Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

‘Không hẳn giảm quan tham là tăng nhân tài’


>> Phim Vietnam War, ông Duẩn, ông Nhu, ông Giáp
>> Hội nghị trung ương 6 giữa khủng hoảng Việt - Đức
>> Nghịch lý lương tối thiểu tại Việt Nam

BBC - Một nhà báo ở TP.Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng một cựu quan chức Tuyên giáo "có cơ sở" khi nói rằng "Không hẳn giảm quan tham là tăng nhân tài".

Ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương được VTC News hôm 9/10 dẫn lời: "Chống tham nhũng mạnh mẽ sẽ góp phần đáng kể làm trong sạch bộ máy, loại bỏ quan tham. Còn việc có sử dụng được người tài đức hay không là một việc nữa, một việc khác."

"Không hẳn giảm quan tham là tự nhiên tăng được nhân tài. Một người lãnh đạo nào đó có đại nghĩa, thật lòng muốn làm việc cùng với các nhân tài, trong đó có những mặt họ nổi trội hơn mình, tôn trọng các nhân tài ấy, thì sử dụng được nhân tài."

Truyền thông đưa phát ngôn của cựu quan chức Tuyên giáo trong bối cảnh ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ra khỏi Trung ương Đảng.

Nhân trường hợp của ông Xuân Anh, truyền thông Việt Nam cũng loan báo quy định mới nhất của Bộ Chính trị về công tác cán bộ cho hay "không điều động về trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển."

'Cơ chế giám sát'

Hôm 10/10, trả lời BBC từ TP.Hồ Chí Minh, ông Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: "Có giám sát và giám sát hữu hiệu thì nhân dân được nhờ."

"Có giám sát thì các cán bộ có ý định trục lợi, tư lợi của công hay chính sách sẽ chùn tay."

"Tôi ví dụ, đề xuất tử hình cán bộ tham nhũng cũng là một cách răn đe hữu hiệu của nhà nước pháp trị. Nhưng theo tôi, phòng vẫn hơn chống tham nhũng và cách tốt nhất là thay đổi thể chế để giám sát sâu, rộng bộ máy Đảng và Nhà nước. Lúc ấy, cơ hội của những người trung ngôn sẽ "có đấy" vì có cơ chế để nghe lời "nghịch nhĩ."

"Về xu hướng gần đây tôi thấy điều đó có cơ sở. Nhưng về lâu dài, sự góp ý của trí thức cần được nhìn nhận ở mức tập hợp thành lý luận trên cơ sở góp ý thực tiễn trên nhiều lĩnh vực. Theo tôi, nhu cầu làm sạch bộ máy chính trị xuất phát từ nhu cầu của nhân dân và nhu cầu tự thân của Đảng cầm quyền."

Ông Ấn cho biết thêm: "Nhân dân được báo cáo "tình hình tham nhũng ổn định" nhưng trên thực tế có qua nhiều vấn đề tham nhũng bị phát hiện. Từ tham nhũng vặt cho đến các đại án, từ những khoản tiền nhỏ đến rất nhiều ngân sách bị "đốt" vô tội vạ. Điều này làm thuế, phí tăng nhanh ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả và sinh hoạt của người dân. Với doanh nghiệp, họ cũng đuối sức với chi phí bôi trơn và các điều kiện kinh doanh rắc rối. Như vậy, nhu cầu chống tham nhũng là nhu cầu lấy lại nội lực đất nước."

"Đảng cầm quyền hay nói rộng ra là chính thể có nhiều khẩu hiệu như "từ dân mà ra, do dân mà phục vụ", "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" nên càng cần phải làm sạch bộ máy. Làm sạch bộ máy chính là "về với dân" một cách chính danh và cũng là cách bảo vệ quyền lực lãnh đạo một cách tích cực nhất. Theo tôi, đây là hai lý do chính để cần thiết và quyết liệt chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực."

Một bài trên tờ The Nation của Thái Lan hôm 3/10 nói chính quyền Việt Nam dùng án tử hình như vũ khí chính trị nhưng có vẻ "không làm run sợ" những quan chức tham nhũng.

"Thực tế, thông thường một chế độ độc đoán lại là nguyên nhân của tham ô và lạm dụng quyền lực. Tham nhũng nảy nở tại những nơi có sự khuất tất. Tham nhũng chỉ có thể được nhổ tận gốc bằng cách đảm bảo rằng việc vận hành của chính phủ là minh bạch với tất cả mọi người, và rằng luật pháp thật sự nghiêm minh."

"Nếu tham nhũng thật sự là mối quan ngại của lãnh đạo của bất kỳ chính phủ nào, họ phải xác định nơi nào trong hệ thống của họ cần cải cách triệt để. Điều đó cũng áp dụng cho các ban ngành và doanh nghiệp nhà nước. Vấn nạn sẽ không thể diệt trừ nếu thiếu vắng sự chân thành, minh bạch và trách nhiệm giải trình," tờ báo viết.

Mới hôm 2/10, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu than phiền nhiều ban bệ 'rườm rà, không nên tồn tại', và kêu gọi 'cách mạng bộ máy'.

Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.

"Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là "cách mạng", tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả," ông Phiêu bình luận.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: