Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Mạnh dạn giải thể cái thừa!


>> Bí thư Nguyễn Xuân Anh từng nói gì về những vi phạm mới được kết luận?
>> Cái chết của cụ bà Y Býu và nỗi khiếp bão của tộc người Arem

Đỗ Thông - Phan Anh thực hiện

NLĐO - "Con ai, học hành thế nào, bổ nhiệm cái gì, thời gian ra sao, tất cả tôi đều biết..." - ông Trần Quốc Huy - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khẳng định

Còn rất nhiều trường hợp như… Đà Nẵng

Phóng viên: Hiện dư luận hình thành những cụm từ "cả cục làm quan", "cả phòng làm sếp"… hàm ý công tác cán bộ đang có vấn đề, ông có nghĩ như vậy?

- Ông Trần Quốc Huy: Trong năm nay, câu chuyện cán bộ đậm lên nhưng thật ra kéo dài rất lâu rồi. Chuyện con ông cháu cha; chuyện đề bạt, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ không thực chất, hình thức. Nói là quy trình này nọ nhưng thật ra từ trong nội bộ cho đến bên ngoài, người ta nhìn vào thấy không ổn. Cho nên, việc kỷ luật 2 lãnh đạo cấp cao của TP Đà Nẵng vừa qua không chỉ do bản thân họ sai mà còn gắn với vấn đề trước đó trong công tác cán bộ. Đây chỉ là một vụ việc cụ thể. Nếu nói cho đầy đủ thì phải đưa ra khoảng vài trăm trường hợp ở phạm vi cả nước. Như thế mới đúng cục diện. Tôi có thể kể tên những trường hợp đó. Con ai, học hành thế nào, đưa đi đâu, bổ nhiệm cái gì, thời gian ra sao, việc này việc nọ, tất cả tôi đều biết khi còn làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Từ sự việc Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa…, ông có cho rằng quy trình bổ nhiệm cán bộ có lỗ hổng?

- Tôi khẳng định có sơ hở, có thiếu sót trong quản lý, đánh giá cán bộ. Như những vụ cán bộ trẻ sai phạm gần đây nổi lên làm ồn ào dư luận. Rồi chuyện doanh nghiệp tặng xe cho các tỉnh thì có lâu rồi, chắc cũng trên 50% số tỉnh nhận xe doanh nghiệp.

Khi ông làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương có từng bị áp lực trong bổ nhiệm cán bộ?

- Tôi không bị nhiều áp lực nhưng có khó. Có những trường hợp "thô bạo" xông thẳng vào phòng tôi đặt vấn đề chỗ này chỗ nọ. Thậm chí, bằng nhiều cách khác để "tấn công", như nhờ người nhà, có vai vế, có uy tín với mình để can thiệp. Đó là những áp lực có thật nhưng mình phải có cách xử lý để giữ cho việc chung, việc đúng, không bao giờ bị bóp méo.

Phải có tướng giỏi

Chúng ta đã nhiều lần tinh giản biên chế nhưng sau mỗi tinh giản thì bộ máy gần như như cũ, thậm chí phình ra?

- Không có gì khó hiểu! Từ rất lâu, mình đã có chủ trương sắp xếp lại bộ máy và đã nhiều lần thực hiện. Mỗi lần sắp xếp có hệ thống các quan điểm, tiêu chí. Lần gần đây nhất là sắp xếp theo hướng bộ đa ngành để giảm đầu mối. Việc này đã làm cách đây 2 nhiệm kỳ. Khi làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tôi được phân công đi thực hiện chủ trương này. Mỗi thời kỳ 5 năm, 10 năm, người ta sẽ tổ chức lại công việc, tinh gọn lại bộ máy và con người. Đây là việc bình thường, đúng quy luật.

Vậy theo ông, sắp xếp lại bộ máy nên bắt đầu từ đâu?

- Nên bắt đầu từ cách làm. Nếu vẫn giữ cách làm như lâu nay thì sẽ trở lại như cũ. Lâu lâu "đẻ" ra cái này, cái kia thì sẽ sinh ra bộ máy mới và con người để phục vụ. Ở cấp tỉnh, TP không ai được quyền "đẻ" hay cắt ra một phòng ban, biên chế nào. Toàn bộ biên chế bên nhà nước là Bộ Nội vụ làm đầu mối, bên Đảng là Ban Tổ chức Trung ương. Hai đơn vị này tham mưu cho người đứng đầu Chính phủ, Đảng quyết định. Nhiệm kỳ vừa rồi còn đặc biệt đưa biên chế lên Bộ Chính trị quản lý. Muốn tăng, giảm biên chế thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Chủ trương sắp xếp bộ máy đã có từ lâu sao đến nay không chuyển biến? Theo ông có phải vì đụng đến ghế người này, quyền lợi người kia?

- Người có quyền quyết định bộ máy, thêm hay giảm biên chế không phải họ ngại đụng chạm người này người kia đâu, cũng chẳng phải nể nang, sợ sệt. Cái gốc là người lãnh đạo, chỉ huy ở cấp cao phải kiên quyết, chấp hành nghị quyết của Đảng một cách nghiêm khắc. Người đó phải là "tướng lĩnh" vì nước, vì dân; cái gì đúng phải quyết làm dù có thể đụng chạm đến nhiều người hoặc hỏng việc này việc nọ của ai đó.

Tại sao tinh giản biên chế không giảm mà vẫn tăng? Nguyên nhân thứ nhất phải tăng vì có nhu cầu. Nguyên nhân thứ hai là nó không có nhu cầu đến mức như thế mà do không có quyết định đúng đắn. Hiện nay, có thể giảm biên chế một nửa mà bộ máy vẫn hoạt động tốt nếu được tổ chức khoa học, đồng bộ.

Nên kết thúc nhiệm vụ 3 ban chỉ đạo

Theo lời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, 3 ban chỉ đạo ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên được hình thành mang tính chất tạm thời. Ông có thấy vậy không?

- Khi lập ra 3 ban chỉ đạo này đều có hoàn cảnh và yêu cầu. Nhiệm vụ lớn nhất của 3 ban khi ra đời là để ổn định an ninh chính trị khu vực. Thời kỳ đó bắt buộc phải có ban chỉ đạo nhưng lẽ ra sau 3-5 năm, tình hình thay đổi thì phải kết thúc nhiệm vụ. Nhu cầu không còn thì nên kết thúc và đáng lý phải kết thúc nhiệm vụ 3 ban này lâu rồi.

Khi tôi còn đương chức Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, có 2 luồng ý kiến cân nhắc rất kỹ việc làm tiếp hay là thôi. Tại thời điểm đó, tôi cho rằng 3 ban kết thúc nhiệm vụ là vừa, phù hợp thực tế. Nhưng lúc đó, luồng ý kiến duy trì tiếp một thời gian nữa chiếm áp đảo. Từ đó đến nay, các ban chỉ đạo không những duy trì mà còn phát triển mạnh ra, "biến" các ban này gần tương đương với một ban trung ương, có tổ chức hoàn chỉnh từ văn phòng đến các vụ…

Nếu giải thể liệu có phát sinh những vấn đề phức tạp khác nên có phương án "bóp" lại để tinh gọn, hiệu quả hơn. Ông có đồng ý phương án này?

- Tôi nghĩ là không nên. Cái gọi là gọn lại cũng giống như bộ phận thường trực để kết nối thì không cần bởi trong từng lĩnh vực lớn đã có các bộ, ngành phụ trách nên cần gì lập ra nhóm như vậy nữa. Tóm lại, nên giải thể.

Từ sai phạm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông nhận định thế nào về bộ máy và công tác quản lý cán bộ ở các ban chỉ đạo hiện nay?

- Sai sót của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có nguyên nhân rõ ràng. Cái lỗi trước nhất là do những người tại chỗ không chấp hành pháp luật, bỏ qua nguyên tắc; lơ là trong kiểm tra, kiểm soát trong thời gian dài. Nhìn cách làm, cách quản lý là người ta biết. Những sai phạm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trước đó đã có những biểu hiện rồi.

Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị Trung ương 6?

- Tôi vui vì hội nghị lần này có bàn đến vấn đề sắp xếp lại bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng... Tôi mong sẽ làm được nhiều hơn. 
***

Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục bàn đến việc sắp xếp lại bộ máy tôi thấy vui nhưng cũng còn lắm băn khoăn từ chủ trương đến thực hiện, chấp hành. Bởi nhiều lần đã làm cái này rồi nhưng kết quả không được tốt lắm!
***

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương:

Bộ máy quá cồng kềnh

Tôi rất trông chờ Hội nghị Trung ương 6 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề tinh giản bộ máy tổ chức đã "ứ đọng" từ rất lâu.

Có 3 tồn tại lớn trong bộ máy cồng kềnh của chúng ta hiện nay. Thứ nhất, trong một tổ chức nhưng thiếu người chịu trách nhiệm. Hàng loạt vụ đại án vừa đưa ra xét xử, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng nhưng không có người chịu trách nhiệm đến cùng. Thứ hai, có quá nhiều người làm việc trùng lặp, khi xảy ra sai phạm thì "đá bóng" trách nhiệm. Thứ ba, bộ máy quá cồng kềnh, ngân sách không chịu nổi.

Từ những bất cập đó, chúng ta bắt buộc phải cải tiến bộ máy. Bộ máy được cải tiến thì công tác cán bộ mới tốt được, người cán bộ mới phát huy được năng lực. Bộ máy như hiện tại thì rất khó bố trí cán bộ vì quá chồng chéo, "lắm cửa, lắm quan".

Một dẫn chứng cụ thể như 3 ban chỉ đạo hiện nay vẫn tồn tại là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Ba ban này vẫn còn hoạt động là không hợp lý khi chúng ta đã có Chính phủ chỉ đạo; các tỉnh đã có bí thư, chủ tịch chỉ đạo trực tiếp thì cần gì phải có ban chỉ đạo này kia nữa, thêm cấp chỉ đạo chỉ thêm rườm rà. Thậm chí như vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã lộ nhiều sai phạm. Nếu chúng ta cứ để nhiều tổ chức, bộ máy phình to thì khó quản lý, dễ phát sinh tham nhũng. Cho nên, phải mạnh dạn giải thể những cái thừa.

M.CHIẾN ghi
***

GÓC NHÌN

Khó chấp nhận

Một nguyên nhân làm bộ máy phình ra không ngừng là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, cộng với việc thêm bớt cơ quan, bộ máy tùy tiện.

Một cái sai lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước ta là biến chính quyền cấp dưới thành một bản sao, một hình ảnh phối cảnh thu nhỏ của chính quyền cấp trên. Cứ cấp huyện có cái gì là cấp xã phải có cái đó. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế nên người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia… Cứ theo bài ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành chỉ có tăng bộ máy, biên chế, ít khi và khó mà giảm. Từ đó, sinh ra bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước ngày càng đông.

Nhớ trước đây cả nước có đến 46 bộ, ngành trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ). Thí dụ, lĩnh vực công nghiệp có đến một loạt bộ, gồm: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Cơ khí luyện kim, Mỏ địa chất, chưa kể còn có Tổng cục Hóa chất, Tổng cục Dầu khí. Lĩnh vực nông nghiệp cũng có các bộ: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Lương thực thực phẩm và Tổng cục Cao su… Kinh nghiệm cho thấy trước đây, khi có ý kiến nhập bộ để thành bộ liên ngành đa lĩnh vực như ngày nay, lúc đầu có nhiều ý kiến không đồng tình do lo quản lý không nổi. Việc sáp nhập vì thế đã gặp không ít khó khăn lúc đầu nhưng do quyết tâm chính trị cao nên giờ đây hoạt động vẫn ổn. Trên thế giới, người ta tính trung bình có khoảng 16 bộ cho mỗi quốc gia. Ở nước ta, số bộ và cơ quan thuộc Chính phủ vẫn còn nhiều nên số sở còn nhiều cũng không có gì lạ.

Hiện nay, số lượng sở trên địa bàn của tỉnh, TP trực thuộc trung ương quá nhiều, đưa đến hệ quả là khó điều hành. Trong khi đó, theo khoa học tổ chức thì một cấp quản lý điều hành hiệu quả trong khoảng 7-9 đầu mối. Tình hình này sẽ dẫn đến không tránh khỏi chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở.

Diệp Văn Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: