giỡn. Ở Đặng Thân, ý thức hướng về hậu hiện đại đã được chuyển hóa vào trong sáng tác một cách tự giác và tự nhiên. Không phải sáng tác nào của Đặng Thân cũng mang tính hậu hiện đại. Song đọc một số truyện ngắn của anh như Ma netMa nhòa [net ii]Hiếp, Yêu… người ta nhận ra sự hài hước, bỡn cợt được quán triệt như một nguyên tắc thi pháp để thiết tạo văn bản và thế giới hình tượng. Không đau đớn, cũng chẳng cần khắc khoải xót xa, Ma net,Ma nhòa [net ii]Hiếp, Yêu… của Đặng Thân thâm nhập vào cuộc đời bằng hình tượng người trần thuật ưa cười cợt, và luôn mang theo thông điệp: hãy vui vẻ lên mà chung sống với cõi nhân gian lộn ẩu và bát nháo đến dị thường này:
"Da thịt em bắt đầu rùng rùng chuyển động như một đoàn quân Tây tiến [không mọc tóc]. Nhưng em thì bắt đầu mọc lông" (Yêu, tr. 155 - 156); "Nhập nhoàng đồi trôi. Đôi vú em càng ngày càng tưng tưng đâm chồi nảy lộc" (Yêu, tr. 157); "Mỗi năm trăm trận. Vết thương đầy mình. Nhưng cái trận đáng nhớ nhất là trận Chiết Kiều (…) Khi hầu hết tiểu đoàn đã xuống lòng hào là lúc quân địch bắt đầu xổ hỏa lực. Đủ loại: pháo cối, pháo chụp, lựu đạn, mìn, M16. Quân ta đổ như chuối" (Ma nhòa [net ii], tr. 234). v.v…
Ma netMa nhòa [net ii]Hiếp, Yêu là những thế giới giải thiêng và chơi dỡn triệt để, có thể xếp vào hàng những sáng tác hay nhất của anh.
Siêu thị chữ của Đặng Thân - ảnh 2
3. 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] (2) là một dấu mốc mới của Đặng Thân. Những ý kiến phong phú, cả trái chiều về tác phẩm cho thấy sự đa dạng, nhiều mặt của nó với tư cách một chất liệu. Theo tôi, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân không quá khó đọc. Vấn đề chỉ là sự bề bộn của nó khiến bạn đọc bối rối mà thôi. Nếu Ma netMa nhòa [net ii]Hiếp, Yêu… là những "quầy nhỏ" thì 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] có thể ví như một "siêu thị". Và, trong "siêu thị" của mình, tác giả bày ra đủ các mặt hàng. Hàng Tây hiện đại, hàng Tàu cổ, hàng Việt, triết học, tôn giáo, hàng thủ công, gia công, vỉa hè, hàng xén... Người quen đi chợ quê, chợ cóc, chợ vỉa hè bước vào đây có thể ngỡ ngàng. Thậm chí choáng ngợp. Nghĩa là có vấn đề thói quen. Lưu ý là ở một số đô thị của chúng ta, hàng siêu thị vẫn rất khó bán!
Đọc 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], thấy đủ các đặc tính của một lễ hội giả trang. Giễu nhại, bỡn cợt, mắng rủa, hạ bệ, chết chóc, tái sinh, ngôn ngữ vỉa hè, khẩu ngữ, nói lắp, lảm nhảm, phát ngôn loạn xị, hỗn loạn, ngôn ngữ "teen", ngôn ngữ "chat", từ ngữ sai chính tả… Với Đặng Thân, tiểu thuyết trở thành một sân chơi các-na-vanỞ đó, dường như mọi thứ đều được bày ra trên một mặt sân giá trị bình đẳng. Và cũng ở đó, ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống hàng ngày được tác giả cố ý làm mờ.
Theo tôi, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] giữ được sự hấp dẫn bởi nó mang lại cho người đọc những khoái thú hiểu biết, và trước hết là bởi một phong cách nhại độc đáo, trong đó có lối nhại văn. Có thể thấy, hầu hết các loại lời chính thống, nghiêm trang, sách vở đều được Đặng Thân biến thành trò diễn:
"Đã quen ăn trắng mặc trơn, giờ mất nhà tài trợ hảo tâm, Hường rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân là do em chỉ có một nền kinh tế bong bóng "bubble economy" mà ảnh hưởng của nó đã lan khắp Đông Nam Á. cần phải có một chiến lược kinh tế có tầm nhìn thế kỉ, kiểu tầm nhìn 2010 hay tầm nhìn 2020 mới được, em tự nhủ (tr. 227) (các chữ in đậm là do tác giả bài viết nhấn mạnh).
Rồi kiểu giọng "lật lọng": "Đó là một mỏm đá có hình người phụ nữ đứng ôm con đứng chờ chồng đi đánh giặc mãi chưa/ không về. Mỏm đá đó có hồn hay chính dân tộc này có rất nhiều Tô Thị bằng xương bằng thịt nên mới thổi cái hồn "ôm con chờ chồng" ấy vào cho đá? Thế mà,đau đớn thay, cái "hồn ấy" đã bị mấy thằng phá đá nung vôi nổ mìn đánh sập" (tr. 76); "Năm 1977 đứa em gái đầu tiên của tôi ra đời, nó có khuôn mặt giống mẹ tôi như tạc, mỗi tội da vàng" (tr. 247).
Tiếp đó phải kể đến lối nhại văn, chế văn với một độ văng phóng túng đến mức có thể chạm tới bất cứ ai: "Ôi người con gái theo chồng chết nơi đất khách. Cỏ xót xa đưa. Những giấc mộng xưa giờ đã thừa. Chỉ còn lời ru mãi ngàn năm. Chờ một ngày kia người quen về chào tiếng lạ. Ôi đóa hoa vô thường… Hương hỏa ba sinh" (tr. 394); "Em đi tắm. Đã mấy hôm rồi em chưa tắm. Trời, cái bồn ở đây thật tuyệt. Những tia nước mơn man. Tiếng lòng em bắt đầu chảy róc rách. Em cho nước chẩy đầy bồn rồi em lâm mình vào trong đó. Sau cái cảm giác bay lên trời bây giờ em lại có cảm giác xuống biển… Ôi than Quảng Ninh. "Mỗi khi tan ca… em cùng anh lại ghi thêm một chiến công"… Hương bưởi thơm hai nhà cuối phố. Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Xóm đạo đìu hiu. Đồi thông hai mộ… Em nằm yên, em nằm yên. "Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau" (tr. 544). v.v…
Bản thân 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là một hiện tượng nhại thể loại. Tác phẩm được làm thành từ vô số các trích dẫn, mẩu tin nhắn, thông tin báo chí (với các đường dẫn cụ thể). Rồi cách in ấn với nhiều kiểu phông chữ khác nhau, thò ra thụt vào đậm nhạt gây ấn tượng thị giác, các "comment" của bạn đọc trên mạng, việc xen cài, cấy, dán thơ trong văn xuôi… Hình thức siêu hư cấu trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] cũng là một cách tự nhại và giải thiêng độc đáo. Nếu trong Ma net, Đặng Thân triển khai "viết văn giữa bầy" (kiểu "loạn đảng", "lục lâm thảo khấu" với không gian lửa trại hỗn tạp đủ loại người: sinh viên, nhà báo, nghệ sĩ nhị, nghệ sĩ kèn, Lộng Dậu, Lại Mõm Chó, và rất nhiều ca ve…) thì ở đây, nhà văn không chỉ cố ý làm lộ tính trò diễn của sự viết (kể chuyện đặt tên tác phẩm, quá trình viết, thời gian viết…), mà còn tự biến mình thành người trần thuật tinh - ma (kiểu "trí thức - ma cô"), bắt mánh mọi sự, ngang ngược nhảy vào tác phẩm, ngồm chồm hổm (ở Quán Gió), chờ các nhân vật ra để tiếp chuyện từng đứa, "ọe ra hai câu thơ" (tr. 115), nhảy ra quát nhân vật: "Này các nhân vật của tôi" (tr. 14). Cũng chưa thấy ai làm lễ ra quân cho nhân vật rầm rộ như Đặng Thân.
4. Đặng Thân có lối viết thông minh và khả năng bỡn cợt tuyệt vời. Tiếc là khả năng đó đã không được anh khai triển một cách thuần toàn trong tác phẩm. Thế giới của trò diễn, của sự chơi do thế đã không được đùa, được chơi cho "tới bến". Khống chế một siêu thị chữ, Đặng Thân không bị "tẩu hỏa nhập ma". Nhưng 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] cũng có chỗ lặp. Có thể xem đây là một biểu hiện của "lỗi kĩ thuật" được chăng? Tôi lấy ví dụ:
Cách giới thiệu Mộng Hường trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] rất giống cách giới thiệu Bạch Trĩ trong Hiếp, giống nhất là ở công thức và giọng điệu:
- "Mộng Hường xuất thân trong gia đình trồng thuốc lào ở Tiên Lãng… Em lớn lên với đồng lúa xanh mơn mởn và những vườn thuốc lào lúc nào cũng vàng ươm đằm thắm mùi phân bắc… Sau này thoát ly em đã phải lấy hết nghị lực phấn đấu trong một thời gian dài để từ bỏ được thói quen hút thuốc lào và cơn thèm được hít thở không khí của bầu trời quê hương yêu dấu" (3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tr. 21 - 22).
- "Bạch Trĩ sinh ra là con nhà tử tế, tức là nhà cán bộ (...) Ngoài học hành giỏi giang chị còn là một cán bộ đoàn năng nổ, tích cực. Chị luôn luôn nổi bật. Bố mẹ chị rất động viên và tạo điều kiện cho chị tham gia công tác xã hội. Ông bà thường nói rất nhiều cán bộ cao cấp đã đi lên từ các phong trào đoàn thanh niên. Đó là nơi trui rèn lí tưởng nhất cho mọi phẩm chất vượt trội. Vào đại học chị luôn nhận được học bổng. Năm thứ hai chị đã được đứng trong hàng ngũ của đảng" (Hiếp, tr. 134 - 135).
Chữ "trui rèn" đã dùng trong Hiếp (tr. 135), không nên dùng lại ở đây (tr. 371). Câu "Nghe chừng có vẻ lưỡng tính "2 trong 1" hay "xăng pha nhớt" phải không?" (3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tr. 11) cũng đã được dùng trong ma net: <Crazy_Vietkieu> b/g?/ <Trang_Xuong> Chắc là g./ <Crazy_Vietkieu> Sao lại chắc? Xăng pha nhớt à?/… (tr. 179). Ở đây, tôi loại trừ khả năng nhà văn dùng thủ pháp "tự trích dẫn mình".
Trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], nhân vật Đặng Thân (người xưng tôi đã trút bỏ mặt nạ) trong khi ngồi QUÁN - GIÓ chờ nhân vật của mình đến, viết: "Tuột hết cả lịch sự, tôi chửi: "Biến đi. Lúc nào cần tao gọi. Có thuốc lào Tiên Lãng thì mang ra đây một gói và cho cái điếu cầy" (tr. 15). Tôi nghĩ, với kiểu nhân vật "ngầu" thế này không thể nói "và cho" được! Cũng thế, trong khi chờ nhân vật Schditt, nhân vật nhà văn viết: "Hừm… Chắc mày không nhớ rằng mặt trái của cái phẩm chất Đức ấy đã là nguyên nhân của sự thất bại khủng khiếp trong thế chiến I và thế chiến II. Chúng mày thất bại vì chúng mày cứng nhắc quá, hiểu chưa. Vật mềm thì sống, vật cứng thì chết. Các cụ chúng tao bảo thế đấy" (tr. 19). Theo tôi, dùng "các cụ chúng tao" lên gân quá, dùng "các cụ nhà chúng anh bảo thế" hay hơn, hợp hơn. Bớt triết luận, bớt căng cứng, tăng bỡn cợt, "lật lọng" một chút thì đúng là Đặng Thân.
3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] vẫn còn nặng về cách kể truyền thống. Đặng Thân chủ ý nhại chương hồi nhưng vô tình tác giả vẫn bị cách viết chương hồi khống chế. Lối tự sự kiểu nhật kí thì không mới. Nhân vật Trần Huy Bớp tàn bạo nhưng si tình (tr. 70 - 71), hơi giống nhân vật phim Tàu. Những từ tục không được viết thẳng ra (có lẽ do biên tập hay tác giả tự biên tập để in thành sách?) nên tiểu thuyết thiếu chất các-na-van triệt để. Việc in các bình luận (comment) sau mỗi phần của truyện ("Lời bàn… phím") và trên bìa sách có cái hay. Nhiều ý kiến tinh tế, nhưng cũng nhiều lời bình luận nhảm, chủ yếu tán tụng tác giả, cho tác giả là vĩ đại. Theo tôi anh nên bớt những lời khen, thêm vài (thậm chí một số) câu chửi Đặng Thân vào cho vui, cũng là để tránh cảm giác nhà văn giải thiêng đối tượng, sử thi hóa chính mình. Việc tự giải thiêng, tự bỡn mình khiến nhà văn không tách mình khỏi thế giới của sự chơi. Còn, việc dùng thủ pháp "mình tự khen mình", "công nhiên khen mình" như một sự phản ứng với thói "khiêm tốn đểu" (thường rất nhiều) của người đời thì tôi lại hiểu theo một nhẽ khác.
Thế hệ Đặng Thân có thể trút bớt những suy tư chính trị. Tiếc là trong 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tác giả suy tư chính trị hơi nhiều. Điều này khiến tác phẩm có đôi chỗ nặng nề, hơi nặng về ám chỉ. Cho dù tác giả cố ý thì đó cũng không phải là một điều hay. Chẳng hạn như những đoạn tác giả nói về quan hệ Việt - Trung qua nhân vật Hường và Dương Đại Nghiệp, quan hệ Việt - Mĩ qua Hường và Junkim, rồi quan hệ Việt Nam với phương Tây nói chung… Tinh thần thế giới đại đồng của 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] nhân văn nhưng sến. Khát khao thay đổi cuộc sinh tồn khiến tác phẩm ít nhiều đánh mất tính hậu hiện đại.
*
Tóm lại, theo tôi, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là một chất liệu phong phú và chưa được phân tích thấu đáo. Thành công trước nhất của tác phẩm là nó đã gây ra được trong dư luận một cảm giác hoang mang tích cực về nghệ thuật, một khát vọng thay đổi, phải vậy chăng?
Mà, với một người cầm bút thì khát vọng thay đổi quan trọng biết chừng nào!    
Phùng Gia Thế

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: