Xin hãy thôi làm “người phán xử”!
TUYẾT VÂN
LĐO - Tôi từng là sinh viên, và nếu là người xuất hiện trong bức ảnh mà bạn Vũ Tuấn Anh chia sẻ trên Facebook thì có lẽ những ngày qua sẽ là những ngày xấu hổ nhất trong cuộc đời tôi.
Tuấn Anh chia sẻ rằng anh sững sờ khi thấy cảnh những thanh niên sức dài vai rộng lại đi giành giật suất ăn với những người nghèo, còn tôi lại thấy sững sờ bởi chia sẻ đó lại được thốt ra từ miệng một người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên, người đáng lẽ ra phải hiểu sinh viên đủ để không vội vàng “phán xử” họ chỉ từ một bữa cơm như vậy.
Chúng ta cần phải biết rằng, mỗi chia sẻ trên mạng xã hội luôn cần được cân nhắc cẩn thận để không gây tổn hại đáng tiếc đến bất kỳ ai. Thế nên, nếu tôi là anh Tuấn Anh, nhìn thấy cảnh sinh viên xếp hàng ăn cơm 2.000 đồng, tôi sẽ bình tĩnh mà nghĩ rằng:
Thứ nhất, về lý, sinh viên ăn cơm 2.000 đồng có phải là đối tượng đáng bị lên án gay gắt như thế? Họ có vi phạm nội quy quán ăn không? Có chen lấn, xô đẩy người khác không? Có trang phục, thái độ không phù hợp không? Bức ảnh đã cho thấy họ vẫn trật tự xếp hàng giữa trời trưa nắng, mặc đồng phục trường, đi những đôi giày giản dị. Họ không ăn cắp, không chửi bới, không hành xử thô lỗ. Quán cơm cũng ghi rõ là “dành cho người nghèo, học sinh, sinh viên nghèo”. Thế thì hà cớ gì đánh giá họ là những người “không có lòng tự trọng”?
Thứ hai, về tình, những sinh viên xếp hàng để có được 1 suất ăn 2.000 đồng có thể có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Họ có thể là những sinh viên nghèo, có thể có một công việc làm thêm cực nhọc, họ muốn tiết kiệm những đồng tiền ít ỏi đó vào những việc khác quan trọng. Họ có thể vẫn chưa kiếm được một công việc làm thêm phù hợp với lịch học của mình, đang tiết kiệm từng đồng tiền bố mẹ từ quê gửi lên.
Họ cũng có thể là những sinh viên có điều kiện, muốn trải nghiệm một bữa cơm nghèo để hiểu được giá trị đồng tiền và từ đó có những suy nghĩ trưởng thành, những đóng góp tích cực cho xã hội. Hà cớ gì phải ngay lập tức quy chụp rằng những sinh viên ăn cơm 2.000 đồng là những người lười lao động, thiếu tự trọng, giành ăn của người nghèo để dành tiền đàn đúm ăn chơi?
Những ngày đầu khi quán mới mở cửa, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Nam Đồng - Chủ nhiệm quán cơm xã hội 2.000 đồng, chia sẻ: “Cơm ở đây không hề miễn phí mà được bán với giá 2.000 đồng. Tất cả mọi người đến quán đều được chào đón nhiệt tình”. Thế nên, ông không đồng ý với những ý kiến như của Tuấn Anh bởi đó là ý kiến sẽ làm người khác tổn thương.
Vậy nên, trước khi phán xét, xin hãy mở rộng lòng mình để đừng làm người khác tổn thương!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét