Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
Xưa nay sự phát triển một trào lưu văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung ở VN cũng như trên thế giới, đều được gắn bó mật thiết với một tờ báo nào đó. Như với Phong trào Thơ mới ở VN, đầu thế kỷ 20 đã gắn vận mệnh với tờ báo Phụ nữ tân văn, Nam phong…Ở miền Nam cuối những năm 1950, nhóm Sáng tạo ra đời và cũng cùng đồng hành với nó là tờ Người Việt, Lửa Việt…
Và kể đâu xa, gần gặn với dòng văn học thời kỳ Đổi mới, vào những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ 20 với sự xuất hiện hàng loạt các cây bút và tác phẩm văn thơ có sức ảnh hưởng lớn, lâu dài trên văn đàn cả nước, mà người bạn đồng hành không thể thiếu của dòng văn học Hiện đại mới mẻ này, là tờ Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi vậy, có thể xem các tờ báo như Phụ nữ tân văn, Văn nghệ là chiếc cửa lớn đã mở ra cho văn chương cả một mùa vàng rực rỡ, đóng góp giá trị lớn cho nền văn hóa - văn học nước nhà.
Nói thế này không rõ có ngoa : báo Văn nghệ - tiền thân là tờ Tạp chí Văn nghệ, chứ không phải báo Nhân dân, Quân đội nhân dân hay bất cứ tờ báo nào khác, là đại diện xứng đáng nhất cho nền văn hóa - văn học - nghệ thuật đất nước, kể từ ngày thành lập Nhà nước VNDCCH, 1945 tới nay?
- Hiện thời tờ báo Văn nghệ đang trong tình cảnh thế nào?
Như các trang mạng, Fb cá nhân đã đưa tin, cho thấy tờ Văn nghệ đang trong tình cảnh khá thê thảm. Báo không phát hành được, kinh tế bí bét, mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng. Nếu coi các vấn đề trên là tế nhị, là việc của nội tình bản báo, không đáng để các nhà văn và bạn đọc quan tâm, thì vấn đề "Chất lượng nghệ thuật yếu kém, tác phẩm của các nhà văn tên tuổi xuất hiện thưa vắng trên mặt báo, bạn đọc quay lưng…", không còn là việc riêng của tờ Văn nghệ, thậm chí đây cũng không là việc riêng của Ban lãnh đạo Hội Nhà văn nữa, mà là mối quan tâm sâu sắc của tất cả những ai có tấm lòng với văn chương nghệ thuật nước nhà.
Để làm được việc này, báo Văn Nghệ cần một điều cơ bản, là PHI CHÍNH TRỊ văn học nghệ thuật. Nói "Phi chính trị", trong tình hình đất nước hiện nay, với thói quen nhìn việc gì cũng bằng con mắt cảnh giác chính trị, nên rất có thể bị hiểu là nhằm chống đối, đi ngược lại sự chỉ đạo đường lối của đảng, nhà nước. Ý của tôi, phi chính trị, nghĩa là nghệ thuật chỉ vị nghệ thuật, và vị nhân sinh thôi. Nhà văn chỉ lo viết văn hay, báo chỉ đăng những sáng tác hay. Báo không đăng, nhà văn cũng không viết tác phẩm nhằm để ngợi ca hay chống đối. Điều gọi là "chính trị", nếu có tồn tại trong mỗi tác phẩm, thì đó là: tư tưởng - chính trị - nhân văn, chính trị - yêu nước thương nòi chân chính.
Và để làm được việc này, trước mắt báo Văn Nghệ cần có một ekip làm báo với quan điểm nghệ thuật văn/báo mới, một vị Tổng biên tập mới.
Thuận theo ý kiến của nhiều hội viên, Văn nghệ nên mời nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU trở lại báo, làm Tổng biên tập. Tôi tin với tài văn, tài làm báo đã được kiểm chứng qua các tờ báo mà ông gióng dựng, biên tập, như tờ An ninh cuối tháng, Nghệ thuật mới, nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU sẽ làm hay, làm tốt.
Trong trường hợp Ban lãnh đạo Hội Nhà văn "SỢ" nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU, vì lý do đặc biệt nào đó, thì mời các nhà văn khác. Chắc hẳn Hội còn các nhà văn đủ tầm/tài và kinh nghiệm làm báo, như nhà văn NGUYỄN QUANG LẬP, NGUYỄN TRỌNG TẠO, TRẦN QUANG QUÝ...Vẫn biết các nhà văn này đã nghỉ hưu, song thiết nghĩ, nếu Ban lãnh đạo Hội Nhà văn có tinh thần cầu hiền, trân trọng mời thì vì sự phát triển của nền văn học, vì tờ Văn nghệ thiêng liêng, rất có thể các nhà văn lại một lần tái xuất.
Câu hỏi cuối cùng cần đặt đặt ra, là : Ban lãnh đạo Hội Nhà văn có thực tâm muốn cứu báo Văn nghệ không?
ĐTK
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét