Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

"Phá sơn lâm"- lời nguyền của rừng xanh đã thành sự thật



Mạnh Quân 
(Dân trí) - Với bất cứ ai đã quan tâm, xem những hình ảnh, video clip hay đã tận mắt chứng kiến những cơn lũ, lũ quét, tình trạng ngập lụt... ở một số địa phương: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình... tuần qua, dễ có chung một nỗi hoang mang: Phải chăng lời nguyền của rừng xanh "phá sơn lâm, đâm hà bá" đã hiển hiện qua những hậu quả tàn hại như đã thấy?

Như tổng hợp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến nay, đã có gần 100 người chết và mất tích; hàng vạn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng vạn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, mất trắng, hàng vạn gia súc, gia cầm bị chết... Cơ sở hạ tầng nhiều địa phương bị phá hủy trầm trọng và sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục.

Cũng đã có những lý giải ban đầu về nguyên nhân dẫn tới những hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ khủng khiếp này. Có người thì nói rằng: Do biến đổi khí hậu; do phong tục tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người...

Nhưng có vẻ như những lý giải trên chưa đủ sức thuyết phục. Những cơn lũ ngày càng hung dữ, mức độ tàn phá khủng khiếp hơn, bởi trên đường đi của chúng, đã không còn những cánh rừng đủ lớn để làm chậm dòng nước xiết. Những nơi bị lũ tàn phá nặng nề nhất cũng là những địa phương mà nạn phá rừng diễn ra từ nhiều năm trước, nghiêm trọng.

Cụ thể, theo như đánh giá của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai trong cuộc họp chiều 13/10 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, “Đi lên khu vực Sơn La có thể thấy rất rõ những khu rừng ngút ngàn trước đây đã bị cạo trọc. Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu nguyên sinh như vậy, để rừng đúng là tấm giáp chắn giúp điều tiết nước phải mất hàng chục năm”.

Không chỉ có ông Trần Quang Hoài, có vẻ như các cơ quan quản lý về rừng cũng đã nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của tình trạng phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn ở nhiều địa phương trong nhiều năm trước đây.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ngày 14/10 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, mặc dù ghi nhận diện tích rừng của cả nước đang tăng lên nhờ có các chính sách dừng khai thác rừng tự nhiên và tăng diện tích rừng trồng. Như Dân trí đã đưa tin: Năm 2016 tăng 315.826 ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ làm yên lòng khi ở nhiều nơi, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn. Tại cuộc họp hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lo lắng trước thực tế diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. "Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí, có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận thấy, tình trạng diện tích rừng một số nơi suy giảm do chủ rừng buông lỏng, địa phương thiếu cương quyết trong xử lý. Ông nêu câu hỏi:“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”.

Hậu quả của nạn phá rừng đã quá rõ. Nhưng có một điều người dân đang thắc mắc: Trong bối cảnh bão lũ hoành hành, người dân gánh chịu những thiệt hại to lớn, những "biệt phủ" được xây trên đất nhanh chóng được cấp phép từ đất rừng vẫn vững chãi. Những kẻ phá rừng ở qui mô lớn cũng chưa mấy người bị xử lý thì mức độ quyết tâm của Nhà nước đến đâu để bảo vệ và phát triển rừng?

Hình ảnh của những người dân tử nạn do lũ, lụt những ngày qua, nhất là hình ảnh 2 mẹ con chết trong tư thế ôm nhau, cái chết của Đinh Hữu Dư-phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam và hàng chục người dân khác có khiến những kẻ phá rừng chùn tay không? Có lẽ không, bởi chừng nào còn lợi ích quá lớn, chúng còn phá. Vấn đề là Nhà nước quyết tâm và có giải pháp mạnh mẽ đến đâu với quốc nạn này.

Câu nói "Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá" là phương ngôn đúc kết qua cả ngàn năm, cảnh báo những hậu quả to lớn nhất của tình trạng phá rừng, núi, phá vỡ quy luật dòng chảy của sông ngòi đến nay vẫn nguyên giá trị. Nó cũng như một lời nguyền cho hậu thế từ bao đời nay. Nhưng thật quá tệ, đến khi người ta nhận thấy rõ những hậu quả khủng khiếp khi buông lỏng quản lý, làm trái những điều được cảnh báo đó thì đã có quá nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra mà không cứu vãn được.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: