Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Mỹ và Israel rút ra khỏi UNESCO viện lẽ tổ chức LHQ bài Do Thái


Tòa nhà UNESCO tại Paris, 12/10/2017.

Sau khi Hoa Kỳ loan báo rút khỏi UNESCO hôm qua 12/10/2017 vì cáo buộc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp Quốc bài Do Thái, Israel cũng theo chân. Sự kiện này xảy ra vào lúc UNESCO đang bầu tổng giám đốc mới.

Từ nhiều năm qua, Mỹ vẫn bất bình trước quan điểm của UNESCO về Jérusalem và Hébron, ngả theo các nước Ả Rập. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert cho biết bên cạnh đó còn có lý do về tài chính. Bà nói : « Chúng tôi chi ra 550 triệu đô la cho UNESCO, liệu có thể chi tiếp cho một tổ chức chống Israel ? » và nhắc nhở rằng Washington còn mong muốn cải tổ toàn bộ Liên Hiệp Quốc.
Vài giờ sau loan báo của Mỹ, đến lượt Israel thông báo rút khỏi UNESCO, cho rằng định chế này là « sân khấu vô nghĩa, nơi bóp méo lịch sử », và « khi phân biệt đối xử, người ta phải trả giá ».

Tổng giám đốc đương nhiệm UNESCO, bà Irina Bokova người Bungari, bày tỏ « sự tiếc nuối sâu sắc » trước quyết định của Mỹ. Pháp, nơi UNESCO đặt trụ sở và có ứng viên đang tranh chức người đứng đầu tổ chức này, cũng cho rằng việc Hoa Kỳ rút lui là « đáng tiếc ». Tương tự với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres nhấn mạnh« vai trò chủ chốt của Hoa Kỳ từ lúc UNESCO được thành lập » vào năm 1946, còn Nga cho rằng đây là « một tin buồn ».

Đối với giáo sư Bertrand Badie của đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po Paris), chuyên gia về quan hệ quốc tế, quyết định này không mang lại hậu quả quá nặng nề cho UNESCO. Trả lời RFI, ông Badie cho biết :

« Về phương diện vật chất, tác động có thể không quá lớn, vì trước đó Hoa Kỳ đã ngưng tài trợ, khiến UNESCO phải giảm bớt 20% ngân sách. Về tính biểu tượng cũng vậy, người ta cũng đã quen với việc Hoa Kỳ gia nhập rồi lại rút lui. Cần nhớ là Washington đã ra khỏi UNESCO lần đầu vào năm 1984, kéo theo sự ra đi của Anh quốc, và phải đến gần 20 năm sau, tức năm 2003 mới quay lại.
Như vậy, một mặt định chế này sẽ bị yếu đi một cách tượng trưng, trong khi UNESCO vốn có vai trò đáng kể đối với các nước tham gia, cần có được sự hỗ trợ. Nhưng nhất là sự kiện này cho thấy một cơn sốt mới từ phía Mỹ chống lại chủ nghĩa đa phương. Có lẽ đây mới là điều đáng ngại nhất ».

Loan báo của Hoa Kỳ và Israel được đưa ra vào lúc việc bầu tân tổng giám đốc, được bắt đầu từ thứ Hai 9/10, đang bước vào giai đoạn quyết định. Trong vòng bỏ phiếu thứ tư tối qua của 58 nước thành viên Hội đồng quản trị, ứng viên của Qatar, ông Hamad Bin Abdoulaziz Al-Kawari nhận được 22 phiếu. Hai ứng cử viên Audrey Azoulay (Pháp) và Moushira Khattab (Ai Cập) đều được mỗi người 18 phiếu.

Trước đó ứng cử viên của Việt Nam và Trung Quốc đều được 5 phiếu. Hôm thứ Tư, ông Phạm Sanh Châu, ứng viên Việt Nam đã rút lui, và đến thứ Năm, ứng viên Trung Quốc cũng rút, dồn phiếu cho Ai Cập.

Trong bối cảnh Qatar đang bị một số nước Ả Rập tẩy chay, Ai Cập và Ả Rập Xê Út tất nhiên không ủng hộ ứng viên Qatar. Ông Al-Kawari còn bị cáo buộc là đã im lặng trước sự hiện diện của những cuốn sách bài Do Thái trong một hội chợ sách, lúc ông là bộ trưởng Văn hóa.

Theo kết quả cuộc bỏ phiếu vào đầu giờ chiều nay, cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay đã chiến thắng ứng viên Ai Cập Moushira Khattab, sẽ đọ sức với đối thủ Qatar trong vòng bầu chung cuộc tối nay.

Tin giờ chót cho biết bà Audrey Azoulay, 49 tuổi, đã được bầu làm tổng giám đốc UNESCO với 30 phiếu, so với ứng cử viên Qatar được 28 phiếu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: