Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Họ chưa từng xứng đáng là đại biểu Quốc hội của dân



Mạnh Quân
(Dân trí) - Với vụ bà Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu Quốc hội bị truy tố và vẫn đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử, tính đến nay, đã có ít nhất 3 đại biểu Quốc hội bị đình chỉ chức vụ, truy tố.

Phiên tòa xét xử cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm về tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" vẫn chưa kết thúc. Nhưng với những lời khai, sự thừa nhận trước tòa của bà Nga đã cho thấy, bà này không chỉ cố ý lừa dân mà đã tìm mọi cách để có cái danh "ĐBQH" để tiếp tục lừa dân.

Như thông tin nêu trong cáo trạng, bà Châu Thị Thu Nga đã lừa người dân góp vốn vào dự án chung cư B5 Cầu Diễn Hà Nội (do Công ty Housing Group do bà này làm Chủ tịch làm chủ đầu tư), chiếm đoạt số tiền lên tới 348 tỷ đồng và không có khả năng hoàn trả.

Khá nhiều người dân đã đóng tiền vào dự án trên để mua nhà đều cho biết, họ tin tưởng bà Nga là ĐBQH thì chắc không bao giờ lại đi lừa dân. Bởi ngay cả trong danh sách người mua nhà, cũng có không ít người có chức vụ, vai vế.

Nhưng với điều bà Châu Thị Thu Nga khai là đã dùng số tiền tương đương 1,5 triệu USD để "chạy" vào làm ĐBQH thì nếu điều này là đúng, nếu cơ quan điều tra khẳng định được thì cũng rất logic. Bà Nga không phải phấn đấu làm ĐBQH vì dân mà bà ta đã cố gắng đạt được điều đó chỉ để lừa đảo, làm hại người dân để làm giàu cho cá nhân mình. Và đương nhiên, nếu đúng thế, bà Nga chưa từng đáng được coi là ĐBQH thực sự của dân.

Đáng tiếc là ngay trong phiên tòa xử bà Nga cuối tuần trước, khi bà Nga xin khai cách thức để "chạy" làm ĐBQH thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà ta không khai để cơ quan điều tra làm rõ việc đó, ở một vụ án khác.

Mặc dù có nhiều luật sư cho rằng, điều này không hợp lý, nhưng có thể chủ tọa phiên tòa cũng có căn cứ, lý lẽ của mình và người dân cũng mong rằng, cơ quan điều tra, tòa án sẽ xác minh việc đó đầy đủ.

Dù thế nào đi nữa, chắc chắn, bà Nga- người đã mang danh đại biểu Quốc hội sẽ phải chịu hình phạt khắc nghiệt của luật pháp với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" ngay trong tuần này.

Trước bà Nga, đã từng có ít nhất 2 đại biểu Quốc hội đã từng vướng vào vòng lao lý, cũng liên quan đến các vụ án về kinh tế.

Trước đây, nguyên ĐBQH đoàn TPHCM, ông Lê Minh Hoàng cũng đã bị truy tố, xử án tù về tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất và buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty Điện lực TP.HCM và Công ty Linkton Vina.

Một cựu ĐBQH khác nữa là ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình khóa Quốc hội XI, đã bị bãi miễn tư cách ĐBQH vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi thành công vụ.

Gần hơn nữa là ông Trịnh Xuân Thanh- người đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra, cũng đã qua vòng bầu cử nhưng không được công nhân tư cách Đại biểu Quốc hội do bị phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kể từ thời kỳ còn làm lãnh đạo PVC cho đến khi được đưa về làm tại Bộ Công Thương và luân chuyển về UBND tỉnh Hậu Giang.

Tất cả những người này, với những sai phạm như vậy, không xứng đáng làm ĐBQH dù chỉ là một ngày. Nhưng cách nào khiến họ vượt qua được tất cả quá trình bầu cử để đủ điểm trở thành người đại diện cho cử tri?

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những người vậy, dù có thể đúng quy trình nhưng không đủ tiêu chuẩn.

Nhưng làm sao "không đủ tiêu chuẩn" mà vẫn được đưa vào quy trình xem xét, bầu cử, rồi trúng cử để rồi làm những điều hại dân, hại nước, có người còn lợi dụng quy trình đó, để kiếm cái mác ĐBQH để che dấu, lừa dân thì đó là cả vấn đề lớn. Thiết nghĩ, qua các vụ việc này, các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Quốc hội... càng phải xem xét, rà soát lạị, đảm bảo có một quy trình chặt chẽ hơn nữa để những người "không đủ tiêu chuẩn" đó vượt qua.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: