Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Khi phóng viên gặp nạn


Phạm Lan Phương - Một phóng viên của Thông Tấn Xã tử nạn khi đang tác nghiệp lũ lụt. Tin buồn đó rất nhiều bạn bè chia sẻ. Và đó thực sự là tin buồn với người đi viết như tôi – khi bạn đang ở tuổi nghề sung sức. Có một điều nhiều năm qua tôi chưa bao giờ đề cập đến, đó là: Các tòa soạn quan tâm đến sinh mạng của phóng viên mình ra sao?

Mô tả lại nghề báo cho những sinh viên mới ra trường như sau: Bạn còn là sinh viên, nhờ quan hệ cá nhân nào đó hoặc trường giới thiệu, bạn trở thành cộng tác viên của một tờ báo. Có những cộng tác viên tôi quen bắt đầu công việc của họ từ năm 21 tuổi, và 9 năm sau, khi 30 tuổi, họ vẫn chưa được ký phóng viên, đồng nghĩa với việc không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe, tai nạn. Họ vào nghề bằng đôi chân trần và khát vọng đi viết thực sự.

Như mọi tòa soạn trên thế giới, phóng viên trẻ bắt đầu bằng tin tức trong thành phố: cướp, hiếp, giết, nếu bạn nào ở địa phương có ngập lụt, lở đá, xe lật đèo, chém giết… thì đều sẽ là họ làm. Chuyện này không có gì đáng bàn, đó là việc các phóng viên đều trải qua việc này để trưởng thành. Có mặt ở điểm nóng trên trang báo là điều mọi phóng viên trẻ đều cần làm và mong muốn đạt tới. Nhưng đáng sợ là rất ít người trẻ được đồng nghiệp lớn dắt đi, chỉ cho họ thấy các nguy cơ ở hiện trường, các tiềm ẩn nguy hiểm.

Một nhà báo chuyên làm mảng đường dây nóng kể tôi nghe ông và nhiều đồng nghiệp vẫn tiếp cận hiện trường vụ Phương Khói Lửa khi phía công an còn nghi trong nhà có thể vẫn còn chất nổ. Nhưng người kể tôi nghe là một nhà báo đầy kinh nghiệm, ông biết phải dừng ở đâu, đứng ở đâu, nhận biết cái gì nguy hiểm. Hàng trăm phóng viên trẻ đang lăn thân thể trên hiện trường không hề biết những thứ như ông. Họ sẽ làm gì nếu một vụ nổ tiếp theo xảy ra? Họ sẽ làm sao nếu cây cột điện đổ xuống tiếp tục gây giật điện? Họ sẽ làm sao nếu khu vực cần tiếp cận đang nằm bên kia dòng nước chảy xiết?

Không có câu trả lời.

Nhiều phóng viên rất giỏi nói: họ tự học mọi thứ, tự đọc kiến thức chữa lửa, tự đọc xem điện giật và nước ra sao, tự tìm hiểu sấm sét hay nguy cơ khi lụt. Không có tòa soạn nào có đào tạo về an toàn cho phóng viên trẻ, và phóng viên trẻ thực sự chưa hiểu nguy cơ nào đang ẩn chờ họ trước mặt.

Họ sẽ làm gì khi đứng trước một dòng nước chảy vào làng? Họ sẽ làm gì khi hầm lò bị lở và tòa sọan liên tục gọi điện hỏi hình đâu? – Họ sẽ chui vào hầm đá lở, và lần mò bước theo một người bản địa chỉ họ qua suối. Phóng viên là vậy, đặc biệt phóng viên trẻ, họ có niềm tin mãnh liệt vào bản tin cần phải tới tay độc giả – và sẵn sàng liều mình vì bản tin đó.

Họ có cơ hội từ chối không? – Mọi biên tập đều nói các em có thể từ chối. Nhưng ngôn ngữ ngầm là sẽ không đứa phóng viên trẻ nào được nhận thực hiện tiếp tin tức tại điểm nóng nữa, nếu nó dám từ chối. Luật chơi ngầm là không từ chối. Không có sự quay đầu cho phóng viên trẻ. Nhưng làm sao trách được thị trường báo chí, nó y hệt nhau trên toàn thế giới, các phóng viên trẻ ở Thái, Indonesia, Mỹ, Myanmar, Anh, đều chọn điểm nguy hiểm nhất để khởi phát sự nghiệp báo chí – nơi có thể đem lại cho họ danh tiếng và hi vọng một vị trí trong nghề. Và đó một phần là bản ngã của người viết báo – những kẻ muốn chinh phục nguy hiểm.

Nhưng song song với đó, tôi nghe rất nhiều than phiền từ đồng nghiệp trong khoảng 5 năm gần đây, các sinh viên trẻ không chọn nghề báo nữa. Họ tốt nghiệp. Bỏ nghề. Họ làm truyền thông hoặc PR. Vậy họ có phải là những kẻ phản bội nghề nghiệp không?

Tôi từng nghe một em sinh viên khóc nức nở khi tường thuật một cái tin 200 chữ về một bà cụ bị xe container cán. Tôi đã nghe những đồng nghiệp kể một em không thể chịu nổi hàng chục đêm lăn lê ngoài đường cho những cuộc đua xe để làm một bài viết về tội phạm – và sau đó phải lẩn tránh nhiều tháng trời vì bọn đua xe dọa giết. Tôi cũng đã nghe những phóng viên nữ đến cơ quan công quyền làm việc, xong bị sếp của họ sờ mó trên xe hơi, gạ tình, rủ đi khách sạn, rồi “cung cấp tin”. Không thể khác được, nghề báo sẽ gặp những thứ như vậy cả đời, nếu họ muốn viết thực sự.

Điều tôi đặt câu hỏi là: Các tòa soạn ở đâu khi sinh mạng phóng viên của họ nguy hiểm? – Không có một đào tạo nào về các giới hạn nguy hiểm, các vùng nguy hiểm, các giới hạn mà biên tập viên không được ép phóng viên nhảy vào. Không có quy chế nào về bảo vệ đồng nghiệp trong tác nghiệp, mọi trường hợp đều chỉ cầu may dựa vào sự tử tế của tổng biên tập, đặc biệt trong các vụ phóng viên phải đi tù. Không có một nhắc nhở nào để tạo ra một cơ chế bảo vệ giữa các phóng viên trong tòa soạn chống lại sự tiết lộ danh tính, tấn công, nặc danh, khủng bố tinh thần bằng điện thoại, dọa giết. Không có huấn luyện phù hợp nào về lửa, bão lụt (và đây là mảng năm nào cũng cần tường thuật), an toàn cháy nổ… thực sự có thể xài cho tác nghiệp. Các tòa soạn coi nhẹ sinh mạng của phóng viên trẻ, bởi thị trường báo chí quá cạnh tranh, ghế thì ít mà đít thì nhiều, ai cũng cần phải nhảy vào một tòa soạn nào đó, nên sẵn sàng liều mình để làm việc.

Khi tôi làm việc cho một hãng tin, có một kỳ huấn luyện môi trường nguy hiểm trong một tuần. Ở đó, những huấn luyện viên thực sự am hiểu hiện trường có đe dọa, bão lụt, lửa, bạo động, đã dạy phóng viên về cách phải làm sao ứng phóng khi bị đẩy vào từng cấp độ của nguy hiểm. Khi nào phóng viên được từ chối tường thuật. Khi nào họ phải vứt bỏ thiết bị để bảo vệ bản thân. Khi nào họ có thể tiếp tục tường thuật. Họ cần có gì để kích hoạt bảo hiểm, cứu trợ, giúp đỡ, hỗ trợ từ tòa soạn…. 


Tôi còn nhớ trong đó có một bài học mà đồng nghiệp Indonesia được chỉ dẫn nếu bạn phóng viên nữ bị cả đám đàn ông xông vào lôi cô đi, thì quay phim, tài xế hay người đi kèm phải làm gì, cô cần mang theo gì và không được sử dụng vũ khí ra sao. Cô nói: “Đó là bài học rất thực tế, vì trong nhiều trường hợp đi làm ở các đảo cô lập, là nữ giới tôi luôn cảm thấy bị đe dọa.” – Tất cả những bài học đó không phải để tạo đường lùi đẩy phóng viên ra khỏi hiện trường sự việc, mà nó dạy tôi hiểu về sinh mạng mình, giới hạn cần dừng lại, hoặc khi nào có thể tiến về phía trước. “Có khi nó cũng chẳng giúp được gì đâu”- Một giảng viên thừa nhận với chúng tôi, nhưng ông cũng nói chúng ta trang bị tốt nhất những gì cần thiết để tránh tối đa nguy cơ có thể làm tổn thương phóng viên.

Ở đài SBS của Úc, tôi từng trò chuyện với một phóng viên ở Sydney. Cô kể ở tòa soạn cô có khuyến khích cơ chế “buddy” – nghĩa là nếu cô đi tường thuật cháy rừng, thì đồng nghiệp nào từng làm cháy rừng ở nhà nên gọi hỏi thăm cô, hoặc gọi điện gợi ý cho cô nên chuẩn bị gì cho an toàn, dù hai người không phải bạn thân. Cô kể có lần phải tường thuật cháy rừng suốt hai tuần, quá căng thẳng và thương tâm vì nhiều người mất hết nhà cửa. Hôm đó, tự dưng cô nhận được điện thoại từ một bạn ở nhà, hỏi cô có ổn không, làm có cực không, khói cháy rừng tới đâu rồi. Cô kể lúc đó đã cảm thấy được trấn an, như có ai đó ở nhà nhớ tới mình, không phải gọi điện đòi bài, mà chỉ là có ai đó biết mình đang gặp gì trên hiện trường. Cơ chế “buddy” này được Đại học Columbia thực hiện cùng nhiều tờ báo, chỉ dẫn phóng viên bảo vệ nhau, thấu hiểu nhau, nếu biên tập của họ không thể thấu hiểu vì áp lực bài vở.

Tháng trước, khi các phóng viên CNN nhảy vô bão tường thuật cơn bão xảy ra sau lưng họ, điều đáng ngạc nhiên là họ không được ca ngợi như anh hùng trong mắt đồng nghiệp mà hành động này bị coi như là có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân. (1)

Có lần một anh biên tập hỏi tôi: “Em hay đi dạy sinh viên, em có biết vì sao sinh viên giờ không yêu nghề báo như tụi anh nữa không? Họ bỏ nghề nhanh quá.”

Tôi dùng bài này để trả lời các anh: Các anh coi nhẹ phóng viên trẻ, coi nhẹ sinh mạng và sự an toàn của họ, coi nhẹ nỗi sợ của họ, không trang bị thêm cho họ kỹ năng để chống lại áp lực họ phải trải qua mỗi ngày. Áp lực của hình ảnh máu me. Áp lực bị đe dọa. Áp lực làm việc không lương, không bảo hiểm, không có chỉ dẫn sự nghiệp rõ ràng, không minh bạch trong công nhận công sức và sự trả giá của họ.

Hãy đi hỏi các phóng viên kỳ cựu đang đối mặt với nguy hiểm hàng ngày đi, họ đã bao giờ được các anh hỏi đến là phải huấn luyện thường kỳ cho phóng viên trẻ cách tự bảo vệ họ ra sao chưa?

FB Phạm Lan Phương

(1) TV correspondents face danger they told others to avoid (AP).
(1) As Irma’s Winds Rise, So Does a Debate Over TV Storm Reporting (NYT)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: